Pages

Thứ Hai, 9 tháng 12, 2024

Bài Tham khảo nghiên cứu phát triển du lịch bền vững tại Bình Thuận cho Lớp TC 240 Lý Luận Chính Trị HVCB TP HCM

1. MỞ ĐẦU 

Du lịch là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, giao lưu văn hóa và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, phát triển du lịch bền vững trở thành một yêu cầu cấp thiết, không chỉ vì lợi ích kinh tế mà còn nhằm bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng.

Bình Thuận, với hệ thống tài nguyên thiên nhiên và văn hóa phong phú, nổi bật là các bãi biển dài thơ mộng, những di tích văn hóa Chăm-pa và nhiều làng nghề truyền thống, đang khẳng định vị thế là một trung tâm du lịch lớn của Việt Nam. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của ngành du lịch cũng đặt ra nhiều thách thức, như ô nhiễm môi trường, sự quá tải hạ tầng và hạn chế về nhân lực.

Thực hiện chương trình học tập của lớp Trung cấp chính trị hệ không tập trung TC240 (Học viện) và Quyết định số 1219-QĐ/HVCB ngày 19/12/2024 của Học viện cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh về việc cử học viên và giảng viên đi nghiên cứu thực tế lớp Trung cấp lý luận chính trị TC240 (Học viện) tham gia nghiên cứu thực tế tại Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận và Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Thuận với chủ đề “công tác phát triển du lịch bền vững tại tỉnh Bình Thuận” phù hợp với điều kiện phát triển của du lịch tỉnh Bình Thuận hiện nay, đồng thời kiến nghị một số giải pháp khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của ngành lu lịch nhằm đưa du lịch tỉnh Bình Thuận phát triển nhanh, mạnh và bền vững trong thời gian sắp tới.

2. NỘI DUNG CHÍNH

2.1. Cơ sở lý luận và thực tiễn

2.1.1. Cơ sở lý luận

- Khái niệm Du lịch

Theo luật Du lịch năm năm 2017: 

+ Du lịch là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên trong thời gian không quá 01 năm liên tục nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí, tìm hiểu, khám phá tài nguyên du lịch hoặc kết hợp với mục đích hợp pháp khác.

+ Hoạt động du lịch là hoạt động của khách du lịch, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch và cơ quan, tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư có liên quan đến du lịch.

+ Phát triển du lịch bền vững là sự phát triển du lịch đáp ứng đồng thời các yêu cầu về kinh tế - xã hội và môi trường, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia hoạt động du lịch, không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu về du lịch trong tương lai.

+ Những nhân tố tác động đến phát triển du lịch bền vững: Trước tiên là gìn giữ, tôn tạo, bảo vệ nguồn tài nguyên du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái trong hoạt động du lịch; đây là tiền đề, điều kiện quan trọng để phát triển du lịch bền vững. Sự tham gia của cộng đồng (cư dân địa phương, cơ sở kinh doanh du lịch, du khách). Phát triển cơ sở hạ tầng, vật chất phục vụ du lịch. Chất lượng dịch vụ (nguồn nhân lực, sản phẩm du lịch,…).

- Quan điểm của Đảng về phát triển du lịch

Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Nêu ra quan điểm chỉ đạo sau:

Một là, Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác, nhưng không nhất thiết địa phương nào cũng xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn.

Hai là, Phát triển du lịch thực sự là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh cao; xã hội hóa cao và có nội dung văn hóa sâu sắc; tăng cường liên kết trong nước và quốc tế, chú trọng liên kết giữa ngành Du lịch với các ngành, lĩnh vực khác trong chuỗi giá trị hình thành nên các sản phẩm du lịch.

Ba là, Phát triển đồng thời cả du lịch quốc tế và du lịch nội địa; tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân và du khách quốc tế tham quan, tìm hiểu, khám phá cảnh quan, di sản thiên nhiên và văn hóa của đất nước; tôn trọng và đối xử bình đẳng đối với khách du lịch từ tất cả các thị trường.

Bốn là, Phát triển du lịch bền vững; bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; bảo vệ môi trường và thiên nhiên; giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm và an sinh xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Năm là, Phát triển du lịch là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, của toàn xã hội, có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy đảng; phát huy mạnh mẽ vai trò động lực của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; tập trung nguồn lực quốc gia cho phát triển du lịch.

Nghị quyết đã đề ra 8 giải pháp chủ yếu phát triển du lịch bao gồm: (1) Đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch; (2) Cơ cấu lại ngành Du lịch bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững theo quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế; (3) Hoàn thiện thể chế, chính sách; (4) Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành Du lịch; (5) Tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch; (6) Tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch; (7) Phát triển nguồn nhân lực du lịch; (8) Tăng cường năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch.

- Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ về phát triển du lịch bền vững

Ngày 18/5/2023 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Nhằm xác định các nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2023 - 2025 phù hợp với tình hình thực tiễn; Tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong nhận thức và hành động của toàn ngành du lịch, các ngành liên quan, địa phương, doanh nghiệp và người dân để du lịch phát triển trọng tâm, trọng điểm, với phương châm “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch, đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới.

Nghị quyết đã đề ra 7 nhiệm vụ bao gồm: (1) Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành Du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, bền vững; (2) Tiếp tục tạo thuận lợi thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam; (3) Tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các khu du lịch quốc gia; (4) Phát triển sản phẩm và truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch; (5). Hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh du lịch; (6) Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; (7) Đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực du lịch.

- Quan điểm của Đảng bộ và UBND tỉnh Bình Thuận về phát triển du lịch bền vững

Nghị quyết 06-NQ/TU ngày 24/10/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Thuận (khóa XV) về phát triển du lịch đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030  đã nêu rõ quan điểm. “Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có nội dung văn hóa sâu sắc, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa và hội nhập quốc tế cao, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội; ưu tiên phát triển du lịch chuyên nghiệp, bền vững, an toàn, gắn với bảo vệ môi trường, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc”.

Mục tiêu chung: Thu hút du khách đến tỉnh Bình Thuận nhiều hơn, thời gian lưu trú dài ngày hơn, chi tiêu nhiều hơn, quay trở lại nhiều lần hơn. Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là một trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nâng cao tính chuyên nghiệp, đảm bảo dịch vụ du lịch chất lượng, đa dạng, đặc sắc, bền vững và an toàn; giữ vững và phát triển thương hiệu của hệ thống cơ sở du lịch hiện có; xây dựng Khu du lịch quốc gia Mũi Né trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, tạo động lực lan tỏa tới các khu vực khác trong tỉnh.

Ngày 29/5/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 1114/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án Đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch tỉnh Bình Thuận đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, với quan điểm sử dụng hợp lý hiệu quả tài nguyên du lịch theo hướng bền vững, bảo tồn, phát triển tài nguyên du lịch và môi trường, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, vùng miền. Đây được xem như lộ trình “xanh hóa” của du lịch Bình Thuận gắn với việc khai thác tiềm năng, lợi thế để xây dựng sản phẩm phục vụ du lịch.

2.1.2. Cơ sở thực tiễn

- Tổng quan về điều kiện tự nhiên, văn hóa xã hội tỉnh Bình Thuận

+ Bình Thuận là tỉnh cực nam Trung bộ; phía Đông Bắc giáp tỉnh Ninh Thuận, phía Bắc và Tây bắc giáp tỉnh Lâm Đồng, phía Tây giáp tỉnh Đồng Nai, phía Tây nam giáp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, phía Đông và Đông nam giáp biển Đông.  Về khí hậu, tỉnh Bình Thuận nằm trong khu vực có vùng khô hạn, khí hậu nhiệt đới gió mùa điển hình nhiều nắng, nhiều gió, không có mùa Đông. Tỉnh Bình Thuận gồm có 1 thành phố, 1 thị xã và 8 huyện (trong đó có 1 huyện đảo). Toàn tỉnh hiện có 127 xã, phường, thị trấn; trong đó có 19 phường, 12 thị trấn và 96 xã. Dân số năm 2024 khoảng 1.360.000 người, có bờ biển dài 192 km và 4 cửa biển lớn. Diện tích vùng lãnh hải 52.000 km2, là một trong 3 ngư trường lớn nhất Việt Nam giàu nguồn lợi về các loại hải sản có giá trị kinh tế cao. Những bãi biển thoải dài, có các đảo, cù lao ven bờ, ngoài khơi có đảo Phú Quý. Tài nguyên biển phong phú đa dạng tạo thuận lợi để Bình Thuận phát triển kinh tế biển. 

+ Bình Thuận có khí hậu khá ôn hòa, quanh năm nắng ấm, điều kiện khí hậu thuận lợi cho phát triển nông, lâm, thủy sản. Tài nguyên đất đa dạng về chủng loại, đất đai và thổ nhưỡng thích hợp với nhiều loại cây công nghiệp, cây ăn trái. Tài nguyên biển có nguồn thủy sản trữ lượng lớn, phong phú, thuận lợi phát triển kinh tế biển. Tài nguyên rừng có diện tích lâm nghiệp lớn, rừng quốc gia đa dạng sinh học.

Tuy nhiên khí hậu phân hóa theo mùa, gây nên tình trạng thiếu nước về mùa khô. Hệ thống thủy văn dốc, hạn chế đến khả năng điều tiết nguồn nước; Đất nghèo dinh dưỡng, bị xói mòn chiếm diện tích lớn. Chịu tác động mạnh của thủy triều và bị xâm nhập mặn, gây xói lở do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu.

- Tiềm năng phát triển du lịch bình thuận

+ Về tiền năng thiện nhiên: Với thắng cảnh tự nhiên chạy dọc theo 192 km bờ biển và nhiều hòn đảo lớn nhỏ hoang sơ trong vùng lãnh hải 52.000 km2, cùng với đó là hàng loạt dự án về hạ tầng cơ sở, giao thông sẽ là cơ hội tuyệt vời để ngành du lịch Bình Thuận phát triển. Là tỉnh ven biển cực Nam Trung Bộ, Bình Thuận là cửa ngõ giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội với các địa phương vùng Đông Nam Bộ, các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Bình Thuận cũng là giao điểm nối liền với các trung tâm du lịch lớn của khu vực phía nam như Nha Trang, Đà Lạt, TPHCM, Bà Rịa-Vũng Tàu… Đặc biệt, thiên nhiên ưu ái ban tặng cho Bình Thuận 192 km bờ biển cùng nhiều bãi biển đẹp, cảnh quan thơ mộng, môi trường trong lành cùng với đó là các di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia và nhiều lễ hội văn hóa truyền thống đặc sắc. Đây là tiềm năng to lớn để Bình Thuận phát triển kinh tế - xã hội nói chung và ngành du lịch nói riêng.

+ Về đầu tư bài bản về cơ sơ hạ tầng đồng bộ, bài bản: Bên cạnh những tiềm năng thiên nhiên sẵn có, Bình Thuận đã và đang triển khai hàng loạt cơ sở hạ tầng về giao thông, khu du lịch nghỉ dưỡng quy mô để tạo đà cho kinh tế và du lịch của tỉnh cất cánh. Đối với các dự án cao tốc được Trung ương đầu tư đã hoàn thành đưa vào sử dụng như: Dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây dài 99 km, mặt đường rộng hơn 32 m, quy mô 4 làn xe, vận tốc 120 km/h được khởi công tháng 9/2020 hoàn thành 30/4/2023, có vốn đầu tư hơn 12.500 tỷ đồng. Dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài 100 km, mặt đường rộng hơn 24 m, quy mô 4 làn xe, vận tốc 90 km/h được khởi công tháng 9/2020 hoàn thành 19/6/2023, Dự án có vốn đầu tư hơn 11.800 tỷ đồng; Dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo dài 76 km, mặt đường rộng hơn 24 m, quy mô 4 làn xe, vận tốc 90 km/h được khởi công tháng 9/2020 hoàn thành 30/4/2024, Dự án có vốn đầu tư hơn 7.600 tỷ đồng; Đối với các dự án giao thông do tỉnh đầu tư kết nối với hệ thống cao tốc đang dần hoàn thiện. Các tuyến đường này có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của Bình Thuận và các vùng lân cận. Khi hoàn thành, tuyến cao tốc này sẽ giúp rút ngắn khoảng cách và thời gian di chuyển từ TPHCM đến trung tâm du lịch Phan Thiết. Cao tốc cũng sẽ kết nối với sân bay Long Thành, giúp cho du khách từ sân bay quốc tế về Phan Thiết thuận tiện và nhanh chóng hơn, tạo nên trục giao thông liền mạch giữa TPHCM - Long Thành - Phan Thiết. Ngoài ra, tỉnh Bình Thuận đã hoàn tất thủ tục đầu tư và đang xúc tiến hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, tiến tới giai đoạn chuẩn bị khởi công. Khi hoàn thành, sân bay Phan Thiết là động lực phát triển kinh tế-xã hội của toàn vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Riêng với thị trường du lịch, sân bay Phan Thiết sẽ rút ngắn khoảng cách di chuyển từ các tỉnh miền Bắc nhờ đường bay thẳng. Sân bay này hoàn thành cũng là một cú hích, mang một lượng lớn khách du lịch đến trải nghiệm tại các dự án đô thị du lịch trên địa bàn tỉnh, đơn cử như NovaWorld Phan Thiết-siêu thành phố biển du lịch sức khoẻ có quy mô đến 1.000 ha, góp phần ghi dấu Bình Thuận trên bản đồ thế giới và khu vực. Mặt khác, hàng loạt các cơ sở lưu trú, khu nghỉ dưỡng du lịch cao cấp của tỉnh đã và đang được đưa vào khai thác cũng như triển khai sẽ làm tiền đề cho kinh tế - du lịch của tỉnh phát triển nhanh. Đến nay toàn tỉnh có 382 dự án đầu tư du lịch (trong đó có 188 dự án đã đi vào hoạt động kinh doanh) với tổng vốn đăng ký 70.000 tỷ đồng, tổng diện ích đất 6.300 ha, có hơn 600 cơ sở lưu trú đang hoạt động kinh doanh với 17.500 phòng; 550 căn hộ và 315 biệt thự cho thuê, đảm bảo phục vụ đa dạng các dòng du khách vào cùng một thời điểm.

Với tất cả những tiềm năng và cơ hội nêu trên, định hướng chiến lược là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; xây dựng Khu du lịch quốc gia Mũi Né trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ là mục tiêu rất gần của tỉnh Bình Thuận.

+ Về nhân sự ngành du lịch: Hiện nay toàn tỉnh Bình Thuận khoảng 25.000 lao động ngành du lịch, trong đó, khoảng 70% lao động đã được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về du lịch. Ngoài ra, ngành du lịch Bình Thuận chủ động liên kết với các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp, các trường để đào tạo đội ngũ nhân sự đáp ứng du lịch trong thời gian sắp tới.

- Sự phát triển và đóng góp ngành du lịch cho phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Thuận.

Từ một tỉnh không có trên bản đồ du lịch Việt Nam và Thế Giới với những con số rất khiêm tốn như năm 1995, khi tổng lượng khách đến tỉnh chỉ có 53.000 lượt, trong đó khách quốc tế là 5.300 lượt, doanh thu là 30,66 tỷ đồng. Đến năm 2023, tổng lượng khách du lịch khoảng 8,35 triệu lượt, trong đó khách quốc tế 274.000 lượt, doanh thu từ hoạt động du lịch đạt hơn 22.300 tỷ đồng; 10 tháng năm 2024, lượng khách du lịch ước đạt khoảng 8 triệu lượt khách, đạt 83,46% kế hoạch năm, tăng 13,49 % so với cùng kỳ năm trước. Trong đó khách quốc tế ước đạt 312.806 lượt khách, đạt 97,75% kế hoạch năm, tăng 46,04% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu ước đạt 21.240,9 tỷ đồng, đạt 83,3% kế hoạch năm, tăng 13,98% so với cùng kỳ năm trước.​

Để tiếp tục phát huy lợi thế của ngành du lịch và đóng góp lớn hơn nữa vào sự phát triển bền vững UBND tỉnh Bình Thuận ban hành Quyết định số 1114/QĐ-UBND ngày 29/5/2024 phê duyệt Đề án Đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch tỉnh Bình Thuận đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của điểm đến du lịch Bình Thuận trên cơ sở đảm bảo một số nguyên tắc: Phát huy tối đa các lợi thế tiềm năng về tự nhiên và văn hóa; hài hòa trong xây dựng, phát triển loại hình, sản phẩm du lịch. Phát huy tính trải nghiệm, tăng tính hấp dẫn đáp ứng nhu cầu đa dạng của các thị trường khách du lịch trong từng loại hình, sản phẩm; phát triển loại hình, sản phẩm theo lộ trình, có tính ưu tiên, bảo đảm tính khả thi, cân đối giữa cung và cầu trong du lịch; đầu tư có trọng tâm trọng điểm, phát huy tính đặc trưng của tỉnh Bình Thuận; sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên du lịch theo hướng bền vững, bảo tồn, phát triển tài nguyên du lịch và môi trường, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, vùng miền,…Phấn đấu đến năm 2025, đa dạng hóa loại hình, sản phẩm du lịch cơ bản. Tạo sản phẩm du lịch chuyên đề: Du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, sinh thái biển - rừng - đồi cát (thể thao biển, thể thao trên cát,…). Từng bước mở rộng thị trường, tăng lượng khách du lịch lên 11.400.000 người vào năm 2025,  trong đó, khách quốc tế chiếm 10%. Doanh thu du lịch đạt trên 24.600 tỷ đồng; đóng góp vào GRDP của tỉnh 10%,…trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. 

2.2. Thực trạng công tác phát triển du lịch bền vững tại Bình Thuận

Là một tỉnh ven biển, khí hậu quanh năm nắng ấm, nhiều bãi biển sạch đẹp, cùng những dãi cát trắng tinh, xa tận, thẳng tấp làm mê say du khách trong và ngoài nước; Bình Thuận thu hút du khách không chỉ bởi cảnh quan tự nhiên, thơ mộng và yên bình như chính tên gọi của nó mà còn với nền văn hóa đa dạng, phong phú về lễ hội và các môn thể thao biển hấp dẫn. Chính vì những lợi thế đó, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định Du lịch là một trong 03 trụ cột cần tập trung phát triển bên cạnh công nghiệp và nông nghiệp. 

Khai thác du lịch gắn với phát triển bền vững luôn được xác định trong chiến lược phát triển du lịch của tỉnh Bình Thuận. Nghị quyết 06-NQ/TU ngày 24/10/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Thuận (khóa XV) về phát triển du lịch đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 đã xác định ưu tiên phát triển du lịch chuyên nghiệp, bền vững, an toàn, gắn với bảo vệ môi trường, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc. Nâng cao khả năng cạnh tranh của du lịch Bình Thuận là định hướng chiến lược quan trọng để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và là trụ cột kinh tế của tỉnh. 

Bằng sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, sự phối hợp các cấp các ngành, cùng sự chủ động cố gắng của mình, ngành du lịch Bình Thuận đã đạt được những thành công lớn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của Bình Thuận theo hướng tiến bộ, giải quyết nhiều công ăn việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo. Du lịch phát triển đã làm thay đổi bộ mặt đô thị và nông thôn, hạ tầng giao thông, điện, nước, thông tin liên lạc phục vụ du lịch cũng góp phần nâng cao đời sống tinh thần của Nhân dân. Mặt khác, du lịch phát triển đã góp phần gìn giữ, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, các tài nguyên thiên nhiên, làm đẹp thêm cảnh quan và cải thiện môi trường... và góp phần nâng cao trình độ dân trí. Du lịch Bình Thuận đã phát triển mạnh mẽ, trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước. Vai trò, vị trí của du lịch trong cơ cấu kinh tế của tỉnh ngày càng nâng lên, thể hiện ngày càng rõ nét là ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh, góp phần quan trọng trong việc khai thác có hiệu quả tài nguyên đất đai, lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của Bình Thuận.  

Năm 2023, Bình Thuận đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia với chủ đề "Bình Thuận – Hội tụ xanh" cũng thể hiện rõ quyết tâm, định hướng phát triển du lịch xanh, bền vững của tỉnh. Là ngành kinh tế tổng hợp, các hoạt động trong Năm Du lịch quốc gia hướng đến sản phẩm xanh, năng lượng sạch, tạo ra môi trường thân thiện và an toàn đến sức khỏe, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; hướng đến một nền tăng trưởng xanh, phát triển du lịch bền vững. Hơn thế nữa, du lịch phát triển sẽ góp phần thúc đẩy các ngành khác cùng phát triển, giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm và an sinh xã hội của tỉnh Bình Thuận.

Qua gần 30 năm hình thành và phát triển, du lịch nghỉ dưỡng biển vẫn là thế mạnh của Tỉnh, lấy môi trường biển làm trọng tâm để phát triển các sản
phẩm du lịch phục vụ khách du lịch như: thể thao biển, du lịch dã ngoại, cắm trại,.. cùng với khai thác các tài nguyên du lịch đặc sắc: đồi cát, trò chơi trên cát, golf, du lịch văn hóa, MICE,… đã thu hút khách đến với tỉnh. 

Song song đó, Bình Thuận đang phát triển các dòng sản phẩm du lịch “xanh”, gắn hoạt động du lịch với gìn giữ và phát huy các giá trị tài nguyên và bảo vệ môi trường. Các sản phẩm du lịch ngày càng phong phú, hấp dẫn hơn, chất lượng được nâng lên. Bên cạnh đó, du lịch sinh thái dựa trên cơ sở khai thác các tiềm năng du lịch: Hồ, thác, khu bảo tồn, du lịch cộng đồng… đang phát triển cùng với các khu vui chơi, giải trí mới, hấp dẫn đã đa dạng sản phẩm, góp phần phát triển du lịch bền vững.

Các sản phẩm du lịch của Bình thuận ngày càng phong phú (như: du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, tham quan, du lịch kết hợp huấn luyện Team building, du lịch dã ngoại, cộng đồng), hấp dẫn hơn, chất lượng được nâng lên. Đã hình thành một số sản phẩm, điểm du lịch mới như: Tour “Huyền thoại làng chài” (Fishermen show), Bảo tàng nước mắm Làng Chài Xưa, điểm tham quan vườn thanh long, Thanh Minh tự, Lâu đài rượu vang, Bãi biển Bikini, công viên giải trí Circus Land, công viên nước Wonderland Water Park, công viên khủng long Dino Park, Safari Café, Wonder Hill, Mango Beach… góp phần làm đa dạng các sản phẩm du lịch.  Đặc biệt, tuyến du lịch ra đảo Phú Quý thu hút nhiều du khách đến khám phá, trải nghiệm. Bên cạnh đó, du lịch sinh thái dựa trên cơ sở khai thác các tiềm năng du lịch: Hồ, thác, khu bảo tồn, vườn trái cây, vườn thanh long… bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định, hình thành được tour, tuyến du lịch. Loại hình du lịch nghỉ dưỡng biển vẫn là điểm nổi bật trong phát triển du lịch của Bình Thuận. Du lịch Bình Thuận với biển xanh - cát trắng - nắng vàng đã vươn xa, trở thành điểm đến an toàn, thân thiện và tin tưởng của du khách từ khắp nơi trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, nhờ có khí hậu ôn hòa, ít mưa bão, Bình Thuận đã thu hút một lượng lớn khách Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc và một số nước Bắc Âu đến tỉnh du lịch kết hợp tránh đông. 

Bên cạnh đó, công tác giữ gìn, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích, di sản văn hóa, lịch sử, danh lam, thắng cảnh hiện có trên địa bàn tỉnh được quan tâm. Đội ngũ cán bộ, nhân viên trong lĩnh vực du lịch - dịch vụ và cộng đồng dân cư thực hiện nếp sống văn minh, ứng xử lịch sự, mến khách; phong trào “giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng môi trường du lịch xanh, sạch, đẹp, thân thiện” được phát huy. Ngoài ra, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thường xuyên tổ chức khảo sát các tour, tuyến, sản phẩm du lịch và chiến dịch truyền thông theo chủ đề, định vị thương hiệu du lịch Bình Thuận để xây dựng và phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch, các tour tuyến tham quan mới lạ, hấp dẫn tại các địa phương mời gọi khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm (thác 9 tầng xã Đa Mi, hồ Đa Mi và Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy huyện Hàm Thuận Bắc, cung đường rừng Tà Năng - Phan Dũng, vườn táo, vườn nho và Cù lao Câu huyện Tuy Phong, các địa điểm có tiềm năng, hấp dẫn, phù hợp với tiêu chí xây dựng sản phẩm Du lịch xanh, các làng nghề truyền thống và ẩm thực tại Thành phố Phan Thiết và huyện Hàm Thuận Nam, Khu du lịch sinh thái Thác Bà huyện Tánh Linh, các địa điểm tham quan có tiềm năng phát triển du lịch tại huyện Đức Linh và huyện Phú Quý).

Thương hiệu Du lịch Mũi Né - Phan Thiết đã định vị được trên bản đồ du lịch quốc tế được nhiều tạp chí có uy tín bình chọn, công nhận là điểm đến lý tưởng với gần 700 cơ sở lưu trú đạt chuẩn, gần 1.000 căn hộ, biệt thự du lịch và khoảng 400 cơ sở ăn uống, mua sắm và các dịch vụ thể thao, vui chơi giải trí khác. Cùng với môi trường đầu tư thông thoáng đã thu hút mạnh các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia đầu tư kinh doanh du lịch tại Bình Thuận. Cơ sở vật chất, dịch vụ phục vụ du lịch phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng. Các loại hình, sản phẩm du lịch, dịch vụ du lịch ngày càng phong phú, hấp dẫn. Đặc biệt khi 02 đoạn cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, Phan Thiết - Vĩnh Hảo đi vào hoạt động cũng như việc đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2023 đã góp phần thu hút lượng lớn khách du lịch nội địa đến du lịch tại Bình Thuận. Các chỉ tiêu du lịch tăng trường ổn định, đạt và vượt Kế hoạch đề ra.

 Nếu như năm 1995, tổng lượng khách đến tỉnh chỉ có 53.000 lượt, trong đó khách quốc tế là 5.300 lượt, doanh thu là 30,66 tỷ đồng, thì đến nay, dự ước trong 10 tháng năm 2024, lượng khách du lịch ước đạt khoảng 8 triệu lượt khách, đạt 83,46% kế hoạch năm, tăng 13,49 % so với cùng kỳ năm trước. Trong đó khách quốc tế ước đạt 312.806 lượt khách, đạt 97,75% kế hoạch năm, tăng 46,04% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu ước đạt 21.240,9 tỷ đồng, đạt 83,3% kế hoạch năm, tăng 13,98% so với cùng kỳ năm trước.​

2.3. Một số định hướng giải pháp phát triển du lịch bền vững tại Bình Thuận

Trong thời gian tới, để thúc đẩy lượng du khách và doanh thu dịch vụ du lịch phát triển bền vững, du lịch Bình Thuận sẽ tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp sau: 

1. Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của xã hội về du lịch. Qua đó, tạo sự đồng thuận, tham gia tích cực của toàn xã hội và đồng thời, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp, cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị về phát triển du lịch; Hoàn thiện hệ thống nội quy, quy chế, quy định cụ thể về bảo vệ môi trường tại các khu, điểm du lịch. Xây dựng quy chế quản lý khách du lịch, nội quy lễ hội, các bộ quy tắc ứng xử..., tuyên truyền để du khách tôn trọng và có thái độ đúng nhằm bảo vệ môi trường, xã hội, truyền thống của cộng đồng khi tham gia hoạt động du lịch. Đôn đốc, giám sát thường xuyên các cơ sở thực hiện đầy đủ các quy định, quy chế bảo vệ môi trường trong các hoạt động du lịch; Tổ chức thực hiện tốt công tác tuyên truyền pháp luật, chính sách về phát triển du lịch bền vững đến các nhà đầu tư, du khách và mọi người dân trên địa bàn du lịch. Nhà nước cần quản lý chặt chẽ việc cấp phép và hoạt động của các cơ sở kinh doanh du lịch, việc tổ chức và tham gia các hoạt động du lịch, các sự kiện văn hóa, du lịch; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc sử dụng, bảo vệ tài nguyên, bảo vệ môi trường; thực hiện nghiêm quy định về khảo sát, đánh giá tác động môi trường khi đầu tư dự án du lịch; kiên quyết xử lý các dự án phát triển du lịch vi phạm các quy định trong những lĩnh vực này. Tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, các cấp, các đối tượng tham gia kinh doanh dịch vụ du lịch, khách du lịch, cộng đồng dân cư trong nỗ lực chung để bảo vệ môi trường cho phát triển du lịch.

2. Đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ trong ngành du lịch. Khuyến khích các doanh nghiệp đưa sản phẩm du lịch lên các nền tảng công nghệ số, tăng cường tương tác với du khách, kịp thời nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của du khách để xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp. Tăng cường các hoạt động quản lý nhà nước trong hoạt động bảo đảm phát triển du lịch theo hướng bền vững. Bao gồm việc thực hiện các hoạt động truyền thông phổ biến luật pháp và chính sách phát triển du lịch bền vững, tăng cường việc kiểm tra các hoạt động kinh doanh du lịch nhằm quản lý và bảo vệ tài nguyên môi trường. Cần tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành, cơ quan quản lý và các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực du lịch cùng chung tay bảo vệ môi trường. Đồng thời, việc đánh giá và đo lường mức độ ảnh hưởng do hoạt động du lịch gây đối với tài nguyên và môi trường là một vấn đề quan trọng. Việc hợp tác chặt chẽ quản lý du lịch cùng các ngành liên quan nhằm giảm thiểu sự cố và ngăn ngừa ô nhiễm môi trường. Kiểm soát chặt chẽ và có những biện pháp hạn chế tác động của các hoạt động kinh tế trong những lĩnh vực khác (xây dựng, giao thông, công nghiệp, nông nghiệp...) đến môi trường tại các khu, điểm du lịch. Nghiên cứu, xác định giới hạn áp lực của hoạt động du lịch lên tài nguyên, môi trường; theo dõi, kiểm tra thường xuyên việc sử dụng tài nguyên, tránh sử dụng quá mức gây nguy cơ cạn kiệt, suy giảm hoặc xuống cấp nghiêm trọng. Phối hợp kịp thời giữa cơ quan quản lý chuyên ngành về du lịch với các cơ quan, các ngành chức năng liên quan trong việc khắc phục sự cố, tình trạng suy thoái, xuống cấp của tài nguyên du lịch

3. Ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng tại các địa bàn trọng điểm phát triển du lịch và có tiềm năng phát triển du lịch, phù hợp với quy hoạch và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đầu tư bảo vệ, tôn tạo tài nguyên, môi trường tại các khu, điểm du lịch. Phát triển hệ thống bãi đỗ xe, nhà vệ sinh công cộng phù hợp với hiện trạng khu điểm du lịch. Triển khai có hiệu quả “Đề án Phát triển kinh tế đêm tại tỉnh Bình Thuận đến năm 2030”, kêu gọi đầu tư xây dựng để sớm đưa bến thủy nội địa - bến cảng du thuyền vào khai thác nhằm mở ra các tuyến du lịch mới nội tỉnh hay liên vùng, có sức hấp dẫn cao.

4. Phát triển sản phẩm du lịch và nâng cao chất lượng dịch vụ. Vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định Phê duyệt Đề án Đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch tỉnh Bình Thuận đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, Sở đã tham mưu Kế hoạch triển khai thực hiện và hiện đang lấy ý kiến các ngành để hoàn thiện trình UBND tỉnh.  

5. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và thị trường lao động du lịch bền vững. Đào tạo, bồi dưỡng cho cộng đồng dân cư trở thành đội ngũ quảng bá, giới thiệu hình ảnh du lịch của địa phương đến với du khách, hướng tới mỗi người dân là một đại sứ du lịch; Phát triển và thực hiện chiến lược nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu thị trường và đáp ứng sự phát triển của ngành Du lịch. Nâng cao chất lượng tuyển dụng nhân lực cho hệ thống quản lý và lao động toàn ngành Du lịch bảo đảm đáp ứng yêu cầu chất lượng nhân lực phù hợp với các yêu cầu thị trường. Hoàn thiện pháp luật và chính sách liên quan về tuyển dụng, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch. Tạo điều kiện thuận lợi khuyến khích các tổ chức phi chính phủ và doanh nghiệp liên kết với các cơ sở đào tạo nhằm tổ chức đào tạo ngắn hạn. Tăng cường công tác giáo dục cộng đồng và mở các khóa bồi dưỡng cập nhật kiến thức du lịch phục vụ cộng đồng.

6. Quảng bá, phát triển thương hiệu du lịch Bình Thuận. Phát triển thị trường, tăng cường xúc tiến quảng bá và đẩy mạnh hợp tác quốc tế về du lịch  thông qua việc tổ chức các sự kiện lễ hội, văn hóa, thể dục thể thao đặc thù, đặc sắc,...gắn với du lịch theo hướng kết hợp hài hòa. Liên kết ngành, liên kết vùng miền trong phát triển thị trường. Tham gia các hội chợ, triển lãm du lịch, đổi mới phương thức thông tin, xúc tiến du lịch để nâng cao tính chuyên nghiệp, hiện đại và hấp dẫn cho công tác quảng bá hình ảnh điểm đến của tỉnh.

7. Tiếp tục duy trì, thực hiện công tác đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn cho du khách, chú trọng công tác quản lý giá dịch vụ nhằm duy trì hình ảnh du lịch tỉnh Bình Thuận an toàn, thân thiện, chất lượng.

8. Cuối cùng là hỗ trợ doanh nghiệp du lịch trong hoạt động kinh doanh. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, minh bạch, bình đẳng, thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân kinh doanh du lịch; Thúc đẩy và quản lý hoạt động gọi vốn đầu tư nhằm phát triển du lịch bền vững. Điều này bao gồm việc xây dựng kế hoạch phát triển ngành Du lịch phù hợp với nhu cầu thị trường để nâng cao năng lực thu hút đầu tư của từng địa phương. Đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng bảo đảm vệ sinh môi trường. Tăng cường năng lực kết nối giữa điểm tham quan du lịch và tạo kết nối giữa du lịch và các ngành kinh tế. Việc thu hút đầu tư cho du lịch cần gắn với việc thẩm định và đánh giá năng lực của từng nhà đầu tư, bảo đảm tính hiệu quả và bền vững của từng dự án phát triển du lịch. Hỗ trợ phát triển kinh doanh cho các hộ gia đình và doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào ngành Du lịch, phục hồi và phát triển làng nghề truyền thống, xây dựng khu du lịch làng nghề làm đồ lưu niệm phục vụ du lịch. Tìm kiếm nguồn vốn từ nhiều nguồn, bao gồm ngân sách địa phương, vốn huy động từ doanh nghiệp du lịch, huy động nguồn vốn hợp tác quốc tế nhằm đầu tư phát triển ngành Du lịch.

3. KẾT LUẬN VÀ LIÊN HỆ 

3.1. Một số bài học từ thực tiễn công tác điều hành, quản lý, phát triển du lịch bền vững tại Bình Thuận và liên hệ với thực tiễn tại cơ quan đơn vị Tạp chí Doanh nghiệp Hội nhập:

 Sự quan trọng của chiến lược định hướng phát triển

  • Tại Bình Thuận: Bình Thuận đã xây dựng các chiến lược phát triển du lịch bền vững rõ ràng thông qua các nghị quyết và kế hoạch hành động cụ thể, như Nghị quyết 06-NQ/TU về phát triển du lịch đến năm 2025 và tầm nhìn 2030. Các chính sách đã định hướng phát triển du lịch xanh, bền vững gắn với bảo vệ môi trường và giữ gìn bản sắc văn hóa.

  • Liên hệ tại cơ quan: Việc hoạch định chiến lược tại Tạp chí Doanh nghiệp Hội nhập cần đi theo hướng dài hạn và rõ ràng, ưu tiên phát triển nội dung gắn với xu thế toàn cầu, chẳng hạn như kinh doanh bền vững, năng lượng xanh và đổi mới sáng tạo. Xây dựng kế hoạch biên tập và xuất bản theo từng giai đoạn cụ thể sẽ giúp tạp chí duy trì sức hút và đóng góp ý nghĩa hơn cho cộng đồng doanh nghiệp. 

Huy động sự tham gia của cộng đồng và doanh nghiệp
  • Tại Bình Thuận: Các sáng kiến như phát triển du lịch cộng đồng tại các làng nghề truyền thống (gốm Chăm, sản xuất nước mắm) đã huy động người dân địa phương tham gia vào hoạt động du lịch, qua đó bảo tồn văn hóa và tạo việc làm.

  • Liên hệ tại cơ quan: Cần tăng cường các chương trình hợp tác với cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức hội thảo hoặc tọa đàm để lắng nghe nhu cầu và ý kiến từ độc giả. Điều này giúp tạo ra các nội dung gần gũi hơn, đáp ứng đúng nhu cầu của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.

 Đầu tư vào nguồn nhân lực chất lượng cao

  • Tại Bình Thuận: Nguồn nhân lực là một yếu tố then chốt trong phát triển du lịch bền vững. Bình Thuận đã tập trung đào tạo kỹ năng cho nhân viên ngành du lịch, đặc biệt là ngoại ngữ và kỹ năng quản lý dịch vụ.

  • Liên hệ tại cơ quan: Tạp chí cần chú trọng đào tạo đội ngũ phóng viên, biên tập viên về các kỹ năng mới như phân tích dữ liệu, viết nội dung đa nền tảng và quản lý truyền thông số. Điều này giúp tăng chất lượng các bài viết và đảm bảo sức cạnh tranh trên thị trường báo chí hiện đại.

 Ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số

  • Tại Bình Thuận: Tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quảng bá du lịch, như xây dựng các cổng thông tin trực tuyến và ứng dụng di động giúp du khách dễ dàng tìm hiểu và đặt dịch vụ.

  • Liên hệ tại cơ quan: Tạp chí cần ứng dụng chuyển đổi số trong quy trình xuất bản và quảng bá nội dung. Xây dựng nền tảng đọc báo trực tuyến, tương tác trực tiếp với độc giả thông qua các nền tảng mạng xã hội, sẽ là bước đi quan trọng để nâng cao trải nghiệm người đọc và tăng doanh thu.

 Giữ gìn giá trị văn hóa và môi trường

  • Tại Bình Thuận: Các sáng kiến bảo tồn di sản văn hóa Chăm-pa, lễ hội Ka Tê, và việc giữ gìn môi trường tại các điểm du lịch như Mũi Né đã tạo ấn tượng tích cực với du khách và nâng cao giá trị điểm đến.

  • Liên hệ tại cơ quan: Tạp chí cần phát triển nội dung hướng tới các giá trị bền vững, như các câu chuyện thành công trong việc bảo vệ môi trường hoặc bảo tồn văn hóa trong kinh doanh. Điều này không chỉ mang lại giá trị nội dung mà còn thể hiện trách nhiệm xã hội của tạp chí.

 Sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan

  • Tại Bình Thuận: Sự thành công trong phát triển du lịch bền vững của Bình Thuận đến từ sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng địa phương.

  • Liên hệ tại cơ quan: Tạp chí cần tăng cường liên kết với các tổ chức kinh doanh, hiệp hội ngành nghề và các cơ quan nhà nước để đảm bảo nguồn tin chất lượng và cập nhật nhanh chóng. Điều này cũng giúp nâng cao uy tín của tạp chí trên thị trường.

Tóm lại:

Những bài học từ Bình Thuận không chỉ hữu ích trong phát triển du lịch mà còn mang lại nhiều ý tưởng áp dụng trong công tác điều hành, quản lý tại Tạp chí Doanh nghiệp Hội nhập. Việc kết hợp các chiến lược dài hạn, tận dụng công nghệ và duy trì giá trị bền vững sẽ giúp cơ quan đạt được mục tiêu phát triển và tạo giá trị cộng đồng lâu dài.

3.2. Liên hệ bản thân và kết quả thu được từ hoạt động nghiên cứu thực tế tại đại phương.

Bản thân là nhà báo làm tại tạp chí doanh nghiệp hội nhập – Cơ quan ngôn luận của trung ương hiệp hội nhỏ và vừa việt nam, qua thực tiễn quá trình công tác và thực tiễn công tác điều hành quản lý phát triển du lịch bền vững tại Bình Thuận tôi nhận thấy rằng phát triển du lịch bền vững không chỉ là mục tiêu chiến lược của từng địa phương mà còn là bài học thực tiễn sâu sắc để vận dụng vào công tác báo chí. Là nhà báo làm việc tại Tạp chí Doanh nghiệp Hội nhập – cơ quan ngôn luận của Trung ương Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, tôi nhận thấy những điểm mấu chốt sau:

  1. Tầm quan trọng của sự liên kết và đồng hành giữa các bên liên quan: Bình Thuận là minh chứng rõ nét cho việc phát triển du lịch cần có sự phối hợp giữa chính quyền địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng. Sự thành công của các mô hình du lịch cộng đồng tại Bình Thuận như làng nghề truyền thống gốm Chăm hay hoạt động trải nghiệm tại đảo Phú Quý thể hiện rõ rằng, khi các bên cùng chung tay, giá trị văn hóa và kinh tế đều được tối ưu hóa. Đây là bài học để tôi xây dựng các nội dung truyền thông nhằm thúc đẩy sự gắn kết giữa các thành phần doanh nghiệp trong việc bảo vệ và phát huy giá trị bền vững.

  2. Nâng cao trách nhiệm xã hội trong truyền thông: Làm việc tại cơ quan ngôn luận, tôi ý thức rõ hơn vai trò của mình trong việc lan tỏa các giá trị du lịch bền vững. Việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và văn hóa địa phương là trách nhiệm không chỉ của các cơ quan quản lý mà còn của mỗi người dân, du khách và đặc biệt là báo chí. Tôi nhận thấy cần tăng cường các bài viết chuyên sâu, các chiến dịch truyền thông nhằm thay đổi nhận thức của cộng đồng về phát triển bền vững, từ đó tạo sức lan tỏa mạnh mẽ.

  3. Tận dụng công nghệ và chuyển đổi số trong báo chí và quản lý: Quan sát cách Bình Thuận ứng dụng công nghệ vào quảng bá du lịch – như các cổng thông tin du lịch thông minh, tôi nhận ra rằng chuyển đổi số cũng là xu hướng tất yếu trong báo chí hiện đại. Tạp chí Doanh nghiệp Hội nhập cần đầu tư hơn vào các nền tảng kỹ thuật số để nâng cao trải nghiệm người đọc, từ đó không chỉ cung cấp thông tin mà còn tạo diễn đàn cho các doanh nghiệp trao đổi kinh nghiệm và lan tỏa câu chuyện bền vững.

  4. Đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa: Làm việc tại một cơ quan ngôn luận dành riêng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, tôi nhận thấy rằng việc phát triển du lịch bền vững không thể thiếu sự góp sức từ khối doanh nghiệp này. Những doanh nghiệp nhỏ tại Bình Thuận, từ các nhà nghỉ nhỏ lẻ đến các cơ sở kinh doanh dịch vụ địa phương, đều đang góp phần xây dựng chuỗi giá trị bền vững cho ngành du lịch. Đây là bài học để tôi đẩy mạnh nội dung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, thúc đẩy họ tham gia vào xu thế kinh tế xanh và bền vững.

  5. Thay đổi góc nhìn và mở rộng nội dung chuyên môn: Từ thực tiễn tại Bình Thuận, tôi nhận thấy rằng các bài viết cần không chỉ dừng lại ở việc phản ánh thực trạng mà còn phải đóng vai trò là cầu nối đưa ra các giải pháp thiết thực. Điều này yêu cầu tôi và đội ngũ tạp chí phải không ngừng học hỏi, mở rộng tầm nhìn và chủ động tìm hiểu các mô hình quốc tế để áp dụng phù hợp với Việt Nam.

Kết quả thu được:

Qua hoạt động nghiên cứu thực tế tại Bình Thuận, tôi không chỉ nâng cao hiểu biết về phát triển du lịch bền vững mà còn thu nhận được các bài học quan trọng để áp dụng vào công việc hiện tại. Những trải nghiệm từ thực tế giúp tôi xây dựng góc nhìn đa chiều, phát triển nội dung báo chí một cách chuyên sâu hơn, đồng thời đóng góp vào mục tiêu nâng cao nhận thức cộng đồng và doanh nghiệp về trách nhiệm với xã hội. Đây là nền tảng để tôi tiếp tục đồng hành cùng Tạp chí Doanh nghiệp Hội nhập trong việc lan tỏa các giá trị phát triển bền vững trên toàn quốc.

Danh mục tham khảo

Bộ Chính trị, B. c. (2017). Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Hà Nội: https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-cua-dang/nghi-quyet-so-08-nqtw-ngay-16012017-cua-bo-chinh-tri-ve-phat-trien-du-lich-tro-thanh-nganh-kinh-te-mui-nhon-2763.

Đảng bộ Tỉnh Bình Thuận. (2021). Nghị quyết 06-NQ/TU ngày 24/10/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Thuận (khóa XV) về phát triển du lịch đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Bình Thuận: https://www.binhthuan.dcs.vn/uploads/News/VanBan/202203/06NQTU2021_%20phat%20trien%20du%20lich_signed_signed.pdf.

Quốc hội khóa XIV. (2017). Luật Du lịch số: 09/2017/QH14. Hà Nội: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Van-hoa-Xa-hoi/Luat-du-lich-2017-322936.aspx?anchor=dieu_3.

Báo cáo phát triển du lịch Bình Thuận (2024).

UBND tỉnh Bình Thuận (2024). Báo cáo Đề án phát triển du lịch bền vững.