Một content giá trị sẽ có thể điều hướng khách hàng có một số hành vi như tương tác (like, share, comment), thậm chí là mua sản phẩm. Ngược lại, nếu content chán, khô khan, không đánh đúng “chỗ ngứa”, không chạm được vào cảm xúc khách hàng (hay còn gọi là không có điểm chạm cảm xúc), thì dù có tiếp cận được với khách hàng cũng không giữ chân được họ.
Muốn có điểm chạm cảm xúc trong content, đầu tiên phải chủ động Nghiên cứu sản phẩm tìm điểm khác biệt
Điều này nghe có vẻ quen nhưng không phải bạn nào cũng làm đúng. Đa phần các bạn thụ động tiếp nhận thông tin từ nhãn hàng, chờ đợi những buổi training của phòng kinh doanh để học sản phẩm, bạn nào kỹ hơn một chút thì đào sâu vào tài liệu của phòng R&D… nhưng tất cả hoạt động đó chỉ là tìm điểm khác biệt của sản phẩm từ góc nhìn của “người bán”.
Lỗi thường mắc là ai sinh con ra chẳng thấy con mình đẹp, ai làm sản phẩm chẳng thấy nó tốt vượt trội rồi mới tung ra thị trường. Vậy nên điểm khác biệt, điểm mạnh… ở sản phẩm mà bạn thấy chưa chắc đã trùng với người dùng thấy. Mà không trùng là không chạm được điểm G rồi đấy.
Vậy để khách hàng đọc bài viết, xem video… của bạn thấy mình trong đó đến rên rỉ vì phấn khích thì bạn phải tìm hiểu điểm khác biệt từ góc nhìn của một người dùng sản phẩm. Nghiên cứu thị trường, đọc báo cáo từ người dùng sample, tạo phễu nội dung chờ người dùng lọt hố…
Đừng chăm chăm vào CTA
Nhiều bạn làm nghề viết, nghề biên kịch bị một “bệnh nghề nghiệp” là chăm chăm vào CTA. Đặt CTA vô tội vạ vì nghĩ rằng mục đích của bài viết, của video là thúc đẩy hành động của người xem/người đọc. Nhiều bạn còn nhầm lẫn CTA chính là điểm chạm cảm xúc. Thật ra nhiều CTA dùng không phù hợp nó còn phản tác dụng các bạn ạ.
Giống khi bạn đi mua quần áo có nhân viên cứ đi theo bạn và tư vấn chào mời liên hồi dù bạn nói để tự mình lựa chọn. Điểm chạm cảm xúc trong bài viết, trong video là chi tiết khiến bạn khóc, cười, buồn, vui, kinh ngạc…theo mạch viết. Một trong những cảm xúc dễ chạm nhất là hài hước hoặc cảm động. Đó là lý do các bài nhiều share, các video viral đa số chạm vào hai loại cảm xúc này.
Tặng thêm giá trị cho người đọc/người xem
Chúng ta không xa lạ gì với việc cung cấp kiến thức hữu ích cho người dùng để tạo cộng đồng fan, cộng đồng người dùng tiềm năng. Tuy nhiên chúng ta mới dừng ở việc cung cấp thông tin hữu ích liên quan đến công dụng của sản phẩm/dịch vụ chúng ta đang kinh doanh. Ví dụ bạn bán thuốc đau dạ dày thì bạn chỉ cung cấp kiến thức về ăn gì tốt cho dạ dày. Bạn đã bao giờ tìm hiểu người đau dạ dày thường bị mệt mỏi căng thẳng, dễ nổi cáu… để viết về việc giảm áp lực mệt mỏi trong công việc, tiết chế cảm xúc nâng cao hiệu quả công việc chưa? Việc tặng thêm “giá trị thông tin” cho người đọc sẽ khiến việc đi đến điểm G của thương hiệu một cách mượt mà hơn.
Xác định keyword cho bài viết dù không phải là bài chuẩn SEO
Mình thường có thói quen dùng bảng từ khoá SEO, Adword của sản phẩm cho content tất cả các kênh.
Mình phân loại bảng từ khoá ra làm hai loại: loại tự nhiên và loại cưỡng bức. Mình học thuộc cái loại tự nhiên để tất cả các bài viết của mình bật ra những từ khoá loại tự nhiên đó một cách tự nhiên như hơi thở. Lâu dần như một thói quen các bài viết thuộc nhãn đó sẽ có vốn keyword mặc định cứ viết là tuôn ra, cứ nhắc 1 từ kiểu gì cũng ra cả cụm.
Hy vọng bài viết bên trên sẽ giúp ích cho các bạn để có thể sản xuất ra những content có giá trị và tạo điểm chạm cảm xúc đến khách hàng.