Pages

Chủ Nhật, 27 tháng 12, 2020

CLB Doanh Nhân Quảng Ngãi tại TP.HỒ CHÍ MINH HỌP MẶT LẦN THỨ XI.

 Tối qua, CLB Doanh Nhân Quảng Ngãi Tại TP. HCM họp mặt cuối năm với chủ đề "NỐI VÒNG TAY LỚN" Tại PAVILLON - Khách Sạn Tân Sân Nhất địa chỉ số 202 Đường Hoàng Văn Thụ , Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP.HCM.



Đây là dịp để lãnh đạo tỉnh và sở ban nghành gặp gỡ chúc tết cộng đồng doanh nhân Quảng Ngãi đang sinh sống và làm việc tại TP. HCM - Một nguồn lực đóng góp vào sự phát triển của tỉnh quảng ngãi trong nhiều năm qua. 



Đồng thời là dịp để những người con quê Quảng Ngãi gặp gỡ giao lưu thắt chặt tình thân. 


Tham gia buổi họp mặt với hơn 500 và 30 gian hàng giao thương cùng với sự tham sự của các cấp lãnh đạo Tỉnh Quảng Ngãi và TPHCM. 



Về phía lãnh đạo tĩnh Quảng Ngãi tham dự gồm: Bà Bùi Thị Quỳnh Vân (Ủy viên dự khuyết Trung Ương Đảng, Bí thư Tỉnh Ủy Quảng Ngãi), Ông Đặng Ngọc Huy (Phó bí thư thường trực Tỉnh Quảng Ngãi), Ông Đặng Văn Minh (ủy viên ban thường vụ Tỉnh, Chủ tịch Tỉnh Quảng Ngãi), Ông Nguyễn Cao Phúc ( Ủy viên ban thường vụ tỉnh, Bí thư Thành Ủy Tp. Quảng Ngãi) cùng với nhiều lãnh đạo ban nghành khác điều có mặt để chúc mừng. 



Dù xa xứ những doanh nhân Quảng Ngãi luôn hướng về quê nhà với mong muốn kinh tế Quảng Ngãi được phát triển, đời sống của người dân được nâng cao, góp phần vào sự đi lên của đất nước. Đại hội đại biểu lần thứ 20 nhiệm kỳ 2020 - 2025 tổ chức vào tháng 10/2020 đã đề ra phương hướng , mục tiêu, nhiệm vụ phát huy các nguồn lực, đưa tỉnh nhà phát triển lên một bước mới.



Với Chủ đề "Nối vòng tay lớn” là một lời nhắn gởi cho những ai là người Quảng Ngãi, đặc biệt là các doanh nhân dù đi đâu, làm gì, thành đạt như thế nào thì luôn hướng về nguồn cội, luôn mở lòng chung tay góp phần xây dựng quê hương, giúp đỡ bà con nghèo khó.



Thứ Sáu, 18 tháng 12, 2020

TRONG QUAN HỆ LÀM ĂN ĐỪNG KHÔN QUÁ: XỞI LỞI TRỜI CHO, SO ĐO TRỜI LẤY.



"Xởi lởi trời cho , so đo trời lấy". Đó là câu châm ngôn ông bà xưa dạy tôi từ lúc còn bé. Lúc đầu tôi không hiểu lắm, nhưng mẹ giải thích nhiều lần, tôi mới hiểu. Và kiểm nghiệm lại cuộc đời, tôi thấy nó QUÁ ĐÚNG!


Mẹ bảo ở đời, chơi với bạn, sống cùng hàng xóm, quan hệ làm ăn với ai đó, cần phải xởi lởi, hào phóng chút, đừng so đo, tính toán thiệt hơn quá, con người sẽ trở thành hèn. Làm gì cũng nên nhường phần thuận lợi cho người khác và nhận phần khó hơn về mình. Chia chác quà bánh hay tiền bạc thì hãy nhận phần ít hơn tí cũng không sao. Nếu có điều kiện, hãy giúp đỡ bạn trong khả năng có thể. Mời ăn sáng cùng, mua cho bạn gói xôi... là xởi lởi.


Còn giành giật, hơn thua tí bánh, tí quà với bạn, với anh chị em trong nhà hay với cô bé hàng xóm là so đo. So đo, tính toán khôn quá cũng không giàu hơn được, mà bạn bè xa lánh, anh em không thèm chơi chung, hàng xóm ghét bỏ... Mẹ giải thích nhiều lắm, và tôi nhập tâm lời mẹ dạy.


Trong hợp tác, làm ăn, kinh doanh, người xởi lởi sẽ giữ được quan hệ lâu bền. Trong quản lý con người, doanh chủ xởi lởi sẽ được người lao động yêu quý và trung thành.


Sở dĩ, so đo lấy một vài phần cũng không làm bạn giàu lên được còn chưa nói lại trở thành người kẹt xỉ ích kỷ. Cho đi rồi nhất định bạn sẽ nhận lại được, không cứ nhất định nhận lại từ người mà bạn cho.


Còn núp lùm, ăn mảnh thì trời cũng không "xởi lởi" với mình đâu ạ! Đơn giản là vì, với tính cách so đo và "trùm sò" như vậy thì làm ăn với ai cũng khó. Khách hàng tẩy chay, nhân viên oán trách, đối tác bỏ chạy thì còn làm ăn được với ai? Vậy nên trời chẳng "lấy hết" là gì?


Muốn được "trời cho" hay "trời lấy hết" phụ thuộc vào tính cách phóng khoáng hay "trùm sò" của bạn


Nguồn: Sưu tầm

Thứ Năm, 3 tháng 12, 2020

Pháp Lý Nhà Đất: MỘT SỐ ĐIỀU KHOẢN BẪY GÂY BẤT LỢI CHO KHÁCH HÀNG THƯỜNG THẤY TRONG CÁC HỢP ĐỒNG ĐẶT CHỖ/GIỮ CHỖ

 Thông qua quá trình tiếp xúc, tư vấn và hỗ trợ khách hàng có tranh chấp về vấn đề này, chúng tôi thường hay gặp một số điều khoản bẫy và gây bất lợi cho người đặt tiền giữ chỗ như sau:



(1) Nhập nhằng giữa bên nhận tiền giữ chỗ là chủ đầu tư hay là bên môi giới?


Theo quy định của pháp luật, người có quyền bán sản phẩm của dự án phải là chủ đầu tư dự án hoặc bên được chủ đầu tư ủy quyền hoặc ký hợp đồng hợp pháp thì mới có quyền bán. Tuy nhiên trên thực tế, phần lớn khách hàng thường ký thỏa thuận giữ chỗ với bên môi giới, chuyển tiền cho bên môi giới, thậm chí chuyển tiền vào tài khoản cá nhân mà không đòi hỏi bên nhận tiền đặt cọc phải cung cấp giấy ủy quyền hoặc tài liệu chứng minh quyền bán của mình. Theo đó, mặc dù không được ủy quyền bán, nhưng rất nhiều cá nhân và các công ty môi giới đang lợi dụng việc này để ký hợp đồng và nhận tiền giữ chỗ của khách hàng nhằm chiếm dụng vốn trái phép. Khi ký hợp đồng, khách hàng không phân biệt được chủ đầu tư hay là bên môi giới sẽ thực hiện hợp đồng với khách hàng.


Theo đó, nếu hợp đồng không thể hiện văn bản ủy quyền từ Chủ đầu tư và bên nhận tiền giữ chỗ cung cấp tài khoản cá nhân để nhận tiền, thì nhiều khả năng bên môi giới này không có quyền bán hợp pháp. Khi đó, nếu ký hợp đồng và chuyển tiền thì họ thì khách hàng đang giao trứng cho ác.


(2) Trong hợp đồng đặt tiền giữ chỗ, chủ đầu tư/bên môi giới hoàn toàn không cam kết thời hạn mở bán của chủ đầu tư


Vì không cam kết nên khách hàng không có lý do gì để lấy lại tiền trước thời điểm mở bán và chỉ biết chờ đợi cho đến khi có thông báo mở bán chính thức, nhưng không biết phải chờ đến khi nào.


(3) Trong hợp đồng chủ đầu tư không cam kết và ấn định giá bán bất động sản


Vì không cam kết và ấn định giá bán cụ thể, nên chủ đầu tư có quyền đưa ra giá bán lần đầu theo ý muốn của chủ đầu tư. Do vậy, nếu chủ đầu tư mở bán lần đầu với giá rất cao, nhiều người không đủ tài chính để mua và đành phải lấy lại tiền đặt chỗ.


(4) Hợp đồng không nghi cụ thể vị trí sản phẩm (số căn hộ, tầng, dãy, hướng, diện tích…mà chỉ ghi rất chung chung, ví dụ từ tầng…. đến tầng…)


Vì không ghi cụ thể, nên khi mở bán chính thức người đặt giữ chỗ không thể mua được đúng vị trí sản phẩm mình muốn mua. Và khi không có quyền lựa chọn, nên nhiều người cũng bỏ cuộc và phải đi xin nhận lại tiền đặt chỗ về.


(5) Hợp đồng không cho phép người mua được lấy lại tiền đặt chỗ bất cứ thời gian nào mà bị chủ đầu tư/bên môi giới áp đặt không được đòi tiền giữ chỗ lại cho đến khi chủ đầu tư mở bán


Đây là điều khoản bất lợi nhất cho người đặt giữ chỗ. Chủ đầu tư thường viện dẫn điều khoản này để ràng buộc khách hàng. Theo đó, khách hàng chỉ có quyền lấy lại tiền khi chủ đầu tư mở bán nếu khách hàng đó không mua. Tuy nhiên khi nào chủ đầu tư mở bán để có quyền lấy tiền lại thì là một dấu hỏi lớn mà chủ đầu tư cũng không trả lời được.



(6) Bắt khách hàng phải bảo mật thông tin về hợp đồng;


Mục đích là để che dấu hành vi huy động vốn trái pháp luật, để không bị xử phạt hành chính và không bị xử lý theo quy định của pháp luật.


HÃY LƯU Ý!

Theo Facebook của Chuyên Gia Pháp Lý


Thứ Ba, 17 tháng 11, 2020

7 Cách Để Tối Đa Hiệu Quả Dance 1:2:1 - BNI

Để tạo ra một referral chất lượng với một người nào đó trong mạng lưới các mối quan hệ của mình, chìa khóa quan trọng nhất chính là luôn theo dõi và cập nhật liên tục về doanh nghiệp và các dịch vụ cốt lõi của họ, và ngược lại. Nếu bạn muốn giữ những mối quan hệ bền chặt và biết được những referral tốt nhất để chia sẻ với mạng lưới của mình, việc thường xuyên có các cuộc họp dance 1:2:1 là điều tối quan trọng.

 

 

Việc có những cuộc Dance 1:2:1 rất quan trọng nhưng bạn cần đảm bảo việc sử dụng thời gian một cách khôn ngoan để giữ cho tinh thần của mình luôn tỉnh táo để kết nối và có được những cuộc Dance 1:2:1 tốt nhất có thể. Hãy chú ý đến những yếu tố về thời gian, địa điểm và chất lượng cuộc trò chuyện thực tế để thực hiện cuộc Dance 1:2:1 hiệu quả.

 

Lên lịch Dance 1:2:1 đúng giờ và hướng sự tập trung đến đối tác

Nếu có thể, hãy luôn luôn lập kế hoạch 1:2:1 vào thời điểm mà bạn chắc chắn sẽ đến đúng giờ và không phải vội vã tới sau cuộc họp. Không gì có thể làm bạn gây mất tập trung ảnh hưởng đến hiệu quả của cuộc Dance 1:2:1 khi nghĩ đến buổi hẹn tiếp theo và lo lắng về việc sẽ đến trễ. Nhiều người khi khi lên kế hoạch gặp mặt, họ thường tìm cách đến đúng giờ và ít khi đến muộn.

 

 

Tránh gặp gỡ ở những nơi gây phân tâm hoặc có những yếu tố làm gián đoạn cuộc nói chuyện

Cách dễ dàng nhất là lên kế hoạch gặp gỡ đối tác ngay buổi ăn trưa tại một một nhà hàng. Thế nhưng đây lại không phải là lựa chọn tốt nhất. Bạn có thể không mong đợi những điều gián tiếp xảy ra tại nhà hàng như: gọi món, đồ uống và thanh toán. Hơn thế nữa, giờ ăn trưa là giờ cao điểm, mọi sự hối hả, bận rộn tại nhà hàng đều khiến bạn khó tập trung Dance 1:2:1 với đối tác gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng của cuộc nói chuyện.

 

 

Đến trực tiếp văn phòng của đối tác

Cách dễ nhất để nhận được nhiều thông tin nhất về hoạt động kinh doanh của đối tác là đến văn phòng của họ. Đây là nơi khiến họ cảm thấy thoải mái, thuận tiện nhất và giúp họ luôn giữ tâm trí tỉnh táo để chia sẻ cụ thể về các sản phẩm/dịch vụ của mình.

 

 

Hãy sử dụng hai tai và một miệng theo đúng tỷ lệ

Hãy chú ý nói ít và lắng nghe nhiều hơn. Mục tiêu chính của bạn khi tiến hành Dance 1:2:1 là tìm hiểu những gì đang còn mới và sắp xảy ra với mạng lưới kết nối kinh doanh của mình. Điều này có nghĩa là đặt doanh nghiệp của họ lên trước tiên, hãy chủ động đặt câu hỏi, lắng nghe và tiếp thu những gì họ nói.

 

 

Ghi nhớ và nghĩ về một Referral tiềm năng có thể giới thiệu cho đối tác

Để làm được điều này, hãy hỏi lại đối tác nếu không chắc chắn Referral này phù hợp với họ. Đây là cơ hội để bạn học cách làm thế nào để giúp đỡ họ tốt nhất và cách thức đầu tư vào mối quan hệ.

 

 

Lắng nghe là kỹ năng quan trọng khi tham dự Networking nhất là khi Dance 1:2:1 (Ảnh: VP BNI Việt Nam)

Nếu những người trong mạng lưới kết nối của bạn đang tìm cách để giới thiệu bạn với những người khác trong mạng lưới của họ, hãy chia sẻ các sản phẩm/dịch vụ cụ thể mà bạn cung cấp và các Referral mà bạn đang mong muốn tìm kiếm.

 

 

Theo dõi với lời cảm ơn chân thành và có thể đáp lại bằng một Referral

Bạn luôn phải theo dõi và nói lời cảm ơn với những người liên hệ đã liên hệ với mình, đồng thời chia sẻ những gì mà họ thực sự mang lại cho bạn. Nếu có thể, hãy đền đáp họ bằng một cơ hội kinh doanh khác. Nói chung, bạn muốn theo dõi trong vòng 24 giờ, nhưng nếu có thể cung cấp Referral trong 3-5 ngày tới, bạn sẽ thực sự tạo nên sự khác biệt, đồng thời cho mọi người trong mạng lưới kết nối của bạn thấy rằng thời gian mà họ dành cho bạn đã được đền đáp xứng đáng.

 

Lên lịch Dance 1:2:1

Chỉ gặp gỡ một lần là không đủ để tạo ra mối quan hệ bền vững. Bạn cần gặp gỡ đối tác thường xuyên để có thể tiếp tục học cách phát triển kinh doanh, để đối tác của bạn cũng có thể tìm hiểu thêm về bạn và doanh nghiệp của bạn. Nhờ đó, cả hai có thể tiếp tục xây dựng lòng tin đối với nhau.

 

Theo Eden Creamer-Hurdle – Global Marketing Coordinator at BNI®

TUẦN THỨ BA Làm thế nào để loại bỏ những lời giới thiệu không phù hợp?

3 bước để truyền thông hiệu quả. 
Tác giả: Connie Hinton, Giám đốc điều hành, BNI-NW "Tôi không có được referrals chất lượng trong BNI” Đây là một câu nói rất quen thuộc mà tôi thường nghe hội viên phát biểu. Trong nhiều trường hợp thì điều này đến từ việc hội viên nhận được referrals nhưng đó lại không phải là nhu cầu của họ và họ không cần referrals đó. 

Và sau khi hỏi vài câu hỏi, tôi nhận ra rằng rõ ràng hội viên ấy đã nhận được đúng những gì mà anh ta yêu cầu. Chính họ đã trình bày sai nhu cầu của mình. Việc này được gọi là lỗi truyền thông.

Để xử lý vấn đề này tôi xin đưa ra một ví dụ rất gần gũi mà hầu như xuất hiện ở mọi nhà. 
Người vợ nói với chồng: “Rác đã đầy rồi phải mang đi đổ thôi”. Khi nói như vậy nghĩa là: “Anh đi đổ rác giúp em”. Người chồng khi ấy đồng ý rằng cần đi đổ rác, nhưng anh ta không hiểu rằng vợ mình đang yêu cầu mình làm việc ấy. Cuối cùng là rác không được đổ và hai vợ chồng xảy ra chiến tranh. 

Mối quan hệ bền vững, lâu dài và đôi bên cùng có lợi phụ thuộc vào việc truyền thông tốt. Đây là việc không dễ dàng và rất mất thời gian cũng như cong sức để phát triển. Nơi đầu tiên để xây dựng mối quan hệ trong BNI chính là phần 60 giây bán hàng đỉnh cao của hội viên. Có ba bước để xây dựng phần trình bày này hiệu quả, đó là: cụ thể, rõ ràng và tiếp nhận góp ý. 

Bước 1-Cụ thể.

Rất nhiều hội viên thất bại trong việc cụ thể hóa trong phần trình bày 60 giây của mình đơn giản vì họ lo sợ việc này sẽ giới hạn referrals của họ. 

Với kinh nghiệm của tôi thì bạn sẽ có nhiều referrals hơn và hiệu quả hơn khi tập trung trực tiếp vào mục đích mình mong muốn. Tôi nhận thấy đôi khi bạn hỏi về một người cụ thể trong một công ty cụ thể, bạn có thể vẫn không được giới thiệu cho người đó, thế nhưng bạn sẽ được giới thiệu một người khác với chất lượng tương tự hoặc thậm chí là tốt hơn. 

Mọi người thường có xu hướng đề nghị gián tiếp mà không chọn cách trực tiếp. Điều này sẽ gây khó hiểu cho người nghe, họ không hiểu họ phải hành động thế nào để giúp bạn. Và sau đó bạn giận dữ khi không có việc gì xảy ra và kết quả cuối cùng thì như tôi đã đề cập ở trên. 

Đây chính là vấn đề đã và đang xảy ra với nhiều referrals tại các chapter. Bạn cảm thấy bạn đã 
rất cụ thể với bạn nhưng những hội viên khác thì không hiểu họ phải tìm ai, hoặc họ cần phải 
làm gì để mang đến referrals cho bạn.

Bước 2-Rõ ràng.
Hãy trình bày 60 giây bằng những từ ngữ đơn giản nhất. Tránh dùng những thuật ngữ chuyên môn trong lĩnh vực ngành nghề kinh doanh của mình vì khi đó bạn đang tự mình giảm số lượng 
người nghe xuống.

Hãy nhớ, bạn đang đào tạo cho đội ngũ giám đốc bán hàng. Hãy cho họ các công cụ để giới thiệu bạn, với những cụm từ chính quan trọng cần họ nghe, ghi lại, và những tín hiệu triển vọng là nó sẽ giúp người nghe bắt đầu truyền thông cho bạn.

Bước 3- Đặt câu hỏi và lắng nghe phản hồi. Hãy đảm bảo rằng các thành viên trong nhóm bán hàng của bạn hiểu tất cả những thông điệp mà bạn truyền tải thông qua việc đặt câu hỏi cho họ. Thẻ dance 1-2-1 là nơi tốt nhất để bạn nói rõ thông điệp của mình vì dance card được thiết kế để
cung cấm thông tin và cho phép chúng ta chia sẻ và nhận nhiều hơn các ý tưởng. 

Dưới đây là vài câu hỏi mà bạn cần dùng để hỏi hội viên bên dưới nhằm giúp bạn truyền thông thêm về nhu cầu referrals của mình hiệu quả hơn:

Phần trình bày 60 giây của bạn đã rõ ràng và cụ thể chưa?

Bạn đã trình bày yêu cầu referrals của mình đủ cụ thể chưa? 

Bạn đã kêu gọi hành động đối với đội ngũ giám đốc bán hàng của mình để giới thiệu bạn với một người cụ thể nào chưa?

Bạn có cung cấp tín hiệu cho các hội viên của mình để tìm kiếm, nghe ngóng nhằm giới thiệu cho bạn những người mà bạn đang cần liên hệ chưa?

Bạn đã yêu cầu đội ngũ bán hàng phản hồi lại cho bạn để đảm bảo rằng họ đã nhận được đầy đủ thông điệp mà bạn truyền đi hay chưa? Bạn đã mô tả thật chính xác nhu cầu của mình hay chưa? Truyền thông là một trong các chìa khóa hiệu quả để gặt hái được các mối quan hệ . 

Hãy ghi nhớ, bạn sẽ có được những gì bạn muốn nếu bạn yêu cầu. Chính vì vậy hãy đảm bảo rằng mình đã yêu cầu những điều mình muốn. 

Một câu hói của Dale Carnegie sẽ giúp chúng ta tóm tắt vấn đề: “có bốn cách, chỉ có 4 cách để chúng ta kết nối với thế giới. Chúng ta được đánh giá và phân loại từ bốn điều 
này: những việc chúng ta làm, những điều chúng ta thấy, những lời chúng ta nói và cách 
chúng ta nói”.

Chủ Nhật, 1 tháng 11, 2020

BNI Ownership Chapter là Chapter đầu tiên ở Việt Nam ra mắt với Danh hiệu Diamond Chapter.

BNI OWNERSHIP CHAPTER Lần đầu tiên một Diamond Chapter được vinh danh  TOẢ SÁNG TRÊN “BẦU TRỜI” BNI  khi ra mắt ngày 31/10/2020 (Thứ Bảy) tại Vinpearl Luxury Landmark 81 - Tp. Hồ Chí Minh.  BNI Ownership Chapter là Chapter thứ 121 của BNI Việt Nam và là Chapter đầu tiên ở Việt Nam ra mắt với Danh hiệu Diamond Chapter. 

Với đặc thù là mỗi doanh nghiệp kinh doanh 1 nghành nghề và độc quyền maketing cho nhau, ưu tiên dùng sản phẩm của nhau, BNI OwnerShip Chapter thực sự là 1 tổ chức phù hợp với rất nhiều doanh nghiệp. Mặc dù mới ra mắt nhưng có đến 108 Doanh Nhân đại diện doanh nghiệp tham gia mang lại nhiều mối quan hệ thật sự chất lượng và nhiều đối tác kinh doanh.

BNI OwnerShip Chapter tự hào một cộng đồng thịnh vượng và hạnh phúc. Với phương thức hoạt động “Trao năng lượng tích cực trong hoạt động kinh doanh và cuộc sống”. Từ đó, khẳng định giá trị và uy tín của doanh nghiệp bằng sự kết nối, giới thiệu, mở rộng mở rộng mới quan hệ chất lượng. 

Ownership chapter ra mắt với 108 thành viên.

Việc các Doanh nghiệp cùng hợp tác, tận dụng thế mạnh của nhau và trao đổi các cơ hội kinh doanh cùng ổn định, vượt qua khó khăn và sẵn sàng đón đầu cơ hội là điều cực kỳ cần thiết và quan trọng trong thời điểm hiện nay. Điều này đúng với tinh thần câu nói của tỷ phú Warren Buffett từng nói: “Nếu muốn đi thật nhanh thì đi một mình. Nếu muốn đi thật xa hãy đi cùng nhau” (If you want to go fast, go alone. If you want to go far, go together)

Xuất phát từ thực tế các doanh nhân thường rất bận và ít có thời gian tham gia các khoác học dài ngày nên OwnerShip Chapter   có những buổi họp hàng tuần để đào tạo, chia sẻ những kĩ năng cần thiết nhằm phát triển bản thân cũng như công việc kinh doanh.

Hơn nữa, Cách làm kinh doanh của doanh nhân Việt Nam là dựa trên mối quan hệ thân tín và có uy tín. Điều này hoàn toàn phù hợp với tiêu chí hoạt động của OwnerShip Chapter.

Tuy nhiên, cách  làm của người Việt chúng ta còn ở mức tự phát và chưa có hệ thống.

Vì vậy, OwnerShip Chapter sẽ giúp hệ thống hóa và thay đổi cách kinh doanh của họ. Tính hệ thống cũng là một nét đặc biệt tạo nên sự thành công và khác biệt cho OwnerShip Chapter.

Tham gia vào BNI OwnerShip Chapter các thành viên là chủ các doanh nghiệp sẽ được huấn luyện phương pháp và sử dụng hệ thống toàn cầu nhằm tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh để tăng doanh thu và lợi nhuận.

      Lần đầu tiên một Diamond Chapter được vinh danh ngay khi ra mắt

Thay mặt Ban lãnh đạo, Giám đốc vùng HCM bà Công Huyền Tôn Nữ Quỳnh Trang đã chính thức trao quyết định bổ nhiệm bà Tô Quý Ngọc Châu trở thành Giám đốc Hỗ trợ cho Onwership Chapter.

“Đất nước chúng ta có phát triển hay không chính là tuỳ thuộc vào mỗi chúng ta, mỗi thành viên trong các tổ chức như BNI, và tôi mong muốn chúng ta cùng góp sức đưa doanh nghiệp của mỗi chúng ta, tổ chức và đất nước chúng ta ngày càng phát triển,” Giám đốc Hỗ trợ Tô Quý Ngọc Châu phát biểu.

Lễ kết nạp 108 thành viên của Ownership diễn ra khá đặc biệt khi các lãnh đạo BNI Việt Nam “không thể” trao tận tay bộ công cụ cho các anh chị bởi số lượng quá lượng, và tất cả các thành viên BNI, các khách mời đều dâng trào cảm xúc khi những thành viên Ownership nhanh chóng đứng vào hàng ngũ và đọc vang lời tuyên thệ tôn trọng những nguyên tắc hoạt động của BNI.


Chủ tịch BNI Việt Nam ông Hồ Quang Minh đã lên trao tặng chứng nhận Diamond Chapter cho Ownership.

“Với tầm nhìn lớn, với tình yêu đủ lớn và tình yêu đó được đặt vào một tập thể, một đất nước thì chắc chắn sẽ làm được những việc rất lớn. Ownership đã quy tụ được rất nhiều doanh nhân ưu tú, vậy chúng ta hãy cùng bàn bạc xem làm gì để cùng gắn kết và cùng có một cuộc đời thịnh vượng,” Chủ tịch BNI Việt Nam ông Hồ Quang Minh xúc động phát biểu khi trao tặng danh hiệu Diamond Chapter.

“Sự ra đời của Ownership chapter thật tuyệt vời, mở ra một trang mới trong lịch sử phát triển của BNI Việt Nam.”

Trong nhiệm kỳ đầu tiên của Ownership, bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc sẽ giữ vai trò chủ tịch, ông Nguyễn Văn Quý giữ vai trò Phó chủ tịch và bà Phan Thị Kim Thanh giữ vai trò là Tổng thư ký.


Ông Hồ Quang Minh với món quà dành tặng cho Giám đốc Hỗ trợ Tô Quý Ngọc Châu.

Buổi lễ ra mắt đã dành phần vinh danh đặc biệt cho những thành viên tạo nên “kỳ tích” Ownership khi có tới 7 thành viên đạt danh hiệu Gold Members, là những người giới thiệu 6 người khác làm thành viên trong chapter và bà Nguyễn Duy Kim Tước đạt danh hiệu Double Gold Member, người đã giới thiệu 12 thành viên vào chapter.

“Trong môi trường BNI, tôi học được kỹ năng lãnh đạo, tinh thần cho đi và mong muốn những người xung quanh phát triển. Với những giá trị cao quí như vậy, tôi mong được chia sẻ cho rất nhiều người thân, bạn bè của tôi,” bà Nguyễn Duy Kim Tước chia sẻ.


Các thành viên BNI, các khách mời cùng hoà nhịp trong không khí sôi động chào đón sự ra mắt của Ownership Chapter.

Giám đốc Đào tạo BNI Việt Nam, bà Đào Lan Phương đã có bài chia sẻ 5 phút về sự khác biệt giữa Leads và Referrals để các khách mời có thể hình dung về hoạt động và hiệu quả mà BNI đem lại cho các thành viên.

Ownership chapter ra đời sau 3 tháng chuẩn bị, là chapter thứ 121 trong đại gia đình BNI Việt Nam. Buổi lễ ra mắt được tổ chức sang trọng đầy cảm xúc tại Vinpearl Luxury Landmark với sự chứng kiến của 250 khách mời./.

PV Hoàng Gia

Thứ Ba, 1 tháng 9, 2020

TỔNG THỐNG MỸ DONALD TRUMP: ” TỪNG CÓ LÚC ĂN MÀY CÒN GIÀU HƠN TÔI ”

TỔNG THỐNG MỸ DONALD TRUMP: ” TỪNG CÓ LÚC ĂN MÀY CÒN GIÀU HƠN TÔI ”

Donald Trump: " Bỏ cuộc là 1 thứ tôi chưa bao giờ nghĩ tới, dù chỉ 1 giây. Và tôi nghĩ đó là một lý do khiến tôi đánh bại những người chỉ trích mình. Họ cố đưa tôi lên vĩ nướng, nhưng điều đó lại phản tác dụng. Nó chỉ khiến tôi muốn trở lại và trở lại một cách đầy ngoạn mục. Tôi biết mình có thể chứng minh cho họ thấy rằng họ đã sai bằng cách tiếp tục kiên định, tiếp tục gan lì, và không khoan nhượng hay bỏ cuộc. Tôi nhanh chóng trở thành 1 con người cứng cáp hơn trong suốt thời kỳ 1990.

Vào đầu thập niên 90, tôi đã tạo ra 1 bước hoán vị vận may ngoạn mục đến nỗi họ đã đưa tôi vào Sách Guiness Kỷ Lục thế giới, với cú lội ngược dòng xuất sắc nhất trong lịch sử tài chính. Tôi không khuyến khích bất cứ ai đặt ra cho mình mục tiêu như thế, nhưng một khi bạn đã dấn thân vào vòng xoáy tài chính khốc liệt, trải nghiệm đó sẽ mang lại cho bạn 1 tầm nhìn có thể rất hữu ích đối với người khác".

Không phải ai cũng đều biết rằng vào cuối thập niên 80, Donald Trump đã có những lúc sa cơ lỡ vận thảm hại với nợ nần gần 9,8 tỷ USD. Thị trường bất động sản đóng băng, văn phòng nhà ở, khách sạn không cho thuê được. Trong khi đó các ngân hàng, nhà đầu tư ráo riết đòi nợ và Donald Trump - ông “Vua tiền mặt” ngày nào giờ không còn một xu dính túi.

Cash is King

Tất cả các bất động sản có thể bán được ngay như New York Plaza Hotel, rất nhiều nhà nghỉ, tàu thuyền sang trọng nhất đều phải bán để trả nợ mà vẫn không đủ. Hãng hàng không Eastern Airlines mà Trump mới mua đầu năm 1989 cũng phải bán đi sau chưa đầy 3 năm hoạt động. Tưởng như vị Tổng thống đảng Cộng hòa chỉ còn nước bỏ trốn mới mong thoát khỏi các chủ nợ.

Người quyền lực nhất thế giới cho biết, tình cảnh hồi đó bi đát đến nỗi những người ăn mày, không nhà cửa trên đại lộ số 5 nổi tiếng của New York, vẫn giàu có hơn ông nhiều, vì tiền trong túi Trump lúc bấy giờ chỉ là con số âm nợ 9,8 tỷ USD. Thời gian này ông cũng phải ra Tòa ly hôn với tổng chi phí hơn 20 triệu USD.

"Cuộc đời là thế", Donald Trump nhớ lại. Nhiều khi hàng loạt khó khăn đổ ập đến cùng lúc. Nhưng ngay cả vào những thời điểm khó khăn như vậy, ông vẫn luôn hi vọng vào những cơ hội may mắn, thậm chí nhiều may mắn cùng đến.

Sự thành công trở lại của Donald Trump là cả một kỳ tích pha lẫn cả sự bí hiểm. Càng sa cơ ông lại càng mạo hiểm đến liều lĩnh. Ông có thể vay chỗ này để trả nợ chỗ kia. Ông thế chấp để vay ngân hàng rồi lại phải để cho ngân hàng phát mại. Trước rất nhiều sức ép của các ngân hàng chủ nợ, nhưng Donald Trump vẫn khôn khéo đàm phán, thương thuyết để giữ lại cho riêng mình bằng mọi giá một bất động sản mà ông đang đầu tư dở dang với một ngân sách khổng lồ.

" Tôi không khuyên bạn đòi hỏi ở thế giới 1 áp lực khủng khiếp như thế, nhưng hãy biết rằng nếu bạn gặp phải những dòng nước ngược, cương quyết không bỏ cuộc có lẻ sẽ là chiến lược tốt dành cho bạn." - TT Mỹ vĩ đại...

SƯU TẦM

05 VẤN ĐỀ PHÁP LÝ CƠ BẢN DÀNH CHO CHỦ DOANH NGHIỆP VÀ GIÁM ĐỐC ĐIỀU HÀNH-CEO

Nhiều CEO và chủ doanh nghiệp nghỉ rằng chỉ cần bỏ tiền thuê một luật sư để xử lý mọi công việc pháp lý cho doanh nghiệp là bình an vô sự. Tuy nhiên, không phải lúc nào luật sư cũng ở bên cạnh CEO, chủ doanh nghiệp, luật sư cũng không phải là người ra quyết định thay CEO, chủ doanh nghiệp mà chỉ có thể cố vấn hoặc xử lý những vấn đề pháp lý theo yêu cầu cụ thể của khách hàng. Do vậy, đối với những người start-up (người khởi nghiệp) chưa có điều kiện tài chính tốt, hay những người có ý định thành lập doanh nghiệp và bản thân các CEO và chủ doanh nghiệp cũng phải tự trang bị cho mình những kiến thức pháp lý cơ bản để hạn chế những rủi ro trong kinh doanh và quyết định những vấn đề mang tính chiến lược, quan trọng để đưa doanh nghiệp cất cánh và phát triển.

Vậy những kiến thức pháp lý cơ bản dành cho CEO và chủ doanh nghiệp là gì?

Theo tôi, kiến thức pháp lý cơ bản nói riêng và kiến thức pháp luật nói chung là nhiều vô tận, ngay cả những luật sư, chuyên gia pháp luật hàng đầu cũng chưa chắc nắm hết được. Tuy nhiên, đối với một CEO/chủ doanh nghiệp thì có 05 vấn đề pháp lý sau đây theo tôi là cơ bản, quan trọng và cần thiết nhất bao gồm:

– Nắm được văn bản/tài liệu pháp lý quan trọng và không thể thiếu trong doanh nghiệp mình;

– Nắm vững các quyền và nghĩa vụ của một doanh nghiệp;

– Biết quản lý dòng tiền ra và dòng tiền vào của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật;

– Nắm được kiến thức pháp lý cơ bản về hợp đồng thương mại liên quan đến ngành nghề, lĩnh vực mà doanh nghiệp mình đang kinh doanh;

– Nắm và xác định được quyền hạn của người quản lý doanh nghiệp và lựa chọn mô hình tổ chức doanh nghiệp phù hợp cho doanh nghiệp mình.

Cụ thể những kiến thức pháp lý cơ bản cho CEO và chủ doanh nghiệp như sau:

THỨ NHẤTPhải nắm được văn bản/tài liệu pháp lý quan trọng và không thể thiếu trong doanh nghiệp mình

Văn bản/tài liệu pháp lý của doanh nghiệp là thứ không thể thiếu của một doanh nghiêp nhằm xác định tư cách pháp nhân, địa vị pháp lý, tình trạng và hình hài doanh nghiệp. Vì sự quan trọng, nên Luật doanh nghiệp 2014 (tại Điều 11) đã quy định cụ thể những văn bản/tài liệu pháp lý của doanh nghiệp cần phải có và bắt buộc phải lưu giữ tại trụ sở công ty hoặc địa điểm khác được quy định trong Điều lệ công ty, cụ thể là những văn bản/tài liệu pháp lý sau:

– Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;

– Điều lệ doanh nghiệp;

– Sổ đăng ký thành viên, giấy chứng nhận phần vốn góp (áp dụng cho công ty TNHH từ hai thành viên trở lên, công ty hợp danh) hoặc sổ đăng ký cổ đông, cổ phiếu (áp dụng cho công ty cổ phần); biên bản góp vốn và định giá tài sản (nếu có);

– Các tài liệu pháp lý nội bộ của doanh nghiệp như biên bản họp, nghị quyết của hội đồng thành viên, đại hội đồng cổ đông, hội đồng quản trị tùy theo loại hình doanh nghiệp; các quyết định của doanh nghiệp; các quy chế quản lý nội bộ khác của doanh nghiệp tùy theo loại hình doanh nghiệp;

– Các giấy tờ xác nhận quyền sở hữu tài sản của doanh nghiệp như giấy chứng nhận quyền sử dụng, sở hữu bất động sản, quyền sở hữu trí tuệ,…;

– Các giấy phép con, đủ điều kiện kinh doanh, chứng chỉ văn bằng…;

– Sổ kế toán, chứng từ kế toán, báo cáo tài chính hằng năm;

– Các văn bản, thông báo, kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền gửi đến hoặc làm việc với doanh nghiệp;

– Bản cáo bạch (nếu có để phát hành chứng khoán);

– Hợp đồng ký với đối tác và các chứng từ liên quan trong quá trình thực hiện hợp đồng với các nhà cung cấp dịch vụ hoặc với khách hàng và đối tác khác (Mục đích là để theo dõi thực hiện hợp đồng, để cung cấp chứng cứ cho Tòa án và các bên có liên quan nhằm giải quyết tranh chấp phát sinh).

Vì vậy, nếu chưa có hoặc có nhưng chưa đầy đủ thì doanh nghiệp phải làm và lưu trữ theo quy định của pháp luật nêu trên.

Việc duy trì và lưu giữ những văn bản/tài liệu pháp lý nêu trên là vô cùng quan trọng để thực hiện nhiều mục đích khác nhau cho doanh nghiệp, ví dụ như để vay vốn ngân hàng, để nộp cho cơ quan nhà nước, Tòa án khi bị kiểm tra, thanh tra và tranh chấp (nếu có); để có cơ sở nâng cao giá trị thương hiệu cho doanh nghiệp; để chứng minh doanh nghiệp kinh doanh minh bạch; và cuối cùng là để doanh nghiệp được định giá cao và bán được giá tốt (nếu muốn bán).

THỨ HAI: Nắm vững các quyền và nghĩa vụ của một doanh nghiệp

Luật doanh nghiệp 2014 có quy định rất cụ thể quyền của doanh nghiệp (Điều 7 Luật doanh nghiệp) và nghĩa vụ của doanh nghiệp (Điều 8 Luật doanh nghiệp); Khi nắm được quyền thì chủ doanh nghiệp, CEO thoát khỏi tâm lý lo sợ trong kinh doanh, mạnh dạn và chủ động hơn trong việc điều hành kinh doanh.

Theo đó, doanh nghiệp có các Quyền cơ bản gồmTự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật không cấm; tự chủ kinh doanh và lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh; chủ động lựa chọn ngành, nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh; chủ động điều chỉnh quy mô và ngành, nghề kinh doanh; lựa chọn hình thức, phương thức huy động, phân bổ và sử dụng vốn; chủ động tìm kiếm thị trường, khách hàng và ký kết hợp đồng; kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu; tuyển dụng, thuê và sử dụng lao động theo yêu cầu kinh doanh; chủ động ứng dụng khoa học và công nghệ để nâng cao hiệu quả kinh doanh và khả năng cạnh tranh; chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản của doanh nghiệp; từ chối yêu cầu cung cấp nguồn lực không theo quy định của pháp luật; khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo; tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật; các quyền khác theo quy định của luật có liên quan.

Vì là quyền, nên doanh nghiệp muốn thực hiện hay không thực hiện là quyền của doanh nghiệp, không thực hiện quyền thì cũng không ảnh hưởng gì đến việc kinh doanh.

Tuy nhiên, đối với Nghĩa vụ của doanh nghiệp thì chỉ cần doanh nghiệp không thực hiện, không tuân thủ thì trước sau gì cũng gặp rủi ro, thậm chí là rủi ro rất lớn và ảnh hướng tới sự sống còn của doanh nghiệp và mất rất nhiều thời gian và tiền bạc để giải quyết.  

Theo đó, Điều 8 Luật doanh nghiệp quy định các nghĩa vụ của doanh nghiệp bắt buộc phải thực hiện bao gồm:

– Bảo đảm và chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa, dịch vụ theo tiêu chuẩn do pháp luật quy định hoặc tiêu chuẩn đã đăng ký hoặc công bố;

– Kê khai và nộp thuế cho Nhà nước; tổ chức công tác kế toán, lập và nộp báo cáo tài chính trung thực, chính xác, đúng thời hạn theo quy định của pháp luật về kế toán, thống kê;

– Bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động theo quy định của pháp luật về lao động; không được phân biệt đối xử và xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người lao động trong doanh nghiệp; không được sử dụng lao động cưỡng bức và lao động trẻ em; hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tham gia đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng nghề;

– Thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và bảo hiểm khác cho người lao động theo quy định của pháp luật;

– Đáp ứng đủ và duy trì về những ngành nghề kinh doanh có điều kiện ví dụ về giấy phép con như giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, an ninh trật tự, duy trì đầy đủ cơ sở vật chất, về vốn pháp định,…;

– Thực hiện đầy đủ, kịp thời các nghĩa vụ về đăng ký doanh nghiệp, đăng ký thay đổi, công khai thông tin và báo cáo; Trong đó phải chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và các báo cáo;

– Tuân thủ quy định của pháp luật về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bình đẳng giới, bảo vệ tài nguyên, môi trường, bảo vệ di tích lịch sử-văn hóa và danh lam thắng cảnh;

– Thực hiện nghĩa vụ về đạo đức kinh doanh để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng và người tiêu dùng.

Nếu doanh nghiệp chủ quan, lơ là và không thực hiện các nghĩa vụ nêu trên, thì hậu quả về lâu dài mà doanh nghiệp có thể phải nhận là bị thanh tra, kiểm tra, bị xử phạt hành chính, buộc phải khắc phục vi phạm, bị khách hàng/đối tác tẩy chay sản phẩm, dịch vụ, bị kiện tụng, bị mất uy tín, đặc biệt hơn nữa có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự ví dụ như tội trốn thuế, trốn đóng bảo hiểm,…

THỨ BA: Biết quản lý dòng tiền ra và dòng tiền vào của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật

Dòng tiền của doanh nghiệp thể hiện sức khỏe của doanh nghiệp, theo đó dòng tiền gồm có dòng tiền vào (do góp vốn, nhận tiền thanh toán, khai thác hoa lợi từ tài sản,…) và dòng tiền ra (chi phí duy trì doanh nghiệp, chi trả lương, thanh toán cho đối tác, rút vốn,…). Theo đó, dòng tiền vào hoặc ra đều thông qua hai nơi là quỹ tiền mặt và tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp. Chính vì vậy, chủ doanh nghiệp và CEO cần phải có kiến thức kết hợp giữa kiến thức pháp lý và kiến thức tài chính, kế toán cơ bản để có thể quản lý tốt dòng tiền.

Theo đó, để quản lý tốt dòng tiền theo quy định của pháp luật, chủ doanh nghiệp phải nắm được mấy vấn đề sau:

1) Phải minh bạch dòng tiền chi tiêu của doanh nghiệp

Chủ doanh nghiệp bắt buộc phải biết được khoản chi dùng nào là của doanh nghiệp và minh bạch với các khoản chi dùng của cá nhân chủ doanh nghiệp, CEO. Nếu chi dùng cho mục đích của doanh nghiệp thì phải có sự ghi chép đầy đủ, có hóa đơn và chứng từ lưu giữ và hạch toán cụ thể; Nếu không minh bạch và thực hiện đúng sẽ có vướng mắc về kê khai và quyết toán thuế, không được khấu trừ về thuế.

2) Bất kỳ khoản tiền nào vào và ra khỏi doanh nghiệp đều phải có lý do hợp pháp, có đủ hóa đơn, chứng từ và phải hạch toán đúng theo sổ sách kế toán theo quy định của pháp luật

Thông thường các chủ doanh nghiệp và CEO sẽ không gặp khó khăn trong việc kiểm soát và quản lý dòng tiền vào. Tuy nhiên, liên quan đến các khoản tiền ra và việc chi tiêu như thế nào là hợp lý và để được khấu trừ thuế TNDN thì không phải chủ doanh nghiệp/CEO nào cũng biết và thực hiện đúng luật.

Căn cứ quy định tại khoản 1 điều 9 Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và khoản 1 Điều 4 thông tư 96/2015/TT-BTC quy định doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

– Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp;

– Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật;

– Khoản chi nếu có hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.

Trong đó, khoản chi thực tế được hiểu là chi tiền lương hợp lý, chi phí khấu hao hợp lý, chi phí thuê nhà/văn phòng hợp lý, chi phí công tác phí hợp lý, chi phí khác cho người lao động hợp lý, chi phí lãi vay, chi phí tài trợ, chi phí phòng chống bệnh tật, an ninh quốc phòng,….

3) Theo quy định trên, thì số tiền thanh toán từng lần từ 20.000.000 đồng trở lên phải thanh toán không dùng tiền mặt và phải có hóa đơn GTGT và hóa đơn bán hàng thì mới hợp lệ, trừ trường hợp bên dưới

4) Một số khoản thanh toán trên 20.000.000 đồng, không thể có hóa đơn và có thể thanh toán bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản những phải lập bảng kê theo mẫu và thực hiện theo hướng dẫn của luật bao gồm:

– Mua hàng hóa là nông sản, hải sản, thủy sản của người sản xuất, đánh bắt trực tiếp bán ra;

– Mua sản phẩm thủ công làm bằng đay, cói, tre, nứa, lá, song, mây, rơm, vỏ dừa, sọ dừa hoặc nguyên liệu tận dụng từ sản phẩm nông nghiệp của người sản xuất thủ công không kinh doanh trực tiếp bán ra;

– Mua đất, đá, cát, sỏi của hộ gia đình, cá nhân tự khai thác trực tiếp bán ra;

– Mua phế liệu của người trực tiếp thu nhặt;

– Mua đồ dùng, tài sản, dịch vụ của hộ gia đình, cá nhân không kinh doanh trực tiếp bán ra;

– Mua hàng hóa, dịch vụ của hộ gia đình, cá nhân kinh doanh (không bao gồm các trường hợp nêu trên) có mức doanh thu dưới ngưỡng doanh thu chịu thuế giá trị gia tăng (100 triệu đồng/năm).

Hiện nay cơ quan thuế và các ngân hàng đã có sự kết nối liên thông với nhau. Thực tế cơ quan thuế không khó để kiểm tra dòng tiền ra và dòng tiền vào của doanh nghiệp nhằm đánh giá việc chấp hành các quy định về thuế của doanh nghiệp. Do vậy, nếu không muốn bị vướng mắc, thì doanh nghiệp chỉ còn cách thực hiện đúng quy định nêu trên của pháp luật.

THỨ TƯNắm được kiến thức pháp lý cơ bản về hợp đồng thương mại liên quan đến ngành nghề, lĩnh vực mà doanh nghiệp mình đang kinh doanh

Là chủ doanh nghiệp hoặc CEO, thì việc tiếp cận và ký kết hợp đồng là một công việc rất thường xuyên, chiếm khá nhiều thời gian và gồm nhiều công đoạn như việc soạn thảo, đàm phán, sửa đổi, ký kết, thực hiện và thanh lý hợp đồng. Vì vậy, chủ doanh nghiệp bắt buộc phải có kiến thức pháp lý cơ bản về hợp đồng nói chung và hợp đồng về lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp đó nói riêng thì mới hạn chế được rủi ro trong kinh doanh.

Có rất nhiều loại hợp đồng khác nhau và mỗi loại hợp đồng khác nhau thì luật điều chỉnh cũng khác nhau, tương ứng với mỗi loại hình kinh doanh khác nhau: Ví dụ, có 02 loại hợp đồng thông dụng nhất là “hợp đồng mua bán” và “hợp đồng dịch vụ”, theo đó Bộ luật dân sự và Luật thương mại là hai luật điều chỉnh chủ yếu của hai loại hợp đồng này, tương ứng với loại hình kinh doanh của các doanh nghiệp làm thương mại và dịch vụ. Một số hợp đồng khác như hợp đồng xây dựng, hợp đồng về bất động sản, hay hợp đồng bảo hiểm,… thì đều có luật chuyên ngành điều chỉnh cụ thể.

Những vấn đề pháp lý cơ bản về hợp đồng bao gồm:

* Nắm và hiểu rõ đối tác ký hợp đồng với mình là ai?

Để không bị lừa hoặc bị lợi dụng thì việc đầu tiên cần làm là kiểm tra tư cách pháp lý của đối tác bằng cách tìm hiểu thông tin về chủ thể, đối tác mà mình sẽ ký hợp đồng. Theo đó, đối với cá nhân bắt buộc phải xem CMND/CCCD. Đối với pháp nhân thì phải xem giấy phép đăng ký thành lập, địa chỉ, số điện thoại, email, website, vốn điều lệ, người đại diện theo pháp luật, ngành nghề kinh doanh, …. Mục đích của việc tìm hiểu là để xác định người ký, người thực hiện và người chịu trách nhiệm là ai trong hợp đồng sẽ ký với công ty mình.

* Khi ký hợp đồng thì phải đảm bảo hợp đồng mình đặt bút ký không bị vô hiệu

Theo đó, để không bị vô hiệu thì hợp đồng phải có đủ 03 điều kiện căn cứ Điều 117 Bộ luật dân sự là:

–  Chủ thể tham gia hợp đồng phải có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với hợp đồng được xác lập;

Nghĩa là chủ thể tham gia hợp đồng là cá nhân thì phải còn sống, đủ tuổi, nhận thức bình thường và không bị mất, hạn chế năng lực hành vi dân sự (không bị điên, tâm thần); là tổ chức thì phải được thành lập hợp pháp, có tư cách pháp nhân, đang tồn tại và hoạt động bình thường.

–  Chủ thể tham gia hợp đồng hoàn toàn tự nguyện;

Tức các bên tham gia hợp đồng phải tự nguyện không bị ép buộc, không bị lừa dối, de dọa,..;

–  Mục đích và nội dung của hợp đồng không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội;

Điều cấm của luật là những quy định của luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định. Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng.

Ngoài ra, tùy vào loại hợp đồng mà pháp luật quy định phải tuân theo hình thức nhất định như phải lập thành văn bản, phải được công chứng hoặc chứng thực.

Chủ doanh nghiệp/CEO phải tự đánh giá và nắm được các căn cứ nêu trên để đảm bảo hợp đồng khi ký không bị vô hiệu. Còn nếu khi ký mà hợp đồng vô hiệu thì hợp đồng đó sẽ không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm hợp đồng được ký. Do đó việc ký và thực hiện một hợp đồng vô hiệu sẽ tiềm ẩn rủi ro pháp lý rất lớn cho doanh nghiệp.

*  Phải nắm được vấn đề mấu chốt của hợp đồng trước khi ký

Mấu chốt của hợp đồng thường là vấn đề thương mại liên quan đến giá cả, tiền hoặc việc chuyển giao tài sản liên quan đến việc kinh doanh của mình.

*  Phải nắm rõ được quyền và có khả năng thực hiện được nghĩa vụ của mình trong mỗi hợp đồng khi ký

Thông thường, trong hợp đồng quyền của bên này là nghĩa vụ của bên kia, nếu không thực hiện đúng nghĩa vụ của mình trong hợp đồng thì tranh chấp sẽ xảy ra và công việc kinh doanh gặp rủi ro, doanh nghiệp mất uy tín.

Phải lường trước được các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình thực hiện hợp đồng

Rủi ro trong việc thực hiện hợp đồng rất đa dạng, có thể là do bất khả kháng, trở ngại khách quan, do một bên không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng, do thay đổi chính sách, pháp luật, thiên tai,… Mục đích của việc thấy trước các rủi ro này nhằm để các bên thỏa thuận và ràng buộc cụ thể trong hợp đồng nhằm hạn chế tối đa rủi ro phát sinh nếu có.

Khi doanh nghiệp thường xuyên sử dụng một mẫu hợp đồng để ký với nhiều khách hàng/đối tác khác nhau, thì nên nhờ luật sư soạn một hợp đồng mẫu cho doanh nghiệp, và sẽ thống nhất áp dụng mẫu này trong doanh nghiệp mình nhằm hạn chế tối đa rủi ro.

THỨ NĂMNắm và xác định được quyền hạn của người quản lý doanh nghiệp và lựa chọn mô hình tổ chức doanh nghiệp phù hợp cho doanh nghiệp mình

Về mô hình tổ chức doanh nghiệp, quyền hạn của người quản lý doanh nghiệp đã được luật doanh nghiệp quy định cụ thể. Tuy nhiên, luật doanh nghiệp cũng cho phép chủ doanh nghiệp tự đặt ra và xây dựng mô hình tổ chức doanh nghiệp, quyền hạn của người quản lý doanh nghiệp theo ý muốn của chủ doanh nghiệp, miễn là không trái với luật doanh nghiệp. Theo đó, tùy vào nhu cầu và loại hình doanh nghiệp (gồm doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH một thành viên, từ hai thành viên trở lên, công ty cổ phần, công ty hợp danh) mà chủ doanh nghiệp có thể xây dựng mô hình tổ chức doanh nghiệp và xác định quyền hạn của người quản lý doanh nghiệp cho phù hợp cho doanh nghiệp của mình và phù hợp với pháp luật.

Có bốn vấn đề cơ bản về phần này mà một CEO và chủ doanh nghiệp phải nắm bao gồm:

1) Biết được chủ sở hữu doanh nghiệp là những ai?

Chủ sở hữu doanh nghiệp được hiểu ngắn ngọn là những người bỏ vốn ra và thực hiện việc đăng ký thành lập doanh nghiệp nhằm đầu tư kinh doanh, bao gồm: Các cổ đông đối với công ty cổ phần; thành viên góp vốn đối với công ty TNHH từ hai thành viên trở lên; chủ sở hữu công ty đối với công ty TNHH một thành viên; chủ doanh nghiệp tư nhân; thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh. Theo đó, quyền năng của chủ doanh nghiệp là quyền tối cao nhất trong doanh nghiệp, có vai trò quyết định lớn nhất trong doanh nghiệp.

2) Người quản lý doanh nghiệp là những ai?

Tùy vào loại hình doanh nghiệp, mà luật doanh nghiệp đã quy định cụ thể về người quản lý doanh nghiệp gồm: Chủ doanh nghiệp tư nhân; thành viên hợp danh; chủ tịch Hội đồng thành viên; thành viên Hội đồng thành viên; chủ tịch công ty; chủ tịch Hội đồng quản trị; thành viên Hội đồng quản trị; giám đốc hoặc tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác có thẩm quyền nhân danh công ty ký kết giao dịch của công ty theo quy định tại Điều lệ công ty. Quyền hạn của những người quản lý doanh nghiệp đã được luật doanh nghiệp và Điều lệ công ty quy định.

3) Về lựa chọn mô hình tổ chức doanh nghiệp

Tùy vào loại hình doanh nghiệp muốn thành lập, mà chủ doanh nghiệp có thể lựa chọn mô hình doanh nghiệp cụ thể như sau:

* Doanh nghiệp tư nhân gồm có: Chủ doanh nghiệp tư nhân (là người đại diện theo pháp luật); giám đốc quản lý được thuê (nếu muốn) và chức vụ khác (nếu có);

* Công ty TNHH một thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu có thể chọn một trong hai mô hình bao gồm cóa) Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và Kiểm soát viên; b) Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và Kiểm soát viên.

* Công ty TNHH một thành viên do cá nhân làm chủ sở hữu gồm có: Chủ tịch công ty kiêm nhiệm giám đốc hoặc tổng giám đốc hoặc thuê người khác làm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, chức vụ khác thì theo nhu cầu.

* Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên gồm có: Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Công ty trách nhiệm hữu hạn có từ 11 thành viên trở lên phải thành lập Ban kiểm soát; trường hợp có ít hơn 11 thành viên, có thể thành lập Ban kiểm soát phù hợp với yêu cầu quản trị công ty. Quyền, nghĩa vụ, tiêu chuẩn, điều kiện và chế độ làm việc của Ban kiểm soát, Trưởng Ban kiểm soát do Điều lệ công ty quy định.

* Đối với công ty cổ phần gồm : Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp công ty cổ phần có dưới 11 cổ đông và các cổ đông là tổ chức sở hữu dưới 50% tổng số cổ phần của công ty thì không bắt buộc phải có Ban kiểm soát.

* Đối với công ty hợp danh gồm : Hội đồng thành viên bầu một thành viên hợp danh làm Chủ tịch Hội đồng thành viên, đồng thời kiêm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty nếu Điều lệ công ty không có quy định khác.

Ngoài những chức danh được quy định theo mô hình hoạt động như trên theo luật doanh nghiẹp, chủ doanh nghiệp có quyền đặt ra những chức danh khác phù hợp với nhu cầu hoạt động của công ty như phó giám đốc, phó tổng giám đốc, trưởng phòng, giám đốc lĩnh vực như giám đốc tài chính, giám đốc marketinggiám đốc nhân sự,… tùy theo nhu cầu của doanh nghiệp.

4) Xác định và xây dựng quyền hạn cụ thể

Việc lựa chọn mô hình hoạt động, xây dựng các chức danh như trên phải gắn với quyền hạn và nghĩa vụ theo luật doanh nghiệp quy định. Trường hợp luật doanh nghiệp không quy định, thì chủ sở hữu công ty có quyền quyết định bằng văn bản để xác định và xây dựng quyền hạn cụ thể cho mỗi chức danh, vị trí trong doanh nghiệp của mình. Do vậy, việc phân cấp, phân quyền trong công ty nhằm để công ty hoạt động có trật tự, tránh chồng chéo, tránh lạm quyền và gây ra sự quá tải, cồng kềnh trong công ty.

Ví dụ, cùng là ký hợp đồng nhưng có công ty thì tổng giám đốc ký, nhưng công ty khác lại là Chủ tịch hội đồng quản trị ký, công ty khác thì là Phó giám đốc ký, giám đốc kinh doanh ký, trưởng chi nhánh ký, trưởng phòng kinh doanh ký,… Câu hỏi là ai ký thì đúng pháp luật? Theo quy định của pháp luật, người ký có thẩm quyền là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Tuy nhiên, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp có thể phân quyền bằng văn bản cụ thể cho người khác hoặc các chức danh khác trong công ty ký thay theo quy định của pháp luật. Muốn biết người đại diện theo pháp luật của một doanh nghiệp là ai? thì có thể tra cứu trên Công thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia theo website:https://dangkykinhdoanh.gov.vn

Tác giả bài viết: Luật sư Vũ Văn Tiến (Giám đốc Công ty Luật TNHH Olympic)

Lưu ý: Nội dung bài viết/tư vấn của chúng tôi nêu trên chỉ nhằm mục đích tuyên truyền pháp luật đến quý khách hàng để tham khảo chung, không phải là nội dung tư vấn nhằm giải quyết các nhu cầu pháp lý cụ thể của từng khách hàng. Nếu có nhu cầu tư vấn cụ thể, vui lòng liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và hỗ trợ miễn phí. 

Điện thoại tư vấn: 0932.074.939 – Zalo: 0932.074.939 – Email: Nhabaodohieu@gmail.com