Pages

Thứ Bảy, 12 tháng 10, 2019

BÌNH LUẬN HỢP ĐỒNG VAY TÀI SẢN Căn cứ theo Bản án số 35/2017/DS-PT ngày 20 tháng 7 năm 2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 25/2017/TLPT-DS ngày 30/5/2017 về Tranh chấp Hợp đồng vay tài sản.

NHÓM 2:  BÌNH LUẬN HỢP ĐỒNG VAY TÀI SẢN
Căn cứ theo Bản án số 35/2017/DS-PT ngày 20 tháng 7 năm 2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 25/2017/TLPT-DS ngày 30/5/2017 về Tranh chấp Hợp đồng vay tài sản.
Nguyên đơn: Ông Nguyễn Như H (có mặt)
Bị đơn: Ông Nguyễn Văn L (vắng mặt ), ủy quyền cho bà Nguyễn Thị C (có mặt)
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
- Bà Nguyễn Thị C - vợ ông L (có mặt)
- Bà Bùi Thị S - vợ ông H (có đơn xin xử vắng mặt)
Nội dung vụ án:
Nguyên đơn ông Nguyễn Như H trình bày:
- Ngày 30/12/2012, giữa ông và ông L có thỏa thuận vay 196.000.000 đồng, thời hạn vay 01 tháng, lãi suất thỏa thuận miệng theo lãi suất của ngân hàng.
- Đến hạn trả nợ, ông L không trả tiền cho ông H, chỉ mới trả được số tiền lãi là 43.000.000 đồng tính đến ngày 30/5/2015.
- Ông H yêu cầu vợ chồng ông L, bà C trả số tiền gốc là 196.000.000 đồng, không yêu cầu vợ chồng ông L trả tiền lãi nữa.
- Bà C (vợ ông L) có xuất trình giấy biên nhận đề ngày 22/6/2013 thể hiện chồng bà C là ông L đã bán xe ô tô trị giá 200.000.000 đồng cho ông H; và cho rằng ông đã ký nhận nợ với ông L số tiền trên là hoàn toàn không đúng.
- Ông H đề nghị giám định chữ kí H trong giấy biên nhận do bà C trình bày.
Bị đơn là ông Nguyễn Văn L trình bày:
- Cuối năm 2010, ông có vay của ông Nguyễn Như H số tiền 100.000.000 đồng. Sau đó, ông đã dần tiền cho ông H.
- Đến cuối 2011 thì ông L chỉ còn nợ ông H khoảng hơn 30.000.000 đồng.
- Do ông H nợ ông Nguyễn Ngọc N cho nên 3 ông L, H, N thống nhất chuyển số nợ 30.000.000 đồng của ông H đối với ông N sang cho ông L. ông N sẽ lấy cám chăn nuôi của ông L để trừ dần số nợ 30.000.000 đồng.
- Ông L không thừa nhận số nợ 196.000.000 đồng và yêu cầu giám định chữ ký “ Nguyễn Văn L” trong giấy vay tiền ngày 30/12/2012 là của mình.
Biên bản hòa giải ngày 29/5/2015
Bà C (vợ ông L) trình bày
- Thừa nhận ông L có vay của ông H số tiền là 100.000.000 đồng (ngày 10/10/2012).
- Tháng 5/2013: ông H, ông N, bà C đã thỏa thuận chuyển khoản nợ của ông N là 30.000.000 đồng sang cho ông H, nên bà C chỉ còn nợ ông H là 70.000.000 đồng, đã trả 32.000.000 tiền lãi. Bà C không đồng ý việc ông H kiện đòi 196.000.000 đồng và 5.800.000 đồng tiền lãi; chỉ chấp nhận trả 70.000.000 đồng.
Biên bản hòa giải ngày 19/6/2015
Bà C (vợ ông L) trình bày
- Thừa nhận ông L có vay của ông H số tiền là 100.000.000 đồng (ngày 10/10/2010).
- Tháng 12/2010, ông H, ông N, bà C đã thỏa thuận chuyển khoản nợ của ông N là 30.000.000 đồng sang cho ông H.
- Tháng 12/2010, bà C trả tiếp ông H 25.700.000 đồng nên chỉ còn nợ ông H 44.300.000 đồng. Bà C không đồng ý việc ông H kiện đòi 196.000.000 đồng và 5.800.000 đồng tiền lãi; chỉ chấp nhận trả 44.300.000 đồng.
Tại biên bản đối chất với ông H ngày 10/7/2015:
Bà C xác nhận giấy vay tiền 196.000.000 đồng đề ngày 30/12/2012 của chồng bà C là ông L ký là đúng. Gia đình bà đã trả tiền cho ông H vào ngày 22/6/2013, khi trả tiền có viết giấy biên nhận, anh H nhận tiền. Không chấp nhận việc nguyên đơn khởi kiện.
Tại biên bản đối chất với ông H ngày 21/7/2015:
Bà C trình bày về giấy nợ đề ngày 22/6/2013 chồng bà là ông L bán xe ô tô trả tiền cho ông H 200.000.000 đồng gồm tiền gốc vay là 196.000.000 đồng và 4.000.000 đồng tiền lãi. Ông H đã nhận tiền và viết giấy nhận nợ cho ông L ngày 22/6/2013 (bà C xuất trình 1 giấy biên nhận nợ ghi ngày 22/6/2013 và khẳng định chữ viết, chữ kí trong giấy biên nhận nợ là của ông H).
Bình luận của nhóm trước phiên xử sơ thẩm:
- Thứ nhất, cần giám định chữ viết và chữ ký trong Giấy vay tiền ngày 30/12/2012 và Giấy nhận tiền ngày 22/6/2013.
- Thứ hai, cần làm rõ số tiền lãi 43.000.000 đồng của khoản vay 196.000.000 đồng là có hợp lý hay chưa?
- Thứ ba, cần triệu tập ông Nguyễn Ngọc N để làm rõ việc cấn trừ nợ giữa ông H, ông N và ông L.
- Cuối cùng, yêu cầu bà C cung cấp các chứng từ liên quan đến việc trả nợ cho ông H như bà đã khai như: đã trả cho ông H 25,7 triệu đồng.
Bình luận của nhóm sau phiên xử sơ thẩm:
- Thứ nhất, Tòa sơ thẩm căn cứ vào kết quả giám định giấy vay tiền và giấy nhận nợ tuyên buộc vợ chồng ông Nguyễn Văn L và Nguyễn Thị C phải liên đới thanh toán trả cho vợ chồng ông Nguyễn Như H và bà Bùi Thị S số tiền gốc vay còn lại là 196.000.000 đồng là còn thiếu sót khi chưa làm rõ tiền lãi 43.000.000 đồng đã hợp lý hay chưa. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn theo quy định của pháp luật thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực; và nên được khấu trừ vào tiền nợ gốc.
- Thứ hai, chưa hỏi rõ ông H và tiến hành đối chất về việc cấn trừ nợ như phía ông L và ông N đã khai.
triệu tập nhân chứng Nguyễn Ngọc N để làm rõ việc cấn trừ nợ giữa ông H, ông N và ông L.
- Cuối cùng, chưa yêu cầu bà C cung cấp các chứng từ liên quan đến việc trả nợ cho ông H như bà đã khai như: đã trả cho ông H 25,7 triệu đồng.
Bình luận của nhóm sau phiên xử phúc thẩm:
- Thứ nhất, thống nhất với Tòa phúc thẩm bác bỏ lời trình bày của bà C cho rằng chỉ còn nợ ông H số tiền 19.600.000 đồng (do trên giấy biên nhận bị gạch 1 chữ số 0) và chưa đến thời hạn trả (do ghi ngày 31/12/20012) là không có cơ sở chấp nhận.
- Thứ hai, Tòa đã triệu tập ông Nguyễn Ngọc N và ông N cũng đã có bản tự khai về việc có thỏa thuận cấn trừ nợ giữa ông H, ông N và ông L nhưng chỉ là thỏa thuận miệng, không lập thành văn bản.
- Cuối cùng, Tòa phúc thẩm đã làm rõ căn cứ để xác định số tiền lãi mà vợ chồng ông L phải trả.
Giải pháp:
Để tránh xảy ra các trường hợp tranh chấp về việc vay tài sản thì các bên (bên cho vay và bên vay) cần lập hợp đồng vay mượn dưới hình thức văn bản. Trong đó, quy định cụ thể về thời hạn vay, lãi suất, mục đích vay, các biện pháp bảo đảm nghĩa vụ thanh toán… nhằm tránh những tranh chấp có thể xảy ra.