Pages

Thứ Năm, 29 tháng 2, 2024

Kiến thức kỹ năng về tin truyền hình cho người làm báo

 TIN TRUYỀN HÌNH


1, Khái quát chung về tin

Tin được gọi là news trong tiếng Anh, còn người Trung Quốc gọi tin là Tân văn. Những từ này đều bắt nguồn từ nghĩa đen có nghĩa là mới. Mặc dù tin là thể loại ra đời sớm, nó có thể được coi là thể loại đầu tiên của báo chí vì báo chí ra đời bằng chính những bản tin. Tin giữ vai trò xung kích, mũi nhọn trên các phương tiện thông tin đại chúng, song cho đến nay vẫn chưa có quan niệm chung thống nhất về thể loại này. Bởi tính chất của Tin có mặt trong tất cả các thể loại báo chí khác.

Người Mỹ có quan niệm về tin: “Khi chó cắn người, thì đó không phải là tin. Nhưng khi người cắn chó thì đó là tin”. Nghĩa là tin phải mang yếu tố mới và lạ.

Nhiều học giả, nhà báo, các tài liệu nghiên cứu khác cũng thể hiện quan niệm về tin như sau:

- Tin là loại hàng hoá dễ hỏng.

- Tin là cái hấp dẫn và có thật.

- Tin là những gì được phản ánh lại.

- Tin là cái của ngày hôm nay khác ngày hôm qua, ngày mai khác ngày hôm nay về bất cứ cái gì và bất cứ ở đâu trong cuộc sống hàng ngày.

- Tin là cái gì đó mà người này muốn che đậy, còn người khác (nhà báo) thì muốn công khai.

- Từ điển Tiếng Việt năm 1992 ghi: “Tin là điều được truyền đi, báo lại cho biết về sự kiện, tình hình xảy ra”.

- Tin là một mẩu của thông tin xung quanh một sự kiện đáng chú ý, có một sự hấp dẫn chung.

- Tin là cái mới, cái thật, từng giờ, từng phút diễn ra dưới dạng mất đi hay nảy sinh trong sự vận động vô cùng.

- “Tin tức trên báo chí là một thể tài phản ánh những sự kiện, sự việc, tình hình có thật mới xảy ra, đang xảy ra, mới phát hiện thấy, có ý nghĩa quan trọng hoặc có liên quan đến xã hội, theo một đường lối và cải tạo thực tiễn, bằng hình thức ngắn gọn nhất, cô đọng nhất, nhanh chóng nhất, kịp thời nhất, được ghi bằng chữ, tiếng nói hoặc hình ảnh…” (Giáo trình nghiệp vụ Báo chí, tập II trường Tuyên huấn Trung ương Hà Nội, 1978).

- Tin là một trong những thể loại thuộc nhóm thông tấn báo chí, trong đó thông báo, phản ánh, bình luận có mức độ một cách ngắn gọn, chính xác và nhanh chóng nhất về sự kiện, vấn đề, con người, có ý nghĩa chính trị xã hội nhất định (Đinh Văn Hường - Bài giảng về thể loại tin tại Khoa Báo chí, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội).

Như vậy, tuy có nhiều quan niệm, cách nói khác nhau về tin nhưng đều toát lên một số yếu tố tương đối thống nhất là: Tin là mới, ngắn gọn, súc tích, nhanh chóng, có ý nghĩa chính trị xã hội nhất định. Các quan niệm về tin cũng như các thể loại báo chí khác chắn chắn sẽ còn tiếp tục bổ sung, đổi mới và hoàn chỉnh để phù hợp với sự phát triển nhanh chóng, sôi động của báo chí hiện nay.


2. Viết tin như thế nào?

Hầu hết những người làm báo (trên mọi phương tiện thông tin đại chúng) làm tác phẩm đầu tiên của mình là làm tin. Nhưng trước hết phải thấy được trách nhiệm của người làm báo đó là thông tin cho ai, về cái gì và tại sao? Trả lời được câu hỏi này thì người làm báo mới có thể dần trở thành nhà báo. Nhà báo là một kỹ thuật viên (hoặc một người thợ thủ công, thậm chí là một nghệ sĩ) làm việc bằng một nguyên liệu đầu tiên không chính thức đó là những sự kiện. Chúng ta tìm kiếm những sự kiện, lựa chọn và xử lý để cho chúng có ý nghĩa, có thể hoà đồng và lôi cuốn. Nhà báo thông tin nhằm cung cấp cho đồng bào của anh ta những phương tiện để hiểu về thế giới và  để hành động có hiệu quả. Nói một cách kỹ thuật hơn, là để thuật lại những sự kiện và những việc dường như có ý nghĩa, để cho một thông tin được hiểu thì trước hết tin đó phải được đọc, để nó được đọc thì sự trình bày và văn phong của nó phải hấp dẫn. Văn phong báo chí chính là làm cho đa số người đọc hiểu được một cách nhanh chóng ý nghĩa của thông tin bằng cách nêu bật ngay lập tức điều chính yến, không tô thêm, không do dự mà phải tiến thẳng tới đích. Để thông tin có thể hiểu được, nó cần phải trả lời nhanh chóng 6 câu hỏi then chốt, thiếu một trong những câu trả lời này thì toàn bộ thông tin ấy có thể mất đi tính hợp lý của nó. Sáu câu hỏi then chốt đó là: Ai? (Who?), Cái gì? (What?), Ở đâu (Where?), Khi nào? (When), Như thế nào (How?), Tại sao (Why?).

Ai? Đó là chủ thể của thông tin: Một người (đã có hành động gì, đã tuyên bố cái gì,…); Một sự kiện (chính trị hoặc văn hoá đã xảy ra: quyết định xã hội, tai nạn…); Một sự việc (giá cả sinh hoạt tăng, một vụ cướp, một căn bệnh nguy hiểm mới xuất hiện…)

Cái gì? Đó là hành động, động từ của câu: Chủ tịch nói; Một phụ nữ sinh sáu con; Giá xăng tăng lên; Công an đã bắt giữ tên cướp;…

Ở đâu? Trong một nước, một quận, một thành phố, thậm chí là một căn phòng nào đó, những sự chính xác về địa điểm này là điều không thể thiếu được. Độc giả hay khán thính giả thường phản ứng theo luật xa gần về địa lý của thông tin, luật xa gần là sự tổng hợp của nhiều phương hướng, về địa lý, khía cạnh này được biết đến bởi những sự việc khác nhau dưới tên gọi “luật cái chết kilomet”. Sự kiện xảy ra càng gần về mặt địa lý thì càng quan trọng và càng được quan tâm.

Khi nào? Hôm qua, hôm nay, sáng nay, chiều nay, tối nay… không cần rõ năm hiện tại, từ những ngày đầu của năm mới để tránh mọi nhầm lẫn.

Như thế nào? Bởi phương tiện nào và bằng cách nào?

Những nguyên nhân, những mục tiêu, những lý do của sự việc được kể lại: Để giúp đỡ đồng bào bị lũ lụt (Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phát động phong trào…); Để có tiền hút chính ma tuý (tên Nguyễn Văn A đã đi cướp)…

Vậy ta có thể làm một tin theo công thức này, và tất nhiên nó cũng có những tiêu chuẩn nhất định lựa chọn thông tin, không phải bất cứ sự kiện nào cũng cho là tin.

Những tiêu chuẩn chính để lựa chọn là:

  • Đó phải là một thông tin: Sự việc nào đó đã xảy ra, tình hình nào đó đã được quan sát.

  •  Thông tin đó phải mới lạ (hoặc đó là lần đầu tiên người ta nói đến, hoặc đó là lần đầu tiên người ta đề cập tới theo khía cạnh này).

  • Thông tin ấy phải hấp dẫn độc giả, phải biết nó có nằm trong phạm vi các mối quan tâm hay không.

  •  Nó phải nhất quán với quan điểm của cơ quan báo chí (chương trình phát thanh, truyền hình, Internet).

Bên cạnh đó cũng phải xác định đúng đường dây dẫn với sự hợp lý tối đa. Một khi thông tin đã được chọn, phải tìm cách xử lý nó, để có thể dẫn dắt độc giả (khán thính giả) từ đầu tới cuối bài báo (bản tin) theo một lôgic duy nhất. Có rất nhiều cách đề cập đến một sự kiện, những nhà báo giỏi là những người biết tìm thấy góc độ độc đáo, thích hợp và cuốn hút cho từng sự kiện, song cũng phải lưu ý tránh sự quá mức vì nó sẽ có hại cho tính đáng tin cậy của tin.


3. Cấu trúc viết tin

Cấu trúc hay chính là kỹ thuật viết Tin là yếu tố nhằm góp phần làm cho việc viết tin dễ dàng và mang lại hiệu quả hơn. Vì có lẽ viết tin không khó nhưng để cho hay và đúng lại là điều không dễ, bởi tin cũng như các thể loại báo chí khác là khoa học và nghệ thuật viết về sự thật. Trong thực tế việc viết tin rất đa dạng, phong phú và linh hoạt, không có một khuôn mẫu chung nào và không áp đặt cho một người viết hay một cơ quan báo chí nào. Vì vậy, có 4 cấu trúc thường được sử dụng và để tham khảo, đó là:


3.1, Cấu trúc “hình tháp thường”


Chi tiết 1

Chi tiết 2

Chi tiết 3

    Chi tiết 4



Cấu trúc này còn có nhiều tên gọi khác như  “tam giác thường”, “hình nó”, “hình cây thông”… Đây là cấu trúc viết tin đơn giản, truyền thống, phổ biến, cách viết như một bài văn thông thường (có mở đầu, thân bài và kết luận), cách viết như sau: Mào đầu tin có thể sử dụng một từ, một hình ảnh, một câu gây ấn tượng gợi tò mò cho người đó, người xem hay người nghe; sau đó tăng dần mức độ quan trọng, hấp dẫn ở thân tin và sức nặng nhất, hay nhất, quan trọng nhất của tin được đưa xuống phần kết luận. Đây là cách viết theo lối “câu nhử” ở phần mở đầu, cách viết tăng dần ấn tượng của tin, càng về sau càng hay để dẫn người đọc xem hết toàn bộ nội dung tin. Điều cần chú ý là xử lý khéo léo mức độ hấp dẫn của phần mào đầu và phần kết luận phải được ưu tiên nhiều hơn.

Cấu trúc này “trung tính” vì các loại hình báo chí đều sử dụng, tuy nhiên báo in vẫn dùng phổ biến hơn, nhưng hạn chế của nó là nhàm chán, buồn tẻ khi lạm dụng cấu trúc này.


3.2, Cấu trúc “hình tháp ngược”



Chi tiết 1

Chi tiết 2

Chi tiết 3 Chi tiết 4

Về mặt lý thuyết, mô hình này thực chất là sự đảo ngược của mô hình thứ nhất, được biểu hiện dưới dạng một hình tháp ngược đầu xuống. Theo cấu trúc này thì những chi tiết, sự kiện, số liệu quan trọng, có giá trị nhất, từ là hạt nhân của tin được đưa lên đầu, sau đó giảm dần giá trị của sự kiện ở phần thân tin và cuối tin thường là yếu tố phụ hoặc giải thích. Cấu trúc này được xem là hiện đại và được sử dụng rộng rãi trên tất cả các loại hình báo chí, đặc biệt là phát thanh, truyền hình, Internet và các bản tin thông tấn. Với cấu trúc này, người viết hình thành tin nhanh, người đọc trong cùng một thời gian biết được nhiều thông tin do chỉ cần xem lướt qua phần đầu, người biên tập có thể cắt phần sau khi cần thiết mà vẫn không ảnh hưởng tới giá trị của tin, tiết kiệm “đất” của các loại hình báo chí để đăng, phát các sự kiện có giá trị khác.

Chính vì những ưu điểm này mà cấu trúc “hình tháp ngược” được sử dụng nhiều trong báo chí thế giới và báo chí nước ta bởi tính hiệu quả và tính hấp dẫn của nó. Nhiều hãng thông tấn, các tờ báo, đài phát thanh, truyền hình thế giới đã có quy định cụ thể và nghiêm ngặt cho phóng viên khi viết tin phải tuân thủ các yêu cầu:

- Viết ngay điều quan trọng và hấp dẫn nhất, “thông tin ở mũi tầu chứ không phải nơi buồng lái”.

- Viết tin đơn giản, cụ thể, nêu bật được sự việc, sự kiện.

- Không quá 3 đến 5 dòng song phải trả lời đủ những câu hỏi cần thiết.


3.3, Cấu trúc “hình chữ nhật”.


Chi tiết 1

Chi tiết 2

Chi tiết 3

Chi tiết 4


Đây là cấu trúc mà các chi tiết của tin được sắp xếp ngang hàng nhau, mỗi chi tiết có một lượng thông tin, không có chi tiết nào nổi trội hoặc không có giá trị thông tin. Các chi tiết tương đối bình đẳng, độc lập trong tin để làm nổi bật sự kiện. Ngôn ngữ thể hiện cấu trúc này thường là ngôn ngữ kể, trần thuật nên có thể triển khai sự kiện có chiều sâu theo ý đồ của người viết. Tuy nhiên, cấu trúc này cũng gây cảm giác đơn điệu, đơn giản do tính chất của ngôn ngữ thể hiện.

Cấu trúc này chủ yếu sử dụng cho báo in, còn đối với các loại hình báo chí khác như phát thanh, truyền hình.. thì tần suất sử dụng của nó ít do tính chất của tin và đặc điểm loại hình báo chí.


3.4, Cấu trúc “hình kim cương”



Cấu trúc này nhằm để nhấn mạnh ý nghĩa của sự kiện hay vấn đề, kỹ thuật này thường được áp dụng cho các thể loại “dài hơi” như phóng sự, bình luận, điều tra.. Trong một bài viết dài, muốn tạo dấu ấn và hấp dẫn suốt bài viết, người viết có thể tạo thêm nhiều tam giác ngược giao nhau, xoay nhiều góc cạnh khác nhau, càng nhiều góc cạnh thì bài viết càng hấp dẫn và thu hút người đọc. Vì thế, từ một tam giác ngược tiến lên hai tam giác giao thoa và cuối cùng là một viên kim cương.

Với thể loại tin, cấu trúc này không phù hợp lắm vì có nhiều chi tiết, nhiều thông tin không đúng với đặc điểm ngắn gọc, súc tính của tin. Tuy nhiên cũng có thể áp dụng một phần của cấu trúc này để viết tin khi cần thiết hoặc chỉnh sửa tin.

Ngoài các cấu trúc trên, một số nhà nghiên cứu, nhà báo còn đưa ra nhiều cấu trúc khác nữa như: đồng hồ cát, vòng tròn khép kín, trình tự thời gian, thời gian đảo ngược, lối “bóc hành”, kết cấu theo “tam đoạn luận”, trình tự từ thực trạng đến nguyên nhân, hậu quả…

Mặc dù vậy, các cấu trúc được nêu trên đây có thể áp dụng cho mọi tác phẩm báo chí. Tuỳ theo từng loại cụ thể mà người viết có thể vận dụng hợp lý, hiệu quả cho các loại hình báo chí.

Các cấu trúc này cũng đan xen, xâm nhập lẫn nhau và cũng chỉ tương đối, điều quan trọng nhất vẫn là sự sáng tạo của người viết.


4. Các dạng tin

Dạng tin trước hết là một tin báo chí đúng được trình bày dưới nhiều hình thức khác nhau, tạo nên sự phong phú đa dạng khi chuyển tải nội dung sự kiện trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đã có rất nhiều cách phân chia dạng tin với nhiều cách gọi khác nhau.

Sau đây là một số dạng tin phổ biến trên báo chí nước ta và báo chí thế giới:

4.1, Tin vắn (tin ngắn).

Là dạng tin thông báo, phản ánh một cách ngắn gọn, vắn tắt nhất về sự việc, sự kiện, nhân vật xảy ra hàng ngày trong đời sống xã hội.

Dung lượng của tin vắn ngắn gọn nhất so với các thể loại báo chí cũng như so với các thể dạng tin khác (trong vòng 60 đến 100 chữ, khoảng 3 hay 4 dòng).

Do dung lượng rất ngắn nên tin vắn thường không có lời bình, có thể có tít hoặc không có tít (tuỳ theo cách trình bày).

Tin vắn thường được bố cục trong một chuyên mục dưới tiêu đề như: “Tin vắn trong nước”, “Tin vắn thế giới”, “Tin giờ chót”…

Tin vắn thường trả lời 4 câu hỏi trong công thức 6W + 1H (Cái gì? Ai? Khi nào? và ở đâu?).

Dạng tin vắn được sử dụng nhiều trên các loại hình báo chí, ngày càng phong phú, đa dạng và có nhiều sáng tạo.


4.2. Tin bình (tin sâu)

Tin bình là dạng tin phản ánh sự kiện thời sự quan trọng, chưa đến mức bình luận, nhưng người đưa tin cần thể hiện thái độ, quan điểm để định hướng dư luận xã hội.

Tuy là tin bình nhưng yếu tố tin vẫn là chính. Quan điểm thái độ của nhà báo hay cơ quan báo chí được thể hiện ở mức độ nhất định. Đặc biệt, người viết cần thận trọng, nhạy cảm khi thể hiện quan điểm, thái độ trước các vấn đề trong nước, quốc tế hay nhân vật nào đó.


4.3, Tin dự báo

Là dạng tin để dự kiến, dự đoán các sự kiện tiêu biểu sẽ xảy ra trong hiện tại và tương lai.

Đây là dạng tin được sử dụng khá phổ biến hiện nay bởi tạo được chủ động cho công chúng đón, đọc, nghe, xem, truy cập những sự kiện hay vấn đề mà mình quan tâm hoặc ưa thích.

Do là dự báo nên tính chính xác chỉ tương đối. Số lượng sự kiện dự kiến thường là từ 3 trở lên, được thiết kế theo cách riêng.


4.4, Tin tổng hợp

Tin tổng hợp là dạng tin tóm tắt , tái hiện, hệ thống lại những sự kiện quan trọng, tiêu biểu về các lĩnh vực của đời sống xã hội đã và đang xảy ra trong thời gian và không gian nhất định.

Dạng tin này được sử dụng rộng rãi bởi nó đáp ứng nhu cầu khách quan của công chúng về thông tin.

Thực tế, ai cũng muốn có nhiều thông tin hàng ngày về mọi lĩnh vực, nhưng không phải lúc nào cũng đọc báo, nghe đài, xem ti vi hay truy cập Internet đầy đủ và đều đặn. Vì vậy, công chúng muốn có một bức tranh tổng quan trong một thời gian và không gian nhất định để ổn định nhận thức của mình hoặc có đầy đủ số liệu, dữ liệu để hiểu sâu, biết rõ về vấn đề mình quan tâm.

Người làm tin tổng hợp phải có năng lực lựa chọn, phân tích, tổng hợp và bố cục, làm cho sự kiện thực sự có ý nghĩa và lôi cuốn người đọc.

Tin tổng hợp thường được trình bày dưới tiêu đề “Tin trong ngày”, “Thế giới tuần qua”, “Hà Nội tuần qua”, “Kinh tế - xã hội”…


4.5, Chùm tin

Đây là dạng tin gồm một số tin điểm lại, hệ thống lại những sự kiện tiêu biểu có chung chủ đề thống nhất trong một thời gian và không gian nhất định,

Dạng tin này có ý nghĩa tuyên truyền, cổ động, gây ấn tượng và tập trung sự chú ý của dư luận về một chủ đề nhất định.

Trên các loại hình báo chí thường có các mục thể hiện chùm tin như: “An ninh - trật tự”, “Thể thao trong nước”, “Thể thao quốc tế”, “Thể thao 24/7”. “Văn học nghệ thuật”, “Sắc màu văn hoá”,…

Khi viết và nhận diện chìm tin trên báo in thì sẽ có trường hợp sau xảy ra: có thể ở báo này là chùm tin, nhưng ở báo khác lại là tin tổng hợp. Trong trường hợp này, để tin tổng hợp trở thành chùm tin thì phải viết cụ thể về một loại hình hay lĩnh vực nào đó.

Bởi chùm tin và tin tổng hợp rất giống nhau về hình thức thiết kế dạng tin, sự khác nhau là ở chỗ: Tin tổng hợp phản ánh các lĩnh vực của đời sống; còn chùm tin thì phản ánh các sự kiện có chung một chủ đề. Nếu không chú ý điểm này, khi làm các dạng tin dễ bị nhầm lẫn hoặc sai.


4.6, Tin tường thuật

Tin tường thuật là dạng tin phản ánh những sự kiện quan trọng, tiêu biểu, thu hút được sự quan tâm của dư luận xã hội. Tin tường thuật bám sát trật tự, trình tự diễn biến có thật của sự kiện trong khi thông tin.

Dạng tin tường thuật khác với thể loại tường thuật, sự khác biệt được thể hiện ở dung lượng và cách thức thể hiện. Tin tường thuật có dung lượng ngắn, chủ yến thuật lại, kể lại những nét tiêu biểu, khái quát về sự kiện; còn tường thuật thì dung lượng lớn, có thể trình bày trật tự diễn biến của sự kiện một cách tỉ mỉ, chi tiết từ khi mở đầu đến khi kết thúc sự kiện. Hơn nữa, trong khi tường thuật, tác giả còn thể hiện “cái tôi” rõ nét ở cảm hứng, cảm xúc, bình luận và các thông tin phụ trợ khác, làm cho bài tường thuật hay hơn, sinh động, hấp dẫn hơn.

Còn điểm giống nhau giữa tin tường thuật và tường thuật là cả hai cùng tường thuật, nghĩa là kể lại, thuật lại trật tự, diễn biến sự của sự kiện có thật.


4.7, Tin ảnh

Là dạng tin có kèm theo ảnh với tư cách là yếu tố cấu thành tin để minh hoạ, tăng độ tin cậy, chân thực và thuyết phục cho tin. Trong dạng tin này, tin vẫn giữ vai trò chủ đạo, ảnh có tính phụ hoạ, song tin và ảnh phải gắn bó, liên quan đến nhau, tôn giá trị cho nhau. Tránh tình trạng có tin thì nội dung này nhưng ảnh minh hoạ lại mang ý nghĩa khác.


4.8, Ảnh tin

Là ảnh có kèm theo chú thích như một tin, trong đó ảnh giữ vai trò chủ đạo, tin (chú thích) có tính phụ hoạ, ảnh và chú thích phải liên quan đến nhau, tôn giá trị cho cả hai. Ảnh báo chí có sức mạnh riêng, có lúc còn gây ấn tượng và có giá trị nhiều hơn nhiều trang viết.

Ảnh đăng, phát trên các loại hình báo chí có thể đơn ảnh (một ảnh + một chú thích), có thể là chùm ảnh (3 ảnh trở lên) hoặc một sêri ảnh (5 đến 10 ảnh hoặc nhiều hơn) về một chủ đề nhất định.

Như vậy, tin ảnh và ảnh tin là hai dạng có liên quan mật thiết với nhau nhưng mức độ và cách thức thể hiện khác nhau.


4.9, Tin công báo

Là tin phản ánh, thông báo những hoạt động của cơ quan Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, các nghi thức ngoại giao, công bố nghị quyết, chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước; công bố Hiến pháp, Pháp lệnh, Chỉ thị của các cấp có thẩm quyền; điện mừng hoặc chia buồn của các nguyên thủ, thông báo của Bộ Ngoại giao về các chuyến thăm chính thức của các cấp lãnh đạo. Những thông tin này có tính thời sự và ý nghĩa chính trị - xã hội lớn, thu hút sự quan tâm của dư luận.

Đặc điểm của tin công báo là:

- Tin không phải do toà soạn hay phóng viên báo chí làm ra mà do các cơ quan có thẩm quyền cung cấp.

- Do văn bản thông tin mang tính chính thống, chuẩn mực nên toà soạn không sửa chữa, bổ sung hoặc biên tập lại văn bản đã được cung cấp.

- Các cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo, hướng dẫn một số cơ quan báo chí lớn hoặc nhiều cơ quan báo chí cùng đăng, phát tuỳ theo mức độ và yêu cầu tuyên truyền.

- Các cơ quan báo chí chấp hành đăng, phát các thông tin đó ở vị trí, thời gian quan trọng và trang trọng (trang 1 của báo in hoặc phần đầu của chương trình phát thanh, truyền hình…)

Cần phân biệt tin công báo với mục thông tin - quảng cáo trên các báo. Điểm khác nhau căn bản giữa hai thông tin trên là tin công báo đăng, phát theo chỉ đạo, có tính bắt buộc; còn thông tin - quảng cáo là sự thoả thuận, hợp tác giữa toà soạn với cơ quan, tổ chức, cá nhân thuê quảng cáo.

Qua các dạng tin, chúng ta có thể thấy sự phong phú, đa dạng, sáng tạo trong cách thể hiện sự kiện, vấn đề, nhân vật trên các loại báo chí. Các dạng tin có mối quan hệ mật thiết với nhau và mức độ sử dụng các dạng tin trên các loại hình báo chí là không đồng đều, có loại hình báo chí sử dụng dạng tin này ít hoặc hầu như không sử dụng dạng tin khác và ngược lại. Có một trường hợp khá đặc biệt, cần lưu ý đó là các dạng tin dự báo, tin tổng hộ và chùm tin nên sử dụng dạng tin vắn để thể hiện (tin trong tin). Và đây chưa phải là tất cả các dạng tin và cũng không có quy định bắt buộc chỉ phải làm tin theo các dạng này, mà các dạng tin vẫn tiếp tục đổi mới, phát triển và sẽ xuất hiện những dạng tin mới trong hoạt động thực tiễn sôi động và sáng tạo của báo chí và người làm báo.


5, Tin truyền hình

5.1, Đặc điểm của tin truyền hình

Truyền hình là một loại hình báo chí đang có thế mạnh, được công chúng quan tâm và nó đã trở thành kênh thông tin không thể thiếu trong đời sống hàng ngày. Tuy không phải là loại hình ra đời sớm nhưng truyền hình đang ngày càng khẳng định vị trí của mình trong “làng báo chí”, nó đã và đang là phương tiện thông tin hữu hiệu. Trong truyền hình, việc tiếp nhận thông tin của khán giả xảy ra trên hai kênh, nó đáp ứng một lúc hai giác quan: mắt và tai điều mà khán giả hay công chúng quan tâm nhất vẫn là tin tức. Tuy nhiên, tin tức không đồng nghĩa với những thông báo quan trọng mà còn là hình thức thể hiện của báo chí, nó có những đặc điểm nhất định của nó. Ý nghĩa của tin tức xuất phát từ chức năng thông tin của các phương tiện truyền thông trong một xã hội tự do, dân chủ. Chính vì vậy, trên truyền hình, thể loại tin vẫn chiếm vị trí quan trọng và chủ yếu. Vậy tin truyền hình là như thế nào? Công việc của phóng viên truyền hình khác với phóng viên của các loại hình báo chí khác ra sao?


5.2, Tính thời sự của tin truyền hình

Thời đại ngày nay, truyền hình có mặt ở hầu hết mọi miền trên đất nước ta, truyền hình trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của mọi người và linh hồn của các chương trình truyền hình chính là tin, song ở đây chúng ta chỉ bàn tới các dạng tin được sử dụng trong truyền hình.

Các chương trình thời sự luôn thu hút sự quan tâm của khán giả nhiều nhất, tiếp đến là các chuyên mục giải trí.

Mọi hình thức hoạt động của con người, mỗi nghề nghiệp đều bắt đầu từ những cơ sở nào đó, từ cái rất đơn giản. Trong quá trình hoàn thiện, những cơ sở ấy dẫn đến đỉnh cao của nghệ thuật nghiệp vụ. Nhà báo nhìn thấy điều gì đó đáng chú ý, phát hiện ra điều gì đó mà trước kia chưa biết, chú ý đến hiện tượng nào đó rồi thực hiện ghi lại vắn tắt, và thế là đã có thông tin dành cho các phương tiện thông tin đại chúng. Điều đó có nghĩa là bài ghi chép là thể loại thông tin của báo chí, bản tin ngắn, trong đó trình bày về một sự việc nào đó. Đó là thể loại chung của báo chí được sử dụng trong các ấn phẩm truyền hình, nhiều khi người ta còn gọi bản tin thời sự là bản tin ngắn. Bản tin thời sự là sự ghi lại những sự kiện lịch sử theo thời gian. Trong báo chí, thể loại thời sự là thông tin ngắn về sự việc, vậy nên bản tin ngắn và thời sự trở nên đồng nghĩa. Trong truyền hình, thể loại ấy bao gồm tin được phát bằng lời và bản tin bằng hình ảnh và những người làm truyền hình gọi đó là bản tin.

- Tin ngắn là thể thông tin phổ biến nhất, là yếu tố cơ bản trong các bản tin thời sự (các chương trình thời sự). Nếu dưới dạng lời viết hoặc lời nói thì tin ngắn được chuyển tải mà không cần đến hình ảnh, lý do cho việc sử dụng thể loại này là do tính chất khẩn trương đặc biệt, khi mà tin tức ấy là mối quan tâm tuyệt đối của tất cả mọi người, còn khâu ghi hình do nguyên nhân nào đó không thực hiện được (đường truyền lỗi, điều kiện khách quan…). Ví dụ như chúng ta đưa tin Chủ tịch nước Trần Đức Lương đi thăm hữu nghị nước Mỹ, hai vị lãnh đạo nhà nước Mỹ và Việt Nam có một số thoả thuận về kinh tế mang lại lợi ích chung cho hai đất nước, lẽ ra tin này cần được truyền về ngay lập tức nhưng do không thể truyền được hình ảnh lúc đó nên phóng viên gọi điện hoặc gửi lời (nội dung cuộc nói chuyện) ấy về và phát trên truyền hình có lời nhưng hình ảnh có thể chỉ là một bức ảnh hoặc phát thanh viên đọc trực tiếp.

Công việc chuẩn bị và phát sóng chương trình thời sự, bản tin tập trung, quy tụ vào khâu lựa chọn, biên tập và cắt gọn hình ảnh. Những tin trong bản tin này thường không quá một phút rưỡi, trong chương trình có đan xen một hoặc hai tin dài (được xem là phóng sự) về tin chủ chốt, tin “đinh” của chương trình.

Có thể phân chia một cách ước lệ các nội dung thông tin phản ảnh thành hai loại:

Một là, thông tin về một sự kiện chính thức, có tính chất truyền thống về phương diện hình thức như: Kỳ họp Đại hội Đảng, cuộc họp báo của cơ quan nào đó… người quay phim cần có ngay bản sơ đồ dựng gồm một số cảnh quay hội trường, với kích cỡ chung, cảnh quay người phát biểu với cỡ hình lớn, cận cảnh, quay toàn bộ hội trường, những người tham dự, quay cảnh những người nghe đang ghi chép hoặc chú ý lắng nghe, quay những diễn biến chính của cuộc họp, diễn đàn… làm thành tài liệu hình ảnh và công việc tiếp theo là người phóng viên biên tập là dựng, cắt hình và viết lời bình.

Hai là, loại hình thông tin có kịch bản hay còn gọi là loại hình tác giả. Ở đây, thấy rõ hơn sự tham gia của nhà báo trong toàn bộ quá trình sáng tạo, sản xuất và ảnh hưởng của nó đến chất lượng thông tin. Tác giả lựa chọn hình ảnh, suy nghĩ trước tính chất của khâu quay phim và khâu dựng hình, phải có giải pháp tạo hình, mà thường là các tình tiết, về thực chất, nó chính là một phóng sự nhỏ (được coi là tin sâu).

Còn các tin trong một chuyên mục được xem là chùm tin, ví dụ như chương trình “3600 thể thao”, có rất nhiều tin ngắn chuyên về thể thao. Cũng ở trong chuyên mục như tiểu mục “Vòng quay 7 ngày”, chương trình “Sắc màu văn hoá” trong “Văn nghệ chủ nhật” được coi là bản tin tổng hợp, vì nó bao gồm các thể loại tin văn hoá, nghệ thuật, đời sống xã hội diễn ra trong tuần và kết cấu của nó cũng đúng như một bản tin, có các tin ngắn (dưới 1 phút) và có một tin “đinh” dài  khoảng trên dưới 2 phút.

Những tin truyền hình cần được phân biệt giữa tin và bình luận. Giới hạn giữa các hình thức thể loại báo chí rất linh hoạt, cũng như ý đồ của thông tin, vì vậy phải tuân theo một nguyên tắc: đưa tin và bình luận luôn cần phân biệt rạch ròi. Sự phân biệt này có thể xem là thước đo của báo giới: “Sự thật là bất khả xâm phạm, bình luận là tự do”. Đưa tin là đưa tin mà không có lời bình luận cá nhân nào trong đó, phóng viên truyền hình được thể hiện “cái tôi” của mình thông qua tài năng lựa chọn và cắt gọn hình ảnh (điều này đang rất thiếu ở truyền hình Việt Nam), không thể lấy hình “vô tội vạ” rồi lắp vào một cái thông báo và “phát tin” được.

Một dạng tin đang phát triển trên truyền hình thời gian gần đây là tin Underline. Đó là những dòng chữ chạy ngang trên phông xanh đậm, không có lời bình hay đọc vì nó xuất hiện đồng thời với chương trình hay bản tin khác. Những tin này thường là những thông tin về giá cả thị trường, dự báo thời tiết, tỉ số bóng đá… Dạng tin này cũng có ưu điểm đó là liền một lúc mang lại cho người xem nhiều thông tin, song nó cũng làm gián đoạn sự theo dõi tin đang phát của khán giả vì phải chú tâm vào đọc các dòng chữ chạy.


5.3, Ngôn ngữ tin tức

Ngôn ngữ tin truyền hình chính là âm thanh và hình ảnh, tư liệu hình ảnh do phóng viên, quay phim đảm nhiệm, nhưng phần quan trọng hơn cả lại là của phóng viên biên tập, họ sẽ là người lựa chọn hình ảnh và viết lời bình. Nhữngtin mang tính chất thông báo, tin ngắn tưởng chừng như rất đơn giản nhưng cũng khá phức tạp, đòi hỏi người phóng viên phải có tác nghiệp chuyên sâu về truyền hình. Tin tức đòi hỏi sự súc tích, ngắn gọn, đơn giản và rõ ràng của ngôn ngữ, cần bỏ qua tất cả những gì không thật sự cần thiết.

Khi viết lời bình, điều cần lưu ý đó là sự khác biệt giữa lời nói và văn viết. Ngay cả những tài liệu có tính chất biên bản cũng cần được “nhân cách hoá” làm cho chúng bớt khô khan. Muốn vậy, cần phải tránh những câu viết dài dòng, từ vựng truyền hình không dung nạp những câu chữ kiểu bàn giấy, những thuật ngữ chuyên nghiệp và những thuật ngữ thuần tuý khoa học. Tuy nhiên, đa ngôn và hoa mĩ cũng không có đất ở đây cũng như các ý tưởng cường điệu hoặc võ đoán, cả những cụm từ dùng để ví von, so sánh cũng cần hạn chế. Các câu trong tin tức nên viết ở thể chủ động và có cấu trúc đơn giản: chủ ngữ, vị ngữ, tân ngữ. Mặt khác, cũng cần chú ý rằng, không chỉ sử dụng những mệnh đề chính ngắn gọn kế tiếp nhau, mà cũng cần sử dụng các cấu trúc câu có mệnh đề chính và mệnh đề phụ.

Cuộc cạnh tranh gay gắt giữa các phương tiện truyền thông cùng với những khả năng mới về kỹ thuật đã dẫn đến việc giới thiệu của thông tin trở nên quan trọng. Các tin dù là tin ngắn cũng cần có “tít”, đó chính là lời giới thiệu tin của người dẫn chương trình, kể cả chương trình thời sự. Việc biên tập của người dẫn chương trình tin cũng đóng vai trò hết sức quan trọng, phải có lời giới thiệu làm cho người xem truyền hình thấy quan tâm và chuyển kênh. Bên cạnh đó, cũng phải kể tới đó là chất giọng đọc lời bình, có xu hướng ngày nay là người đọc lời bình của một bản tin cũng chính là người viết, lời bình này được ghi trước phát sóng, nhịp độ giọng nói sẽ nhấn mạnh đặc trưng của tài liệu thông tin nào đó, đây cũng chính là chỉ số cho thấy nghệ thuật nghề nghiệp báo chí.

Một trong hai ngôn ngữ quan trọng nhất của Tin truyền hình đó là hình ảnh. Hình ảnh của tin cần phải có “trọng tâm”, đủ và đẹp (theo nghĩa gốc nghệ thuật). Hình ảnh cần phải rõ nét, khung hình chắc chắn, có một thực tế ngày nay là tin truyền hình của chúng ta hình ảnh quá kém, xấu và không thu hút người xem. Đơn giản, chỉ cần so sánh phần tin trong nước và quốc tế, chúng ta thấy rõ ngôn từ hình ảnh của chúng ta còn thua xa thế giới, phóng viên quay tin truyền hình cũng cần thực sự là một nghệ sĩ hình ảnh thực thụ chuyên nghiệp, cần có sự sáng tạo trong cách lấy hình để tạo nên những hình ảnh “đắt”. Đã có sự đánh giá tin, “tin đắt” và “tin nhạt”, điều này được đánh giá thông qua ngôn ngữ hình ảnh. Bằng hình ảnh và âm thanh (nhạc, tiếng động hiện trường, lời nói,…) làm cho khán giả hiểu đúng hay sai thực chất sự kiện, điều này cho thấy tầm quan trọng của ngôn ngữ hình ảnh.

Tuy nhiên cũng phải nhận định rằng, đối với tin truyền hình thì không thể thiếu ngôn ngữ hình ảnh và lời bình tin. Bởi nếu thông điệp chỉ được truyền đạt thông qua hình ảnh, hoặc chỉ qua lời bình mà thôi, thì luôn có hại cho tính đặc thù nghe nhìn của ngành truyền hình.


5.4, Một số yêu cầu đối với phóng viên làm tin truyền hình

Bất cứ một nhà báo nào cũng đều có những quy chuẩn về nghề nghiệp và đạo đức. Đối với phóng viên làm tin truyền hình cũng có một số yêu cầu riêng cho đặc trưng nghề nghiệp của mình.

Trước hết, là vấn đề phải hiểu rõ đặc trưng của truyền hình là loại hình thông tin có cả hình và tiếng, phục vụ nhu cầu thông tin bằng cả thính giác và thị giác cho công chúng. Điều này đòi hỏi phóng viên truyền hình ngoài tư duy ngôn ngữ phải có tư duy hình ảnh, thêm vào đó việc làm tin truyền hình phải có sự kết hợp của tập thể, không thể hoạt động riêng lẻ như báo viết và các thông tin đưa ra cũng phải được xem xét kỹ lưỡng trước khi thực hiện.

Kể cả tin ngắn, phóng viên truyền hình cũng phải xác định ngay được là tin đó có thể đưa được không, cần khai thác ở mặt nào, cần phải lấy những hình ảnh nào để phục vụ ý tưởng thông điệp của mình.

Một vấn đề nữa, đó chính là sự nhạy cảm với sự kiện, phóng viên truyền hình phải ngay lập tức nắm bắt được nhân vật chủ chốt trong sự kiện để có thể ghi hình, phỏng vấn kịp thời và tạo nên “tin đắt”.

Phóng viên truyền hình còn phải làm quen với các thiết bị kỹ thuật đặc chủng của truyền hình như máy quay, bàn dựng, kỹ xảo… Đồng thời phải có kiến thức về những thiết bị ấy để thực hiện thao tác nghiệp vụ nhanh chóng và thuần thục, phục vụ nghề nghiệp tốt hơn.

Vấn đề quan trọng nữa của phóng viên truyền hình đó chính là đạo đức của người làm báo. Không được bóp méo sự thật, không vì lợi ích các nhân mà làm tổn hại cho xã hội, luôn tuân thủ các nguyên tắc nghề nghiệp báo chí.

Trong quá trình tác nghiệp, các phóng viên truyền hình luôn phải ghi nhớ rằng, chúng ta có hạn định về thời lượng phát sóng, nên chúng ta phải biết chọn lựa chọn thông tin nào nào là quan trọng nhất và “sử dụng” nó, nên nhớ, trong một tin chỉ có một thông tin  quan trọng nhất, nếu có nhiều thông tin trong một bản tin sẽ bóp chết thông tin. Châm ngôn này được thẩm định thay cho lời bình luận, nhiều thông tin trong một tin sẽ làm bão hoà tất cả thông tin và khán giả sẽ “bực” khi không thấy thông tin nào là cần thiết và quên sạch những gì vừa xem. Phóng viên làm tin truyền hình không được phép “tham”.

Nhà báo phải làm thất bại hoặc né tránh những chiến lược truyền thông đi ngược lại nghề báo. Khả năng săn lùng nguồn thông tin, tìm ra những nhân vật không được đánh giá đúng trong diễn biến của những sự kiện đã làm cho công việc tăng thêm giá trị.

Tuy nhiên, những hạn chế về thời gian, khối lượng thông tin phải xử lý, tính chất phức tạp của những sự kiện phải theo dõi thường không cho phép các nhà báo lùi lại một chút để thảo luận xem cái gì đáng hoặc không đáng được xử lý. Vì vậy, cần phải có một êkíp làm việc ăn ý và người phóng viên cần có sự sáng tạo, chuyên nghiệp trong công việc.


KẾT LUẬN

Truyền hình không phải là một không gian thảo luận mà là một không gian để thể hiện: nó là phương tiện truyền thông đại chúng thiết yếu để phổ biến những mô hình văn hoá và giải thích thế giới. Những mô hình văn hoá này hoà nhập vào trong mỗi từ, mỗi hình ảnh, mỗi âm thanh do truyền hình phát ra, như trong những ngôn ngữ thường ngày. Tuy nhiên, việc tầm thường hoá những từ ngữ, cách giải thích và hình ảnh khuôn sáo sẽ chẳng giúp ích gì cho sự giải thích thế giới.

Truyền hình đã phát triển trên con đường khai thác các thể loại truyền thống. Mặc dù, sau đó nó phát triển theo con đường đan xen những thể loại ấy cho phù hợp với bản chất tạo hình - biểu cảm của mình, cũng như phù hợp với đặc điểm của quan hệ với công chúng, khán giả truyền hình. Nhưng dù cấu trúc của truyền hình có phức tạp như thế nào đi chăng nữa thì cơ sở của nó bao giờ cũng là những dấu hiệu thể loại ổn định. Đó chính là thể loại Tin.

Tin trên truyền hình luôn đóng vai trò quan trọng, bởi tin chính là nguồn gốc, chất liệu cho mọi thể loại báo chí khác. Với tất cả các dạng tin phổ biến trên các phương tiện truyền thông đại chúng khác, tin trên truyền hình còn được sáng tạo của những người làm truyền hình, làm cho tin truyền hình phong phú và đa dạng hơn, sự phát triển của nó không ngừng lớn mạnh để phục vụ cho nhu cầu ngày càng cao của công chúng.