Pages

Thứ Hai, 21 tháng 6, 2021

3 KĨ THUẬT ĐỊNH HƯỚNG BÀI VIẾT – ĐỂ NGƯỜI ĐỌC MUỐN ĐỌC HOÀI ĐỌC MÃI

3 KĨ THUẬT ĐỊNH HƯỚNG BÀI VIẾT – ĐỂ NGƯỜI ĐỌC MUỐN ĐỌC HOÀI ĐỌC MÃI

Cũng lâu rồi Ngân mới quay trở lại. Tuần vừa qua, Ngân có khá nhiều việc nên gián đoạn việc chia sẻ kiến thức cho các bạn. Nhân lúc làm việc, Ngân nhận thấy một vấn đề mà ai cũng gặp phải trong việc xây dựng nội dung bài viết sao cho mạch lạc. Mà hôm nay, Ngân sẽ giúp bạn giải quyết nó một cách triệt để.

Bạn có từng thắc mắc, tại sao có những bài viết nhìn lướt qua thôi bạn đã muốn đọc, lại có những bài dù rất hay nhưng đọc một lần rồi chả muốn đọc lại vì cảm giác rất khó chịu. Mà bạn cũng không biết tại sao lại như thế?

Tất cả thắc mắc đều sẽ được Ngân trả lời ở dưới đây.

1. Mạch bài viết

Có phải ngày xưa khi còn đi học, cô dạy Văn luôn bắt bạn viết dàn ý trước khi viết bài, và bạn cho rằng nó vô ích. Nhưng thật ra nó hữu dụng hơn bạn nghĩ đấy. Để bài viết được mạch lạc, và hấp dẫn người đọc, trước khi viết bạn cần có dàn ý cho bài viết của mình, dù cho bài viết đó ngắn chỉ 1 đoạn hay dài cả mấy trang A4. Bởi vì, thông tin đi vào não con người càng đơn giản và theo hệ thống nhất định thì sẽ dễ tiếp thu hơn. Bạn thử nghĩ xem, một bài viết với cấu trúc, ý tứ lung tung thì khi người đọc tiếp thu rồi đưa thông tin vào não, não lại tốn thêm mớ năng lượng để sắp xếp lại mớ lộn xộn đó. Có phải rất mệt mỏi không? Bạn thử đặt mình vào vị trí người đọc rồi nghĩ, bản thân mình đọc xong mà còn thấy khó chịu và khó hiểu thì sao ép người khác đọc được? Ngân luôn tự dặn mình rằng, phải luôn sắp xếp thông tin một cách rõ ràng, bố cục bài viết hợp logic và có ý đồ riêng để thông tin đi vào não một cách nhẹ nhàng, tinh tế và đáp ứng được mục tiêu của mình.

Ví dụ: Để gây ấn tượng, tò mò, bạn phải giấu thông tin quan trọng đi, để nó ở gần cuối. Bạn có thể thử cấu trúc mở đầu này: gây sốc (tiêu đề) –> gây sốc –> dẫn chứng một tình trạng mà ai cũng gặp –> phủ định cái mà ai cũng biết –> đặt câu hỏi gợi tò mò –> kể chuyện về sản phẩm/dịch vụ/thông tin của bạn (nhưng không được nhắc đến tên của nó, có thể kể về hương vị, màu sắc, nguồn gốc xuất xứ,…)

2. Xuống dòng và khoảng cách

Khoa học chứng minh, thị lực và trí não của con người chỉ tập trung được trong vòng 1 đoạn văn dài nhất là 10 dòng. Nếu hơn nữa sẽ bị xao nhãng thông tin. Điều này còn giúp bài viết của bạn trông thiện cảm hơn, không tạo cảm giác khó chịu cho người đọc vì quá nhiều chữ cứ dính liền với nhau. Vì vậy, khi đã trình bày xong 1 ý chính, bạn nên xuống dòng và khoảng cách ra để người đọc hiểu rằng đã hết một ý và có thời gian cho mắt nghỉ ngơi. Lưu ý nhỏ khi thực hiện kĩ thuật này: Bạn phải xuống dòng đúng lúc, đúng chỗ. Không được ngắt ý khi đang diễn đạt, cũng không được quá dài.

3. Dẫn dắt người đọc bằng một số từ ngữ, cụm từ, con số và câu

Hãy tưởng tượng rằng bạn đang thuyết trình cho người đọc nghe, họ không biết rõ bố cục của bạn là gì và dễ lạc lối trong mê cung kiến thức. Cho nên, viết đến đâu, bạn cần thông báo cho độc giả biết. Chẳng hạn, ở bài viết này, Ngân có dùng một số câu và từ ngữ, con số như: ‘”Bạn có từng thắc mắc”, “Tất cả thắc mắc đều sẽ được Ngân trả lời ở dưới đây.”, con số 1, 2, 3, và một số câu từ ở phía dưới nữa, mọi người thử đoán xem nhé.

Với kĩ thuật này, bạn cần một chút kinh nghiệm làm nghề, để dẵn dắt người đọc sao cho thật nhẹ nhàng và tinh tế mà không bị quá thô và nhàm chán.

Đọc đến đây, bạn có thể áp dụng được 3 kĩ thuật mà Ngân đã chia sẻ chưa nhỉ?

Content muốn hay thì viết phải có tâm trước đã. Chưa biết nội dung hay thế nào nhưng trước mắt về hình thức phải khiến cho người đọc cảm thấy dễ chịu khi đọc nó. Content như một món ăn vậy, phải trình bày đẹp, kích thích khẩu vị rồi mới đến thưởng thức hương vị sau đó chứ.

Hi vọng những gì Ngân chia sẻ hôm nay sẽ hỗ trợ gì đó cho bạn.

Hẹn bạn bài viết sau. ❤

Dương Thị Thanh Ngân
Content Creator, Sales, Marketer