Pages

Thứ Năm, 26 tháng 8, 2021

XÔNG HƠI GÓP PHẦN HỖ TRỢ PHÒNG CHỐNG DỊCH Bsck2. Huỳnh Tấn Vũ

 

BS.CK II Huỳnh Tấn Vũ cho rằng phương pháp xông hơi bằng thảo dược từ thiên nhiên, góp phần cải thiện triệu chứng và nâng cao sức đề kháng cho cơ thể..

Hòa cùng khí thế của cả nước trong phòng chống dịch Covid-19. Xin chia sẽ một phương pháp của Y học cổ truyền tham gia và hỗ trợ tốt góp phần cải thiện triệu chứng và nâng cao sức khỏe cho cơ thể đó là phương pháp xông hơi bằng thảo dược từ thiên nhiên.

Xông hơi có thể được chia làm 2 nhóm là xông hơi khô và xông hơi ướt. Hoặc chia theo vùng xông thì xông hơi toàn thân và xông hơi bộ phận ( xông hơi mũi họng…).

Xông hơi khô: Sử dụng nhiệt khô. Làm nóng nhờ các viên đá được đặt trên các thanh điện trở. Sau đó chế hỗn hợp tinh dầu pha loãng tạo mùi hương. Hoặc làm nóng bằng tia hồng ngọai

Xông hơi ướt: Sử dụng nhiệt ướt. Làm nóng nhờ thiết bị là nồi hơi, hơi nước nóng được dẫn vào bên trong nhờ hệ thống ống hoặc sử dung nồi xông tại nhà.

Mức nhiệt và độ ẩm bên trong mỗi phòng xông hơi là khác nhau : Nhiệt độ của phòng xông hơi khô có thể đạt được lên đến 75 độ C và độ ẩm chỉ ở mức 10 %. Phòng xông hơi ướt cung cấp nhiệt ở khoảng 45 độ C nhưng độ ẩm cao đến 100%. Cách làm tăng nhiệt độ có thể dùng các viên đá được làm nóng do đặt trên các thanh điện trở cho hỗn hợp mùi hương pha loãng tinh dầu vào đạt mục đích phòng và chữa bệnh

Các phương pháp xông hơi đều có nguyên lý chung là làm tăng nhiệt độ để cơ thể bài tiết mồ hôi và thông qua mùi thơm sát trùng, tăng thông khí vùng mũi họng. Chỉ khác nhau ở công cụ, cách sử dụng, có sử dụng thêm thảo dược hay tinh dầu pha loãng. Xông hơi spa hay phòng khám đông y thường sử dụng phòng xông hơi chuyên dụng, nồi nước lá xông thì thủ công hơn tại nhà nấu các loại thảo dược hoặc xông hơi nước & tinh dầu pha loãng và trùm chăn rộng để xông.

Thảo dược xông hơi thường là các loại lá có tinh dầu như chanh, bưởi, sả, hương nhu, tía tô, cúc tần, kinh giới… rất dễ tìm tại bất cứ nơi nào ở nước ta. Xông thảo dược thường dùng sưc nóng hơi nước và tinh dầu toát ra từ thảo dược với chỉ định là giải cảm phong hàn. Với mục đích này thì linh động các loại thảo dược có sẵn cái gì dùng cái đó, miễn là các loại lá có tinh dầu kết hợp với hơi nước nóng sẽ có tác dụng khu phong tán hàn.

Trước khi xông hơi cơ thể nên sạch sẽ cơ thể nếu xông toàn thân và  sạch sẽ vùng nếu xông theo bộ phận để loại bỏ bụi bẩn, mỹ phẩm, tạo điều kiện cho da và lỗ chân lông tiếp xúc với nhiệt và ẩm tốt hơn. Uống một ít nước, ăn nhẹ (không để quá đói hoặc quá no). Chuẩn bị khăn lau, quấn mình và lau mặt. Xông hơi bộ phận chủ yếu vùng mặt trực tiếp vùng mũi họng ngoài sát trùng, ra mồ hôi tại chỗ, tăng thông khí còn dùng trong làm đẹp, làm sạch da, thông thoáng da, giảm mụn, hỗ trợ loại bỏ tế bào chết, làm sáng da.  Sau khi xông hơi tốt nhất nên uống một ly nước ấm, hoặc trà gừng, soup hay cháo nóng, sẽ giúp làm ấm cơ thể.

Xông hơi toàn thân nên xông cách ngày, còn xông hơi bộ phận cũng cách ngày xen kẽ với xông hơi toàn thân, mỗi lần tối đa 15-20 phút. Liệu trình trong giai đoạn hiện nay là xông liên tục 2 tuần.

Cách nấu một nồi thuốc xông tại nhà: Dược liệu sử dụng rẻ tiền, dễ kiếm, sẵn có ở địa phương, hiêu quả tốt. Nấu nồi xông với 3 loại lá:‎

Lá có tác dụng kháng sinh: lá hành, lá tỏi, kim ngân hoa, sài đất, bồ công anh,…

Lá có tác dụng hạ sốt: lá tre, lá trúc, đậu săng, lá duối.

Lá có tinh dầu, có tác dụng sát trùng đường hô hấp: lá chanh, lá bưởi, lá tía tô, lá kinh giới, lá bạc hà, lá sả, lá hương nhu,...

Mỗi thứ một nắm nhỏ, Tổng cộng khoảng 200-300g, rửa sạch lá, cho vào nồi khoảng 2-3 lit nước, đun sôi. Đặc biệt những lá có tinh dầu cho vào sau khi nước đã sôi, đậy kín vung, đun sôi lại khoảng 10-15 phút, bắc ra. Khi xông chùm chăn kín cả người nếu xông toàn thân, kín 1 vùng nếu xông bộ phận thí dụ xông Tai mũi họng thì trùm kín vùng đầu mặt cổ và nồi xông,  mở nồi nước xông từ từ cho hơi nóng của nước và mùi tinh dầu bốc lên toàn thân hay bộ phận. Xông từ 10 - 20 phút. Xông hơi xong, lau sạch mồ hôi, thay quần áo, tránh gió lạnh. Sau khi xông, ăn bát cháo hành với tía tô (ăn nóng), thêm thịt hoặc lòng đỏ trứng ( nếu có).‎‎

Xông hơi là biện pháp tốt cho sức khỏe, tuy nhiên một số trường hợp cần lưu ý vì không phải lúc nào xông hơi cũng tốt, một số trường hợp về sức khỏe, về tâm lý cần lưu ý không nên xông hơi, cần chú ý một số vấn đề có thể gặp khi xông hơi như sau: Mất nước và chất điện giải, tăng nhịp tim, hạ huyết áp, khô da…..

Cần hạn chế hoặc tránh xông hơi là: Trẻ nhỏ, người lớn tuổi và người mắc các bệnh mạn tính như hạ huyết áp, rối loạn tuần hoàn não, thiếu máu não, tiểu đường, bệnh thận và suy tim sẽ có nguy cơ bị mất nước cao hơn.

Cần cẩn thận, đặc biệt lưu ý khi xông hơi: như ăn quá no, sốt cao, mắc bệnh ngoài da, phụ nữ đang có kinh, hay phụ nữ có thai,…

Với tác dụng hơi nóng, kháng sinh thực vật và tinh dầu tiết ra từ thảo dược giúp giảm tải lương virus, sát khuẩn mũi họng, tăng thông khí hô hấp, chống nhiễm khuẩn, làm ra mồ hôi thải độc cơ thể, cải thiện tuần hoàn máu tại chỗ thông qua cải thiện tuần hoàn toàn toàn thân, thư giãn cơ thể, xông hơi thực sự có lợi cho sức khỏe là phương pháp hỗ trợ tốt trong việc cải thiện triệu chứng: cảm ho, sốt, ho có đờm, thông khí dễ thở, kich thích vị giác và khứu giác… còn góp phần nâng cao sức đề kháng giúp cơ thê phòng và chữa bệnh hiệu quả nhất là vượt qua đại dịch này.

Nguồn BS.CK II Huỳnh Tấn Vũ cung cấp.