Pages

Thứ Sáu, 14 tháng 6, 2024

BÀN VỀ THẨM QUYỀN THU THẬP CHỨNG CỨ CỦA TÒA ÁN TRONG TỐ TỤNG DÂN SỰ - ThS. Huỳnh Thị Nam Hải - Khoa Luật, Trường ĐH Kinh tế - Luật

BÀN VỀ THẨM QUYỀN THU THẬP CHỨNG CỨ CỦA TÒA ÁN 

TRONG TỐ TỤNG DÂN SỰ

ThS. Huỳnh Thị Nam Hải

Khoa Luật, Trường ĐH Kinh tế - Luật

Tóm tắt: Trong tố tụng dân sự, hoạt động thu thập chứng cứ có ý nghĩa rất quan trọng bởi lẽ điều này sẽ góp phần làm rõ sự thật khách quan của vụ việc dân sự, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự hiện nay, việc thu thập chứng cứ trước tiên thuộc về trách nhiệm của đương sự bởi lẽ vụ việc dân sự được khởi phát từ quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự. Bên cạnh đó, để hỗ trợ đương sự hoặc trong trường hợp pháp luật quy định, Tòa án cũng có quyền thực hiện việc thu thập chứng cứ. Tuy nhiên, thời gian gần đây có sự đảo chiều trong tư tưởng của các nhà lập pháp nước ta liên quan đến quy định về thẩm quyền thu thập chứng cứ của Tòa án. Bài viết này sẽ trình bày các quy định liên quan đến việc thu thập chứng cứ hiện nay và một số ý kiến liên quan đến đề xuất loại bỏ trách nhiệm thu thập chứng cứ của Tòa án trong lĩnh vực tố tụng dân sự.

Từ khóa: chứng cứ, thu thập chứng cứ, thẩm quyền của Tòa án, tố tụng dân sự.

  1. Quy định liên quan đến hoạt động thu thập chứng cứ trong tố tụng dân sự

Trong tố tụng dân sự, chứng minh là hoạt động quan trọng góp phần tìm ra sự thật khách quan, từ đó có thể giúp Tòa án làm sáng tỏ vụ việc nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Về nguyên tắc, quyền và nghĩa vụ chứng minh trước hết thuộc về đương sự. Theo đó, đương sự có yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì phải có nghĩa vụ thu thập, cung cấp, giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án để chứng minh việc yêu cầu, khởi kiện của mình là có căn cứ và hợp pháp. Sở dĩ pháp luật tố tụng dân sự quy định quyền và nghĩa vụ chứng minh thuộc về đương sự là nhằm để đương sự cân nhắc thật cẩn trọng trước khi thực hiện quyền khởi kiện của mình, hạn chế việc khởi kiện mà không có căn cứ. Cũng lưu ý rằng, Tòa án không có nghĩa vụ chứng minh do Tòa án là chủ thể tiến hành tố tụng có trách nhiệm phán xét các yêu cầu của đương sự là hợp lý hay không dựa trên chứng cứ mà đương sự cung cấp và kết quả của việc tranh tụng. Tuy nhiên, Tòa án có thể tiến hành các biện pháp xác minh, thu thập chứng cứ để hỗ trợ đương sự hoặc trong một vài trường hợp luật định nhằm tìm ra sự thật khách quan của vụ việc, làm cơ sở cho quyết định của mình.

Để thực hiện quyền và nghĩa vụ chứng minh của mình, trong trường hợp tài liệu, chứng cứ do người thứ ba nắm giữ, đương sự có quyền thực hiện việc thu thập chứng cứ. Theo đó, thu thập chứng cứ được hiểu là việc phát hiện tìm ra các chứng cứ, tập hợp đưa vào hồ sơ vụ việc dân sự để nghiên cứu, đánh giá và sử dụng giải quyết vụ việc dân sự. Thu thập chứng cứ là một trong những hoạt động quan trọng của hoạt động chứng minh. Việc thu thập chứng cứ phải được thực hiện theo quy định của pháp luật và được Tòa án dùng làm cơ sở để đưa ra phán quyết. Không có chứng cứ, đương sự không thể chứng minh yêu cầu của mình là có căn cứ, hợp pháp và phải gánh chịu hậu quả bất lợi từ việc không chứng minh được.

Theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự, cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền tự mình thu thập tài liệu, chứng cứ thông qua các biện pháp như thu thập tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được; thông điệp dữ liệu điện tử; thu thập vật chứng; xác định người làm chứng và lấy xác nhận của người làm chứng; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cho sao chép hoặc cung cấp những tài liệu có liên quan đến việc giải quyết vụ việc mà cơ quan, tổ chức, cá nhân đó đang lưu giữ, quản lý; yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp xã chứng thực chữ ký của người làm chứng; yêu cầu Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ nếu đương sự không thể thu thập tài liệu, chứng cứ; yêu cầu Tòa án ra quyết định trưng cầu giám định, định giá tài sản; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện công việc khác theo quy định của pháp luật. Cơ quan, tổ chức, cá nhân đăng lưu giữ, quản lý tài liệu chứng cứ có trách nhiệm cung cấp tài liệu, chứng cứ cho đương sự trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu; nếu không cung cấp được thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người có yêu cầu. Trường hợp đương sự đã áp dụng các biện pháp cần thiết để thu thập tài liệu, chứng cứ mà vẫn không thể tự mình thu thập được thì có thể đề nghị Tòa án ra quyết định yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ, quản lý tài liệu, chứng cứ cung cấp cho mình hoặc đề nghị Tòa án tiến hành thu thập tài liệu, chứng cứ nhằm bảo đảm cho việc giải quyết vụ việc dân sự đúng đắn. 

Bên cạnh việc thu thập chứng cứ do đương sự thực hiện như đã đề cập ở trên thì việc thu thập chứng cứ còn có thể được tiến hành bởi Tòa án trong trường hợp pháp luật có quy định nhằm bảo đảm việc giải quyết các vụ việc dân sự được đúng đắn. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng Tòa án chỉ tiến hành thu thập chứng cứ trong một số trường hợp pháp luật có quy định hoặc để hỗ trợ đương sự như đã đề cập ở trên. Tòa án có thể áp dụng những biện pháp sau để thu thập chứng cứ: lấy lời khai của đương sự, người làm chứng; đối chất; trưng cầu giám định; định giá tài sản; yêu cầu thẩm định giá tài sản; xem xét, thẩm định tại chỗ; ủy thác thu thập, xác minh tài liệu chứng cứ; yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức cung cấp tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được hoặc hiện vật khác liên quan đến việc giải quyết vụ việc dân sự; xác minh sự có mặt hoặc vắng mặt của đương sự tại nơi cư trú

Khi nhận được yêu cầu của Tòa án về việc cung cấp chứng cứ, cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý, lưu giữ tài liệu, chứng cứ có trách nhiệm cung cấp đầy đủ tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu. Hết thời hạn này mà không cung cấp đầy đủ tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án thì cơ quan, tổ chức, cá nhân được yêu cầu phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện yêu cầu của Tòa án mà không có lý do chính đáng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Việc xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân không phải là lý do miễn nghĩa vụ cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án. Điều này có nghĩa là cơ quan, tổ chức, cá nhân không cung cấp chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án không những chịu trách nhiệm pháp lý theo quy định của pháp luật mà họ còn phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ cung cấp chứng cứ theo yêu cầu.

Như vậy, theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự hiện nay việc thu thập chứng cứ là trách nhiệm của đương sự nhằm đảm bảo thực hiện quyền và nghĩa vụ chứng minh của họ. Trong một vài trường hợp pháp luật quy định hoặc theo yêu cầu của đương sự, Tòa án cũng có thẩm quyền thực hiện việc thu thập chứng cứ. Tuy nhiên, quy định về thẩm quyền thu thập chứng cứ của Tòa án là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm trong thời gian gần đây, đặc biệt là khi Dự thảo Luật tổ chức Tòa án nhân dân sửa đổi Luật tổ chức Tòa án nhân dân 2014 (sau đây được gọi là Dự thảo) được đưa ra lấy ý kiến và thảo luận.

  1. Sự đảo chiều trong tư tưởng lập pháp về thẩm quyền thu thập chứng cứ của Tòa án

Theo quy định hiện nay về thẩm quyền thu thập chứng cứ của Tòa án, Luật tổ chức Tòa án nhân dân 2014 quy định rằng: Tòa án xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để giải quyết các vụ việc dân sự theo quy định của luật tố tụng. Điều này đã được cụ thể hóa trong Bộ luật tố tụng dân sự 2015 (sau đây được viết tắt là BLTTDS 2015) như đã trình bày ở trên, theo đó, trong trường hợp có yêu cầu của đương sự hoặc pháp luật quy định thì Tòa án sẽ thu thập chứng cứ để đảm bảo cho việc giải quyết vụ án. 

Tuy nhiên, gần đây Dự thảo Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) đã đề xuất sửa đổi quy định về thẩm quyền thu thập chứng cứ của Tòa án. Theo đó, Tòa án sẽ không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ trong tố tụng nói chung và trong vụ việc dân sự nói riêng. Cụ thể, Điều 15 Dự thảo quy định: 1) Tòa án sẽ căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được các bên thu thập, cung cấp, giao nộp, làm rõ tại phiên tòa theo quy định của pháp luật tố tụng và kết quả tranh tụng tại phiên tòa để xét xử. Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ. 2) Tòa án hướng dẫn, yêu cầu đương sự thu thập chứng cứ và lập hồ sơ vụ việc dân sự. 3) Tòa án hỗ trợ đương sự là người yếu thế trong xã hội thu thập chứng cứ trong vụ việc dân sự theo quy định của pháp luật. 4) Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ cung cấp tài liệu, chứng cứ theo quy định của pháp luật cho đương sự khi có yêu cầu. Theo quy định này, việc thu thập chứng cứ trong tố tụng dân sự được xác định là trách nhiệm của các bên đương sự. Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ mà chỉ hướng dẫn, yêu cầu đương sự thực hiện, trừ trường hợp hỗ trợ đương sự là người yếu thế. Và để đảm bảo cho đương sự có thể thực hiện việc thu thập chứng cứ hiệu quả, pháp luật quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân lưu giữ tài liệu, chứng cứ có nghĩa vụ cung cấp khi đương sự có yêu cầu.

Có thể thấy rằng quy định của Dự thảo đã đảo ngược quy định hiện hành về trách nhiệm thu thập chứng cứ của Tòa án trong tố tụng nói chung và tố tụng dân sự nói riêng. Điều này đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Theo đó, có ý kiến cho rằng nên giữ quy định về thẩm quyền thu thập chứng cứ của Tòa án nhằm hỗ trợ cho đương sự, đặc biệt là những đương sự thuộc các đối tượng yếu thế. Lý do của ý kiến này là do việc thu thập chứng cứ còn nhiều khó khăn do sự bất hợp tác từ các cá nhân, cơ quan, tổ chức nắm giữ chứng cứ; hay do hạn chế về hiểu biết pháp luật của người dân; khó khăn trong việc tiếp cận, sử dụng các dịch vụ pháp lý của các đương sự là người yếu thế;… Ngoài ra, việc thu thập tài liệu, chứng cứ còn giúp tìm ra được sự thật khách quan của vụ việc từ đó Tòa án có thể đưa ra phán quyết đúng đắn, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Xét từ nhiều góc độ, những quan điểm nêu trên không phải không có lý do. Tuy vậy, cần khẳng định và nhấn mạnh rằng trong tố tụng dân sự, việc thu thập chứng cứ là trách nhiệm của đương sự để thực hiện quyền và nghĩa vụ chứng minh của mình. Do đó, tác giả cho rằng thay vì tiếp tục quy định Tòa án có trách nhiệm thu thập chứng cứ để hỗ trợ đương sự, để có cơ sở giải quyết vụ việc dân sự thì nhà lập pháp cần hoàn thiện cơ chế pháp lý để đương sự có thể tự mình thực hiện hiệu quả việc thu thập chứng cứ. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc loại bỏ sự ỷ lại của đương sự đối với Tòa án, đảm bảo tính khách quan của Tòa án khi xét xử, trả Tòa án về đúng vai trò, nhiệm vụ của mình là cơ quan xét xử từ đó nâng cao chất lượng của hoạt động xét xử, thực hiện quyền tư pháp được Hiến pháp quy định. Chính vì vậy, theo tác giả,  đề xuất này đã thể hiện tư duy cấp tiến của các nhà lập pháp nước ta, phù hợp với xu hướng chung của thế giới trong việc đảm bảo tính trung lập của Tòa án khi giải quyết các vụ việc dân sự. 

Thật vậy, trong tố tụng, Thẩm phán nên và chỉ nên giữ vị trí trung lập để đảm bảo sự công bằng trong xét xử. Nếu Tòa án thu thập chứng cứ và xét xử dựa trên những chứng cứ đó thì có thể dẫn đến việc không đảm bảo tính khách quan, không công bằng trong xét xử từ đó ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân. Thêm nữa, một trong những nguyên tắc cơ bản trong tố tụng dân sự là quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự, theo đó, đương sự có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết các vụ việc dân sự để bảo vệ cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình. Tương ứng với quyền này, đương sự phải có nghĩa vụ chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp. Đương sự muốn bảo vệ quyền và lợi ích của mình thì phải có trách nhiệm thu thập, cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án để chứng minh cho yêu cầu của mình. Do đó, theo quan điểm cá nhân, tác giả hoàn toàn tán thành với đề xuất bãi bỏ thẩm quyền thu thập chứng cứ của Tòa án trong lĩnh vực tố tụng dân sự. Đây cũng là xu hướng chung của nhiều quốc gia, từ đó có thể đề cao vai trò của các bên đương sự trong việc chứng minh.

  1. Một số kiến nghị liên quan đến việc loại bỏ thẩm quyền thu thập chứng của Tòa án

Từ những phân tích ở trên, một số vấn đề trọng tâm mà tác giả cho rằng các nhà lập pháp cần phải hoàn thiện để có thể loại bỏ thẩm quyền thu thập chứng cứ của Tòa án trong lĩnh vực tố tụng dân sự, cụ thể như sau:

  • Một là, hoàn thiện quy định liên quan đến trách nhiệm cung cấp chứng cứ của cá nhân, cơ quan, tổ chức và chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm. Để đảm bảo việc thu thập chứng cứ của đương sự đạt được hiệu quả, hiện nay pháp luật tố tụng dân sự đã có quy định về trách nhiệm cung cấp chứng cứ của cá nhân, cơ quan, tổ chức lưu giữ chứng cứ khi có yêu cầu của đương sự và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ đó. Bên cạnh đó, đương sự còn có thể đề nghị Tòa án ra quyết định yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ, quản lý tài liệu, chứng cứ cung cấp cho mình nhằm bảo đảm cho việc giải quyết vụ việc dân sự đúng đắn. Trong trường hợp cá nhân, tổ chức không thực hiện yêu cầu cung cấp chứng cứ mà không có lý do chính đáng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, Điều 495 BLTTDS 2015 quy định rằng cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ tài liệu, chứng cứ không thi hành quyết định của Tòa án về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ thì có thể bị Tòa án xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật. Theo đó, hành vi không thực hiện yêu cầu của Tòa án về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ mà người đó đang quản lý, lưu giữ sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với cá nhân, nếu tổ chức có cùng hành vi vi phạm thì mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Hành vi không cung cấp tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án trong tố tụng dân sự còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 383 BLHS 2015 sửa đổi bởi điểm i, Khoản 3, Điều 2 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017. Theo đó, người có hành vi không cung cấp tài liệu, chứng cứ trong tố tụng dân sự mà không có lý do chính đáng có thể bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm. Bên cạnh đó, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. 

Như vậy, pháp luật hiện tại đã có quy định cụ thể về trách nhiệm, cơ chế xử phạt đối với trường hợp vi phạm trách nhiệm không cung cấp tài liệu, chứng cứ. Tuy nhiên, các quy định trên vẫn còn một số vấn đề bất cập như sau: 1) Quy định hiện hành chỉ quy định chế tài xử lý việc không cung cấp tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của chủ thể có thẩm quyền là Tòa án, Viện kiểm sát, nhưng lại không quy định chế tài trong trường hợp không cung cấp tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của đương sự. Do đó, điều này buộc đương sự phải yêu cầu Tòa án ra quyết định yêu cầu các chủ thể lưu giữ chứng cứ giao cho đương sự hoặc cho Tòa án. 2) Mức phạt vi phạm hành chính hiện tại khá thấp, điều này có thể khiến cho mục đích của việc hạn chế hành vi không cung cấp chứng cứ trong tố tụng dân sự chưa đạt được như sự mong đợi. 3) Việc truy cứu trách nhiệm hình sự  đối với hành vi này chỉ giới hạn với các chủ thể tham gia tố tụng khác như người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người dịch thuật khi có hành vi từ chối khai báo, trốn tránh việc kết luận giám định, định giá tài sản, thẩm định giá tài sản hoặc từ chối cung cấp tài liệu mà không có lý do chính đáng, mà không bao gồm cơ quan, tổ chức, cá nhân lưu giữ tài liệu, chứng cứ. Do đó, theo tác giả, để đảm bảo quyền và nghĩa vụ chứng minh của đương sự thông qua hoạt động thu thập chứng cứ thì vấn đề trọng tâm là cần nâng cao trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan, tổ chức trong việc cung cấp tài liệu, chứng cứ. Việc này đòi hỏi cần hoàn thiện các quy định liên quan đến trách nhiệm cung cấp chứng cứ của cá nhân, cơ quan, tổ chức, đặc biệt là các quy định liên quan đến cơ chế xử lý vi phạm, chế tài khi có hành vi vi phạm. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho đương sự có thể tự mình thực hiện quyền và nghĩa vụ của họ và đây mới là giải pháp căn cơ và lâu dài, vừa có thể nâng cao ý thức trách nhiệm, tránh việc trông chờ, ỷ lại của đương sự, vừa góp phần giảm bớt áp lực công việc cho Tòa án. 

  • Hai là, quy định cụ thể trách nhiệm của các bên đương sự trong trường hợp không cung cấp tài liệu, chứng cứ cho đương sự khác. Hiện nay, pháp luật tố tụng dân sự có quy định về việc khi đương sự giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án thì họ phải sao gửi tài liệu, chứng cứ đó cho đương sự khác. Quy định này thể hiện sự tiến bộ trong tư tưởng lập pháp của các nhà lập pháp nước ta bởi vì nó không chỉ đảm bảo tính minh bạch mà còn bảo đảm thực hiện tranh tụng trong xét xử. Bên cạnh đó, quy định này còn cho phép đương sự có thể tiếp cận chứng cứ, đảm bảo sự công bằng trong giải quyết tranh chấp. Tuy vậy, pháp luật tố tụng chưa quy định rõ cơ chế xử lý trong trường hợp đương sự vi phạm. Điều này làm giảm hiệu quả của việc thực thi quy định nêu trên trên thực tế cũng như ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Thêm nữa, cũng cần có quy định minh thị về việc đương sự có quyền yêu cầu đương sự khác cung cấp tài liệu, chứng cứ cho mình nếu có căn cứ cho thấy rằng người sau cùng này đang lưu giữ và trách nhiệm pháp lý cụ thể nếu từ chối cung cấp, cung cấp không đầy đủ hoặc chậm cung cấp. Điều này sẽ giúp đương sự có thể thu thập một cách hiệu quả các tài liệu, chứng cứ, thậm chí do đương sự khác lưu giữ, để phục vụ cho việc thực hiện quyền và nghĩa vụ chứng minh. Việc che giấu, không cung cấp chứng cứ mà mình đang lưu giữ sẽ khiến đương sự đó phải chịu những hậu quả bất lợi. 

  • Ba là, phát huy vai trò các tổ chức đoàn thể, hoạt động trợ giúp pháp lý cho các đối tượng yếu thế. Theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự hiện nay, đương sự có thể tự mình hoặc nhờ người khác có đủ điều kiện theo quy định để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Bên cạnh đó, pháp luật tố tụng còn quy định Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm trợ giúp pháp lý cho các đối tượng theo quy định của pháp luật để họ thực hiện quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trước Tòa án. Do đó, quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự là người yếu thế vẫn có thể được đảm bảo thông qua việc phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể (ví dụ: quy định đại diện của tổ chức đại diện tập thể lao động là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động trong vụ việc lao động, quy định tổ chức đại diện tập thể lao động đại diện cho người lao động khởi kiện vụ án lao động, tham gia tố tụng khi được người lao động ủy quyền, hay quy định về việc tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có quyền đại diện cho người tiêu dùng khởi kiện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng,…); hay hoạt động trợ giúp pháp lý cho các đối tượng yếu thế theo quy định trong các luật khác có liên quan như Luật Trợ giúp pháp lý 2017, Luật Luật sư năm 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2012,… Như vậy, để đảm bảo quyền và nghĩa vụ chứng minh của đương sự yếu thế thì chỉ cần nâng cao hiệu quả của các hoạt động trợ giúp pháp lý cũng như phát huy được vai trò của các tổ chức đoàn thể trong hoạt động tố tụng. 

Tóm lại, có thể thấy việc loại bỏ trách nhiệm thu thập chứng cứ của Tòa án trong tố tụng dân sự là hoàn toàn hợp lý. Điều này không những đảm bảo cho hoạt động tố tụng được diễn ra một cách khách quan, công bằng từ đó góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự mà còn trả Tòa án về đúng với vị trí, vai trò là “cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp”. Cần lưu ý rằng, nếu đề xuất loại bỏ thẩm quyền thu thập chứng cứ của Tòa án nêu trên được thông qua thì các quy định có liên quan trong tất cả các văn bản quy phạm pháp luật như Luật TCTAND, BLTTDS,… cần phải được sửa đổi, bổ sung một cách đồng bộ nhằm góp phần đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật về vấn đề này.

Danh mục tài liệu tham khảo:

  1. Bộ luật tố tụng dân sự 2015;

  2. Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017;

  3. Luật tổ chức Tòa án nhân dân 2014;

  4. Luật Luật sư năm 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2012;

  5. Dự thảo Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi);

  6. Pháp lệnh số 02/2022/UBTVQH15 về Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng;

  7. Nguyễn Thị Hồng Nhung (Chủ biên) (2017), Giáo trình Luật tố tụng dân sự, Tái bản lần 2, NXB. ĐHQG TP.HCM;

  8. Trường Đại học Luật TP HCM (2012), Giáo trình Luật Tố tụng dân sự Việt Nam, NXB. Hồng Đức – Hội Luật gia Việt Nam;

  9. ThS. Nguyễn Thị Thu Hà, Pháp luật tố tụng dân sự Hoa Kỳ và khả năng ứng dụng vào việc hoàn thiện pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam, Tạp chí Luật học số 01/2011;

  10. Phương Hoa, Quan điểm về đề xuất Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính, https://lsvn.vn/go-c-nhi-n-ve-de-xua-t-toa-an-khong-co-nghia-vu-thu-thap-chung-cu-trong-vu-viec-dan-su-vu-an-hanh-chinh-1700754781.html, truy cập ngày 21/5/2024.