Pages

Thứ Ba, 21 tháng 5, 2024

Sổ tay dành cho báo chí đưa tin về một số nhóm dễ bị tổn thương

(Logos của UNDP, VJTC, và đối tác)

Sổ tay dành cho báo chí đưa tin 

về một số nhóm dễ bị tổn thương

Biên soạn: PGS. TS. Đinh Thị Thúy Hằng

PGS. TS. Lê Lan Chi

Th.S Đặng Thị Huệ

Biên dịch: TS. Mạch Lê Thu

Thiết kế:….HỘI NHÀ BÁO VIỆT NAM (VJA) VÀ TRUNG TÂM BỒI DƯỠNG NGHIỆP VỤ BÁO CHÍ (VJTC)

Hội Nhà báo Việt Nam (VJA) là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam. Hội Nhà báo Việt Nam đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý của Nhà nước, hoạt động theo quy định của pháp luật và Điều lệ Hội. Tính đến năm 2023, VJA có gần 25.000 hội viên là các nhà báo, biên tập viên, nhà quản lý đang công tác tại hơn 850 cơ quan báo chí trên cả nước trên tất cả các nền tảng báo in, phát thanh, truyền hình và báo điện tử trong cả nước.


Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí (VJTC) là một đơn vị trực thuộc Hội Nhà báo Việt Nam, được thành lập từ năm 1999. Nhiệm vụ của VJTC là bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng báo chí cho tất cả các hội viên Hội nhà báo Việt Nam theo quy định của Nhà nước. Đối tượng của chúng tôi là các nhà báo, phóng viên, biên tập viên và quản lý làm việc trong các cơ quan truyền thông tại Việt Nam. 


CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN LIÊN HỢP QUỐC (UNDP)

Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) là cơ quan đứng đầu của Liên hợp quốc về phát triển quốc tế. UNDP đã hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam từ năm 1978 nhằm mở rộng sự lựa chọn cho người dân và đảm bảo mọi người đều có cơ hội bình đẳng để phát huy hết tiềm năng của mình. UNDP hỗ trợ Chính phủ và các đối tác khác ở Việt Nam phát triển chính sách, kỹ năng lãnh đạo, khả năng hợp tác, năng lực thể chế và xây dựng khả năng phục hồi để đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững.

LỜI CẢM ƠN

Hội Nhà báo Việt Nam, Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí và Chương trình Phát triển của Liên hiệp Quốc (UNDP) xin trân trọng cảm ơn các chuyên gia giàu kinh nghiệm báo chí và pháp luật đã tham gia biên soạn cuốn sổ tay này. Trong quá trình xây dựng cuốn sổ tay, chúng tôi cũng đã nhận được sự đóng góp ý kiến quý báu của đại diện cho các tổ chức phụ nữ, người khuyết tật, người LGBTI, các luật sư và các nhà báo. Ngoài ra, chúng tôi xin gửi lời cảm ơn sự hỗ trợ nhiệt tình của các đối tác trong dự án gồm: Đại sứ quán Na-uy và Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam. 

Hội Nhà báo Việt Nam, Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí và Chương trình Phát triển của Liên hiệp Quốc (UNDP) rất mong nhận được ý kiến đóng góp từ Quý độc giả để cuốn Sổ tay này ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu sử dụng của những người thực hành và thúc đẩy việc chống phân biệt đối xử tại Việt Nam. 



MỤC LỤC

HỘI NHÀ BÁO VIỆT NAM (VJA) VÀ TRUNG TÂM BỒI DƯỠNG NGHIỆP VỤ BÁO CHÍ (VJTC) 1

LỜI CẢM ƠN 2

1. Giới thiệu chung 3

2. Một số thông tin cơ bản về một số nhóm dễ bị tổn thương 4

2.1.Phụ nữ 4

2.2.Người khuyết tật 5

2.3. Người LGBTI 6

3. Pháp luật quốc tế và Việt Nam về chống phân biệt đối xử 8

3.1. Đối với phụ nữ 8

3.2. Đối với người khuyết tật 9

3.3. Đối với người LGBTI 10

4. Báo chí, truyền thông đưa tin về một số nhóm dễ bị tổn thương như thế nào? 11

4.1. Đối với tin bài về phụ nữ 11

4.2. Đối với tin bài về người khuyết tật 12

4.3. Đối với tin bài về người LGBTI 13

5. Nguyên tắc đưa tin về các nhóm dễ bị tổn thương 15

5.1. Tiếp cận dựa trên quyền con người 15

5.2. Tôn trọng sự đa dạng, loại bỏ định kiến, kỳ thị 15

5.3. Đa chiều và khách quan trong đưa tin 16

6. Những lưu ý khi đưa tin nhạy cảm và bao trùm về nhóm dễ bị tổn thương 17

6.1. Lưu ý khi đưa tin về phụ nữ 17

6.2. Lưu ý khi đưa tin về người khuyết tật 18

6.3. Lưu ý khi đưa tin về người LGBTIQ+ 19

7. Giấy chứng nhận đồng thuận trả lời phỏng vấn, quay phim, ghi âm 21

8. Danh sách/ địa chỉ của một số các cơ quan bảo vệ/ cung cấp thông tin 22


1. Giới thiệu chung

Việt Nam là một trong số ít các nước hoàn thành sớm các mục tiêu thiên niên kỷ bao gồm xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ cũng như những tiêu chuẩn về chăm sóc y tế cộng đồng. Trong Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030, Việt Nam đã đưa lộ trình thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững và 115 mục tiêu cụ thể phù hợp với điều kiện và ưu tiên phát triển của đất nước. Theo đó, Việt Nam cam kết mạnh mẽ thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững để không ai bị bỏ lại phía sau. 

Quyền con người phải được đặt ở trung tâm của cả ba khía cạnh xã hội, môi trường và kinh tế, trong chương trình nghị sự 2030, nhằm đạt được sự phát triển bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau. Trong bối cảnh bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ cho mục tiêu này khi tham gia vào các cơ chế nhân quyền của Liên Hợp Quốc và hành động để thực hiện các nghĩa vụ và khuyến nghị theo Cơ chế Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR).

Trong chu kỳ UPR trước, Việt Nam đã nhận được một số khuyến nghị về thúc đẩy giáo dục và đào tạo quyền con người trong nước. Trên tinh thần đẩy nhanh những nỗ lực này, Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 21/12/2021 mới đây của Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh việc tăng cường vai trò của các cơ quan báo chí và sự cần thiết phải tổ chức các khóa đào tạo về quyền con người cho các tổng biên tập và phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí. Sổ tay này được biên soạn để hỗ trợ mục tiêu đó.         

Phân biệt đối xử với phụ nữ, người khuyết tật và LGBTI là vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận các cơ hội và sự tham gia bình đẳng của họ trong xã hội. Trong vai trò cung cấp thông tin phù hợp, chính xác và khách quan cho người dân, các cơ quan thông tấn, báo chí và nhà báo có trách nhiệm bảo vệ mọi thành viên trong xã hội khỏi sự phân biệt đối xử. Báo chí và các phương tiện truyền thông giúp thu hút sự chú ý của công chúng về các vấn đề phân biệt đối xử và quyền lợi chính đáng của một số nhóm nhất định trong xã hội. Bên cạnh đó, việc cung cấp thông tin cần thiết về các dịch vụ và cơ hội dành cho nhóm dễ bị tổn thương, đặc biệt là những thay đổi về luật và chính sách của nhà nước, cũng là một bước quan trọng nhằm tạo điều kiện cho họ tham gia tích cực hơn vào xã hội.

Báo chí, truyền thông cũng đóng vai trò quan trọng trong việc làm sáng tỏ những quan niệm sai lầm, xóa bỏ định kiến xã hội về các nhóm người trong xã hội. Người làm báo cần thể hiện rõ ràng vai trò của mình khi đưa tin về các nhóm dễ bị phân biệt đối xử hoặc bị gạt ra ngoài lề xã hội. Điều quan trọng đối với người làm báo là phải nâng cao hiểu biết và nhận thức về các vấn đề liên quan đến các nhóm người dễ bị phân biệt đối xử hoặc có xu hướng bị gạt ra ngoài lề xã hội. Báo cáo khách quan, bao gồm mô tả chính xác và chi tiết về các vấn đề của cộng đồng, sẽ giúp nâng cao nhận thức của người dân về quyền của các nhóm dễ bị tổn thương; góp phần chống phân biệt đối xử và giảm thành kiến của xã hội đối với họ, từ đó góp phần xây dựng xã hội Việt Nam hòa nhập và bình đẳng hơn. 

Cuốn “Sổ tay dành cho báo chí đưa tin về một số nhóm dễ bị tổn thương” cung cấp nguồn thông tin tham khảo thiết thực cho giới truyền thông nhằm nâng cao chất lượng nội dung truyền thông về một số nhóm dễ bị tổn thương ở Việt Nam. Trong xã hội, còn có nhiều nhóm người có thể đưa vào nhóm “dễ bị tổn thương”, tuy nhiên trong khuôn khổ cuốn sổ tay này, chúng tôi chỉ đề cập đến ba nhóm, bao gồm: phụ nữ, người LGBTI, và người khuyết tật.

Cuốn sổ tay này không nhằm mục tiêu phải đưa ra tiêu chuẩn bắt buộc cho việc hướng dẫn đưa tin về chống lại phân biệt đối xử với một số nhóm được đề cập, mà nó nhằm làm phong phú thêm các tài liệu hiện có để kiến tạo định hướng dư luận xã hội, đặc biệt là góp phần nâng cao nhận thức trong cộng đồng về nhóm dễ bị tổn thương.

Với sự hỗ trợ của UNDP Việt Nam và sự đóng góp của Đại sứ quán Na Uy cùng Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam, Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam, xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc cuốn “Sổ tay dành cho báo chí đưa tin về các nhóm dễ bị tổn thương”.

   2. Một số thông tin cơ bản về một số nhóm dễ bị tổn thương

2.1. Phụ nữ

Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (CEDAW) được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua năm 1979. Trong phần mở đầu, Công ước đã xác định rằng “sự phân biệt đối xử trên diện rộng đối với phụ nữ vẫn tiếp tục tồn tại”. Một số nhóm phụ nữ, bao gồm phụ nữ di cư, phụ nữ trong cộng đồng LGBTI, phụ nữ khuyết tật, phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ là nạn nhân của nạn buôn người, góa phụ và phụ nữ cao tuổi, có thể đặc biệt dễ bị tổn thương trước sự phân biệt đối xử.

Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới phê chuẩn CEDAW vào năm 1982. Điều này thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội, kinh tế, chính trị và gia đình. Tuy nhiên, ở Việt Nam, phụ nữ vẫn chiếm tỷ lệ cao trong nhóm người nghèo và cận nghèo, nhóm lao động có thu nhập thấp và trong khu vực lao động phi chính thức, có nhiều khả năng bị thiếu việc làm hoặc thất nghiệp và có việc làm không ổn định so với nam giới.

Phụ nữ là nhóm dễ bị phân biệt đối xử và dễ bị tổn thương xuất phát từ một số yếu tố xã hội, văn hóa và kinh tế. Trong xã hội Việt Nam, phụ nữ vẫn gặp phải những hạn chế về văn hóa và xã hội, chẳng hạn như trách nhiệm chính đối với công việc nội trợ và chăm sóc không được trả lương. Những quan điểm rập khuôn và vai trò giới có thể gây ra và duy trì sự đối xử bất công đối với phụ nữ trong xã hội. Phụ nữ thường gặp phải tình trạng tiếp cận không bình đẳng với các nguồn lực kinh tế và tài chính, ít được tiếp cận với giáo dục và đào tạo cũng như những hạn chế về quyền thừa kế, quyền sở hữu đất đai và tài sản. Phụ nữ cũng dễ bị tổn thương hơn trước nhiều hình thức bạo lực và quấy rối, bao gồm cả bạo lực trên cơ sở giới.

2.2. Người khuyết tật

Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua năm 2006 đề cập đến khái niệm người khuyết tật như sau: “Người khuyết tật bao gồm những người có khiếm khuyết lâu dài về thể chất, tâm thần, trí tuệ hoặc giác quan mà khi tương tác với những rào cản khác nhau có thể phương hại đến sự tham gia hữu hiệu và trọn vẹn của họ vào xã hội trên cơ sở bình đẳng với những người khác.”

Định nghĩa này được các quốc gia thành viên của Công ước thừa nhận khi phê chuẩn, trong đó có Việt Nam từ năm 2014. Tuy nhiên, định nghĩa của từng quốc gia thì vẫn có độ lệch với khái niệm trong CRPD vì mỗi quốc gia có sự khác nhau về quan điểm khuyết tật, những quy định liên quan tới tình trạng và mức độ khuyết tật, cũng như cách sử dụng từ ngữ diễn tả. 

Tại Việt Nam, theo quy định tại khoản 1 Điều 2 của Luật Người khuyết tật năm 2010, người khuyết tật là “người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn”. So với khái niệm quốc tế về người khuyết tật trong CRPD, khái niệm này còn chưa nhắc đến sự kết hợp với những rào cản xã hội, ngăn trở việc tham gia đầy đủ và trọn vẹn của người khuyết tật vào đời sống xã hội trên cơ sở bình đẳng như các thành viên xã hội khác.

Thay cho việc dùng cụm từ “những người tàn tật” có hàm ý miệt thị và hạ thấp, hiện nay, nhóm người này được gọi là “những người khuyết tật”. Thuật ngữ này hàm ý rõ ràng rằng họ, trước hết, được xác định là “những con người”, với một số dạng suy yếu về thể chất hoặc tinh thần. Tuy nhiên, họ không phải và không nên được mô tả chỉ dựa trên tình trạng khuyết tật của họ, cũng như không được coi là ít có khả năng tham gia vào bất kỳ khía cạnh nào của đời sống xã hội chỉ dựa trên tình trạng khuyết tật. Người khuyết tật làm việc trong mọi thành phần kinh tế với các vai trò khác nhau và có những đóng góp có ý nghĩa cho xã hội khi được đảm bảo cơ hội bình đẳng và được thực hiện những điều chỉnh cần thiết trong cuộc sống, học tập, môi trường làm việc, hoạt động xã hội.


Một số thuật ngữ liên quan:

Phân biệt đối xử dựa trên khuyết tật

Đó là bất kỳ sự phân biệt, loại trừ hoặc hạn chế nào dựa trên khuyết tật có mục đích hoặc tác động làm suy yếu hoặc vô hiệu hóa sự công nhận, hưởng thụ hoặc thực hiện, trên cơ sở bình đẳng với những người khác, bao gồm tất cả các quyền con người và quyền tự do cơ bản trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, dân sự hoặc bất kỳ lĩnh vực nào khác. Nó bao gồm tất cả các hình thức phân biệt đối xử, kể cả việc từ chối cung cấp sự điều chỉnh hợp lý trong không gian sống và làm việc của người khuyết tật.

Sự hòa nhập

Trong bối cảnh của người khuyết tật, chính sách đảm bảo sự tiếp cận bình đẳng với các cơ hội và sự tham gia của người khuyết tật trên cơ sở bình đẳng với những người không khuyết tật.

Điều chỉnh hợp lý

Là sự điều chỉnh và sửa đổi cần thiết và phù hợp trong không gian sống và làm việc của người khuyết tật mà không tạo ra gánh nặng quá sức hay bất cân đối, ở những nơi cần thiết trong những trường hợp cụ thể, để đảm bảo người khuyết tật có thể thụ hưởng hay thực hiện quyền con người và các quyền tự do cơ bản trên cơ sở bình đẳng như những người khác (Điều 2, Công ước Liên Hợp Quốc về quyền của Người khuyết tật).


2.3. Người LGBTI

Theo Bộ Chỉ số hòa nhập LGBTI của UNDP toàn cầu phát triển, thuật ngữ LGBTI dùng để chỉ những người có khuynh hướng tình dục, bản dạng giới, biểu hiện hoặc tập hợp các đặc điểm giới tính có xu hướng bị phân biệt đối xử. Cộng đồng này bao gồm: người đồng tính nữ (Lesbian), đồng tính nam (Gay), song tính (Bisexual), chuyển giới (Transgender), và ngưởi liên giới tính (Intersex).

Việc xác định các thuật ngữ liên quan đến xu hướng tính dục, bản dạng hoặc biểu hiện giới và đặc điểm giới tính (SOGIESC) trong các bối cảnh văn hóa và quốc gia khác nhau là một nhiệm vụ phức tạp. Do đó, thuật ngữ “người LGBTI” có thể được sử dụng như một thuật ngữ chung để thể hiện sự đa dạng trong nhóm này, đồng thời thừa nhận những thách thức chung mà nhóm phải đối mặt, bao gồm: kỳ thị, phân biệt đối xử và bạo lực vì xu hướng tính dục, bản dạng hoặc biểu hiện giới tính, và đặc điểm giới tính của họ. Định nghĩa này không phải là duy nhất do các khái niệm, thuật ngữ hoặc đặc điểm nhận dạng khác có thể phù hợp trong các bối cảnh khác nhau và các quan niệm có thể phát triển theo thời gian.

Phân biệt đối xử trên cơ sở SOGIES có nghĩa là tạo ra sự phân biệt, loại trừ hoặc hạn chế có mục đích hoặc tác động làm suy yếu hoặc không cho một người được bình đẳng trên cơ sở với người khác, dựa trên xu hướng tính dục thực sự của họ, hoặc nhận thức, bản dạng giới, biểu hiện giới tính hoặc đặc điểm giới tính của họ.

Bảng thuật ngữ dưới đây cung cấp cơ sở hiểu biết chung và thuật ngữ liên quan đến Đa dạng tính dục (SOGIESC) để các nhà báo tham khảo khi đưa tin.


Xu hướng tính dục 

Xu hướng tính dục đề cập đến sự nhận định của bản thân, sự thu hút đối với những người cùng giới và/hoặc khác giới, hoặc hành vi tình dục với những người cùng giới và/hoặc khác giới.

Bản dạng giới 

Bản dạng giới là cảm nhận của một người về bản thân, từ bên trong tiềm thức, rằng mình thuộc về giới nào. Bản dạng giới không dựa vào giới tính sinh học mà phụ thuộc vào nhận thức và nhận định của mỗi người. 

Thể hiện giới 

Thể hiện giới là những cách một người chọn để thể hiện nữ tính, nam tính hoặc các đặc điểm liên quan đến phi nhị nguyên giới trong ngoại hình, lời nói hoặc hành vi khác của họ.


Đặc điểm giới tính 

Đặc điểm giới tính là một loạt các đặc điểm thể chất liên quan đến tình dục. Chúng bao gồm cơ quan sinh dục, cơ quan sinh sản khác, nhiễm sắc thể, hormone và các đặc điểm thể chất thứ cấp xuất hiện ở tuổi dậy thì.

Đồng tính nữ Lesbian 

Người có bản dạng giới là nữ có hấp dẫn tình cảm hoặc/ và tình dục với người có bản dạng giới nữ.


Đồng tính nam (gay)

Người có bản dạng giới là nam có hấp dẫn tình cảm hoặc/ và tình dục người có bản dạng giới nam.

Người song tính (bisexual)

Người có hấp dẫn tình cảm hoặc/ và tình dục với cả người có bản dạng giới nữ và người có bản dạng giới nam. Theo quan điểm phi nhị nguyên giới, xu hướng song tính có thể hiểu là người có hấp dẫn tình cảm và tình dục với hai giới bất kỳ.

Người chuyển giới (transgender)

Người chuyển giới là những người có cảm nhận sâu sắc trong nội tâm và trải nghiệm về giới tính (bản dạng giới) khác với giới tính mà họ được xác định khi sinh ra. Người chuyển giới còn là những người có cách thể hiện giới tính không phù hợp với định kiến về giới tính được xác định khi sinh ra. 

Người liên giới tính (intersex)

Nếu ai đó được sinh ra với những đặc điểm cơ thể này không phù hợp với các tiêu chuẩn y tế hoặc xã hội đối với cơ thể nam hay nữ, thì chúng tôi nói họ là người lưỡng tính hoặc có đặc điểm liên giới tính. 


3. Pháp luật quốc tế và Việt Nam về chống phân biệt đối xử

3.1. Đối với phụ nữ

Điều ước chủ chốt và tổng hợp nhất ghi nhận quyền của nhóm này là Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (CEDAW). Việt Nam đã phê chuẩn Công ước này. CEDAW được thông qua với hai nguyên tắc cơ bản: Nguyên tắc bình đẳng về cơ hội, lợi ích, địa vị cá nhân và Nguyên tắc không phân biệt đối xử trong tất cả các lĩnh vực. 

Pháp luật Việt Nam trong nhiều văn bản luôn thể hiện sự quan tâm và bảo vệ cho quyền và lợi ích của người phụ nữ như sau: 

           - Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định bình đẳng giới và quyền lợi của phụ nữ; đảm bảo quyền phụ nữ tham gia vào các hoạt động xã hội, chính trị, và kinh tế trên cơ sở bình đẳng với nam giới.

          - Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định các quyền và nghĩa vụ của vợ chồng, cung cấp bảo vệ pháp lý cho phụ nữ trong đời sống hôn nhân và gia đình, đồng thời cấm các hình thức bạo lực gia đình và bất công đối xử dựa trên giới tính.

          - Luật Bình đẳng giới năm 2006 quy định nguyên tắc bình đẳng giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình, biện pháp bảo đảm bình đẳng giới, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện bình đẳng giới.

          - Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2023 bảo vệ phụ nữ, trẻ em và các thành viên khác trong gia đình khỏi bạo lực gia đình; cung cấp các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ và trừng phạt những hành vi bạo lực gia đình.

- Bộ luật Lao động năm 2019 có riêng một chương riêng (Chương X) quy định về lao động nữ và bình đẳng giới nhằm thúc đẩy tốt hơn quyền bình đẳng của phụ nữ. Ngoài ra, Nhà nước còn có chính sách bảo đảm quyền làm việc bình đẳng của lao động nữ; khuyến khích người sử dụng lao động, tạo điều kiện để lao động nữ có việc làm thường xuyên, áp dụng rộng rãi chế độ làm việc theo thời gian biểu linh hoạt. 

- Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đặt ra những bảo đảm pháp lý để phụ nữ được hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất, thất nghiệp, mất sức lao động. Lao động nữ được hưởng các chế độ khám thai (nghỉ việc có hưởng lương trợ cấp); nghỉ việc hưởng lương trợ cấp sinh đẻ bằng 100% tiền lương; dưỡng sức sau khi sinh nếu sức khỏe yếu. 

3.2. Đối với người khuyết tật

Công ước về Quyền của Người khuyết tật (CRPD) thiết lập các cơ chế để đảm bảo rằng người khuyết tật được hưởng các quyền con người cơ bản trên cơ sở bình đẳng với các thành viên khác trong xã hội. Cụ thể, những quyền này bao gồm: quyền hòa nhập và hỗ trợ để hòa nhập cộng đồng; quyền được hỗ trợ trong việc đi lại; quyền được hỗ trợ phục hồi chức năng; quyền có mức sống thích hợp và bảo trợ xã hội. Nguyên tắc chính về không phân biệt đối xử được nêu rõ trong nhiều điều khoản của CRPD, trong đó nhấn mạnh rằng người khuyết tật bình đẳng trước pháp luật và mọi hình thức phân biệt đối xử dựa trên tình trạng khuyết tật sẽ bị cấm để đảm bảo rằng người khuyết tật có thể thực hiện các quyền các quyền và tự do cơ bản của mình trên cơ sở bình đẳng với những người khác.

Luật pháp Việt Nam phần nào hệ thống hóa các nguyên tắc cơ bản của CRPD nhằm cấm kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người khuyết tật. Theo Luật Người khuyết tật năm 2010, kỳ thị người khuyết tật là sự coi thường hoặc thiếu tôn trọng người khuyết tật vì lý do khuyết tật của họ. Phân biệt đối xử với người khuyết tật là hành vi xa lánh, từ chối, ngược đãi, bôi nhọ, phán xét hoặc hạn chế toàn bộ quyền của người khuyết tật vì tình trạng khuyết tật của họ.

Để chống phân biệt đối xử với người khuyết tật, Nhà nước cam kết công nhận, tôn trọng, bảo vệ và đảm bảo quyền của người khuyết tật được tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội; sống độc lập; hòa nhập cộng đồng; tiếp cận chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, nghiên cứu văn hóa, đào tạo nghề, việc làm, trợ giúp pháp lý, tiếp cận công việc công cộng, giao thông, công nghệ thông tin, dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch và các dịch vụ khác phù hợp với loại và mức độ khuyết tật.

Đặc biệt, Luật Người khuyết tật năm 2010 nhấn mạnh đến việc không phân biệt đối xử, tiếp cận và tham gia bình đẳng đối với người khuyết tật. Luật thúc đẩy những điều chỉnh trong lĩnh vực công để cải thiện khả năng tiếp cận, giáo dục hòa nhập và cơ hội việc làm. Quyền của người khuyết tật cũng được đề cao trong nhiều luật, văn bản dưới luật của Việt Nam như:

  • Luật Giáo dục 2019, Bộ luật Lao động năm 2019 và Luật Việc làm năm 2013 thúc đẩy giáo dục hòa nhập và cơ hội việc làm cũng như thích ứng để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người khuyết tật.

  • Luật Bảo hiểm y tế năm 2008 thúc đẩy khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện, bao gồm cả những dịch vụ cần thiết để phục hồi chức năng, quản lý và chăm sóc người khuyết tật.

  • Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 đưa ra các biện pháp bảo vệ bổ sung cho người khuyết tật chống lại bạo lực gia đình, ghi nhận mức độ dễ bị tổn thương ngày càng tăng của họ.

  • Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 đảm bảo rằng người khuyết tật có quyền tiếp cận bình đẳng với các tác phẩm có bản quyền ở các định dạng mà họ có thể tiếp cận được, thúc đẩy sự hòa nhập văn hóa và giáo dục.

3.3. Đối với người LGBTI

Một số văn bản pháp luật và hành chính của Việt Nam thúc đẩy, bảo vệ quyền và lợi ích của các cá nhân trong cộng đồng LGBTI, như:

  • Bộ luật Dân sự năm 2015 cho phép chuyển đổi giới tính, xác định lại giới tính và có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch, thay đổi tên, có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi, đã được xác định lại.

  • Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 trong quy định về các hành vi bị cấm để bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình đã không còn quy định “Cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính” như trước đây. Tuy nhiên, Điều 8 luật này vẫn khẳng định: “Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính”. 

  • Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 quy định cụ thể 16 hành vi bạo lực gia đình, trong đó có hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử về hình thể, giới tính (Điều 3).

  • Bộ Y tế Việt Nam ban hành Công văn 4132/BYT-PC ngày 03/08/2022 về việc chấn chỉnh công tác khám bệnh, chữa bệnh đối với người đồng tính, song tính và chuyển giới, trong đó “không coi đồng tính, song tính, chuyển giới là một bệnh; không can thiệp, ép buộc điều trị đối với các đối tượng này, nếu có chỉ là hỗ trợ về tâm lý và do người có hiểu biết về bản dạng giới thực hiện”. Mặc dù đây chỉ là một văn bản hành chính nhưng nó có ý nghĩa quan trọng trong việc khẳng định quan điểm không phân biệt đối xử với người LGBTI trong lĩnh vực y tế nói riêng, và trong đối xử với cộng đồng LGBTI nói chung.

4. Báo chí, truyền thông đưa tin về một số nhóm dễ bị tổn thương như thế nào?

4.1. Đối với tin bài về phụ nữ 

Thúc đẩy bình đẳng giới và quyền của phụ nữ là điều cần thiết để đạt được các mục tiêu phát triển. Mục tiêu 05 về Bình đẳng giới bản thân nó không chỉ là một mục tiêu mà còn xuyên suốt trong tất cả các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) khác, trong đó có sự đan xen giữa giới và nhu cầu hành động đáp ứng giới. Do đó, các cơ quan báo chí và các nhà báo có thể phát triển những chủ đề, những câu chuyện cho thấy phụ nữ tự tin thể hiện cá tính của mình trong mọi lĩnh vực đời sống và công việc, đồng thời quảng bá những câu chuyện miêu tả phụ nữ một cách toàn diện và không rập khuôn. Các nhà báo có thể tạo ra sự thay đổi tích cực bằng cách tăng cường hình ảnh của phụ nữ trong việc đưa tin và nâng cao nhận thức về quyền của phụ nữ cũng như khả năng đóng góp đa dạng cho xã hội theo nhiều cách, có thể nêu bật các chủ đề như:

  • Câu chuyện thành công về phụ nữ trên mọi lĩnh vực, bao gồm chính trị, kinh tế, học thuật và văn hóa; Nêu bật những đóng góp của phụ nữ trong các lĩnh vực này, đặc biệt là trong các lĩnh vực mà nam giới từng đóng vai trò lãnh đạo và những thách thức mà phụ nữ có thể gặp phải khi đảm nhiệm những vai trò này.

  • Giới thiệu câu chuyện của các nữ doanh nhân, nghệ sĩ, vận động viên, lãnh đạo cộng đồng, cảnh sát và quân nhân; Nêu bật những đóng góp và kinh nghiệm của phụ nữ trong các ngành nghề và vai trò đa dạng;

  • Tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong việc phản ánh các hoạt động của đời sống xã hội, kinh tế, chính trị; Làm nổi bật vai trò lãnh đạo của phụ nữ và những trải nghiệm độc đáo của họ.

  • Nêu bật những thành tựu và đổi mới của phụ nữ trong khoa học, công nghệ, kỹ thuật và y học (STEM) cũng như tác động của nó tới cuộc sống hàng ngày của chúng ta;

  • Làm nổi bật quyền tiếp cận giáo dục của phụ nữ và tác động của việc tiếp cận giáo dục đối với tương lai, cơ hội và sự phát triển của họ; Suy ngẫm về những trải nghiệm, thành tích, trở ngại mà nữ sinh có thể gặp phải;

  • Đưa vào nội dung nhằm xóa bỏ những rào cản, định kiến đối với phụ nữ trong công việc và thăng tiến. Ví dụ, tránh định kiến tiêu cực khi đưa tin về việc phụ nữ đi làm việc ở nước ngoài hoặc có cơ hội việc làm xa nhà;

  • Suy ngẫm về những áp lực xã hội về vai trò gia đình truyền thống của phụ nữ đối với sức khỏe tâm lý của họ cũng như các nguồn lực và cách họ có thể tìm kiếm sự hỗ trợ từ gia đình và cộng đồng.

  • Phản ánh sự tham gia của phụ nữ vào tiến trình chính trị và quản lý các vấn đề xã hội; Ghi nhận thành quả của việc phụ nữ đấu tranh và đạt được các quyền chính đáng về chính trị hoặc pháp lý.

  • Nâng cao nhận thức về các vấn đề và thách thức hiện tại trong việc đảm bảo quyền của phụ nữ và cơ hội bình đẳng trong xã hội; Các câu chuyện có thể bao gồm quyền tự quyết của phụ nữ trong lĩnh vực sức khỏe sinh sản, chống bạo lực trên cơ sở giới và thúc đẩy sự đại diện của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo chính trị và kinh doanh.

        4.2. Đối với tin bài về người khuyết tật 

Đưa tin về khuyết tật và đặc biệt là quyền của người khuyết tật là trách nhiệm quan trọng và đầy ý nghĩa của báo chí. Báo chí và hình ảnh do các nhà báo sản xuất thu hút sự chú ý đến các chủ đề và vấn đề cản trở hoặc thúc đẩy quá trình hòa nhập người khuyết tật, sẽ không chỉ cho thế giới thấy Việt Nam đang tiến bộ như thế nào trong lĩnh vực này, mà còn giúp cải thiện cuộc sống và phúc lợi của người khuyết tật thông qua các chương trình truyền thông và vận động chính sách. 

Các nhà báo có thể giúp nâng cao hiểu biết của công chúng về cuộc sống của người khuyết tật và đặc biệt là những rào cản họ có thể gặp phải trong chăm sóc sức khỏe, giáo dục, việc làm và tiếp cận môi trường xung quanh. Người khuyết tật cần có cơ hội bình đẳng để tham gia và đóng góp tích cực cho xã hội. Sự tham gia đầy đủ của họ phụ thuộc vào việc loại bỏ hiệu quả các rào cản đó.

Điều này đòi hỏi phải thay đổi cách nhìn hạn hẹp và thường mang tính rập khuôn tiêu cực về người khuyết tật trên các phương tiện truyền thông, như đối tượng đáng thương hại, từ thiện hoặc như siêu nhân vì đã vượt lên tình trạng khuyết tật. Bằng cách tăng cường đưa tin về nhiều loại vấn đề khuyết tật và sự đa dạng của người khuyết tật cũng như hoàn cảnh sống của họ, các phương tiện truyền thông có thể góp phần đại diện chính xác hơn cho những cá nhân này và thúc đẩy sự hòa nhập tốt hơn của người khuyết tật trong mọi khía cạnh của đời sống xã hội. Đó cũng là cách để họ phát huy thành công quyền và sự tham gia đầy đủ vào các hoạt động của xã hội cũng như cơ hội đạt được sự độc lập về tài chính và kinh tế.

Các nhà báo đưa tin về người khuyết tật có thể tập trung vào các chủ đề sau để tăng cường sự hiện diện toàn diện và đa dạng của người khuyết tật trên các phương tiện truyền thông, đồng thời xóa bỏ những định kiến và quan niệm sai lầm tiêu cực về họ:

  • Tăng cường thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam, luật pháp và chính sách quốc gia về hòa nhập người khuyết tật bằng cách trao đổi rộng rãi với cả người có nghĩa vụ và người có quyền về cách giải thích và thực thi chính xác các văn bản pháp luật đó.

  • Thúc đẩy giao tiếp tích cực về và với người khuyết tật bằng cách nâng cao sự nhạy cảm của công chúng bằng ngôn ngữ và hành vi phù hợp khi nói chuyện với và về người khuyết tật để tạo ra một xã hội hòa nhập.

  • Tạo nhận thức và ghi nhận sự đa dạng trong xã hội bằng cách phản ánh trải nghiệm của những người khuyết tật bình thường làm việc hoặc tham gia vào nhiều ngành nghề và lĩnh vực khác nhau, thừa nhận những đặc điểm và năng lực đa dạng của họ.

  • Thúc đẩy vai trò của người khuyết tật như là tác nhân thay đổi, sự tham gia có ý nghĩa của họ vào quá trình ra quyết định trong gia đình và xã hội.

  • Nêu bật những đóng góp chủ động và thực chất của người khuyết tật cho cộng đồng, cho sự phát triển bền vững của quốc gia và những thành tựu của Mục tiêu Phát triển Bền vững.

  • Nâng cao nhận thức về quyền tự chủ và năng lực pháp lý của người khuyết tật, bao gồm cả những thách thức để đạt được đầy đủ quyền tự quyết của họ.

  • Thúc đẩy môi trường thuận lợi và dễ tiếp cận trong giáo dục, việc làm, y tế, thể thao, du lịch và tất cả các hoạt động xã hội bằng cách nâng cao nhận thức cộng đồng về các rào cản vật chất, thông tin, chính sách và thái độ mà người khuyết tật đang phải đối mặt trong các lĩnh vực này, cũng như đưa ra các thiết kế và những điều chỉnh hợp lý giúp phát huy tối đa tiềm năng và sự hòa nhập của người khuyết tật.

  • Nâng cao nhận thức của cộng đồng về tình trạng phân biệt đối xử kép, gấp đôi hay gấp nhiều lần đối với người khuyết tật nói chung (chẳng hạn như tỷ lệ nghèo đói cao hơn trong các hộ gia đình khuyết tật, người khuyết tật dễ bị tổn thương hơn người không khuyết tật trong các tình huống khủng hoảng, họ là đối tượng của bạo lực trên cơ sở giới), cũng như chống lại việc phân biệt đối xử với các nhóm thiểu số dễ bị tổn thương nhất (như người mù điếc, người tí hon, người bạch tạng, phụ nữ khuyết tật người dân tộc thiểu số, v.v.).

  • Lên tiếng và đưa tin về các trường hợp phân biệt đối xử và bạo lực đối với người khuyết tật để đảm bảo sự bình đẳng trên thực tế.


4.3. Đối với tin bài về người LGBTI

Nhà báo có thể góp phần thúc đẩy sự đa dạng và hòa nhập, đồng thời nâng cao nhận thức về quyền và hoàn cảnh sống của người LGBTI bằng cách thúc đẩy đưa tin mang tính toàn diện và nhạy cảm. Nhà báo có thể đưa tin về các chủ đề cụ thể sau:

  • Thông tin khách quan, công bằng, đa chiều, chân thực về người LGBTI và những mối quan tâm tới quyền con người của họ; Cung cấp cho công chúng đa dạng nội dung với nguồn tin phong phú từ góc nhìn của các chuyên gia, các nhà hoạt động xã hội, các trải nghiệm của người LGBTI với sự tôn trọng đa dạng giới và xúc tiến bình đẳng giới. 

  • Phản ánh đời sống thực tế của người LGBTI một cách đa chiều, đảm bảo tính đại diện, thúc đẩy các câu chuyện của họ trong cuộc sống đời thường với sự đa dạng và phức tạp vốn có của cuộc sống. Các câu chuyện này phản ánh trải nghiệm của những con người bình thường hoạt động ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực.

  • Không thu hẹp cuộc sống, nghề nghiệp của người LGBTI vào một số hình ảnh/ nghề nghiệp nhất định trong ngành giải trí (người mẫu, diễn viên, ca sĩ….), dẫn đến định kiến cho rằng người LGBTI chỉ hoạt động ở lĩnh vực nghệ thuật, trong khi trên thực tế họ làm nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Việc đóng khung và dán nhãn này có thể hạn chế sự đa dạng trong tự do thể hiện bản thân của người LGBTI. 

  • Không gian sống, làm việc và tương tác với xã hội của các cá nhân trong cộng đồng LGBTI không chỉ ở thành thị mà còn ở nhiều vùng miền khác như nông thôn, miền núi, miền biển. Nếu chỉ phản ánh đời sống của người LGBTI ở không gian đô thị sẽ dẫn đến định kiến rằng người LGBTI là kết quả của xu hướng đô thị hóa và toàn cầu hóa.

  • Thúc đẩy những câu chuyện có ý nghĩa thiết thực cho người LGBTI nói riêng và cộng đồng xã hội nói chung. Các vấn đề của cộng đồng LGBTI, bao gồm nhận diện những khó khăn trong đời sống mà người LGBTI đang gặp phải; Vấn đề định kiến giới, sự kỳ thị, sự bất bình đẳng, phân biệt đối xử đối với LGBTI trong gia đình, trường học, nơi làm việc, ngoài xã hội; Cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế, tư vấn tâm lý tình cảm, cơ hội việc làm, v.v…; 

  • Khắc họa những câu chuyện về thành tựu và đóng góp của các cá nhân LGBTI cho xã hội, kể cả ở các vị trí lãnh đạo và vai trò đa dạng trên mọi lĩnh vực của cuộc sống như giáo dục, văn hóa, kinh tế, đời sống xã hội và chính trị.

  • Khai thác các chủ đề về quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới, đa dạng giới và LGBTI; Tiến bộ trong việc thúc đẩy các chính sách quốc gia hướng tới sự hòa nhập và các quyền cơ bản của LGBTI.

  • Khi đưa tin về các mối quan hệ hôn nhân và gia đình, hãy tăng cường câu chuyện điển hình về các mối quan hệ LGBTI để thúc đẩy sự đa dạng hơn và chống lại định kiến trong việc đưa tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

5. Nguyên tắc đưa tin về các nhóm dễ bị tổn thương

Diễn giải và đưa tin về những vấn đề phức tạp là một trong những nhiệm vụ của báo chí. Nhà báo cần tập trung khám phá những câu chuyện, cách trình bày mới mẻ, thú vị, chính xác về các nhóm dễ bị tổn thương và đưa tin một cách thuyết phục nhằm nâng cao nhận thức của công chúng về các vấn đề liên quan đến các nhóm dễ bị tổn thương. Cần tuân thủ các nguyên tắc sau để đảm bảo hoạt động truyền thông chính xác, nhạy cảm, khách quan và góp phần thúc đẩy sự đa dạng và chống phân biệt đối xử đối với các nhóm này.

5.1. Tiếp cận dựa trên quyền con người 

Mọi người đều có quyền bình đẳng và không bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế và xã hội, bất kể giới tính, khuynh hướng tình dục, năng lực hay các yếu tố khác. Cách tiếp cận dựa trên quyền con người nhấn mạnh việc xác định quyền và trách nhiệm giữa các chủ thể, xác định vai trò của các cá nhân và các nhóm xã hội trong việc yêu cầu các quyền của họ được đáp ứng; đồng thời nhấn mạnh vai trò của các bên có trách nhiệm trong việc thực hiện và phát huy quyền của cá nhân, nhóm xã hội một cách công khai, minh bạch và không phân biệt đối xử.

Cách tiếp cận này cũng nhấn mạnh sứ mệnh của các nhà báo là sử dụng tin tức như một công cụ để bảo vệ quyền con người của các nhóm này và buộc những người có trách nhiệm phải chịu trách nhiệm. Dù các nhóm dễ bị tổn thương đang ở trong hoàn cảnh nào, họ đều xứng đáng được tôn trọng và hưởng thụ đầy đủ tất cả các quyền cơ bản của con người và môi trường không phân biệt đối xử. Vì vậy, các phương tiện truyền thông cần giúp những nhóm dễ bị tổn thương thể hiện tiếng nói của mình để vận động để thực thi quyền của mình tốt hơn.

5.2. Tôn trọng sự đa dạng, loại bỏ định kiến, kỳ thị

         Nhà báo cần đẩy mạnh thực hiện các quy định quốc tế và các văn bản pháp luật Việt Nam về nhân quyền; luôn tích cực loại bỏ những thông điệp, nội dung, chi tiết mang tính rập khuôn tiêu cực hoặc loại bỏ thông điệp, nội dung, chi tiết, từ ngữ mang định kiến; xóa bỏ kỳ thị, thành kiến, phân biệt đối xử, cản trở sự phát triển của cá nhân, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự ổn định và phát triển bền vững của xã hội; liên tục tìm hiểu về các phong cách giao tiếp khác nhau, ngôn ngữ nhạy cảm về giới và hòa nhập với người khuyết tật để giao tiếp một cách tôn trọng và phù hợp với các nhóm đa dạng. Trong công việc hàng ngày, nhà báo nên:

  • Tôn trọng sự đa dạng và phản ánh tích cực về các nhóm dễ bị tổn thương đối xử, tránh kỳ thị, thành kiến hay phê bình trong quá trình đưa tin.

  • Đưa thông tin với sự tôn trọng, đánh giá khách quan và thúc đẩy sự hiểu biết tốt hơn về sự đa dạng.

5.3. Đa chiều và khách quan trong đưa tin

Nhà báo nên áp dụng các nguyên tắc sau để phát huy góc nhìn đa chiều và sự cân bằng trong đưa tin:

  • Chia sẻ câu chuyện của các nhóm dễ bị tổn thương; Đưa ra các thông tin đa chiều và khách quan, không phân biệt đối xử và không khuếch trương những đặc điểm khác biệt đối với phụ nữ, người LGBTI, và người khuyết tật.

  • Hạn chế tập trung vào những vai trò rập khuôn hay khía cạnh khó khăn của phụ nữ, LGBTI, người khuyết tật mà hãy thể hiện khả năng, thành công và những đóng góp của họ trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Không nên gắn yếu tố “đồng tính”, “chuyển giới”, “khuyết tật” vào nhân vật khi những đặc điểm và yếu tố nhận dạng này không phải là trọng tâm chính của câu chuyện hoặc bài viết.

  • Không sử dụng chi tiết, hoặc xoáy sâu vào yếu tố khác biệt để giật gân, câu view. Khi viết về nhóm người dễ bị tổn thương là phụ nữ, người khuyết tật và người LGBTI cần tập trung vào việc đảm bảo sự trình bày chính xác, tránh những định kiến có hại, duy trì tính khách quan, công bằng, và đúng đắn trong việc đưa tin; 

  • Sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh và thuật ngữ phù hợp và nhạy cảm khi đưa tin về phụ nữ, người khuyết tật và các cá nhân hoặc nhóm LGBTI; Tránh sử dụng ngôn ngữ phân biệt đối xử, xúc phạm, thô tục hoặc thành kiến;

  • Tạo điều kiện cho nhóm dễ bị tổn thương tham gia vào quá trình đưa tin và đảm bảo rằng tiếng nói của họ được chú ý và đánh giá cao; Tạo cơ hội để người dễ bị tổn thương đóng góp ý kiến và cất lên tiếng nói một cách phù hợp. Theo đó, quan điểm, tiếng nói của người họ có thể xuất hiện ở nhiều thể loại báo chí như bản tin, phóng sự, diễn đàn, tọa đàm, v.v.. và ở tất cả các chủ đề truyền thông về kinh tế, chính trị, xã hội, y tế, giáo dục, môi trường. Tiếng nói của người trong cuộc càng đa dạng, đa chiều sẽ cung cấp cho công chúng một cái nhìn thực tế sinh động như vốn có về nhóm dễ bị tổn thương, đồng thời đảm bảo tính khách quan của câu chuyện, thể hiện sự nhạy cảm giới của nhà báo và cơ quan báo chí.

  • Kiểm tra, xác minh thông tin từ các nguồn đáng tin cậy để đảm bảo tính chính xác và tin cậy. Đồng thời, giám sát các sản phẩm truyền thông đã xuất bản và phát sóng để xác định xem các nhóm dễ bị tổn thương có được miêu tả một cách rập khuôn hay không, để các nhà báo có thể tiếp tục nỗ lực tạo ra sự thay đổi theo hướng toàn diện, mang tính đại diện cao hơn và không phân biệt đối xử.


         5.4. Tuân thủ nguyên tắc đạo đức 

Bất kỳ can thiệp nào của truyền thông cũng phải bảo đảm ưu tiên hàng đầu sự an toàn, giữ bí mật và bảo vệ đời sống riêng tư, tôn trọng quyền quyết định của nhóm dễ bị tổn thương, về việc họ xuất hiện hay không xuất hiện trên truyền thông, về phát ngôn, về sử dụng hình ảnh, tiếng nói, tư liệu, quan điểm, câu chuyện đời tư của họ. Tránh việc tiết lộ thông tin nhạy cảm mà không có sự đồng ý của người liên quan. 

Hay khi đưa thông tin về nhóm dễ bị tổn thương, cần lưu ý đến quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của họ; Tránh việc đưa thông tin làm tổn thương gia đình, người thân của họ.

Tuân thủ đạo đức nghề nghiệp đồng nghĩa với việc không đưa tin giật gân, câu view với bất cứ mục đích gì về nhóm dễ bị tổn thương. Khi phỏng vấn các nhân vật, cần đảm bảo các nguyên tắc đạo đức, luôn đặt cá nhân làm trung tâm câu chuyện dựa trên các quyền con người; Giải thích rõ ràng, đầy đủ cho người tham gia phỏng vấn hoặc cung cấp tài liệu về mục đích cũng như phạm vi ảnh hưởng của nội dung truyền thông liên quan.

Điều 4 (trong 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo do Hội Nhà báo Việt Nam công bố năm 2016) quy định báo chí “Nêu cao tinh thần nhân văn, tôn trọng quyền con người. Không xâm phạm đời tư, làm tổn hại danh dự, nhân phẩm, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Các nhà báo nên áp dụng và đề cao nguyên tắc này trong công việc hàng ngày.


       6. Những lưu ý khi đưa tin nhạy cảm và bao trùm về nhóm dễ bị tổn thương

6.1. Lưu ý khi đưa tin về phụ nữ

Tránh

Nên

Thiên vị và đánh đồng hoặc sai lệch (ví dụ: phụ nữ có khả năng làm việc tỉ mỉ và chăm sóc người khác).


Thông tin chính xác và minh bạch; Thấu hiểu và phản ánh về các khía cạnh phức tạp của cuộc sống và trải nghiệm​ (ví dụ: (ví dụ: sự độc lập và tự chủ về tài chính của phụ nữ, phụ nữ trong vai trò lãnh đạo và phụ nữ tham gia những công việc có số đông người lao động là nam giới).

Tiết lộ thông tin cá nhân nhạy cảm mà có thể gây hại hoặc xâm phạm (ví dụ: tiết lộ những chi tiết nhạy cảm khi đưa tin về bạo lực gia đình).


Bảo vệ danh tính và đảm bảo sự riêng tư; Chỉ tiết lộ thông tin nhạy cảm hoặc thông tin cá nhân khi được sự đồng ý.

Có quan điểm chênh lệch hoặc thiên vị.

Đa dạng hóa nguồn tin, tạo ra thông tin hữu ích và nâng cao nhận thức của công chúng.

“Mâu thuẫn gia đình”, “cuộc tranh cãi”, “mối bất hòa” hoặc “hậu quả của ghen tuông”.

Bạo lực gia đình hay bạo lực trên cơ sở giới.

Coi chồng là chủ gia đình hoặc có vị thế cao hơn vợ về mọi mặt.

Nam, nữ bình đẳng trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, kể cả trong hôn nhân.


Phụ nữ bị bạo lực gia đình hoặc bạo lực giới là do lỗi của họ.

Đưa tin đúng sự thật về vụ việc phạm tội đã xảy ra; Tập trung vào hành động và trách nhiệm của thủ phạm thay vì đổ lỗi cho nạn nhân. 

Thông tin chi tiết về sự việc diễn ra với nạn nhân.

Tránh khai thác thông tin bất lợi cho nạn nhân để giật gân, câu view.

   

6.2. Lưu ý khi đưa tin về người khuyết tật


Tránh

Nên

Sử dụng sai thuật ngữ “người mù” đối với tất cả người khiếm thị

Dùng từ “người mù” để chỉ người bị mất thị lực hoàn toàn.

Dùng từ “người lòa”, “người quáng” để chỉ người bị suy giảm thị lực đáng kể nhưng vẫn duy trì được thị lực ở một mức độ nào đó.

Dùng từ “người suy giảm thị lực” cho người có thị lực còn sử dụng được.

Dùng “người khiếm thị” để chỉ người có thị lực kém hoặc mù hoàn toàn.

Dị tật bẩm sinh, dị dạng

Người sinh ra đã có khuyết tật.

Người có khuyết tật từ lúc mới sinh.

Sử dụng sai thuật ngữ “người điếc” đối với tất cả người khiếm thính

Dùng từ “Người điếc” cho người bị mất thính lực hoàn toàn


Sử dụng “điếc một phần”, “nghe kém” hoặc “khiếm thính” đối với người bị mất thính giác một phần

Người câm

Người không có khả năng nói

Cộng đồng người tàn tật

Cộng đồng người khuyết tật

Người tàn tật

Người khuyết tật

Người bị bệnh Down

Người có hội chứng Down

Người bị tự kỷ

Người có hội chứng tự kỷ

Người bình thường/khỏe mạnh/cơ thể bình thường

Người không khuyết tật

Tàn tật, dị dạng, què, thọt, khuyết tật, khuyết tật về thể chất

Người khuyết tật vận động

Ngu, đần, chậm, thiểu năng trí tuệ

Người khuyết tật trí tuệ

Điên, rồ, hâm, bệnh tâm thần

Người khuyết tật tâm lý xã hội

Người tí hon, lùn, còi

Người có vóc dáng thấp bé; người bé nhỏ

Bị, chịu đựng, bị ảnh hưởng bởi, gặp rắc rối 

Có khuyết tật, có suy giảm, có tình trạng


Xin lưu ý rằng nhiều từ đề cập đến một số loại khuyết tật vẫn còn gây tranh cãi. Tuy nhiên, hãy luôn nhớ sử dụng ngôn ngữ hướng tới con người trước, thay vì ngôn ngữ nhận dạng. Nếu bạn không chắc chắn về cách xưng hô với một người khuyết tật, vui lòng hỏi người đó xem họ muốn được nhận dạng như thế nào.

6.3. Lưu ý khi đưa tin về người LGBTIQ+


Tránh

Nên

Giới tính thứ ba/ thế giới thứ ba 

Người LGBTI

  • Bệnh đồng tính 

Đồng tính (Đồng tính không phải là bệnh)

Giới tính thật

Đồng tính/ Chuyển giới/…(LGBTI không phải là giới tính) hoặc Tính dục/ xu hướng tính dục /bản dạng giới

Bóng/ bê đê/ ái nam ái nữ 

LGBTI

/ đồng tính/ song tính/ chuyển giới

  • Không dùng từ kỳ thị trừ khi đó là một phần của lời kể, là chủ đề chính cần nói tới hay để làm phản đề. (“Pê-đê”, “bê đê”, “ô môi”, “xăng pha nhớt”…)

Người bình thường/Nam nữ bình thường

Người khác/ mọi người khác/ số đông mọi người hoặc dùng từ khoa học là “người dị tính”


“Men” 100%/ gái xịn/ …

Trai thẳng, gái thẳng là cách gọi thông thường có thể chấp nhận được, nếu không muốn dùng thuật ngữ “nam nữ dị tính”)

Phong trào  LGBTI

Phong trào (vận động) quyền LGBTI

Sử dụng từ “vợ/chồng” đối với một cặp đôi LGBTI

  • Không dùng những từ như “vợ/chồng”, trừ khi đó chính là lời kể của nhân vật. Thay bằng cách gọi tên, “bạn đời, người yêu...” Dùng “bạn trai” với cặp đồng tính nam, “bạn gái” với cặp đồng tính nữ, hoặc “cặp đôi, người yêu” cho cả hai.


“Bí mật đáng xấu hổ”, “dính nghi án đồng tính”, “tin đồn LGBTI”

  • Không nên sử dụng cách diễn đạt này vì nó gợi cảm giác về việc vướng vào một điều không hay. Những tin đồn chưa được xác nhận về giới tính của một cá nhân không phải là chủ đề để đưa tin, trừ khi có sự đồng ý của cá nhân liên quan để giải quyết chủ đề đó. Nếu cần thiết phải thể hiện nội dung này, có thể dùng “X và tin đồn đồng tính”, “Tin đồn đồng tính về X”, “X im lặng/trả lời trước tin đồn đồng tính”.

Nhầm lẫn giữa đồng tính và chuyển giới

Đồng tính là người yêu người cùng giới. Chuyển giới là người nhận mình có giới tính khác với giới tính khi sinh ra. Không hỏi người đồng tính về việc họ mong muốn/kế hoạch chuyển giới. Không hỏi người chuyển giới về cơ thể hiện tại của họ nếu họ không chủ động chia sẻ hoặc đó không phải là chủ đề chính cần nói tới. Chuyển giới cũng không phụ thuộc việc họ đã phẫu thuật hay chưa, chuyển giới không phải là giai đoạn sau của đồng tính.

Nhầm lẫn chuyển giới nữ và chuyển giới nam

  • Gọi theo giới tính họ mong muốn (họ nghĩ họ là nữ thì gọi là chuyển giới nữ, và ngược lại) hoặc nếu sợ người nghe không hiểu từ dùng “chuyển giới từ nam sang nữ” và “chuyển giới từ nữ sang nam.”

Tránh tạo ra khuôn mẫu về nghề nghiệp và ngoại hình của người LGBTI chỉ trong lĩnh vực nghệ thuật và giải trí. 

Cần thể hiện hình ảnh người LGBTI trong đa dạng ngành nghề, lĩnh vực khác nhau như cuộc sống vốn có.


Tránh khai thác câu chuyện, nhân vật theo hướng bi kịch hóa hoặc lãng mạn hóa.

Cần làm nổi rõ thông tin về khách quan, xác thực về câu chuyện cuộc đời của những người thuộc cộng đồng LGBTI.

*Nguồn: Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường iSEE


6.4. Lưu ý khi chụp, quay và đăng hình


Tránh

Nên

Ép buộc hay thúc đẩy nhân vật tham gia vào bất kỳ hình ảnh nào mà họ không đồng ý, hoặc không cảm thấy thoải mái

Trước khi quay phim hoặc chụp ảnh, cần xin phép trước đối tượng. Đảm bảo họ hiểu rõ mục đích của việc quay phim hoặc chụp ảnh và có quyền từ chối nếu họ muốn

Quay phim, chụp ảnh trong các tình huống nhạy cảm, hoặc trong tư thế không mong muốn, hoặc trong các hoạt động riêng tư.


Tôn trọng quyền riêng tư và bảo đảm sự an toàn cho mọi người tham gia

Quay phim, chụp ảnh có thể gây tổn thương tinh thần cho người tham gia. 

Hãy tôn trọng cảm xúc và tình cảm của họ

Đưa rõ hình ảnh cận cảnh vào sự khiếm khuyết của một người

Đưa hình ảnh người khuyết tật giống như những người không khuyết tật. Không tập trung chụp ảnh, quay phim vào khuyết tật trên cơ thể của họ.


7. Giấy chứng nhận đồng thuận trả lời phỏng vấn, quay phim, ghi âm 

(Dành cho nhân vật, hoặc người bảo trợ cho trẻ em dưới 18 tuổi

khi tiếp xúc báo chí)


Tôi tên là…..(hoặc tôi chứng nhận đồng ý cho con/cháu/ nhân vật trong video/ảnh có tên sau đây…)  

Địa chỉ tại:….

Tôi đồng ý và cho phép phóng viên/nhà báo….., của cơ quan báo….. sử dụng những hình ảnh/quay phim/phỏng vấn diễn ra hôm nay, ngày…..cho các hoạt động và công việc liên quan tới truyền thông và phi lợi nhuận.

Tôi đã được phóng viên/nhà báo giải thích rõ ràng về mục đích phỏng vấn/chụp hình/quay phim có sự tham gia của tôi (hoặc của cháu/nhân vật trong video/ảnh) và đồng ý cung cấp thông tin cá nhân (của nhân vật), sử dụng kèm theo hình ảnh/video trong phần chú thích nếu cần thiết.

Tôi cam kết rằng tôi (hoặc con/cháu/nhân vật trong hình ảnh/video) không nhận bất cứ mức tiền bồi dưỡng nào để tham gia vào cuộc phỏng vấn và chụp hình nêu trên.

Tôi cam kết và hiểu rõ rằng nếu tôi không hài lòng trong quá trình quay phim/chụp hình với sự tham gia của mình (hoặc của con/cháu/nhân vật trong hình ảnh/video), tôi có quyền tạm dừng và không tham gia.

Tôi xin chứng nhận những cam kết trên.                          

Ký và ghi rõ họ tên (hoặc tên cha mẹ / người bảo trợ)

Ngày      

Thông tin liên hệ:

ĐT:________________________ Email:______________________________


(Nếu phóng viên, nhà báo có người dẫn là cán bộ hoặc người có thẩm quyền thì có thể thêm người làm chứng)

Thông tin người làm chứng / cán bộ chính quyền địa phương có mặt tại buổi phỏng vấn/chụp hình/quay phim

Tôi cam kết những thông tin nêu trên là hoàn toàn đúng và hiểu rõ các các thông tin và đồng ý là người làm chứng chứng cho bản cam kết này.

Ký và ghi rõ họ tên người làm chứng ___________________                          

Ngày _______________________________

Thông tin liên hệ:

ĐT:________________________ Email:______________________________

8. Danh sách/ địa chỉ của một số các cơ quan bảo vệ/ cung cấp thông tin 


STT

Tổ chức

Địa chỉ

Liên hệ

Về phụ nữ


Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam

Số 39 Hàng Chuối - Hà Nội - Việt Nam

Điện thoại: (024) 39718157 

Fax: (024) 39713143 

Email: webhoilhpnvn@yahoo.com 


Trung tâm Nghiên cứu & Ứng dụng khoa học về Giới – Gia đình – Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) 


Số 35, ngõ 66 –  Dịch Vọng Hậu – Cầu Giấy – Hà Nội

ĐT:           +84 24 3754 0421

ĐT tư vấn:+84 24 3333 5599

Website: www.csaga.org.vn

Facebook: http://www.fb.com/CsagaVietnam/

http://nuyeunu.vn/lang-vi


Tổ chức Oxfam tại Việt Nam (Oxfam in Vietnam)

22 Lê Đại Hành, Hai Bà Trưng, Hà Nội

ĐT: 024-39454 448 (113)
Email:  ntpdung@oxfam.org.uk
Website: http://www.oxfamblogs.org


Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến Phát triển cộng đồng (SCDI)

Số 9, ngõ 165/30 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội

ĐT: +84 24 3572 0689

  • Email: scdi@scdi.org.vn

Website: https://scdi.org.vn/

Về người khuyết tật


Ủy ban Quốc gia về Người khuyết tật /National Council on Disability (NCD)    

Số 67 A Trương Định, Hai Bà Trưng - Hà Nội     

ĐT: 024-37478672
Email: nccd@molisa.gov.vn
Website: http://nccd.vn/


Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam /  Vietnamese Federation on Disabilities (VFD)

Tầng 5, Cục Người có công, 139 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội

ĐT: 024-85828810                          

Email: vfd.vietnam@gmail.com       Website: http://nguoikhuyettat.com.vn    


Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng (ACDC)

11A, Ngõ 282 Nguyễn Huy Tưởng, Quận Thanh Xuân, Hà Nội 

ĐT: (024) 6291 0814
Email: admin@acdc.org.vn
Website: http://acdc.org.vn


Hội Chữ thập đỏ Việt Nam/ ‎Vietnam Red Cross Society (VNRCS)

82, Nguyễn Du, Hà Nội

ĐT:  024-38224 030 
Email: vnrchq@netnam.org.vn
Website: http://redcross.org.vn/


Hội Người khuyết tật Thành phố Hà Nội

Tầng 5, Cung trí thức Hà Nội, Số 1 Tôn Thất Thuyết phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội

Điện thoại: +84-24-35379257

Fax: +84-24-37956649

Email: admin@dphanoi.vn, hoinkt@gmail.com



Hội Trợ giúp Người khuyết tật Việt nam (Vietnam Assistance for the Handicapped (VNAH)

Tầng 5, 101A Nguyễn Khuyến, Q. Đống Đa, Hà Nội

ĐT: 024-37473 000
Email:   vnah3@vnn.vn; toanbui@vnah-hev.org
Website: http://www.vnah-hev.org/


Tổ chức Giúp đỡ người tàn tật quốc tế (Handicap International (HI)

101 E3, Khu ngoại giao đoàn Trung Tự, số 6 Đặng Văn Ngữ, Đống Đa, Hà Nội

ĐT: 024-37629 135
Email: communication@handicap-international-vn.org
Website: http://www.handicapvietnam.org/

Về người LGBTI


Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE)

Tầng 3, HB Building,
Số 1C11 Ngõ 140 Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội

ĐT: 024 6273 7933

Email: isee@isee.org.vn

Website: www.isee.org.vn


Trung tâm phát triển cộng đồng LGBT – 6+ 


facebook.com/sixplusvn 


Hà Nội Queer


facebook.com/HaNoiQueer



Mạng lưới NYN trên 7 tỉnh miền Bắc



facebook.com/nynhanoi


Hội phụ huynh và người thân của cộng đồng LGBTQ (PFLAG)


Email:    info@pflag.vn
Website: www.pflag.vn  www.facebook.com/pflagvn


Nhóm hoạt động về giáo dục bình đẳng – LEA


facebook.com/lea.org.vn


Nhóm Bisexual in Vietnam


facebook.com/bithewayvn


Nhóm Asexual in Vietnam


facebook.com/votinhvietnam


Mạng lưới lãnh đạo trẻ cộng đồng LGBT Việt Nam NextGEN Hà Nội (Biệt đội Cầu vồng)


facebook.com/NextGenHN


Trung tâm ICS – Tổ chức bảo vệ và thúc đẩy quyền của người LGBT tại Việt Nam 

Số 40/28 Phạm Viết Chánh, phường 19, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh


ĐT: +84 28 2253 2084

Email: info@ics.org.vn

Website: http://ics.org.vn/

Fanpage:

https://www.facebook.com/icsvn


0 nhận xét:

Đăng nhận xét