Pages

Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2024

ĐIỀU LỆ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA VIỆN KHOA HỌC PHÁP LÝ VÀ PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP

HIỆP HỘI DOANH NGHIỆP 

NHỎ VÀ VỪA VIỆT NAM 

VIỆN KHOA HỌC PHÁP LÝ VÀ

 PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP  


CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc


ĐIỀU LỆ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA 

VIỆN KHOA HỌC PHÁP LÝ VÀ PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP

(DỰ THẢO )


Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Cơ sở pháp lý cho hoạt động của Viện Khoa học pháp lý và Phát triển Doanh nghiệp.  

Viện Khoa học Pháp lý và Phát triển Doanh nghiệp (sau đây gọi là Viện) là một đơn vị sự nghiệp khoa học do Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (sau đây gọi là Hiệp hội) thành lập, hoạt động theo Luật Khoa học và Công nghệ ngày 18/6/2013, Nghị định số 08/2014/NĐ-CP ngày 27/01/2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ và Thông tư số 03/TT-BKHCN ngày 31/3/2014 của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn điều kiện thành lập và đăng ký hoạt động của tổ chức khoa học và công nghệ, văn phòng đại diện, chi nhánh của tổ chức khoa học và công nghệ, chịu sự quản lý của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. 

Mục tiêu, phương hướng hoạt động của Viện: Khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn nhân lực khoa học pháp luật, quản trị và kinh tế số trong lĩnh vực tư vấn pháp luật, đào tạo và chuyển đổi số trước các xu thế phát của thế giới; thực hiện hoạt động nghiên cứu, tư vấn, thực nghiệm đào tạo, triển khai áp dụng kỹ thuật và công nghệ mới trong lĩnh vực đầu tư và xây dựng các công trình về lĩnh vực Khoa học pháp luật, quản trị và kinh tế số nói chung.

Điều 2. Tư cách pháp nhân của Viện 

- Tên tiếng Việt: Viện Khoa học Pháp lý và Phát triển Doanh nghiệp.

- Tên tiếng Anh: Institute of Legal Science and Corporate Development. 

- Tên viết tắt bằng tiếng Anh: ILC

- Trụ sở: Số 272 Hòa Hưng, Phường 13, Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh. 

- Điện thoại: 0983.285499

- Email: info@ilc.com.vn

- Website: www.ilc.com.vn

Viện có thể mở văn phòng đại diện, chi nhánh khi có nhu cầu. Việc thành lập và đăng ký hoạt động văn phòng đại diện, chi nhánh tuân theo quy định của pháp luật và Điều lệ này.

- Người đại diện theo pháp luật của Viện: Viện trưởng: Ông Đào Văn Hưng.

- Vốn điều lệ của Viện: 1.500.000.000đ (Một tỷ năm trăm triệu đồng). 

        Điều 3. Nguyên tắc hoạt động của Viện

        Viện Khoa học Pháp lý và Phát triển Doanh nghiệp là đơn vị sự nghiệp khoa học trực thuộc Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (sau đây gọi tắt là Hiệp hội), có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng bằng tiền Việt Nam và ngoại tệ theo quy định của pháp luật. 

Hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, theo nguyên tắc tự chủ, tự quản, tự trang trải về tài chính theo quy định của pháp luật, Điều lệ tổ chức và hoạt động của Viện (Điều lệ Viện), Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ và quy định của Hiệp hội, tự chịu trách nhiệm trong mọi hoạt động của mình.

Quá trình hoạt động, Viện tuân thủ các quy định của pháp luật, Điều lệ của Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và Điều lệ này.

Điều 4. Thành viên sáng lập Viện

1. Ông Đào Văn Hưng, sinh năm 1970; chức vụ: Chủ tịch Chi hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Phát triển Kinh tế Xanh Việt Nam trực thuộc Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

2. Ông Trần Quốc Hoàn, sinh năm 1975; chức vụ: Phó Chủ tịch Chi hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Phát triển Kinh tế Xanh Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Truyền thông DTG.

3. Ông Nguyễn Việt Hùng, sinh năm 1973; chức vụ: Trưởng Văn phòng luật sư Kinh Đô.

4. Bà Nguyễn Thu Hiền, sinh năm 1975; chức vụ: Giảng viên trường Đại học  Tài chính – Marketing Thành phố Hồ Chí Minh. 

5. Ông Đào Văn Tiến, sinh năm 1975; chức vụ: Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Bảo vệ Hoa Phượng HBA.

6. Ông Bùi Mạnh Toàn, sinh năm 1978; chức vụ: Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vietnox, Giám đốc Học viện GPT. 

7. Ông Đỗ Ngọc Anh, sinh năm 1983; chức vụ: Phó Chủ tịch Chi hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Phát triển Kinh tế Xanh Việt Nam, Giám đốc Công ty Luật TNHH Bến Thành. 

Chương II

CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ

Điều 5. Lĩnh vực hoạt động của Viện 

        Viện thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học pháp lý, quản trị doanh nghiệp, kinh tế xanh và chuyển đổi số có thể bao gồm:

  1. Nghiên cứu và phát triển các pháp lý mới và áp dụng chúng vào môi trường kinh doanh hiện đại, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế số.

  2. Cung cấp các dịch vụ tư vấn pháp lý và quản trị doanh nghiệp cho các tổ chức và doanh nghiệp về các vấn đề pháp lý liên quan đến kinh doanh trực tuyến, bảo vệ dữ liệu cá nhân, và quản lý rủi ro kinh doanh.

  3. Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng chuyên môn cao trong lĩnh vực pháp lý, quản trị doanh nghiệp, và kinh tế số để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.

  4. Tạo ra nền tảng và giải pháp công nghệ để tối ưu hóa quá trình quản lý doanh nghiệp và tăng cường hiệu suất kinh doanh thông qua sử dụng công nghệ số.

  5. Phối hợp với các tổ chức và cơ quan chính phủ để đưa ra các chính sách và quy định mới nhằm thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số và bảo vệ quyền lợi của các bên liên quan.

        Điều 6. Chức năng, nhiệm vụ, quyền và nghĩa vụ của Viện

1. Chức năng: Tập hợp các nhà khoa học trong các lĩnh vực liên quan để nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm, chuyển giao công nghệ, thực hiện các dịch vụ tư vấn, liên kết và hợp tác trong lĩnh vực pháp luật, quản trị doanh nghiệp và kinh tế số đặc biệt là xu thế phát triển kinh tế số góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong kỷ nguyên Cách mạng công nghiệp 4.0.

2. Nhiệm vụ: Nghiên cứu, đào tạo, tư vấn, phát triển chính sách và phổ biến kiến thức để đóng góp vào sự phát triển toàn diện của cộng đồng trong các lĩnh vực liên quan đến pháp lý, quản trị doanh nghiệp, kinh tế xanh và chuyển đổi số.

3. Quyền hạn: 

a) Tổ chức bộ máy quản lý và điều hành của Viện theo quy định của Điều lệ Viện; ban hành các quy định thuộc thẩm quyền phục vụ cho hoạt động của Viện; 

b) Quản lý, sử dụng nhân lực phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và định hướng phát triển của Viện;

        c) Tự chủ, tự chịu trách nhiệm về hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ đã được cấp Giấy chứng nhận;

  d) Tự chủ xây dựng kế hoạch hoạt động và triển khai thực hiện phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao;

               đ) Tự chủ về tài chính và hạch toán độc lập;

       e) Tự chủ quyết định giá cả các sản phẩm nghiên cứu, dịch vụ khoa học công nghệ theo thỏa thuận qua hợp đồng; 

           g) Được chủ động ký kết các hợp đồng, các thỏa thuận hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thực hiện nhiệm vụ của Viện trên cơ sở tuân thủ pháp luật và quy định của Hiệp hội;

       h) Công bố kết quả hoạt động khoa học công nghệ theo quy định của Luật báo chí, Luật Xuất bản và các quy định khác của pháp luật;

        i) Thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh trong nước và ở nước ngoài để hoạt động khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật;

       k) Hợp tác, liên doanh, nhận tài trợ từ tổ chức, cá nhân; góp vốn bằng tiền, tài sản, giá trị quyền sở hữu trí tuệ để hoạt động ứng dụng khoa học và công nghệ và hoạt động sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật;

        l) Các quyền khác theo quy định của pháp luật và Hiệp hội.

       4. Nghĩa vụ:  

       a) Hoạt động theo đúng nội dung đã được ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ;

       b) Bảo đảm và chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm, dịch vụ theo tiêu chuẩn đã đăng ký hoặc công bố;

        c) Tuân thủ các quy định của pháp luật khi hoạt động trong các lĩnh vực cần có điều kiện;

        d) Thực hiện chế độ báo cáo với Hiệp hội và các cơ quan nhà nước theo quy định;

       đ) Đóng góp cho Hiệp hội phí quản lý (có văn bản quy định riêng);

       e) Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Chương III

TỔ CHỨC BỘ MÁY

        Điều 7. Cơ cấu tổ chức của Viện

  1. Hội đồng Viện gồm: Cá nhân, đại diện tổ chức tham gia góp vốn thành lập Viện.

2. Hội đồng Khoa học: Gồm các nhà khoa học trong và ngoài Viện có trình độ chuyên môn sâu về lĩnh vực hoạt động của Viện.

        3. Ban Điều hành: Gồm Viện trưởng, các Phó Viện trưởng, Kế toán trưởng Viện.

        4. Văn phòng và các trung tâm, phòng, ban chức năng và chuyên môn.

        5. Các văn phòng đại diện, chi nhánh.

Điều 8. Hội đồng Viện

  1. Hội đồng Viện là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Viện. 

  2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Viện:

a) Quyết định chiến lược phát triển, kế hoạch hoạt động dài hạn, ngắn hạn và hàng năm; bổ sung các thành viên mới của Hội đồng; đề nghị phê duyệt sửa đổi, bổ sung Điều lệ Viện; cơ cấu tổ chức; chia, tách; sáp nhập; giải thể;

b) Tư vấn, hỗ trợ các hoạt động của Viện; hỗ trợ kinh phí và cơ sở vật chất trong thời gian đầu thành lập Viện;

c) Kiểm soát Viện trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Điều lệ Viện và quy định của pháp luật; thông qua kế hoạch tài chính và báo cáo tài chính hàng năm của Viện;

d) Đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm Viện trưởng và Kế toán trưởng Viện.

3. Hội đồng Viện có Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các Ủy viên do Chủ tịch Hội quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm. 

Hội đồng Viện có Quy chế hoạt động.

Điều 9. Hội đồng Khoa học

         1. Hội đồng Khoa học là cơ quan tư vấn khoa học cho Viện trưởng các vấn đề quan trọng về các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng, triển khai khoa học kỹ thuật, công nghệ của Viện. 

         2. Hội đồng Khoa học do Chủ tịch Hội đồng Viện quyết định thành lập, quy định nhiệm vụ, quyền hạn theo đề nghị của Viện trưởng.

Điều 10. Ban Điều hành Viện

  1. Viện trưởng là người điều hành cao nhất của Viện, là người đại diện theo pháp luật của Viện. Viện trưởng do Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhiệp nhỏ và vừa Việt Nam quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm trên cơ sở đề nghị của Hội đồng Viện. Viện trưởng chịu trách nhiệm trước pháp luật, Hội đồng Viện và Hiệp hội về toàn bộ việc điều hành hoạt động của Viện. 

2. Phó Viện trưởng giúp Viện trưởng thực hiện các nhiệm vụ theo sự phân công của Viện trưởng. Các Phó Viện trưởng do Chủ tịch Hiệp hội quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm trên cơ sở đề nghị của Viện trưởng. Phó Viện trưởng chịu trách nhiệm trước Viện trưởng và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công. 

3. Kế toán trưởng Viện giúp Viện trưởng về công tác tài chính, kế toán của Viện. Kế toán trưởng do Chủ tịch Hội đồng Viện bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Viện trưởng. Kế toán trưởng chịu trách nhiệm trước pháp luật và Hội đồng Viện về công việc thuộc phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của Kế toán trưởng.

Điều 11. Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện trưởng

  1. Tổ chức, quản lý, điều hành hoạt động của Viện; quyết định các vấn đề có liên quan đến các hoạt động của Viện theo quy định của pháp luật và Hội; chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động của Viện.

  2. Tổ chức, xây dựng chiến lược, chương trình, kế hoạch hoạt động, phương án huy động vốn, hỗ trợ tài chính và tổ chức thực hiện.

  3. Ban hành các văn bản sau:

  1. Quyết định về chức năng, nhiệm vụ của văn phòng và các trung tâm, phòng, ban chức năng và chuyên môn, văn phòng đại diện;

  2. Quy chế hoạt động của Viện;

  3. Quy chế quản lý tài chính; Quy chế thu - chi nội bộ;

  4. Quy chế khen thưởng, kỷ luật;

đ) Chế độ lương, thưởng và phúc lợi xã hội đối với người lao động phù hợp với các quy định của pháp luật (Quy chế quản lý lao động và phân phối thu nhập);

  1. Về việc kiểm tra nội bộ theo quy định của pháp luật và Điều lệ Viện.

  2. Quản lý và sử dụng vốn, tài sản theo quy định của pháp luật.

  3. Thực hiện các nhiệm vụ của chủ tài khoản Viện.

  4. Quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức danh trưởng, phó văn phòng và các trung tâm, phòng, ban chức năng, văn phòng đại diện, chi nhánh. Quyết định tuyển dụng và quản lý cán bộ, chuyên viên, nhân viên, người lao động của Viện.

  5. Quyết định khen thưởng, kỷ luật đối với tập thể, cá nhân của Viện theo quy định của pháp luật và Điều lệ Viện.

        Điều 12. Các phòng ban chức năng:

  1. Văn phòng;

  2. Ban Nghiên cứu, Đào tạo và Bồi dưỡng;

  3. Ban Tư vấn pháp luật;

  4. Ban Tư vấn Tài chính và Quản trị doanh nghiệp;

  5. Ban Tư vấn chuyển đổi số;

  6. Ban Truyền thông và Đối ngoại;

- Hội đồng Viện quyết định thành lập các phòng, ban khác khi cần thiết.

Điều 13. Tuyển dụng và quản lý nhân sự

         1. Viện được tuyển dụng những người có năng lực, trình độ và khả năng hoàn thành công việc theo qui định của Viện.  

2. Việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, nhân viên, người lao động của Viện thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động và hợp đồng lao động đã ký giữa Viện trưởng (hoặc người được Viện trưởng ủy quyền) với người lao động.

3. Viện trưởng có quyền tuyển dụng hoặc chấm dứt hợp đồng lao động theo yêu cầu hoạt động của Viện trên cơ sở phù hợp với quy định của Bộ Luật lao động.

Điều 14. Quyền lợi và trách nhiệm của người lao động

  1. Cán bộ, chuyên viên, nhân viên, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động của Viện được hưởng các quyền lợi theo quy định của pháp luật.

  2. Tiền lương và các khoản phụ cấp, tiền thưởng được trả theo chất lượng, hiệu quả công việc phù hợp với kết quả hoạt động của Viện.

  3. Cán bộ, chuyên viên, nhân viên, người lao động trong thời gian làm việc tại  Viện được tham gia công tác đào tạo, bồi dưỡng, học tập, tham quan và khảo sát ở trong nước và nước ngoài khi cần thiết.

  4. Cán bộ, chuyên viên, nhân viên, người lao động của Viện phải chấp hành đầy đủ nội qui, qui chế và các qui định của Viện và pháp luật hiện hành, hoặc những thỏa thuận trong hợp đồng lao động đã ký giữa người lao động với người sử dụng lao động.

Chương IV

CƠ SỞ VẬT CHẤT, KỸ THUẬT VÀ TÀI CHÍNH

       Điều 15. Cơ sở vật chất, kỹ thuật

       Viện được các thành viên sáng lập góp vốn, các thiết bị kỹ thuật và cơ sở vật chất cần thiết khác trong 02 năm đầu tính từ ngày Điều lệ tổ chức và hoạt động của Viện được Chủ tịch Hiệp hội phê duyệt. 

Sau thời gian này, Viện tự đầu tư các cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết cũng như trụ sở theo nhu cầu bằng nguồn tài chính thu được từ hoạt động nghiên cứu,   chuyển giao công nghệ và dịch vụ. 

Điều 16. Nguồn thu tài chính 

        1. Từ nguồn đóng góp của các tổ chức, cá nhân, các thành viên của Viện hoặc Hiệp hội.

        2. Nguồn thu từ các hoạt động có thu của Viện.

        3. Nguồn hỗ trợ, tài trợ, viện trợ… của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

        4. Nguồn tài chính hợp pháp khác (vay vốn từ các tổ chức tín dụng…).

Điều 17. Nguyên tắc tài chính 

  1. Viện  hoạt động trên cơ sở đóng góp của các tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, về cơ bản là tự chủ về tài chính, chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động.

  2. Hoạt động thu - chi của Viện thực hiện theo cơ chế quản lý tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp có thu theo quy định của Nhà nước.

  3. Bù đắp chi phí và bảo toàn vốn.

  4. Công khai, minh bạch.

  5. Tiết kiệm, hiệu quả.

  6. Viện được miễn nộp các loại thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.

Điều 18. Sử dụng và phân bổ kinh phí

  1. Chi phí vận hành bộ máy tổ chức: lương, phụ cấp, thưởng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các chi phí thường xuyên khác.

  2. Thực hiện trích nộp phí quản lý của Hiệp hội.

  3. Hàng năm sau khi quyết toán, phân phối phần chênh lệch thu-chi được trích lập vào các quỹ theo quy định của pháp luật và quy chế chi tiêu nội bộ của Viện.

  4. Định kỳ 01 năm/lần báo cáo tình hình và kết quả hoạt động với Hiệp hội.

Điều 19. Chế độ tài chính, kế toán và kiểm toán

  1. Năm tài chính của Viện bắt đầu từ ngày 01 tháng 01 và kết thúc vào ngày 31 tháng 12 của năm dương lịch đó.

  2. Hàng năm, Viện có trách nhiệm lập và xây dựng kế hoạch về vốn và sử dụng vốn, kế hoạch thu - chi tài chính (kèm theo thuyết minh chi tiết) báo cáo Hiệp hội.

  3. Chế độ tài chính, kế toán và kiểm toán của Viện thực hiện theo quy định tại Điều lệ Viện, Quy chế quản lý tài chính của Viện, hướng dẫn của Bộ Tài chính và qui định của pháp luật.

  4. Viện tổ chức bộ máy kế toán theo quy định của pháp luật về kế toán.

         5. Viện trưởng, Kế toán trưởng của Viện chịu trách nhiệm trước pháp luật và cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về việc chấp hành chế độ tài chính, kế toán, kiểm toán của Viện.

Chương V

SÁP NHẬP; CHIA, TÁCH; GIẢI THỂ TỔ CHỨC

       Điều 20. Xử lý tranh chấp: 

        Mọi tranh chấp giữa Viện với pháp nhân và cá nhân có quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp đến hoạt động của Viện được xử lý theo pháp luật hiện hành.

       Điều 21. Tổ chức lại, giải thể Viện

       1. Việc tổ chức lại hoặc giải thể Viện do Hội đồng Viện quyết định theo quy định của pháp luật. 

       2. Việc thành lập mới, tổ chức lại, sáp nhập các đơn vị, phòng ban chức năng chuyên môn trực thuộc Viện do Viện trưởng quyết định.

       3. Trình tự giải thể được tiến hành theo quy định của pháp luật.

Chương VI

CHẾ ĐỘ THÔNG TIN VÀ BẢO MẬT THÔNG TIN

        Điều 22. Chế độ thông tin

        1. Viện được trao đổi thông tin về hoạt động của Viện thuộc phạm vi trong và ngoài nước.

       2. Việc cung cấp, trao đổi thông tin của Viện thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành, quy định của Hiệp hội về thông tin và bảo mật thông tin và quy định tại Điều lệ Viện.

       Điều 23. Bảo mật thông tin

       1. Cán bộ, chuyên viên, nhân viên, người lao động của Viện và những người có liên quan không được tiết lộ bí mật các thông tin về hoạt động của Viện theo quy định của pháp luật.

       2. Viện có quyền từ chối các yêu cầu của tổ chức, cá nhân về cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động của Viện; trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc được sự chấp thuận của các bên có liên quan.

Chương VII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

      Điều 24. Hiệu lực của Điều lệ

       1. Điều lệ này gồm 07 Chương, 25 Điều và có hiệu lực kể từ ngày Viện được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ.

       2. Viện cam kết thực hiện đúng những quy định của Điều lệ này, Luật khoa học và công nghệ, các quy định pháp luật khác liên quan và quy định của Hiệp hội.  

      Điều 25. Điều kiện sửa đổi và bổ sung Điều lệ

       1. Khi cần bổ sung, sửa đổi nội dung Điều lệ này, các thành viên sáng lập họp, thống nhất nội dung thay đổi, báo cáo Hội đồng Viện, trình Ban Thường vụ Hiệp hội quyết định. 

       2. Thể thức họp, thông qua nội dung, sửa đổi, bổ sung thực hiện theo quy định của Điều lệ này và các quy định của pháp luật hiện hành./.


TM. BAN SÁNG LẬP VIỆN 

TRƯỞNG BAN 





ĐÀO VĂN HƯNG