Pages

Thứ Sáu, 18 tháng 6, 2021

Tình quê bên trái vải thiều Bắc Giang

Giữa lúc lệnh giãn cách xã hội ngày càng nghiêm ngặt, việc tiêu thụ rộng rãi bị hạn chế, thế nhưng, với lòng trắc ẩn của nghĩa đồng bào, hàng triệu trái tim đã hướng về Bắc Giang cùng chung tay tiêu thụ vải thiều cho tỉnh này.

Tình người Bắc Giang trong hoạn nạn

Hay tin vải thiều Bắc Giang khó tiêu thụ do lệnh giãn cách xã hội, những người con Bắc Giang xa quê đã kêu gọi sự chung tay tiêu thụ vải thiều để chia sẻ khó khăn với bà con nông dân vượt qua đại dịch Covid.

Phong trào “Chung tay cùng cả nước tiêu thụ vải thiều chất lượng cao” từ đó ra đời. Tính đến nay đã gần 1 tháng (kể từ 18/5), Hội Đồng hương Bắc Giang (với 86 thành viên) tại TP.HCM đã kêu gọi được rất nhiều người thân, bạn bè, bằng hữu, đồng nghiệp, giới doanh nhân, khách hàng cùng chung tay ủng hộ tiêu thụ vải thiều cho tỉnh Bắc Giang.

Trong đó, Hãng hàng không Vietjet và một số đơn vị vận tải cũng hỗ trợ một phần chi phí vận chuyển để giúp bà con tỉnh Bắc Giang tiêu thụ vải nhanh hơn trong lúc đại dịch Covid chưa được đẩy lùi.

Một nhóm gần 200 doanh nghiệp của Hội đồng hương Nam Định cũng đã cập nhật địa chỉ bán vải thiều Bắc Giang.

Bác sĩ Đỗ Xuân Trường (Thẩm mỹ Xuân Trường) vui mừng cho biết, dù không có kênh bán hàng chính thống, chỉ thông qua mối quan hệ hội đồng hương, doanh nhân, bạn bè, bằng hữu giới thiệu, nhưng vải thiều bán rất chạy, không chỉ tại TP.HCM mà nhiều tỉnh, thành: Đồng Nai, Bình Dương, Vũng tàu, Cần Thơ, Bến Tre cũng mua ủng hộ…khiến sản lượng tiêu thụ đến nay đã trên 100 tấn vải thiều.

Bác sĩ Đỗ Xuân Trường kiểm tra hàng trước khi giao cho khách

Bác sĩ Đỗ Xuân Trường kiểm tra hàng trước khi giao cho khách.

 “Chúng tôi nghĩ do chất lượng trái vải thơm ngon, được bảo quản tốt, sạch và an toàn, giá ổn định…nên khách rất hài lòng”, bác sĩ Đỗ Xuân Trường tự hào khoe.

Một tấm lòng trong triệu tấm lòng

Trong lúc Bắc Giang rơi vào hoàn cảnh khốc liệt nhất của dịch bệnh, một tấm lòng vàng đã âm thầm làm những việc có ý nghĩa để giúp đồng bào mình vượt qua khó khăn. Người đó là doanh nhân Đỗ Trọng Tiến, người được Hội đồng hương Bắc Giang tin tưởng giao vai trò chủ công phong trào “Chung tay cùng cả nước tiêu thụ vải thiều chất lượng cao”.

Với tấm lòng thơm thảo, mong muốn làm điều có ích cho quê hương Bắc Giang, doanh nhân Đỗ Trọng Tiến luôn tìm mọi cách để đưa vải về TP.HCM tiêu thụ dù biết dịch bệnh như thế này rất khó thu mua, vận chuyển, bán hàng.

Doanh nhân Đỗ Trọng Tiến cho biết, “Do hạn chế lưu thông, nên lượng hàng về chậm, Hãng hàng không Vietjet phải đợi đủ hàng mỗi chuyến (18 - 20 tấn) mới “cất cánh”, nên hàng của chúng tôi nhiều lần bị bỏ lại chờ chuyến sau, có ngày còn bị hủy chuyến bất ngờ”.


Doanh nhân Đỗ Trọng Tiến khoe vải thiều được chuyên chở bằng đường hàng không giữ được hương vị thơm ngon

Doanh nhân Đỗ Trọng Tiến khoe vải thiều được chuyên chở bằng đường hàng không giữ được hương vị thơm ngon.

 

Ngoài ra, những ngày giãn cách xã hội rất khó thu mua vải, hàng hóa thông quan cũng phải thực hiện phòng chống dịch bệnh rất khắt khe.

Nhiều khó khăn khác cũng khiến trái vải khi đưa về tới TP.HCM có giá tăng cao, tuy nhiên hội đồng hương Bắc Giang tại TP.HCM vẫn giữ một giá mua và giá bán, để khi đến tay người tiêu dùng giá luôn ở mức ổn định từ 35.000 – 40.000 đồng/kg.

Được biết, giá vải tại gốc cùng chi phí thu hoạch, đóng gói rồi vận chuyển bằng hàng không không đủ tiền đầu vào, thế nhưng doanh nhân họ Đỗ vẫn chịu thiệt về phần mình để có giá tốt bán ra thị trường nhằm kích cầu tiêu dùng được thuận lợi.

Hăng hái bán hàng lợi nhuận 0 đồng

Lo lắng nông dân sẽ bị ép giá vì có nhiều tin giả (fake new) viết về trái vải không đúng, Hội đồng hương Bắc Giang đề ra mục tiêu sẽ thu mua và giải phóng hết số vải đang tồn đọng, trong đó, sẽ tiêu thụ ít nhất 8-10 tấn vải thiều/ngày cho nông dân các vùng vải.

Hội cũng kêu gọi các thành viên kích cầu tiêu dùng trong doanh nghiệp, cơ sở sản xuất do mình làm chủ và doanh nghiệp, cơ quan nơi mình đang làm việc.

Một trong những doanh nhân hưởng ứng lời kêu gọi tích cực nhất cũng như áp dụng vào đơn vị mình khá thành công là Tổng Giám đốc Công ty TNHH Cách âm Cách nhiệt Phương Nam Giáp Văn Thanh.

Chia sẻ về điều này, ông Giáp Văn Thanh bộc bạch: “Ngoài kêu gọi sự ủng hộ tiêu dùng trong cán bộ, công nhân viên công ty, chúng tôi còn kích hoạt phong trào “Mỗi Cán bộ, công nhân viên là một người bán hàng chuyên nghiệp” hỗ trợ tiêu thụ vải thiều cho tỉnh Bắc Giang.

Cán bộ công nhân viên Công ty Phương Nam tranh thủ giờ nghỉ đóng gói theo đơn để giao cho khách

Cán bộ công nhân viên Công ty Phương Nam tranh thủ giờ nghỉ đóng gói theo đơn để giao cho khách.

Để kích cầu tiêu dùng hiệu quả, chúng tôi khuyến khích cán bộ, công nhân viên bán hàng dưới nhiều hình thức, chúng tôi cũng sử dụng 3 xe ô tô để vận chuyển hàng.

Ông Thanh phấn khởi khoe: Chúng tôi chào hàng kèm theo sản phẩm miễn phí để khách ăn thử, nhiều khách hàng phản hồi tích cực nên mua ủng hộ và giới thiệu thêm khách cho chúng tôi, từ đó, chúng tôi bán được rất nhiều đơn hàng mỗi ngày. Có những thời điểm không còn hàng để bán do hàng về số lượng có hạn. Tính tới thời điểm hiện tại, trừ 3 tấn hàng làm quà biếu cho cán bộ, công nhân viên, khách hàng, chúng tôi đã tiêu thụ 12 tấn vải thiều với giá 35 ngàn đồng/kg” cho hội đồng hương Bắc Giang.

Vì một vụ mùa bội thu

Năm nay, sản lượng vải thiều Bắc Giang ước đạt 180 nghìn tấn (tăng khoảng 15.000 tấn so với năm 2020), trong đó vải thiều sớm sản lượng ước đạt gần 58 nghìn tấn, vải thiều chính vụ sản lượng ước đạt 123.000 tấn. Đến nay, toàn tỉnh tiêu thụ hơn 53/58 nghìn tấn vải sớm, 21/123 nghìn tấn vải chính vụ, giá bán giao động 13 - 30 nghìn đồng/kg, tương đương năm ngoái.

Hiện nay, tỉnh Bắc Giang đang tập trung thực hiện đồng bộ các biện pháp để thúc đẩy tiêu thụ vải thiều chính vụ. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn khẳng định tỉnh Bắc Giang sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất hỗ trợ người trồng vải, doanh nghiệp, thương nhân trong và ngoài nước trong công tác thu hoạch, chế biến và tiêu thụ vải thiều.


Vỹ Phượng - Hoàng Gia