Pages

Thứ Sáu, 22 tháng 2, 2019

Lớp tập huấn nghiệp vụ CHỤP ẢNH BIÊN TẬP BÁO CHÍ

Lớp tập huấn nghiệp vụ 












TẬP TÀI LIỆU


CHỤP ẢNH
BIÊN TẬP BÁO CHÍ  


Ngọc Trân biên soạn















Hậu Giang
15/12 – 16/12  2008





Nghề biên tập trong thế kỷ 21


Biên tập là một nghề bí ẩn. Ở Việt Nam, không ai dạy nghề biên tập cho chuyên nghiệp. Dạy viết báo thì có trường, có lớp, nhưng dạy biên tập thì không. Đó là một sự khiếm khuyết, một lỗ hổng trong đào tạo báo chí.



Biên tập báo chí là một nghề. Nhưng, thông thường, lãnh đạo các tờ báo chọn ra  một số phóng viên hành nghề lâu năm, viết lách tốt và đề nghị họ trở thành biên tập viên. Thư ký tòa soạn sẽ chỉ dẫn thêm cho họ một số qui định về biên tập. Vậy là xong. Rồi nghề dạy nghề; hầu như không có ai được đào tạo bài bản về nghề này.

Xuất phát từ thực tế đó, soạn giả thu thập một số tư liệu ngoài nước, trong nước, nhớ lại những gì đã được học với đồng nghiệp trong và ngoài nước cùng kinh nghiệm bản thân viết nên tập tài liệu nhỏ này, trong đó áp dụng nguyên lý bổ sung chứ không phải loại trừ, thu nạp cả những cái mới, cái khác nhưng hay và hợp với chúng ta.[1] “Không có cái mới phát sinh từ số không, từ hư vô. Cái mới hình thành từ cái cũ. Trên cái nền cũ mà người ta xây dựng các công trình mới” [2] Hãy xem đây như một viên đá đóng góp vào việc xây dựng nền móng ban đầu cho công tác đào tạo biên tập viên một cách chính qui.

Tài liệu dựa trên nguyên tắc là ai cũng có thể bước vào nghề biên tập. Miễn là viết tiếng Việt tốt và được làm việc trong một tòa soạn. Lẽ dĩ nhiên, cũng phải yêu thích nghề này và chuyên cần học tập.

Đây là một tài liệu thực hành, mang tính kỹ thuật. Nhưng nó vẫn phải có cả lý thuyết vì lý thuyết là một cách để giải thích thực hành. Tài liệu gồm nhiều phần, bao quát từ tổng quan về nghề biên tập, nhiệm vụ người biên tập cho đến biên tập hình thức, biên tập nội dung lẫn cách làm việc với phóng viên. Người biên tập được đề cập ở đây chủ yếu là biên tập viên văn bản (copy editor). Trong khóa học, chúng ta sẽ xem xét chức năng, nhiệm vụ của vị trí này trong một tòa soạn.

Riêng trong khuôn khổ bài đầu tiên, chúng ta sẽ thảo luận một vài nội dung trong phần tổng quan về nghề biên tập: nghề biên tập quan trọng như thế nào; để làm nghề biên tập phải có tố chất gì; và biên tập viên giữ vị trí nào trong tòa soạn.

Tầm quan trọng của công việc biên tập

Các tờ báo, tạp chí, đài truyền thanh, đài truyền hình uy tín có một điểm chung: tất cả đều sử dụng những biên tập viên giỏi. Tay nghề cao của tập thể biên tập viên là một trong những yếu tố quan trọng nhất tạo nên sức mạnh cho một cơ quan truyền thông. Tuy nhiên, công chúng lại không biết tới họ vì họ không được ký tên trên các bài báo như phóng viên.

Và biên tập viên văn bản là một loại nhà báo hiếm hoi; ít người làm được nghề này. Biên tập viên văn bản thường dấn thân, toàn tâm toàn ý với công việc, thông minh và yêu chữ nghĩa. Họ có khuynh hướng muốn làm cho bài vở trở nên chính xác và hay hơn. Họ cũng góp phần gác cổng về tin tức cho cơ quan truyền thông, tức cho bài nào xuất hiện, bài nào không.

Hễ có người viết thì có người biên tập. Người biên tập đọc lại, suy nghĩ, làm cho các tác phẩm đến với công chúng dễ dàng hơn. Họ có mặt ở mọi nơi: trong các tờ báo ngày, báo tuần, các nhà xuất bản, tại đài truyền thanh, đài truyền hình, công ty giao tế nhân sự và quảng cáo. Tại các nước phát triển, họ còn hiện diện trong các cơ quan chính phủ, trường học và doanh nghiệp bình thường. Hiện nay, có cả người biên tập thông tin cho các trang web.
           
Từ trước đến giờ, các nhà báo được trao giải thưởng vẫn thường thừa nhận và ca ngợi công lao của người biên tập. Một trong số là nhà báo Mỹ Colin Nickerson. Ông bắt đầu sự nghiệp với chân phóng viên trong một tuần báo nhỏ. Bốn năm sau đó, ông trở thành phóng viên của tờ The Boston Globe, và nhanh chóng trở thành thông tín viên ở nước ngoài của tờ báo nổi tiếng này.
           
Nickerson cho biết: “Tôi đã học được rằng việc viết lách khó khăn hơn tôi từng nghĩ rất nhiều.
           
Cần phải động não và rất nhiều nỗ lực. Sự khác nhau giữa bài báo hay với bài báo dở chẳng liên quan gì đến nội dung của bài báo đó… mà điều tạo ra sự khác biệt thường là do có bao nhiêu tâm huyết và nỗ lực người phóng viên và kế đến là những người biên tập của anh, chị ta sẵn sàng đổ vào bài.” [3] 

Nhưng công việc của biên tập viên báo chí là gì? Nếu bạn hỏi người bình thường câu này, có thể họ sẽ trả lời: sửa lỗi các bài viết. Còn nếu bạn trao đổi với một biên tập viên thực thụ, câu trả lời sẽ khác. Mà không chỉ có một câu. Người này sẽ liệt kê ra hàng loạt công việc, nào là nghe ngóng, họp bàn về tin tức, chỉ định đề tài, làm việc với phóng viên, sửa bài, chỉ dẫn dàn trang v.v…
           
Có một số người đã tìm cách định nghĩa nghề biên tập. Theo Sonia Jaffe Robbins, giảng viên môn biên tập báo chí tại Đại học New York, “biên tập văn bản là một quy trình mà trong đó biên tập viên giúp cho phóng viên cải thiện việc viết lách, để cho bài vở trở nên rõ ràng và được trình bày một cách tốt nhất có thể được.”[4]    

Không ai nêu ra rằng biên tập viên phải giỏi ngữ pháp, viết đúng chính tả và dấu câu. Đối với nghề biên tập, rành rẽ ngôn ngữ là chuyện đương nhiên, tuy trong thực tế không hẳn đã đúng như vậy.
           
Làm việc với từ ngữ là nhiệm vụ đầu tiên của một biên tập viên. Công việc này được gọi là biên tập văn bản (copy editing). Công việc chính của biên tập viên văn bản bao gồm việc sửa lỗi ngữ pháp, bút pháp và tìm cách làm cho bài vở chính xác hơn. Thật ra, biên tập viên văn bản phải làm nhiều hơn thế nữa: tập trung suy nghĩ và suy nghĩ một cách sáng tạo. Nếu không, chắc hẳn ai đó đã làm ra được một chương trình biên tập tự động rồi.

Tố chất của người biên tập
           
Người biên tập giỏi thường có những tố chất sau:
           
Tự tin. Biên tập viên tin vào trí thông minh, trình độ hiểu biết và khả năng viết lách của mình. Họ nắm vững bút pháp của tờ báo cũng như khả năng sản xuất và đường lối của tờ báo. Họ hiểu và sử dụng tốt hệ thống mạng tin học nội bộ cho công việc của mình.
           
Khách quan. Biên tập viên không chủ quan. Họ cũng không thể ưu ái phóng viên này hơn phóng viên kia trong công việc.
           
Cẩn thận. Biên tập viên phải chú ý tới bạn đọc và tính cách của tờ báo. Việc trình bày, chọn bài, ảnh và tít phải hòa hợp với nhau để củng cố hình ảnh của tờ báo.
           
Thông minh. Biên tập viên phải có kiến thức nền rộng để biết bài viết sai hay viết đúng.
           
Luôn đặt câu hỏi. Biên tập viên phải thắc mắc đủ thứ. Họ biết nếu mình nghi ngờ thì bạn đọc cũng sẽ như vậy.
           
Ngoại giao. Biên tập là nghề luôn đụng chạm. Người làm nghề này phải tìm cách giảm thiểu sự căng thẳng không thể tránh được giữa người biên tập và người viết.
           
Khả năng viết lách. Biên tập viên phải viết báo giỏi hơn phóng viên.
           
Óc khôi hài. Người biên tập phải biết cười trước những sự vô lý trong nghề nghiệp như bài viết tồi mà vẫn phải sửa để đăng báo.
           
           
Vị trí của biên tập viên
           
Đã có một thời, biên tập viên – chủ yếu ở các báo nước ngoài - được xem như nhà báo thứ cấp, những phóng viên thất bại hoặc lụt nghề hoặc phải lui về phía sau do tuổi tác. Hiện nay, một số phóng viên vẫn nhìn các biên tập viên như thế. Tuy vậy, những năm gần đây, nghề này đã bắt đầu được kính trọng vì vai trò của báo chí đã thay đổi.
           
Bước vào thế kỷ 21, các báo phải tìm cách giải thích tin tức nhiều hơn trước vì tin nóng, tin nhanh đã bị Internet, đài phát thanh, truyền hình giành mất rồi. Các báo cần ra sức săn tìm thông tin để có thể tường thuật những gì ở đằng sau các sự kiện, làm cho sự kiện nổi bật lên hơn. Các nỗ lực này đã đưa việc viết hay, viết giỏi lên thành ưu tiên hàng đầu trong một số tờ báo.
           
Nói chung, ngày nay, không một nhà lãnh đạo cơ quan truyền thông nào mà lại không thừa nhận giá trị của các biên tập viên giỏi. Các báo Việt Nam trả lương cho người biên tập cao hơn cho phóng viên cùng trình độ; có thể gần gấp đôi.
           
Khi viết giỏi, viết hay được coi trọng, thì biên tập viên giỏi cũng được săn đón hơn. Nhưng có khi tuyển không ra. Tạp chí Nhịp Cầu ra 15 ngày một số (truớc đây ra hàng tháng), thuộc Hội Liên lạc với Người Việt Nam ở nước ngoài, chẳng hạn, đã đăng báo tuyển thư ký tòa soạn – một loại biên tập viên – từ hai, ba năm nay, nhưng vẫn chưa tìm.  
           
Ở Mỹ, biên tập viên báo trên mạng có thu nhập rất khá. Theo tài liệu Interactive Publishing Surveys, công bố tháng giêng năm 1998, biên tập viên trực tuyến có kinh nghiệm hưởng lương từ 45.000 đô la Mỹ đến 75.000 đô la Mỹ mỗi năm.
           
Nhưng biên tập viên dựa vào đâu để làm việc? Vào 3 điểm cơ bản: hiểu độc giả, hiểu tin tức và sử dụng ngôn ngữ nhuần nhuyễn. Chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu về những điểm này trong bài tiếp theo.







[1] Dựa theo ý của Tuơng Lai. Nhà nghiên cứu này viết: Chủ trương “đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước, không phân biệt thành phần xã hội và dân tộc, quá khứ  và ý thức hệ, tôn giáo và tín ngưỡng, miễn là tán thành công cuộc đổi mới” có ý nghĩa phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Đây là sự phản ánh một cách khách quan nhu cầu phát triển của đất nước trong bối cảnh mới, thể hiện một tầm nhìn mới, vượt qua những ràng buộc hạn hẹp của quan điểm “ai thắng ai” lấy vấn đề ý thức hệ là điểm quy chiếu tuyệt đối của một thời đã qua, để thấy được rằng hiện nay đồng thuận xã hội chính là động lực thúc đẩy sự phát triển của đất nước.

Nó đòi hỏi cách ứng xử bằng “đối thoại” và thuyết phục lẫn nhau thay cho “độc thoại” và mệnh lệnh áp đặt. Nó tiếp nhận “nguyên lý bổ sung” thay cho “nguyên lý loại trừ” trong nhận thức về quy luật tiến hóa thực chất là đồng tiến hóa, trình độ trật tự và tổ chức của cái toàn thể tăng lên trong sự tăng lên của tính đa dạng và chất lượng tổ chức của các thành phần.

Xem thêm: Tương Lai, “Nhân mùa Giáng sinh”, Pháp Luật 25-12-2005 trang 3.

[2] Hà Thúc Hoan, Tiếng Việt thực hành, tái bản lần thứ 8 ( TPHCM: NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1998) trang 44, 45.

[3]  Dẫn theo Fred Fedler et al, Reporting for the Media, in lần thứ 6 ( New York: NXB Harcourt Brace College, 1997) trang 7.

[4] Đọc tại www.nyu.edu/class-es/copyXediting/editingsyllabus.html.
































Hiểu độc giả, biết tin tức, rành ngôn ngữ 


Đáp ứng nhu cầu độc giả là một mục tiêu tốt. Không thể bán báo nếu không có độc giả. Tuy nhiên, nhiệm vụ của biên tập viên không chỉ có thế.


Ông Võ Như Lanh là một trong số các tổng biên tập biết rõ tầm quan trọng của việc hiểu độc giả. Ông buộc các nhà báo trong tòa soạn Thời báo Kinh tế Sài Gòn phải luôn chú ý đến độc giả. Ông hay nói: phải đặt vấn đề dưới góc cạnh người đọc; đừng xa rời người đọc. Vì lẽ đó, tờ báo thường tổ chức lấy ý kiến bạn đọc nói chung cũng như của bạn đọc - doanh nhân nói riêng.

Cách đây không lâu, phần lớn các lãnh đạo báo chí đều đánh giá cao biên tập viên rành tin tức hơn biên tập viên hiểu độc giả. Ngày nay, cả hai tố chất này hầu như không tách rời nhau. Mà hiểu độc giả lại có phần trội hơn. Ngày xưa, hầu hết các biên tập viên đều tin mình hiểu những gì bạn đọc muốn. Ngày nay, nhiều người trong số họ thấy rằng không phải như vậy. Mỗi biên tập viên đều phải tìm cách hiểu những gì độc giả muốn.

Bạn đọc không giống mình

Nhưng nếu bạn là biên tập viên, bạn phải đáp ứng nhu cầu của người đọc đến mức nào là vừa? Nếu độc giả chỉ muốn tin đồn, tin giật gân, máu đổ, người chết, bạn có đáp ứng không? Nếu họ không quan tâm đến các hoạt động văn hóa kiểu như hòa nhạc thính phòng, bạn có cho ngưng thực hiện bài về các hoạt động này? Cuộc tranh cãi vẫn còn tiếp tục.

Không cần phải nhìn xa để hiểu tại sao cây bút  nào cũng phải hướng tới độc giả. Xung quanh bạn đọc, các nguồn thông tin ngồn ngộn ra đấy, chèo kéo họ. Nào là truyền hình, phát thanh, Internet, báo ngày, báo tuần của thành phố, tỉnh, của cả nước. Rồi báo nội bộ, tạp chí đủ loại. Như vậy, đối với các nhà báo viết, có một thực tế cần phải đương đầu: phần lớn độc giả không tìm đến tờ báo, xem tờ báo như nguồn cung cấp thông tin ban đầu nữa. Người đọc báo đang sử dụng nhiều nguồn để hình thành cách nhìn về thế giới xung quanh.

Trang chủ VNExpress, chẳng hạn, ngày càng được nhiều người tìm xem. Bởi lẽ bài vở ở đây ngắn gọn, tính tổng hợp cao hơn so với bài của các tờ báo viết, tuy rằng phần lớn được lấy và viết lại từ các báo viết (và hay ...sai tiếng Việt). Theo ông Vũ Quang Việt, chuyên gia thống kê Liên Hiệp Quốc, đây là một nguồn tin rất được người Việt ở nước ngoài ưa chuộng.

Đứng trước xu hướng nói trên, các báo đã tìm cách đổi mới. Một số tờ chạy tít ngắn và lớn hơn trước. Cách trình bày cũng thay đổi. Báo có thêm màu. Báo còn đăng bài ngắn hơn với hình ảnh, bảng biểu và các mẫu đóng khung nêu các sự kiện chính nhằm thu hút những người chỉ muốn đọc lướt. Các thủ thuật trên được gọi là điểm dẫn nhập - points of entry, mà chúng ta sẽ tìm hiểu sau.

Nội dung các tờ báo cũng không giống trước và hàng năm đều được cải tiến. Áp dụng nguyên tắc thông tin cận kề, một số báo đã có trang dành cho tin tức địa phương như tờ Lao Động, trụ sở chính ở Hà Nội, chẳng hạn, có trang “Thông tin TP Hồ Chí Minh”. Về cải tiến, đây là một thí dụ: kể từ 2-1-2006, tờ Tuổi Trẻ đã gom các thông tin cần biết như giá vàng, ngoại tệ, thời tiết ... đăng rải rác trong các trang báo khác nhau của tờ báo vào một chuyên trang gọi là chuyên trang 24 giờ. Chuyên trang này có thêm các thông tin cần biết khác như thông báo của các cơ quan chức năng và các dịch vụ tư vấn, hướng dẫn tiêu dùng và cả các mẩu quảng cáo.

Hãy quay lại với chuyện đời xưa (mà vẫn có thể áp dụng cho đời nay) một chút. Ông Joseph Pulitzer, người chủ báo rất có ảnh hưởng trong thế kỷ 19 ở Mỹ, hay đi xuống đường sau khi báo ra khỏi xưởng in. Ông thường nhìn qua vai những người ngoài phố để xem họ đọc bài gì. Ông biết, nếu chỉ đọc kỹ thuật viết từ sách giáo khoa không thôi, thì chưa đủ để vươn tới độc giả một cách thành công. [4]

Nhưng nhiều biên tập viên lại suy nghĩ đơn giản: độc giả cũng giống như mình thôi. Những gì mình quan tâm, họ cũng quan tâm. Sự thật có phải thế không? Chưa chắc. Vậy nếu là biên tập viên, bạn nên làm gì?

Bạn có thể bắt chước Pulitzer: rời tòa soạn và đi rảo quanh địa bàn hoạt động của tờ báo. Đây là cách thức đơn giản nhất để hiểu độc giả.

Đương nhiên, khi đi, bạn phải mở to mắt, vểnh cao tai, mũi phải phập phồng. Điều gì đã thay đổi? Có gì đáng ngạc nhiên, có gì gây mâu thuẫn, lạ kỳ? Người ta đang bàn tán về điều gì? Như vậy, bạn phải vào nhà hàng cũng như quán cà phê bình dân và ngồi hớt tóc ngoài lề đường để nghe ngóng. Hoặc ghé các sạp báo hỏi han người chủ sạp về những gì người mua báo quan tâm. Đó cũng là một phần trong nhiệm vụ của biên tập viên.

Bạn còn phải xem truyền hình, nghe đài, lướt Internet và đọc báo; không chỉ đọc bài mà cả quảng cáo và thư bạn đọc. Các mối quan tâm của độc giả thường được thể hiện qua trang bạn đọc. Biên tập viên nào không được nhận điện thoại hoặc thư điện tử hoặc thư qua bưu điện của bạn đọc thì nên hỏi người thường nhận được để biết về độc giả.

Trong tòa soạn của một số tờ báo Pháp hoặc Mỹ như Le Monde, The New York Times, The Washington Post có cả một nhà báo đóng vai đại diện cho bạn đọc (tiếng Pháp: médiateur; tiếng Anh: ombudsman).[4]  Người này viết các báo cáo phổ biến nội bộ về độc giả, trong đó có nêu lên các mối quan tâm của họ. Các báo Việt Nam chưa có người phụ trách riêng công việc này. Nhưng đến một ngày nào đó hẳn phải có.

Biên tập viên cũng phải đi dự các cuộc họp đoàn thể, tiếp tân và các buổi tiếp xúc với bạn đọc. Tổng biên tập Thời báo Kinh tế Sài Gòn hay đề nghị các thư ký tòa soạn phải chơi với giới làm ăn để hiểu rõ hơn đối tượng phục vụ chính của tờ báo. Có lần ông nói với họ: “Các anh phải cho tôi biết sau giờ làm việc các anh chơi với ai, có đi nhậu với doanh nhân hay không”.

Tuy nhiên, không có sự nghe ngóng nào lại có thể cung cấp thông tin về những người không đọc báo. Tại sao họ không đọc báo mình? Cái gì có thể lôi kéo họ đọc? Chỉ có thể trả lời cho các câu hỏi này bằng các cuộc thăm dò ý kiến

Báo giới Pháp, Mỹ sử dụng hai kiểu nghiên cứu: nghiên cứu cấp quốc gia do các hiệp hội báo chí hoặc các cơ quan nghiên cứu tiến hành; và nghiên cứu do từng tờ báo thực hiện. Tại Việt Nam, không có nghiên cứu quốc gia; còn nghiên cứu riêng thì cũng chỉ có một số tờ báo thực hiện, nhưng thường không đầy đủ. Dường như không có tờ báo nào hỏi ý kiến người không đọc báo mình (tại sao anh, chị lại không quan tâm đến báo chúng tôi?) 

Nhu cầu của độc giả cũng luôn thay đổi. Có lúc sự thay đổi thật rõ ràng. Vào thập niên 80 của thế kỷ trước, không báo nào ở TP.HCM có mục hướng dẫn tiêu dùng. Ngày nay, hầu như tờ nào cũng lập ra mục này; thậm chí có cả một tờ báo tuần chuyên hỗ trợ cho người tiêu dùng là Sài Gòn Tiếp Thị (xuất hiện từ năm 1994).

Dẫu vậy, các quyết định phức tạp hơn về tin tức lại do biên tập viên đưa ra, dựa trên kinh nghiệm. Nhu cầu của bạn đọc chỉ là một khía cạnh - tuy quan trọng - mà biên tập viên cần xem xét khi quyết định đăng bài. Học nghề biên tập, bạn đừng xem nhẹ các yếu tố truyền thống quy định tin tức.

Rèn luyện lỗ mũi

Hãy tưởng tượng bạn đang ngồi ở ghế thư ký tòa soạn của một tờ báo ngày. Hàng nghìn điều thú vị, đáng quan tâm đang xảy ra xung quanh. Tờ báo chỉ đủ chỗ cho vài chục sự kiện. Vậy bạn lựa chọn như thế nào? Bài nào giao cho phóng viên, cộng tác viên viết, bài nào dùng lại tin các hãng thông tấn? Bài nào đăng ở trang nhất, bài nào đăng ở các trang trong? Nạn kẹt xe quan trọng hay chuyến thăm của một nguyên thủ quốc gia quan trọng?

Dưới đây là một số định nghĩa về tin tức và các yếu tố giúp cho bạn biết thế nào là có tin.

Về mặt định nghĩa chung, truyền thông là việc truyền thông tin, tư tưởng và thái độ của người này tới người khác. Truyền thông đại chúng là giao tiếp cùng một lúc với nhiều người qua các phương tiện truyền thông. Với cách hiểu trên, thông tin có thể mang ý nghĩa tin tức. Nhưng tin tức là gì? Thật khó định nghĩa. Vì đó là một quy trình chứ không phải là một vật thể - mà quy trình này lại khá phức tạp. Tin tức chắc chắn nhiều hơn những gì từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học giải thích, “điều được truyền đi, báo cho biết về sự việc, tình hình xảy ra”.

Michel Voirol, giáo sư báo chí người Pháp, cho rằng nếu cần phải tìm một định nghĩa tổng quát nhất cho nghề báo, định nghĩa đó có thể gói gọn trong ba chữ “có gì mới?”. [4] Theo hai tác giả Mỹ Doug Newsom và James A. Wollert, tin tức lại là những gì người ta cần phải biết và những gì người ta quan tâm, nhưng không vi phạm đời tư cá nhân và các tiêu chuẩn về sự thanh nhã của cộng đồng.[4]

Nhưng tin tức thường dễ nhận được hơn là định nghĩa. Nhà báo Anh John Cardownie từng thống kê được 18 định nghĩa tin tức.[4] Và John Hohenberg, một giáo sư báo chí của Đại học Columbia, cho rằng số lượng định nghĩa tin tức cũng nhiều gần bằng số lượng nhà báo.[4]

Một trong những nhiệm vụ đầu tiên của bạn trên tư cách biên tập viên là tìm hiểu về các mối quan tâm của những người sống trong khu vực mà tờ báo của bạn phục vụ. Thí dụ, khu vực đó chuyên nghề nông, chắc chắn bạn đọc sẽ quan tâm tới bất cứ cái gì liên quan tới ruộng đồng. Họ sẽ muốn biết thời tiết ảnh hưởng tới việc trồng lúa như thế nào, các quy định về thuế má tác động đến họ ra làm sao; giá lúa gạo trên thị trường, v.v.

Một nhiệm vụ khác của bạn là tìm biết tên họ và nghề nghiệp của những người làm ra tin tức trong cộng đồng. Và làm quen với họ. Ở cộng đồng nào cũng vậy, phần lớn tin tức đều từ một số ít người có thẩm quyền hoặc quyền lực mà ra.

Qua thực hành, bạn có thể sẽ luyện được cho mình cái “lỗ mũi ngửi ra tin” - theo cách nói của báo giới Mỹ và một số nhà báo Việt Nam như Trần Trọng Thức, Trần Ngọc Châu - để thành người gác cổng có nghề.

Đối với nhiều biên tập viên, phóng viên, quy trình tuyển chọn tin tức hầu như diễn ra một cách tự nhiên. Nói như vậy không có nghĩa việc đánh hơi ra tin tức là một ưu điểm trời cho. Bạn vẫn có thể rèn luyện cho mũi mình thính tin hơn dựa vào những yếu tố thường biến sự kiện, ý kiến, con người trở nên có giá trị tin tức. Những yếu tố đó là thời gian tính, sự gần gũi, tầm quan trọng, sự nổi tiếng, tính lạ kỳ, sự xung đột và thời cơ. Tất cả các bài báo ở trời Tây hay trời Đông đều ít nhiều chứa đựng các yếu tố này.

Mài dũa thông tin

Thông tin là nhà kho của tờ báo. Từ ngữ là đồ nghề để mài dũa thông tin. Câu không rõ ràng làm cho độc giả khó chịu và cản trở sự truyền thông. Câu không chính xác có thể gây tổn thương thật sự. Người ta hay nói “nhà báo nói láo ăn tiền”, nhưng phần lớn lại tin những gì in trên báo. Khi sửa bài, bạn cần nhớ sẽ có hàng nghìn người, thậm chí hàng triệu người đọc bài.

Ở những tờ báo phổ thông như Tuổi Trẻ, một bài báo có thể được cả triệu người xem. Ngay cả một tờ báo chuyên về kinh tế, thương mại như Thời báo Kinh tế Sài Gòn, ít nhất cũng có 100.000 người đọc một bài. Trong cả hai trường hợp, từ ngữ đều quan trọng.

Một tờ báo chủ yếu dành riêng cho người làm ăn không thể viết: “Công ty Freetrend, chuyên gia công giày cho hãng Adidas và một số hãng giày khác của Mỹ, cũng đã bắt đầu xuất hơn 9 tấn giày sang thị trường này với kim ngạch 114.514 USD”. Và “Trong sáu tháng đầu năm nay, Việt Hưng đã xuất 6,91 tấn áo cưới trị giá hơn 100.000 USD sang Mỹ”. Theo lẽ thường, không ai tính giày dép hoặc áo cưới bằng tấn.

Biên tập viên phải là người yêu chữ nghĩa. Hơn ai hết, họ tôn trọng sức mạnh cũng như sự đắc dụng của từ ngữ. Họ hiểu rằng, ngay đến một sự thay đổi nhỏ - thêm dấu phẩy, thay từ này bằng từ khác - cũng có thể khiến ý nghĩa của một câu khác hẳn đi. Biên tập viên cũng biết rằng họ có thể làm cho các từ ngữ đẹp đẽ lên hoặc yếu ớt và tầm thường xuống. Tuy nhiên, nghề nào cũng thế, có người giỏi, có người tồi. Một số biên tập viên có thể cứu phóng viên khỏi sai lầm. Một số khác lại phá hoại cái không khí êm dịu, dễ chịu mà phóng viên đã cực công tạo ra, hoặc làm cho câu cú trong bài báo trở nên không chính xác. Nhưng hẳn bạn chỉ muốn trở thành biên tập viên giỏi...

Biên tập viên còn phải quan tâm đến các khác biệt do hư từ tạo ra. Một bạn đọc từng góp ý báo Tuổi Trẻ về việc sử dụng hư từ “với”. Bạn đọc này, tên là Lê Thanh Xuân, nhận xét: “… Khi dùng từ so sánh, các bài báo hầu như lược bỏ giới từ “với” thành ra câu đáng lẽ phải viết “so với cùng kỳ năm ngoái” thì lại viết “so cùng kỳ năm ngoái”.[4]

Biên tập viên cũng không thể để trạng ngữ lẫn lộn với vị ngữ như trong câu sau: “Theo ông Hoàng Tiến Dũng, giám đốc Công ty vật liệu xây dựng Hạ Long cho biết, hiện công ty có khoảng 400.000 m2 tôn”. Đã dùng “theo” thì không dùng “cho biết”, và ngược lại. Sau “theo” là trạng ngữ, còn trước “cho biết” phải là chủ ngữ.

Chúng ta sẽ nghiên cứu thêm về lỗi ngữ pháp, lỗi dùng từ trên các báo vào một dịp khác. Còn trong bài tiếp theo, chúng ta sẽ tìm hiểu về tòa soạn của một tờ báo, quy trình di chuyển bài vở cùng công việc của biên tập viên trong tòa soạn.
 


1. Dẫn theo Alfred L. Lorenz, John Vivian, News Reporting and Writing (Boston: NXB Allyn and Bacon, 1996) trang 27.

2. Ombudsman của The Washington Post là Deborah Howell, một phụ nữ . Bà có trang web riêng:: http://www.washingtonpost.com/wp-dyn/content/linkset/2005/03/25/LI2005032500838.html.
3. Michel Voirol, Guide de la Rédaction, in lần thứ  4 (Paris: NXB Presse et Information, 1992) trang 15.
4. Doug Newsom, James A. Wollet, Media Writing, in lần thứ 2 (Belmont, Calif.: NXB Wadsworth Publishing Company, 1988) trang 4.

5. John Cardownie, News Agency Journalism (Bonn: NXB Friedrich-Ebert-Stiftung, 1986) trang 77, 78.
6. John Hohenberg, Ký giả Chuyên nghiệp, bản dịch của Lê Thái Bằng, Lê Đình Điểu (Sài Gòn: NXB Hiện đại Thư xã, 1974) trang 76.
7. Lê Thanh Xuân, “Khó chịu khi gặp lỗi về câu cú, ngữ pháp”, Tuổi Trẻ 18-8-2001 trang 12.






























Quy trình xử lý bài vở


Bài này xem xét quy trình di chuyển và xử lý các bài viết trong một tòa soạn báo.


Ở lầu một trụ sở nhóm Thời báo Kinh tế Sài Gòn có một căn phòng khoảng 60 mét vuông, gọi là hội trường nhỏ. Tại đây, thường mỗi sáng, vào lúc 7 giờ 45, các phóng viên, biên tập viên báo The Saigon Times Daily ngồi lại với nhau quanh những cái bàn kê theo hình chữ nhật. Họ ngồi để họp giao ban. Nội dung chính của cuộc họp là trình bày và thảo luận các thông tin có thể biến thành tin tức, kiểm tra việc phân công và phân công tiếp cho phóng viên viết bài.

Giống như The Saigon Times Daily, một tờ báo ngày thuộc nhóm Thời báo Kinh tế Sài Gòn, các nhật báo khác đều họp. Cách tổ chức ở mỗi báo có khác nhau một chút nhưng nội dung họp thường giống nhau. Cuộc họp này là một phần của qui trình xử lý bài vở trong một tòa soạn báo.

Lệnh viết bài

Tại The Saigon Times Daily, do không có trưởng ban nên thư ký tòa soạn hoặc phó thư ký tòa soạn trực sẽ lệnh cho phóng viên A, phóng viên B viết bài. Lệnh cả số chữ của bài và có thể cả giờ nộp bài. Phóng viên hiếm khi tự động viết bài vì sợ viết mà không được đăng.

Nhưng trước khi ra lệnh, thư ký tòa soạn – một loại biên tập viên – phải dựa vào cái gì đó. Cái gì đó là đầu tin: thông tin không chi tiết về một sự kiện đã xảy ra, sắp xảy ra mà phóng viên hoặc những người làm công tác tòa soạn biết được nhờ vào một nguồn tin. Thỉnh thoảng, đó còn là một sự kiện bất ngờ như máy bay rơi, một nhân vật nổi tiếng tự tử,…

Thí dụ, phóng viên A biết được một đầu tin rằng, trưa nay, một quan chức nước ngoài sẽ thăm thành phố và có khả năng tuyên bố một vấn đề gì đó quan trọng. Phóng viên A nêu tin này ra trong cuộc họp. Thư ký tòa soạn (hoặc phó thư ký tòa soạn trực) sẽ thẩm định và có thể lệnh: viết được, nhưng chỉ 300 chữ và giao bài lúc 16giờ.

Như vậy, trước khi đồng ý cho thực hiện bài từ đầu tin do phóng viên thu thập, thư ký tòa soạn phải xem bài như vậy có ý nghĩa gì về mặt tin tức hay không. Nhưng công việc không dừng lại ở đấy. Người này vẫn phải giúp phóng viên tìm góc nhìn, soạn các câu hỏi và tìm thêm nguồn tin để phỏng vấn. Thư ký tòa soạn còn có thể quyết định thêm xem có cần ảnh hoặc minh họa cho bài hay không. Nếu có, phóng viên phải chụp ảnh hoặc, đối với sự kiện quan trọng, phóng viên ảnh sẽ đi kèm. Đó là bước một.

Tiếp đến, phóng viên đi làm tin, rồi về viết. Một khi phóng viên viết xong, thư ký tòa soạn sẽ đọc bài, chủ yếu để duyệt nội dung hơn là bút pháp hoặc văn phong. Nếu cần phải thay đổi nhiều về nội dung (thí dụ khi có những câu hỏi nảy sinh một cách hiển nhiên khi đọc bài mà không được trả lời), thư ký tòa soạn sẽ trả lại bài cho phóng viên để bổ sung. Nhưng có lúc, do viết tồi, bài bị bỏ luôn, nhường chỗ cho bài khác thời sự hơn.

Nếu bài được giữ lại, thư ký tòa soạn sẽ biên tập sơ rồi chuyển cho một biên dịch viên, thường người này cũng có khả năng biên tập. Bài biên tập, biên dịch xong được chuyển cho một biên tập viên người Úc để biên tập tiếp tiếng Anh cho chuẩn. Đó là bước hai.

Sau đó, bài được chuyển ngược lại cho thư ký tòa soạn. Nếu thấy hài lòng, người này sẽ cân đối bài vở, có thể cắt gọt thêm, ấn định vị trí bài, ở trang một, trang hai,… trên một tờ giấy phác thảo. Ảnh hoặc đồ họa liên quan cũng được ấn định, và có thể cả cỡ chữ của tít cùng phong cách tít được dùng (tít sẽ được thảo luận ở một phần sau của tài liệu này). Đây là công đoạn gọi là “vẽ maket”; tức bước ba.

Cho dàn trang

Trong bước bốn, cứ trang nào đủ bài thì chuyển cho kỹ thuật viên phòng máy tính sử dụng các phần mềm về dàn trang như Adobe Pagemaker để dàn trang theo maket (The Saigon Times Daily không dùng họa sĩ để chỉnh sửa maket như các tờ báo khác trước khi dàn trang). Dàn trang xong, kỹ thuật viên sẽ in trang ra giấy, nhỏ hơn trang báo thật. Giấy này gọi là “bông”. Sau đó, một nhân viên gọi là nhân viên morát sẽ dùng bút bi sửa trên bông các lỗi có thể còn sót - thường là lỗi chính tả và lỗi typô, tức các lỗi như từ này viết hoa hay không viết hoa, từ kia viết tắt hay không, viết tắt như thế nào… (thường do từng báo quy định).

Sửa xong, nhân viên morát chuyển bông cho kỹ thuật viên sửa lại trên máy tính. Kỹ thuật viên sửa xong sẽ in ra giấy để nhân viên morát đọc tiếp. Khi thấy không còn lỗi nữa, nhân viên này chuyển bài cho thư ký tòa soạn; thư ký tòa soạn có thể sửa thêm nếu chưa hài lòng.

Cuối cùng, phó tổng biên tập trực sẽ đọc tất cả các bài in ra bông. Người này vẫn có thể sửa thêm bài rồi ký duyệt cho in; nhưng khi có bài gây cấn thì gởi cho tổng biên tập đọc, cân nhắc thêm. Đó là bước năm.

Sau khi phó tổng biên tập duyệt xong, các bông sẽ được chuyển lại cho thư ký tòa soạn; thư ký tòa soạn xem rồi gởi phòng máy. Và kỹ thuật viên phòng này sẽ sửa các bông thêm lần nữa, nếu cần thiết, rồi ghi tất cả dữ liệu vào một ổ đĩa cứng di dộng. Như vậy là qua bước sáu.

Đến bước bảy, một nhân viên tạm gọi là giao liên nhà in (vị trí này không có tên gọi rõ ràng) sẽ đem ổ đĩa cứng qua nhà in. Sau đó là công đoạn để chuẩn bị in báo, bắt đầu bằng kỹ thuật CTP, tức computer to plate (từ máy tính trực tiếp tới bản kẽm). Từ tháng 10-2002, nhà in Lê Quang Lộc, TPHCM đã sử dụng kỹ thuật này, và sau đó đến một số nhà in khác.

Để áp dụng CTP, các trang báo phải được dàn trên máy tính, ghi vào một ổ đĩa cứng di động rồi đem sang nhà in. Kỹ thuật viên nhà in gắn ổ đĩa cứng vào máy tính và sau đó in thẳng các dữ liệu trong ổ đĩa cứng lên bản kẽm, tức tấm kim loại màu trắng hơi ngả xanh. Tiếp đến, bản kẽm sẽ được gắn lên một cái trục của máy in. Trước đây, khi chưa áp dụng CTP, bài sẽ được in trên giấy bóng mờ, lên phim, cắt dán trên một tấm đế gọi là “xúpbo”, rồi mới in lên bản kẽm. In kẽm xong là đến bước tám: in báo.

Báo in xong sẽ được đóng gói và giao cho các đại lý, tức nhà bán sỉ. Đó là bước chín, kết thúc chu kỳ vật chất của một số báo The Saigon Times Daily.

Chia việc


Đối với báo đông biên tập viên như Tuổi Trẻ, công việc được chia nhỏ hơn. Thay vì thư ký tòa soạn biên tập bài bước đầu như ở The Saigon Times Daily, các trưởng ban sẽ biên tập trước, gọi là biên tập cấp một.

Hàng Phước Long, Phó tổng thư ký tòa soạn báo Tuổi Trẻ, cho biết tại báo mình, trưởng ban họp với phóng viên để có tin tức, rồi họp với tòa soạn để báo tin, trao đổi thêm hoặc nhận đề tài mới. Tiếp đến, trưởng ban lệnh cho phóng viên viết bài; hoặc cũng có thể cho đi săn tin để viết bài trước cuộc họp với tòa soạn.

Sau đó, theo Phước Long, trưởng ban sẽ nhận bài để biên tập cấp một, rồi chuyển tất cả các bài của trang mình phụ trách (chính trị-xã hội, kinh tế, quốc tế v.v…) cho tòa soạn. Tại đây, bài sẽ được biên tập viên, thư ký tòa soạn hay tổng thư ký tòa soạn biên tập cấp hai, kỹ hơn. Người trực tòa soạn cũng sẽ vẽ sơ makét trên giấy rồi giao cho họa sĩ chỉnh sửa; xong thì gởi cho kỹ thuật viên phòng máy để dàn trang. Các ban chỉ là một nguồn cung cấp bài; tòa soạn còn những nguồn khác. Đó là cộng tác viên, phóng viên của các văn phòng đại diện ở Hà Nội, Đà Nẵng, Huế, Bình Định, Nam Trung Bộ (Nha Trang) và Cần Thơ. Bài của những nguồn ngoài tòa soạn này do các thành viên của tòa soạn biên tập. Các thành viên này gồm tổng thư ký tòa soạn, các phó tổng thư ký tòa soạn, thư ký tòa soạn và một số biên tập viên văn bản.

Trong một số tờ báo như Tuổi Trẻ, việc di chuyển bài được thực hiện bằng phương tiện điện tử, từ máy tính này qua máy tính khác; biên tập bài cũng bằng máy tính. Còn ở những tờ báo chưa quen với kỹ thuật mới, biên tập viên tiếp tục sửa bài bằng bút bi hoặc bút chì và chuyển bài bằng tay. Có khi bản thảo được phóng viên lưu vào đĩa mềm hoặc USB (đĩa cứng di động), hoặc gởi qua hệ thống máy tính nội bộ, nhưng biên tập viên vẫn in ra giấy để sửa rồi chuyển cả bài gốc (bằng cách đưa đĩa hoặc gởi qua hệ thống máy tính) lẫn bài đã biên tập cho phòng máy tính để dàn trang.

Quả là một số thao tác của công việc biên tập đã trở nên đơn giản nhờ cuộc cách mạng tin học. Tuy nhiên, cuộc cách mạng này cũng tạo thêm việc cho biên tập viên. Ngày nay, nhiều chức năng sản xuất đã được thực hiện ngay tại bộ phận biên tập. 

Đường đi của bài báo


Để dễ hình dung, có thể chia một cách tổng quát các công đoạn của bài báo trong một tòa soạn báo viết ra như sau (có báo nhiều hơn, có báo ít hơn):

Người thực hiện
Công việc
Phóng viên hoặc biên tập viên (là tổng thư ký tòa soạn, thư ký tòa soạn, trưởng ban).
Cọ xát ý tưởng để ra bài. Biên tập viên quyết định cho viết bài ngay hay viết sau nhằm đào sâu, tìm thêm thông tin. Ý tưởng có thể do phóng viên giao tiếp với các nguồn tin mà có, hoặc do bạn đọc cung cấp; do phóng viên hoặc biên tập viên thu thập được; hoặc theo lệnh của ban biên tập…
Phóng viên
Thu thập thông tin và viết bài. Sau đó, kiểm tra độ chính xác, rồi chuyển cho biên tập viên.
Biên tập viên (là tổng thư ký tòa soạn, thư ký tòa soạn, trưởng ban, biên tập viên văn bản)
Biên tập bài. Có thể quyết định ngay số chữ và chỗ của bài trong một trang báo. Có thể để phóng viên tự sửa, bổ sung chi tiết.
Biên tập viên văn bản (hoặc nhân viên morát)
Sửa thêm về hình thức, thường là theo bút pháp của tờ báo, rồi chuyển cho người trực tòa soạn.
Phó tổng biên tập trực nội dung (có thể cả tổng biên tập)
Đọc và ký duyệt tất cả các bài do tổng thư ký tòa soạn chuyển. Có thể sửa thêm hoặc gác bài.
Tổng thư ký tòa soạn (hoặc người trực tòa soạn)
Nhận lại bài, sắp trang, và vẽ sơ makét, chuyển cho họa sĩ hoặc kỹ thuật viên phòng máy.
Họa sĩ (hoặc kỹ thuật viên)
Làm makét chi tiết theo chỉ dẫn của tổng thư ký tòa soạn (hoặc người trực tòa soạn), đưa lại tổng thư ký tòa soạn xem.
Tổng thư ký tòa soạn (hoặc người trực tòa soạn)
Lệnh in báo
 

















Hỗ trợ người mới vào nghề viết lách


Bài này nhằm gợi ý cho biên tập viên các cách thức hỗ trợ những người học nghề viết lách nhưng không biết bắt đầu từ đâu. 
 
Hãy bắt đầu từ bước đầu tiên: chuẩn bị. Bước này bao gồm ba loại kỹ năng. Thứ nhất, tìm ý tưởng (ít được những người mới vào nghề quan tâm rèn luyện). Thứ nhì, tìm nguồn tin (người mới vào nghề hay lúng túng). Thứ ba, bảo đảm bài đầy đủ thông tin (người mới, người cũ gì đều gặp khó khăn).

Viết báo giống như dựng nhà, trước hết phải có vật liệu. Vật liệu đây là ý tưởng và thông tin săn tìm được và phải có đủ. Không khác dựng nhà, viết báo cũng cần bản vẽ và người viết phải biết dùng bản vẽ cùng một số kỹ thuật khác (các bước tiếp theo trong quy trình viết). Người làm nghề báo còn luôn đổ mồ hôi, thậm chí toát mồ hôi vì giờ lên khuôn của tòa soạn. Nghề này giống như nghề võ, không có con đường tắt. 

Đâu cũng có ý tưởng

Trong phần lớn các tòa soạn, phóng viên cung cấp hơn phân nửa ý tưởng viết bài; phần còn lại do biên tập viên đưa ra. Phóng viên ra đường, phóng xe đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người. Họ tư duy và phát hiện đề tài (theo cách nói của người trong nghề) dựa trên thực tế đó và báo đề tài cho người phụ trách trực tiếp, tức trưởng ban. Nhưng có loại đề tài chỉ cần dở lịch: Tết, Trung Thu, Ngày Phụ nữ quốc tế v.v. Và có loại được thông báo trước: Chính phủ họp, Hội đồng Nhân dân thành phố họp, các cơ quan họp; một công ty khai trương văn phòng đại diện, giới thiệu sản phẩm mới, nhận giấy phép đầu tư, v.v. Biên tập viên dựa vào đó để đề nghị phóng viên viết bài.

Tìm ý tưởng viết bài chủ yếu là vấn đề thái độ - tích cực thì tìm ra; tiêu cực, nhìn đâu cũng chẳng thấy. Nếu chịu quan sát, lúc nào cũng có đề tài. Quan sát rồi đặt câu hỏi. Hầu hết các bài báo đều nhằm trả lời cho một hoặc một số câu hỏi. Bài bạn đang đọc đây, chẳng hạn, nhằm trả lời cho chuyện sinh viên báo chí than vãn ít được thực hành.

Một trong những nguyên tắc chính để tìm đề tài là đọc báo và xem truyền hình, đặc biệt chương trình "Chào buổi sáng". Nhờ xem chương trình này, một số cây bút đã có thể viết bài. Tuần trước, đài truyền hình nói về một gia đình ở Bảo Lộc, Lâm Đồng chuyên nuôi bướm để làm tranh bướm; tuần sau, một số báo có bài về nuôi bướm của gia đình đó.[4]     

Nên đề nghị sinh viên thực tập đọc mục quảng cáo, thư bạn đọc, và đương nhiên là các bài báo. Đọc tất, kể cả bài tin quốc tế, để từ đó đi tìm các góc nhìn địa phương. Lãi suất ngân hàng ở Mỹ tăng, liệu các ngân hàng trong thành phố thu hút thêm người gửi tiền tiết kiệm? Vàng thế giới liên tục lên giá trong những tháng đầu năm có làm cá, thịt ngoài chợ tăng theo? Số người mua vàng miếng có giảm? Giá vàng nữ trang như thế nào? 

Đối với tin tức trong nước, vẫn có thể tìm thêm các góc nhìn khác. Nói chung, tin thời sự chỉ mới là tin nháp, chưa đầy đủ. Nếu tinh ý, còn khai thác được thêm nhiều bài khácnữa. Các báo thường đăng tin kiểu một lần hoặc vài lần rồi thôi - trừ các sự kiện lớn hoặc quá lớn và còn tiếp tục phát triển như vụ đánh bạc đã dẫn tới khám phá tham nhũng ở Ban Quản lý các Dự án 18, một cơ quan thuộc Bộ Giao thông Vận tải, khiến một số quan chức vào tù và một bộ trưởng phải từ chức.

Vậy chuyện ở đây là thế này: nên kiểm tra các bài tin lẫn các bài diễn cảm (ký sự, phóng sự) đăng tháng trước, ngày hôm qua, ngày hôm nay và tự hỏi: "Còn cái chi nữa không hè?" Chuyện gì xảy ra sau khi tôm nuôi chết hàng loạt ở Cần Giờ? Cô A, được báo X giới thiệu như nghệ nhân số một nghề thêu, nay thế nào? Cậu bé B ở nhận học bổng của báo Y, hiện học hành ra sao? Tức tìm cái mới trong cái cũ.

Để tìm ý tưởng, ngoài cái đầu, cái miệng, còn có đôi chân của mình. Thỉnh thoảng, nếu ghé một số chợ, có thể thấy nhiều sạp đã đóng cửa. Tại sao? Nếu sinh viên thực tập muốn viết để trả lời, chắc không phải là quá khó.

Khi xăng lên giá, nhà báo bị ảnh hưởng và độc giả cũng thế, vì phần lớn đều chạy xe gắn máy. Đó là ảnh hưởng trực tiếp. Bên cạnh đó, tất cả đều bị tác động gián tiếp: chi phí chuyên chở tăng khiến các chi phí khác tăng, từ tiêu dùng cho nhu cầu thiết yếu như ăn uống cho đến các tiêu xài ít thiết thân như ngồi quán cà phê. Hẳn mọi người đều muốn biết rõ vì sao lại tăng giá xăng, ai được lợi. Hồi tháng ba 2006, trước và sau khi xăng lên giá, đã có không biết bao nhiều bài vở về đề tài này với các góc nhìn khác nhau.

Hoặc khi giá chứng khoán tăng trong cùng tháng đó cũng vậy. Biết bao nhiêu là bài, bao gồm cả các bài giải thích, dự báo. Đúng sai, chưa biết, nhưng quả là có nhiều góc nhìn về đề tài chứng khoán.

Không cần tìm đâu xa. Ngay trong trường đại học cũng khối chuyện để viết. Chuyện bạn bè trong lớp - có người từ quê lên học, 4 giờ sáng đã thức dậy, đi lấy báo, bỏ báo ở quận I. Rồi các sinh hoạt trong nhà trường - tối mai, nhà thơ Đỗ Trung Quân sẽ đến trao đổi với sinh viên về thơ tình thời đi thanh niên xung phong, v.v. và v.v. Không nhất thiết phải đi thực tế Côn Đảo mới viết được bài.[4]  Xin mở ngoặc: các báo Pháp có dạng phóng sự địa phương, chừng 600 chữ. Đó là chuyện bên kia đường, ở góc phố, trong một sân bóng, tại một trường học, ở một nông trại ngoại ô…

Có lẽ bạn nên gợi ý cho sinh viên mua một cuốn sổ tay cỡ lòng bàn tay, để trong túi áo, chỉ dùng cho các ý tưởng. Họ có thể ghi vào đó những gì cảm thấy có thể biến thành bài, không chỉ ý tưởng nẩy ra từ việc đọc báo, xem truyền hình, lướt trên mạng, mà còn cả từ các cuộc họp, trao đổi với người trong nghề, người thân và bạn bè. Nhìn thấy chuyện gì đó trên đường, cũng ghi. 

Có thể sinh viên sẽ hỏi: "Vậy chẳng lẽ không có đề tài sáng tạo à?" Bạn nên trả lời: "Có chứ!" Nhưng cho họ biết thêm: số nhà báo có thể thường xuyên suy nghĩ ra đề tài độc đáo không nhiều lắm đâu. Những nhà báo lâu năm, lăn lộn, sống chết với nghề mà họa hằn lắm mới tìm ra được vài ý tưởng lạ để viết bài. Sinh viên thực tập chưa cần phải được rèn theo hướng này. Đương nhiên, cần khuyến khích các sinh viên chịu động não, giúp họ đào sâu các ý tưởng thoáng qua tưởng chừng như không mấy có ý nghĩa trở thành các ý tưởng viết bài tốt.

Thông thường biên tập viên cấp trưởng ban ra đề cho phóng viên. Thật ra, trưởng ban luôn dựa một phần vào báo cáo của phóng viên để làm việc này. Phóng viên thì hay chờ viết theo ý biên tập viên. Đối với sinh viên thực tập, cũng cần buộc họ làm báo cáo. Đây là dạng báo cáo phóng viên nộp hàng tuần, ghi nhận các thông tin họ cho rằng có thể biến thành tin tức.

Nên giúp sinh viên hiểu cả thực tế này: sự thành công của người cầm bút tỷ lệ thuận với khả năng chuyển các ý tưởng thành các bài báo.


Cách săn tin lý tưởng

Một thế giới báo chí lý tưởng sẽ không có khái niệm "bài điều tra". Từ "săn tin" đã hàm ý điều tra rồi. Nhưng vì sao lại có loại bài điều tra? Có nhà báo cho rằng, đó là để phân biệt với các loại bài bình thường phải đưa, không cần sâu. Một cuộc họp, một buổi lễ khai trương công ty thôi mà. Đào sâu làm chi. Tuy nhiên, bạn thử đề nghị sinh viên thực tập làm ngược lại: sự kiện nào cũng săn tin như thể để viết bài điều tra. Muốn như thế phải tìm nguồn tin (chủ yếu là người)[4] cho thật nhiều. 

Bạn giao cho sinh viên thực tập đi viết về nước ngập đường Phạm Thế Hiển ở Quận 8, TPHCM. Sinh viên đi nguyên buổi sáng về và nói: "Chẳng ai chịu nói chuyện với em cả." Bạn hỏi lại: "Em đi đâu, tìm ai?" Sinh viên trả lời: "Em đến Quận 8 xin gặp ông trưởng phòng đô thị, không được, em xuống phường 7, Quận 8 xin gặp ông chủ tịch phường cũng chẳng được. Em về"

Làm sao đây? Hãy ngồi lại với sinh viên và nói cho biết: không được bỏ cuộc chỉ vì nỗ lực săn tin đầu tiên thất bại. Rồi đề nghị anh, chị ta cố tìm một nguồn tin khác, và một nguồn khác, rồi nguồn khác nữa, cho tới khi có thông tin đủ để viết. Thật ra, tìm nguồn tin đâu khó, kể cả nguồn cho bài điều tra. Cứ gì phải nguồn quan chức (mà theo thói quen nhiều nhà báo thích dùng). Chỉ cần hỏi: "Ai biết chuyện này?" "Mỗi lần nước lên, học sinh đi học ra sao? Rồi những người khác đi lại như thế nào?" "Có chuyên gia nào giải thích được tại sao nước lên và càng ngày càng thường xuyên hơn?" "Báo nào từng viết về chuyện ngập lụt ở đây?" Từ những câu hỏi này, bạn gợi ý cho sinh viên tìm người trả lời: những người dân sống ở phường 7, quận 8, chẳng hạn.

Không phải nguồn tin nào cũng có sẵn câu trả lời. Nhưng ai cũng cung cấp được một số thông tin, chứng cứ, kinh nghiệm, chắp nối lại sẽ ra bài. Họ còn có thể giúp gặp những người khác, biết chuyện. Cứ thế, một mạng lưới nho nhỏ những người rành về nước ngập đường Phạm Thế Hiển sẽ thành hình. Từ đó, có thể chỉ cần chọn ra một gia đình điển hình có nhà luôn ngập nước và viết về họ. 

Con người chứ không phải các con số làm cho bài báo có da có thịt. Đương nhiên, con số cũng cần (từ nguồn tư liệu); quan sát cũng cần (tức nguồn do mắt phóng viên). Nhưng trên tư cách biên tập viên, bạn nên nhớ chuyện của một gia đình quanh năm sống với  nước ngập sẽ tác động mạnh mẽ đến bạn đọc hơn con số lạnh lùng về thiệt hại do nước ngập gây ra. Bạn đọc luôn vui buồn theo những nỗi vui buồn của các nhân vật báo chí.

Có thể tạm rút một kết luận ở đây: bài ở chân mình và miệng mình. Hãy khuyên sinh viên thực tập rời bàn giấy, noi gương các phóng viên giỏi: họ chẳng mấy khi ngồi tại tòa soạn, trừ những lúc dự họp hoặc viết bài, và …lĩnh nhuận bút hoặc lương.  












Sự dễ hiểu của thông tin


Chúng ta phải viết theo như cách chúng ta nói, nhưng tốt hơn (Ernest Hemingway).[4]


Chất lượng mặt hàng làm nên uy tín cho thương hiệu của một doanh nghiệp. Thương hiệu của một tờ báo cũng vậy, được xây dựng từ chất lượng của sản phẩm chính: các bài viết. Một trong những yếu tố đóng góp một phần không nhỏ vào việc bảo vệ, nâng cao chất lượng các bài báo là sự rõ ràng trong thông tin. Về nguyên tắc, văn báo là loại văn ai cũng hiểu được, từ người học lớp sáu cho đến sinh viên đại học hoặc cao hơn. Hoặc nói như nhà nghiên cứu ngôn ngữ Hoàng Anh: “…ngôn ngữ báo chí phải là thứ ngôn ngữ dành cho tất cả và của tất cả, tức là có tính phổ cập rộng rãi.”[4]

Cách thức tốt nhất để có được những bài báo rõ ràng, dễ hiểu là viết hoặc biên tập bài theo lời khuyên của William Strunk và E. B. White, trong cuốn sách gối đầu giường của nhiều cây bút: không viết thừa. Theo hai ông, “Văn sinh động là văn cô đúc. Câu không thể có từ thừa, đoạn không thể có câu thừa, giống như bức tranh không thể có các đường nét không cần thiết và cỗ máy không thể có các chi tiết chẳng dùng đến. Điều này không đòi hỏi người cầm bút phải viết mọi câu văn một cách ngắn gọn, hoặc dọn sạch mọi chi tiết và chỉ xử lý chủ đề bằng một dàn bài, mà mỗi từ đều phải nói lên cái gì đó.” [4]

Bạn đọc không còn dễ dãi

Trước đây, bạn đọc khá vị tha. Họ sẵn sàng bỏ qua những thông tin, từ ngữ được sử dụng theo kiểu đánh đố, và mua báo của mình. Ngày nay, tình hình đã khác. Sự cạnh tranh của các phương tiện truyền thông để giành giật thời gian, sự chú ý của bạn đọc đã trở nên khốc liệt. Muốn có người đọc, bài viết phải rõ ràng (để có thể được hiểu ngay, không cần phải suy nghĩ nhiều). Nếu phóng viên không làm được điều đó, chính bạn phải làm, vì cơ quan và vì độc giả - bạn đại diện cho họ soát xét trước các bài báo.

Rõ ràng không đồng nghĩa với đơn giản. Trên thế giới này có rất ít những điều đơn giản; bạn đọc cũng không chờ được nhà báo nhai lại những điều phức tạp rồi mớm cho ăn. Nhưng họ có quyền mong đợi các nhà báo viết cho dễ đọc hơn so với các văn bản kỹ thuật phức tạp. Họ muốn đọc báo mà không cần có những kiến thức gì đặc biệt (trừ báo dành cho một giới chuyên môn kiểu như Thời báo Vi tính Sài Gòn).

The Wall Street Journal là nhật báo dành cho bạn đọc trình độ học vấn cao. Tờ báo này chuyên viết về kinh tế, tài chính cũng như các xu hướng văn hóa và các sự kiện chính trị ảnh hưởng đến giới kinh doanh. Nghe thế cứ tưởng tờ báo sẽ khô khan, đặc biệt đối với người không quan tâm nhiều đến kinh tế, tài chính. Thực tế không phải vậy. Tuy viết về các vấn đề phức tạp, nhưng chữ nghĩa và cách viết của The Wall Street Journal lại giản dị, sinh động và lắm khi hài hước nữa. Và sự rõ ràng là tiêu chuẩn được phóng viên, biên tập viên đặt lên hàng đầu.[4]

Vậy nhà báo chuyên nghiệp cần giải thích về kinh tế cho những người không biết kinh tế, giải thích về khoa học cho những người không đủ kiến thức khoa học, quan hệ quốc tế cho người không làm ngành ngoại giao, và chính trị cho những công dân bình thường.

Thường phóng viên hay cãi, cho rằng những người có chuyên môn sẽ hiểu những điều họ viết. Nếu vậy họ đã hạn chế số lượng bạn đọc của mình rồi (không muốn cho số đông đọc). Đó cũng chỉ là một kiểu chống chế. Lại nữa, phóng viên thường chép lại báo cáo của các ban ngành, nhiều khi để luôn lối diễn đạt dài dòng, từ ngữ không mấy dễ hiểu là đặc trưng của văn bản hành chánh. Có khi phóng viên ghi lại cả cách nói cầu kỳ với các từ ngữ cũng không mấy dễ hiểu của một số người làm việc trong các cơ quan công quyền

Ngày nay, báo chí không thiếu những sự phi truyền thông như thế, có thể do các nhà báo cho rằng bạn đọc hiển nhiên là của mình rồi, không cần phải quan tâm tới cảm thụ của họ nữa. Chuyện này không gì mới, nhưng đang có xu hướng gia tăng, làm cho những người chuyên nghề biên tập lo âu. Gia tăng vì xuất hiện những lĩnh vực mới như công nghệ thông tin, v.v. mà ngôn ngữ Việt Nam không đủ từ để diễn tả, định danh, (CADCAM là gì ?) mà người viết thì không buồn giải thích và nhiều biên tập viên sẵn sàng cho qua.

Nhưng thôi, hẳn bạn không muốn trở thành loại biên tập viên như nói ở trên. Vậy hãy tìm cách sửa tất cả những sự lộn xộn, rối rắm, tối nghĩa trong bài vở. Bạn nên suy xét kỹ càng khi gặp các từ trừu tượng, từ khoa học, kỹ thuật hoặc tiếng lóng. Cũng nên tìm cách hạn chế từ viết tắt, lối viết khoa trương, sáo rỗng; cố gắng làm cho bài chữ ít, nghĩa nhiều. Và nên cẩn thận với từ nước ngoài và không dễ dãi để cho người viết sáng tác từ mới. Tiếp theo đây, chúng ta sẽ thảo luận các vấn đề vừa nêu. 

Gạch bỏ từ trừu tượng hoặc biến chúng thành từ cụ thể. Trừu tượng liên quan đến tâm trí. Từ trừu tượng diễn tả ý tưởng chứ không diễn tả thực thể chắc chắn. Không có sự trừu tượng, không có nền văn minh. Và chúng ta sẽ không thể xử lý được những sự phức tạp mà chỉ có thể giao tiếp bằng từ ngữ về sự vật chúng ta nhìn thấy: « cây giáo », « hòn đá », « con ngựa », « cái cây ». Như thế, chúng ta sẽ không thoát ra khỏi thời kỳ hang động. Nhưng lạm dụng các từ như « quy trình », « hiện trạng », « thân phận », « cơ sở vật chất », « bất cập », « chế định » có thể làm cho bài báo trở nên khó hiểu. 

Từ Hán Việt thường là trừu tượng. Khi có thể, nên tìm cách thay chúng bằng từ thuần Việt. Nhưng đừng máy móc. Không nên thay « Thủ tướng đi cùng phu nhân » thành «Thủ tướng đi cùng vợ », chẳng hạn. Và có lúc phải dùng chúng thay cho từ thuần Việt để chỉ các bộ phận cơ thể, các hoạt động sinh lý của cơ thể hay những việc làm khiếm nhã: « phân », « hạ bộ », « tiểu tiện », v.v.[4]

Cẩn thận với từ khoa học, kỹ thuật. Ưu điểm của chúng là sự chính xác, nhưng thường chỉ những chuyên gia trong ngành đó mới hiểu. Vậy đừng quên giải thích, khi phải sử dụng loại từ này. Đừng để cho phóng viên đánh đố bạn đọc với các từ y học như thế này trong một bài báo: đặt « nội khí quản », có « tiên lượng » rất xấu, « phác đồ điều trị bệnh viêm phổi cấp do virus », « dung dịch diệt phổ rộng ».  

The Wall Street Journal, báo của giới kinh doanh, quy định rằng khi từ chuyên môn xuất hiện lần đầu tiên trong bài, người viết phải giúp bạn đọc hiểu từ đó. Kể cả những thuật ngữ tưởng chừng thông dụng như GNP. Tờ báo giải thích GNP, gross national product, là « tổng giá trị thị trường của sản phẩm và dịch vụ do một quốc gia làm ra. »[4]

Gạch bỏ hoặc diễn dịch tiếng lóng. Mỗi ngành nghề, tổ chức, ngành học, mỗi giới và cả mỗi địa phương đều có tiếng lóng mà chỉ người ở trong đó mới hiểu. Thí dụ, trong các tòa soạn, từ « sapô » được dùng một cách thông dụng. Đây là từ trong tiếng lóng của báo chí Pháp (từ gốc: chapeau hoặc chapô) có nghĩa là phần mào đầu, dẫn nhập vào bài báo dài.[4] Người học tiếng Pháp bình thường chỉ biết « chapeau » là cái mũ.

Tổng vốn từ tiếng lóng thường chỉ vài chục từ cho đến trăm từ; ít khi vượt quá hai trăm từ. Phần lớn bạn đọc không quen thuộc với loại từ này. Ngay cả từ điển cũng không giải thích hết vì chỉ đưa vào những từ của tiếng lóng đã trở nên phổ thông. 

Sau một thời gian theo dõi một lĩnh vực, phóng viên trở thành người trong nhà của vài cơ quan trong lĩnh vực đó. Người phóng viên hiểu ngôn ngữ đặc biệt của những người làm việc các cơ quan đó và sử dụng nó để tiếp cận với họ. Khi viết bài, nếu không chú ý, loại ngôn ngữ này sẽ vào bài và bạn đọc sẽ cảm thấy khó chịu hoặc không hiểu bài. Bổn phận của bạn là đòi phóng viên viết theo ngôn ngữ thông thường.  Nếu súng thì gọi là súng (giỏi hơn nữa thì cho biết đó là loại súng gì), đừng dùng « hàng nóng » như trong một bài báo về một người đang bị công an truy nã: Theo tài liệu của cơ quan điều tra, Hùng là đối tượng có tiền án tiền sự, chuyên xài « hàng nóng » mỗi khi gây án.

Hạn chế từ viết tắt. Chỉ để lại các từ viết tắt khi thấy cần thiết. Một số lãnh đạo báo chí cho phép phóng viên và biên tập viên tùy tiện viết tắt mà không biết rằng độc giả rất mệt, rất mất công vì phải xem ngược lại lên đầu bài - nơi có các từ đầy đủ - mới hiểu. Đừng làm cho bạn đọc mất hết hứng thú vì phải đọc quá nhiều các từ viết tắt. Nhiều khi viết tắt chỉ tồn tại chỉ trong một bài báo. Đây là kiểu viết lợi mình hại bạn đọc. Tốt hơn hết là cắt bớt từ thừa, những câu, đoạn lòng thòng trong bài để có chỗ viết nguyên các từ mà mình định viết tắt.
 
Chỉ nên viết tắt những gì đã được viết tắt ổn định và thông dụng như TPHCM. Đừng để xuất hiện những từ được viết tắt kiểu như thế này: THA (thi hành án), RAT (rau an toàn) vì bạn đọc sẽ đọc là « tha » và « rác ».  

Giảm nhẹ lối viết khoa trương. Một số phóng viên có xu hướng viết thái quá lên để đánh bóng sự kiện hoặc nhân vật. Họ thổi phồng tầm quan trọng của sự kiện hoặc nhân vật bằng cách tạo ra những lối nói trông hấp dẫn nhưng rỗng. Cần nhớ rằng bạn đọc đến với tờ báo chủ yếu vì thông tin, không vì câu chữ.

Một thí dụ của lối viết khoa trương - ngay trong lời mào đầu của một bài báo - thậm chí vì thế nên sai nghĩa: Dù bằng cách này, hay cách khác, ngọn lửa nhiệt huyết, sáng tạo, tinh thần đột phá và cả sự rắn rỏi, kiêu bạc như một kẻ sĩ trong ông đã từng tỏa sáng và cháy lan trong nhiều thế hệ học trò của trường … Nhiều thế hệ sinh viên Đại học …đã không thể quên GS … - người hiệu trưởng đầu tiên sau giải phóng cùng ngôi sao màu đỏ lung linh trên nền trời nơi ngôi trường của họ.[4]

Chống sáo rỗng. Đây cũng là một loại bệnh: người viết lặp lại các từ ngữ, cách nói năng mà người khác đã dùng đến mòn đi rồi, bất kể chúng có còn hữu ích hay không.

Theo nhà giáo Bùi Minh Toán, “bệnh sáo rỗng, thường dẫn đến những lời nói, câu văn ‘đao to búa lớn’ hay rất văn hoa bóng bẩy (hoa hòe hoa sói) nhưng nội dung lại rất chung chung, thậm chí rỗng tuyếch”.[4] Sáo rỗng còn chứng tỏ tư duy chữ nghĩa của mình nghèo nàn.

Khi bạn đọc từ đầu tiên hoặc vài từ đầu của một cụm từ mà người khác có thể buộc miệng nói tiếp các từ còn lại thì đích thị là sáo rỗng: chuyện nhỏ, biết bao nước đã chảy qua cầu, im như thóc, câm như hến, mọc lên như nấm sau mưa, đường thông hè thoáng… Gần đây, có một cụm từ đang trở thành sáo rỗng vì được xuất hiện liên tục trong các bài báo về nhà đất: Tay không bắt giặc (chỉ các doanh nghiệp bất động sản không có vốn nhưng vẫn làm dự án nhà đất).

Đương nhiên, không thể nào tránh tất cả các sự sáo rỗng. Người viết nhiều kinh nghiệm cũng mắc bệnh sáo rỗng khi phải chạy đua với thời gian, gõ bàn phím máy tính dưới áp lực của giờ lên khuôn. Nhưng bạn phải chú ý để sửa theo kiểu bớt được bao nhiêu hay bấy nhiêu.

Đừng để cho bài nhiều chữ quá. Biên tập viên phải hà tiện « đất », tức diện tích các trang báo; sử dụng đất một cách khôn ngoan và đúng đắn. Như vậy phải gạch bỏ những từ thừa, lặp lại và tất cả những hình thức phung phí diện tích khác.

Tìm và sửa được những chỗ chữ nhiều, nghĩa ít là tài năng đáng giá nhất của một người biên tập. Chữ thừa chiếm chỗ; gạt bỏ được chúng đồng nghĩa với việc thêm thông tin, bớt chi phí cho tờ báo. Giảm từ cũng là giảm thời gian đọc, hỗ trợ cho những người hay than phiền không có thời giờ đọc báo.  

Không dùng từ vay mượn của tiếng nước ngoài chưa đi vào vốn từ phổ thông. Hiện nay, một số người hay dùng tiếng Anh một cách không căn cứ. Dường như họ muốn khoe chữ, làm sang, trong khi vốn liếng tiếng Anh không nhiều (người hiểu sâu một ngoại ngữ lại ít khi khoe). Đề cập đến thực đơn của một nhà hàng, chẳng hạn, một nhà báo đã viết sai mà không biết: « poster menu » (poster là tấm bích chương… và menu là thực đơn; hai từ này không dùng chung với nhau). Có nhà báo viết « nhà đầu tư » xong, lại chua thêm tiếng Anh - « investor room », tức là « phòng đầu tư », biến người thành đồ vật!

Không nên chấp nhận lối viết ba rọi như thế này: “hàng hot”, hoặc “một view quá lý tưởng …”  Nên đề nghị phóng viên diễn tả ra: hàng gì được bán chạy; góc nhìn ra đường đó như thế nào. Cũng không cần thiết phải dùng “đi shopping”. Tại sao không viết “đi mua sắm” nhỉ?

Cẩn thận với từ mới. Trong một cuộc họp nhằm tìm cách thức gỡ khó cho các công ty xây nhà, kinh doanh đất, một quan chức cho biết chính quyền thành phố sẽ mua lại nền đất hoặc căn hộ của các doanh nghiệp này. Phóng viên tường thuật lại lời ông, nói rằng đó là hướng “xuyên băng” của thị trường bất động sản. Người ta hay nói “đóng băng”, và ngược lại, “tan băng”, không ai nói “xuyên băng”.  Có nên sáng tác từ mới kiểu như vậy không ? 

Có một số từ khác được tạo ra, cũng không theo nguyên tắc nào, như « đinh tặc » (người rải đinh cho thủng bánh xe gắn máy của người khác rồi vá hoặc bán ruột xe ăn tiền - nhiều) ; « ngói hóa » (nhà tranh chuyển thành nhà ngói).

Nhà báo phải là một lực lượng - bên cạnh các thầy cô giáo và những người hành nghề viết lách khác - quảng bá và bảo vệ sự trong sáng của tiếng mẹ đẻ.[4] Cần nhớ: ngôn ngữ viết luôn có tính bảo thủ. Không giống với văn nói, nó không chấp nhận những lối diễn đạt luông tuồng, cẩu thả. 

Ngoài việc làm cho các bài báo trở nên rõ ràng, dễ hiểu, biên tập viên còn phải tìm cách sửa chữa các chỗ phóng viên đã để cho sự thiên lệch xuất hiện. 








TÌM HIỂU VÀ THỰC HÀNH ẢNH BÁO CHÍ 


Ảnh báo chí có những nguyên tắc mà nhà nhiếp ảnh làm báo phải tuân thủ, không thể lầm lẫn. Đây cũng là lằn ranh bắt buộc để phân biệt với ảnh sáng tác hoặc các ngành ảnh khác, trên bình diện nghệ thuật.

1. TÍNH TƯ TƯỞNG

            Ảnh báo là một đặc trưng “tiếng nói bằng ảnh” trên mặt báo, nhưng phải là “một binh chủng hợp thành” của báo chí, đồng bộ với các loại hình ngôn ngữ văn hóa khác “hợp xướng, đồng ca” tôn chỉ, mục đích của tờ báo. Và trên hết, nhắm vào mục đích văn hóa – tư tưởng xã hội.
            Ảnh báo chí là ngành ảnh thực hiện rõ nhất bản chất của nhiếp ảnh: chụp cái hiện hữu, đang vận động. Từ vật chụp bộc lộ một định hướng tư tưởng. Thực ra, bất kỳ một tấm ảnh nào cũng có chủ ý nhất định.
            Tính tư tưởng – linh hồn của ảnh báo chí – được thể hiện qua:
            Nội dung của ảnh: Là sự nỗ lực của con người và tập thể trong lao động xây dựng đất nước thông qua trạng thái tinh thần vươn tới lý tưởng chân – thiện – mỹ.  Thông qua chủ quan, ảnh báo chí còn luôn đi tìm bản chất, trung tâm của sự kiện. Từ đó khai quật cái hay, cái tốt của sự thật hoặc cái đẹp của tâm hồn. Dễ thấy nhất : đồng lúa chín vàng biểu hiện của sự no đủ, được mùa; nghệ sĩ thường “hớt ngọn” bề mặt đồng lúa với những bông lúa trĩu hạt; phóng viên ảnh đi vào tìm hiểu, khai thác “tầng sâu” nước –phân –cần –giống và năng suất, nguyên nhân làm nên cánh đồng lúa chín, biểu dương những nhân tố tích cực. Phóng viên cũng xúc động trước trời, mây, sông, núi nhưng biết tìm đến công việc của người đánh bắt cá, người trồng rừng. Ảnh báo chí dựng nên những bức lao động hoành tráng của con người. Chỉ phóng viên ảnh báo chí mới nhìn ra giọt mồ hôi trên khuôn mặt vị bác sĩ trong ca giải phẫu.
            Ngôn ngữ  của ảnh báo chí là chính luận; hình tượng ảnh báo chí là chính diện. 
            Mối quan hệ tay ba: hiện thực –phóng viên –bạn đọc liên hệ mật thiết và tác động qua lại. Hiện thực khách quan qua sàng lọc của phóng viên sẽ định hướng cho bạn đọc, đem đến cho họ tri thức mới, giúp nâng cao tư duy và dẫn đến hành động. Đến lượt hành động thúc đẩy lại hiện thực tiến bước. Và vòng tuần hoàn này góp phần phát triển xã hội.

2. LƯỢNG THÔNG TIN THỊ GIÁC

            Tin tức là gì? Đó là bất cứ thứ gì trước đây chưa biết hoặc mới xảy ra. Những gì được nghe nói, được rỉ tai, được kể bằng lời, báo chí dùng phương tiện nhiếp ảnh “kể” bằng tận mắt nhìn để mọi người mục sở thị. Quan niệm mới về thông tin là bất cứ hoạt động nào tham gia vào mặt trận truyền thông đại chúng, tìm mọi cách để sớm đến với bạn đọc. Thật đơn giản: mọi người nghe nói có con vật lạ đầu tiên được nhìn thấy ở gần Quảng Bình, được gọi là con Hươu Sao La, thì nhiều người và cả một số nhà sinh vật học thế giới đã bay đến Quảng Bình tìm hiểu, đánh giá khoa học, xếp giống loại, quay phim, chụp ảnh đăng quảng bá hiểu biết về con vật mảnh mai, mình hươu, đầu nai, tai ngựa.
Cầu Mỹ Thuận bắc qua sông Tiền dài hàng ngàn mét, nghe nói được áp dụng kỹ thuật làm cầu hiện đại nhất khu vực, mà bằng dây treo, cầu treo dây văng là thế nào? Thì đây, ảnh cây cầu đã được in trên báo. Mỗi tờ báo đem đến cho bạn đọc một cái nhìn cụ thể, chi tiết nhìn cây cầu ban ngày, nhìn cây cầu ban đêm chiếu sáng như trong mơ, này các bộ phận dây văng, này dải ngăn cách, này độ cao chiếc cầu mà con tàu đang rẽ sóng dưới bóng của nó … Và đây, ảnh lễ khánh thành, ảnh chân dung những con người lao động xây dựng nên cây cầu lịch sử, …v.v….Lợi ích của thông tin bằng mắt là vậy.
Đối với nhà báo, câu hỏi vẫn luôn đặt ra: Tin gì? Ở đâu ra? Các biên tập viên tin tức thế giới tìm nguồn tin toàn cầu, ghi chép, chọn lọc... trên cơ sở lao động của động nghiệp bốn phương. Còn tin tức trong nước? Phải bằng chính công sức cuốc xới trên mảnh đất của mình để tìm ra những vỉa kim loại mang nội dung tin tức. Thế giới đối tượng của phóng viện được chia làm hai loại sự việc: sự việc bất thường nảy ra tin tức và sự việc thường ngày –vốn chiếm nhiều nhất những điều tai nghe mắt thấy của biên tập viên, phóng viên, nhưng phải sục sạo, tìm tòi, phân tích, lý giải mới tìm ra được yếu tố tin tức.
            Phóng viên ảnh tham gia vào công việc báo chí là công việc có định hướng. Chụp gì? Tại sao, (việc đó) như thế nào ? Đó là những câu hỏi mà phóng viên đặt ra cho mình hằng ngày, trong khi không ngưng nghỉ việc đưa ảnh lên báo. Các nhà quản lý báo thường xuyên nhắc nhở phóng viên của mình và những cộng tác viên đắc lực: Chụp gì? Tại sao? Như thế nào? Để đáp ứng nhu cầu thông tin của bạn đọc và cũng vì lợi ích sống còn của tờ báo. Qua điều tra của các tổ chức báo chí thế giới, có một kết luận được đưa ra: tờ báo nào có ảnh giải đáp chặt chẽ, phong phú thì tờ báo đó giành được nhiều bạn đọc hơn.
            Đến đây, điều quyết định chất lượng thông tin là nội dung phải chụp trở thành yếu tố hàng đầu của ảnh báo chí. Lãnh vực báo chí khai thác tình trạng động, biến động ở trong đó, về những gì quan hệ đến đời sống con người. Đứng hàng đầu những điều quan tâm là những vụ việc cấp bách trực tiếp đến sinh mệnh của số đông: chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh, nạn đói. Thứ đến là những thành tựu do con người làm ra: hòa bình, hữu nghị, sinh hoạt chính trị của toàn dân, những công trình to lớn ích nước lợi dân, những thành tựu kinh tế, những phát minh và sáng tác biểu hiện tài năng trí tuệ con người, những biểu tượng về đức tính tốt đẹp truyền thống của dân tộc …
            Phương tiện nhiếp ảnh có khá nhiều thuận lợi để báo tin cấp kỳ, trình làng bộ mặt của sự kiện lúc xảy ra. Đồng thời những nhà báo nhiếp ảnh tinh thông nghề chụp ngay lấy hành động cùng bộ mặt con người trong sự kiện. Thái độ vui buồn hay lo âu, rạng rỡ hay thảm cảnh cũng như mối quan hệ giữa người với người trong sự kiện. Trong những công trình do con người làm nên, chủ đạo vẫn là hành động và bộ mặt con người đang xây dựng. Cũng như con người trong phát minh, sáng tác, sản xuất, thu hoạch mùa vụ, học hành …Bên cạnh những cỗ máy to lớn, những phương tiện tinh xảo thì điều ảnh báo chí truyền đạt vẫn phải là mặt, hành động, cử chỉ con người.
            Vấn đề con người là trung tâm miêu tả, tái hiện của báo chí – và do đó, xác lập trong nghệ thuật nhiếp ảnh – là một quan điểm hình thành qua tranh luận, đấu tranh tư tưởng và ý thức lâu dài mới đạt được. Có một số người chủ trương: thảm cảnh, tai họa, sáng chế, phát minh, …nó đã xảy ra, anh là nhà báo hãy chụp nó như nó vốn có, ảnh càng ác liệt, giật gân càng thu được nhiều tiền. 
Nhưng chúng ta chủ trương: sự việc đương nhiên đã và đang xảy ra, nhưng con người có thể chế ngự thảm họa, cưu mang nhau vượt qua thảm họa; những thành tựu, những điều tốt lành trong đời mà con người coi là đạo lý có thể nhân ra. Lập luận này tích cực chứng minh luận điểm: con người là trung tâm của thế giới, là chủ thể hưởng thụ cũng là chủ thể cải tạo và xây dựng thế giới; chiến tranh không phải là định mệnh của loài người. Điều phân định này lý giải: ảnh báo chí nói riêng và báo chí nói chung của nước ta không coi sản phẩm của mình là thương phẩm đơn thuần, mà coi đây là công cụ làm chủ của nhân dân; và qua đó nói lên phẩm chất đạo đức của nhà báo.
            Có một thực tế: Trong cơ quan báo, hầu hết biên tập viên, phóng viên viết đều được học về nhiếp ảnh. Nhưng phần lớn trong họ không phải là phóng viên ảnh. Bởi việc chuyên viết, chuyên chụp có những ngón nghề riêng biệt. Nhà nhiếp ảnh làm báo –phóng viên ảnh có đặt trưng về tư duy hình ảnh, có khả năng làm mọi chuyện mà mình gặp thành thứ nhìn thấy được. Robert Kerns, nhà nhiếp ảnh người Mỹ (trong sách Photo Journalism) đưa ra kết luận: nghề nghiệp phóng viên ảnh phải được xây dựng trên nền tảng vững chắc (giống như nhà xây dựng mà xây dựng một cái nền vững chắc, sao cho ngôi nhà khỏi đổ). Nền tảng vững chắc của phóng viên ảnh dựa trên cấu trúc hợp thành thống 3 yếu tố: Suy nghĩ, Hình dung trước, Thể hiện, gọi là bộ ba truyền thông tin thị giác.
            Suy nghĩ là năng lực làm việc của mọi người, mọi nghề. Ở báo chí, sự sung sức của cơ thể (phóng viên) làm khuếch đại suy nghĩ thị giác. Suy nghĩ thị giác dựa vào tri thức và khát vọng. Tri thức chính xác, đầy đủ của phóng viên ảnh nhằm xem xét chọn lọc, phân tích, tổng hợp, đánh giá đối tượng tái hiện và khát vọng hành động, hành động tức thì, hành động vì mục đích truyền tải nhận thức của mình tới bạn đọc.
            Hình dung trước tác phẩm mà mình sắp sửa (hoặc sẽ) bấm máy. Đây là năng lực rất riêng biệt của nhà nhiếp ảnh, ở đây là phóng viên ảnh. Ansel Adams là người đầu tiên khai sinh khái niệm sự hình dung trước, sự tưởng tượng rõ ràng trong trí óc (Visualization) trong sách The Negative (âm bản). Theo nhà tự nhiên học kiêm nhiếp ảnh gia này, sự hình dung trước, từ chỗ tìm tòi ý nghĩa, bản chất đến hình thể tái hiện, bố cục, sắc độ, hiệu quả tương phản, sáng chói như nó sẽ xuất hiện trên tấm ảnh được làm tấm âm bản. Hình dung trước giúp nhà nhiếp ảnh thay đổi cả một bố cục lý tưởng nhất. Khả năng hình dung trước giúp nhà nhiếp ảnh thay đổi và quyết định các biện pháp thu hình tại chỗ, thậm chí đến cả một bố cục lý tưởng nhất. Có người có khả năng hình dung trước những ý tưởng chụp ảnh lâu dài, có tư duy hình tượng hóa.
            Thể hiện là giai đoạn sử dụng công nghệ thích hợp và tốt nhất nhằm truyền tải hình ảnh đã được suy nghĩ và hình dung trước. Lúc này, phóng viên ảnh phải giải đáp những câu hỏi đặt ra.
            -Mục đích chụp (tấm ảnh này) là gì ?
            - Ai là người xem ảnh ?

BA THÀNH PHẦN CỦA ẢNH BÁO CHÍ

1. CHỦ ĐỀ ẢNH

Trong  xã hội mênh mông, bát ngát, dàn “ăngten của báo chí” buộc phải chia thành những “cửa tiếp xúc” và phản ánh để khỏi sót bất cứ một diễn biến nào. Đó là các sự kiện chính trị đối nội và đối ngoại, ngoại giao và hữu nghị quốc tế, kinh tế (công nghiệp – nông – lâm - thuỷ - hải sản), văn hoá, giáo dục, khoa học, xã hội, quân sự - quốc phòng – an ninh. Mỗi một cửa tiếp xúc lại bao quát nhiều lĩnh vực, như công nghiệp có công nghiệp nặng (hầm mỏ, luyện thép, dầu khí, điện lực, cơ khí, hoá chất…), công nghiệp nhẹ (giấy, vải, đường sữa, chế biến nông sản, thực phẩm, đồ nhựa, may mặc…), tiểu thủ công, mỹ nghệ, hàng truyền thống dân gian.
Ngay cả lĩnh vực nông lâm thuỷ hải sản lại cũng có thể chia nhỏ như sau: nông dân, nông thôn, mùa vụ, sản phẩm nông nghiệp, xuất nhập khẩu, phương tiện đánh bắt, nuôi sống … giao thông vận tải (cầu đường, hàng không, hàng hải…)
Khi đã có đề tài thể hiện, giữa những ngổn ngang, đan chồng của tình hình, phóng viên phải sàng lọc, phân tích, đánh giá, tìm ra những điểm hội tụ có khả năng nảy sinh thông tin và cần thông tin, để thành chủ đề, rồi tìm cách tái hiện bằng được. Trước đây, giới ảnh báo chí phân tích làm hai khái niệm: chủ đề và tư tưởng chủ đề. Thực ra, thuật ngữ chủ đề đã bao hàm: “Vấn đề chủ yếu được quán triệt trong nội dung một tác phẩm trong văn học nghệ thuật, theo một khuỵnh hướng nhất định” (Từ điển tiếng Việt). Vậy chủ đề đã khẳng định tính tư tưởng mà phóng viên muốn đề cập từ đề tài.
            Ở đâu ra những chủ đề có lượng thông tin đối với nhà báo? Trước hết, ở tầm vĩ mô quốc gia, những vấn đề về chính trị - xã hội, liên quan đế quốc kế, dân sinh: hoạt động của trung ương Đảng và Nhà nước, những sinh hoạt chính trị, ngoại giao, quốc sách kinh tế, an ninh và quốc phòng, thiên tai, dịch bệnh, tình trạng chiến tranh,… Những nội dung này, đối với nhà báo, có cái được biết trước, có cái đột xuất, có cái phải tìm hiểu, điều tra để phát hiện.
Thứ đến, hằng ngày, thường xuyên, từng phút, từng giờ, luôn có sự việc mới xảy ra hoặc đang xảy ra trên các địa bàn lãnh thổ, trong tất cả các lãnh vực của đời sống. Nhà báo nhờ thường trú, túc trực tại chỗ hoặc thông qua cộng tác viên, thông tin viên mà nắm được thông tin rồi có mặt tại hiện trường. Tuy ở mức độ sự việc mà anh ta quyết định phương tiện giao thông, để có mặt ở nơi cần phản ánh thành ảnh.
Một loạt sự việc khác cũng đến với phóng viên: các tổ chức, đơn vị, địa phương, người chủ trì công việc mời tới thực hiện phóng sự về việc làm của mình. Tại những nơi này, thường có những bộ phận hoặc nhân sự chuyên trách công tác tuyên truyền, văn hoá đứng ra mời và làm việc với phóng viên. Họ giúp phóng viên rút ngắn được thời giờ thâm nhập thực tế, mau chóng tìm ra những đối tượng và các tình tiết thông tin cần thiết. Tuy nhiên, phóng viên vẫn phải bằng tư cách độc lập công tác, thẩm tra khéo léo, khuôn lại những vấn đề chủ yếu, tránh sự chủ quan của “chủ nhà”.
Đến đây, phóng viên đã có cơ sở để lấy in. Nhưng trên cơ sở tiếp xúc đó, xác định chủ đề của ảnh như thế nào?
Từ mô hình con người mới, báo chí đã tìm đến những con người thật, việc thật, người tiên tiến, việc tiên tiến và người tốt, việc tốt.
            Phóng viên ảnh thường thông qua phương pháp phóng sự, vận dụng thể loại chân dung, sinh hoạt… khai thác khía cạnh đưa tin từ những tấm gương đó, làm đòn bẩy thúc đẩy xã hội đổi mới và tiến tới. Với một tỷ lệ ít hơn, phóng viên ảnh đến nơi những người, những việc chưa tốt, bằng phương pháp tìm hiểu của nhà báo nhân dân, trò chuyện cùng họ, lắng nghe tâm tư, bàn biện pháp tháo gỡ, trân trọng những diễn biễn hướng thượng để phản ánh về họ.
            Tóm lại, xây dựng đề tài theo hướng tích cực xã hội là lương tâm và trách nhiệm của nhà báo nói chung và nhà báo chụp ảnh nói riêng

2. HÌNH TƯỢNG ẢNH

Người ta nói một tấm ảnh tốt có thể thay cho hàng ngàn lời nói là nhờ vào tính cô đọng của hình tượng trong ảnh. Cả một sự kiện nhiều diễn biến, nhiều tình tiết, nhiều hướng phát triển, vậy mà chỉ cần cô đọng vào một tấm ảnh (hoặc một nhóm ảnh). Khi đã có chủ đề rồi thì đến miêu tả tái hiện lượng thông tin. Thời cơ bấm máy là đáp án của cả một bài toán nghề nghiệp (góc độ bao quát, ánh sáng tối ưu, mối quan hệ cận – trung – toàn cảnh?, mối quan hệ vật chính - vật phụ?...). Thứ đến là phán đoán, quyết định thời điểm tiêu biểu nhất của cảnh hoạt động trước mắt, săn đón, chờ đợi cái chớp nhoáng kỳ diệu ấy. Sự kỳ diệu chỉ có thể tìm thấy ở động tác hành động của nhân vật, hoặc các nhân vật, tư thế - động thái – tình cảm ở thời điểm tiêu biểu nhất, giàu chất biểu hiện và thuyết phục làm thành sự cô đọng của hình tượng trong ảnh. Thời cơ, dẫu do khách quan hoặc do chủ quan phóng viên thúc đẩy, khi đã đến đỉnh điểm, anh ta phải biết chớp lấy.
Henry Cartier – Bresson, với tư cách là một phóng viên xông xáo, đã rút ra kết luận: tôi không, và không thể sáng tác ra ảnh, nhưng tôi làm giàu khả năng biểu hiện của ảnh.
Thực tiễn hoạt động của bất cứ phóng viên nào sành kỹ thuật nhiếp ảnh đều thấy những cách thức làm giàu sức biểu hiện của ảnh là đều nằm trong tầm tay: ánh sáng, góc đứng chụp, cắt cảnh, bố cục… Và, mãi mãi thấy lời của Bresson là chân lý của ảnh báo chí: điểm của cú bấm máy. Cú bấm máy bao hàm hai lĩnh vực: tính quy luật của máy ảnh “nhìn thấy cùng lúc” mọi thứ trước mắt và tính chủ động thu hình của nhà nhiếp ảnh vào lúc điển hình, cao trào. Tính chủ động của nhà nhiếp ảnh còn biểu hiện ở tài năng tạo hình, biết nhấn mạnh, tô đậm chủ đề vừa đưa xuống hàng thứ yếu - thậm chí gạt bỏ - những tình tiết phụ, những chi tiết thừa.
            Ảnh báo chí được phép gia công thẩm mỹ nhằm tăng cường giá trị mỹ cảm, nhưng lại không được sa đà vào phương pháp này, thường rất dễ thấy ở những nhà nhiếp ảnh không chuyên, những người cầm máy thẻ đang đứng trước “ngã ba đường: ảnh báo chí và ảnh sáng tác”.
Hình tượng nghệ thuật mang tính khái quát cao phản ánh những nét tiêu biểu, bản chất của hiện thực được biểu hiện trong cái cá thể - con người và sự việc riêng biệt – sinh động, không lầm lẫn với bất kỳ nhân vật hoặc tác phẩm nào đã có. Nói như trong phương pháp hiện thực: phản ánh con người điển hình trong hoàn cảnh điển hình. Lấy làm ví dụ: Phóng viên Đức Như xây dựng tác phẩm THU HOẠCH VỤ MÙA. Anh tìm đến hợp tác xã Vũ La (Thái Bình), một hợp tác xã tiên tiến điển hình về sản xuất nông nghiệp đạt sản lượng cao, hoàn thành các nghĩa vụ về lương thực và quốc phòng, nhờ tổ chức lực lượng sản xuất tốt và cải thiện đời sống nông dân: anh chọn thời điểm lúc thu hoạch một vụ lúa được mùa.
Ở đấy, anh làm phóng sự báo chí về mùa thu hoạch, nêu diện tích, năng suất, biện pháp kỹ thuật gieo trồng và chăm sóc, biểu dương tổ khoa học kỹ thuật của thanh niên nông dân, đồng thời chú tâm xây dựng hình tượng nhân vật phụ nữ mới. Trong ảnh là một phụ nữ tiêu biểu cho lớp nữ thanh niên nông thôn mới, bộc lộ tinh thần làm chủ được giải phóng khỏi những tàn dư phong kiến cũ, ôm những lượm lúa chín nặng hạt nói lên ý nghĩa được mùa, riêng cô thợ gặt nét mặt sảng khoái, cơ thể cường tráng, trong tư thế bước đi sinh động. Tác phẩm tạo hình thanh thoát, một ánh sáng bên trên cao chiếu xuống làm rạng sáng khuôn mặt, tạo phần sáng tối khuôn mặt, tạo phần sáng tối lập thể trên thần hình giàu sức biểu cảm; bộ quần áo nông dân ngày mùa, những lượm lúa, mặt cánh đồng lúa đang gặt, khắc hoạ nên một cảnh tượng hiện thực.
            Tác phẩm của Đức Như đã toát ra hiệu quả điển hình hoá và cá thể hoá của hình tượng nghệ thuật.
Tác giả Lê Tú, một tay máy chụp dịch vụ văn hoá, quyết tâm xách máy… dấn thân đi chụp người thật việc thật. Anh nói: “Tôi xem truyền hình và tình cờ thấy anh – thương binh thương tật ¼ Nguyễn Nam Quốc - cụt cả hai tay. Tôi cùng một số đồng nghiệp sang Quận 8 (TP.HCM) tìm anh để xin chụp ảnh. Nhưng anh hẹn mấy tháng sau, khi nào thu hoạch cá sẽ nhắn sang chụp luôn thể. Hôm sang chụp, tôi bấm luôn một hơi 4 cuộn phim. Hơn 120 ảnh, tôi  chỉ chọn được một ảnh gửi dự thi…”. Và tác phẩm MƯU SINH ra đời. Tác giả đã chọn từ trong xấp ảnh chụp nhiều cảnh sống, làm việc của nhân vật; dùng đôi chân thay tay khoát cặp mái chéo xuống, lội nước giăng lưới, xua gom cá… để chắt lọc lấy tấm ảnh anh thương binh dùng hai cài tay giữ chặt mép lưới, cười khoái trá trước một mẻ cá lớn, dầy đặc, quẫy nước.
Tác phẩm miêu tả một nhân vật “tàn mà không phế”, mang phẩm chất của con người mới, người tiên tiến - nạn nhân của chiến tranh - để khẳng định con đường mưu sinh và đạt tới thành công. Tác phẩm cũng nói lên tấm lòng của tác giả, cảm phục và xúc động trước ý chí của con người, một biểu hiện của nhân sinh quan tích cực. Tính cách nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình đã giúp tác giả xây dựng nên một hình tượng nghệ thuật điển hình hoá, cá thể hoá. Tác phẩm đã đoạt giải Grand Prix của ACCU năm 1998.

3. CHÚ THÍCH ẢNH

Ảnh báo chí coi chú thích ảnh là bộ phận hợp thành, không thể thiếu. Nói cách khác, ảnh báo chí có hai kênh: kênh hình ảnh và kênh ngôn từ. Ở ảnh một tấm, ngôn từ là chú thích ảnh. Ở ảnh nhóm (tường thuật, tổng hợp, phóng sự, ký sự…), ngôn từ trở thành bài viết công phu.
Ở ảnh báo chí, hình tượng là yếu tố truyền đạt hàng đầu. Tuy nhiên, hình tượng không nói hết được những chi tiết thông tin như thời gian, địa điểm, tên người, quá trình công việc và hiệu quả. Lại nữa, đề phòng tính nhiều nghĩa của hình tượng có thể làm nhiễu thẩm định của bạn đọc, phóng viên khuôn lại chỉ một định hướng mà thôi. Trong trường hợp này, ngôn từ của ảnh là chìa khoá giúp bạn đọc khám phá, suy ngẫm, tự rút ra kết luận.
            Giới báo chí đã đưa ra các yêu cầu cho lượng thông tin trên báo, gọi là 5 yếu tố tin tức, viết tắt bằng 5 W +  H. Đó là
- Ai (Who)
- Cái gì (What)
- Ở đâu (Where)
- Tại sao (Why)
- Khi nào (When)
- Như thế nào (How)
Với 6 yếu tố tin tức, nhà báo đã nói được nhiều. Nhưng chưa phải là tất cả. Và, chẳng ai hạn chế nhà báo khi cần thêm thắt những điều anh ta thấy cần thiết cung cấp cho bạn đọc. Ví dụ: số liệu so sánh với cùng kỳ năm trước, dự báo trước mắt… và cả những lời bình.
Ở ảnh báo chí, một tấm ảnh khi đứng độc lập, chú thích ảnh cần được chăm sóc chu đáo. Trong trường hợp này, thường nảy sinh một mâu thuận nhỏ: sự việc cần đưa tin thì bao quát rộng mà tấm ảnh chỉ chụp được một tình huống cụ thể. Phóng viên ảnh viết chú thích làm hai đoạn: đoạn tin bao quát để bạn đọc hiểu được sự việc và tiếp theo, đoạn tin cụ thể liên quan đến cảnh được bấm máy ra thành ảnh.
            Ảnh thời sự hôm nay là ảnh tư liệu của ngày mai, chú thích được sử dụng hôm nay là chú thích nguyên thuỷ, được lưu giữ mãi cho sau này. Nó được làm căn cứ cho việc truy cứu khoa học về sau.
Về sau, ảnh được đem ra dùng cho nhiều nhu cầu (báo chí sử dụng tư liệu, biên tập bộ ảnh triển lãm, giao lưu quốc tế, đưa vào bảo tàng, nhà truyền thống, chọn thi “nghệ thuật”, xuất bản tuyển ảnh …). Mỗi lần sử dụng lại, tuỳ yêu cầu mà chú thích nguyên thuỷ có thể được rút gọn, biên tập lại,… nhưng vẫn cần thiết giữ  những giá trị gốc (người, địa điểm, thời gian, công việc). Về sau, thời gian càng xa, những giá trị gốc giúp ích nhiều cho nhà xã hội học, lịch sử học trong tương lai.
Bài viết kèm những nhóm ảnh, tuỳ thể tài ảnh nhóm mà viết thì sẽ linh hoạt. Có thể được coi như văn bản văn học, giúp bạn đọc soi sáng, gợi mở nhiều khía cạnh, có thể nhận xét, đánh giá, cổ vũ …Tuy nhiên, bài viết không nên dài, không lặp lại những gì mà ảnh đã nói lên được.
            Khi sử dụng ngôn từ, phóng viên gặp một số khó khăn: nhân vật phải có đủ tên họ và chức vụ, hàm, vị, tước hiệu phải rất chính xác, biểu hiện sự nghiêm túc. Gặp khi chụp những nội dung khoa học kỹ thuật chuyên sâu, các phương pháp công nghệ, tên máy móc, phương tiện, công suất, tên sản phẩm, công dụng, hiệu quả… dẫu phóng viên có học vấn và kinh nghiệm từng trải, nhưng đòi hỏi nghe – tiếp nhận - viết ra - truyền đạt sao cho vừa đúng vừa dễ hiểu đối với bạn đọc là một việc không đơn giản. Nếu không được tìm hiểu, ghi chép đầy đủ khi lấy tin, bấm máy, ỷ lại vào trí nhớ sẽ thất bại.
Nhiều khi phải nhờ cơ sở hoặc nhân vật được chụp ảnh xem lại giúp mình sửa chú thích và bài viết. Chụp ảnh lãnh tụ, các nhân vật lớn trong xã hội, do ý muốn của các vị ấy hoặc do lòng kính trọng của phóng viên (hoặc do quy chế của toà soạn báo quyết định), ảnh chụp các vị trước khi in lên báo đều trình lên, xin ý kiến chọn lựa. Bác Hồ lúc sinh thời, văn phòng Chủ Tịch  có thông lệ đệ trình ảnh chụp dược lên Chủ tịch duyệt. Mỗi khi chuẩn bị đi công tác nước ngoài, tự Người chọn ảnh chân dung làm ảnh chính thức công bố ở nước bạn; trong tập chân dung của Người trước chuyến thăm Ấn Độ, Người chọn một tấm mặt hơi gầy với bộ râu dài.
Thông tấn xã Việt Nam có quy chế xác định: những phim ảnh của phóng viên chụp về, sau khi viên tập xử lý, những phim, ảnh đạt yêu cầu được sử dụng và đưa vào kho tư liệu lưu trữ; những phim, ảnh không đạt yêu cầu (do lỗi kỹ thuật hoặc động thái của nhân vật) đều phải huỷ bỏ, để tránh những hiểu lầm trong tương lai.

KỸ THUẬT NHIẾP ẢNH BÁO CHÍ

            Khi vào hoạt động báo chí, nhà nhiếp ảnh hoàn thiện dần kỹ năng nhiếp ảnh của mình. Kỹ năng đó trở thành bản năng như người ta mở miệng là nói ra lời, cầm bút là viết ra chữ, cầm …máy ảnh là chụp thành ảnh. Nhờ có:
            a. Điểm nhìn. Nói cách khác là góc độ chụp: nhìn bao quát hay nhìn trọng điểm, nhìn đề cao hay nhìn hạ thấp, nhìn vào trung điểm (tiêu biểu) của đối tượng hay nhìn tản mạn “chẳng thấy cái gì”. Nhìn có định hướng là nguyên tắc của bất kỳ phóng viên ảnh ở bất kỳ quốc gia nào. Quan sát lối làm việc của họ, thấy mỗi người khi “vào cuộc” là tìm ngay được một góc đứng chụp tối ưu, sắc sảo.
            Không ở đâu bằng trong ảnh báo chí, thấy tỷ lệ ảnh sử dụng góc độ thấp nhất lên cao chiếm tỷ lệ lớn, đấy là góc nhìn cao nhân vật đối ngoại. Tác phẩm Nguyễn Văn Trỗi trước giờ hành hình được chụp bằng một góc độ trân trọng như vậy. “Người ta lớn bởi ta quỳ xuống” (thơ Aragông –Tố Hữu).
            b. Máy ảnh sẵn sàng. Lời khuyên của các nhà nhiếp ảnh lớp trước là ra khỏi nhà, anh hãy mang theo máy ảnh bên mình và máy ảnh luôn ở tư thế sẵn sàng. Cần đặt một chỉ số bắt sáng gần đúng với hoàn cảnh trước mắt cũng như cần đặt một cự ly máy “chung chung”, ví dụ đặt sẵn f/8-1/125-vạch 5 mét (là đã có thể chụp một cảnh tương đối đủ ánh sáng và rõ nét từ 2 mét đến vô cực), đương nhiên sẽ dễ dàng căn chỉnh chi tiết hơn khi “vào cuộc”.
            c. Bố cục qua khung ngắm phải là sở trường của phóng viên. Đây là điều rất nhiều nhà sư phạm nhiếp ảnh hoặc mỹ học nhấn mạnh với các nhà nhiếp ảnh: phải tập luyện để có thể hình dung trước tấm ảnh sắp sửa bấm máy. Phóng viên ảnh phải quá thành thục điểu này. Qua khung ngắm, đã xác định đâu là nhân vật trung tâm, cái gì sẽ đưa lên tiền cảnh và cái gì đưa xuống hậu cảnh. Chính là do điểm nhìn quyết định đối tượng chính – phụ, chi tiết lớn nhỏ, khoảng cách gần xa…cắt cảnh thực tiễn đưa vào tấm ảnh của tương lai. Tuy nhiên, sự quyết đoán của phóng viên hoàn toàn dựa vào phản ứng nhanh nhạy trước tình huống khách quan.
            d. Tạo trạng thái động trong ảnh. Hình tượng nghệ thuật báo chí là sự cô đọng (nhà văn Nguyễn Tuân từng ví phóng viên ảnh chụp “cú một” giống như lính bộ binh sử dụng súng trường vắn phát một ….mà bách phát bách trúng). Hình tượng “ cắt” một cảnh, sao cho người xem hình dung được điều gì đã xảy ra trước đó. Diễn biến nét mặt, hướng cử động, tình tiết được tập trung vào chủ đề; chiếu theo thói quen và tâm lý thị giác (ví dụ : thói quen đọc hàng chữ từ trái sang phải sinh ra thói quen nhìn chuyển động từ trái sang phải và mặt ảnh nằm ngang, đôi khi phim âm bản được phóng trái để được hiệu chỉnh hình ảnh phù hợp với thói quen đó). Với một số ảnh hoạt động, thời chụp châm hơn một, hai nấc để tạo nét nhòe, mờ hoặc chao động nhẹ của động thái. Chụp chậm một vận động hoặc chụp lia máy, kỹ xảo “chơi zoom” với ống kính zoom cũng là nhằm biểu hiện động thái trong ảnh.
            e. Tạo hiệu quả căng trong ảnh. Điều vừa nói tới, thể hiện trạng thái động/tĩnh, tĩnh/động là một ví dụ làm ra tình thế căng trong ảnh. Tương tự, các kỹ thuật chọn những bộ phận sáng/tối, tối/sáng, trắng/đen, đen/trắng, rõ nét/mờ nhòa, màu đỏ-màu cam/màu xanh-màu đen, không gian bị chặn lại sau lưng/không gian mở rộng ra trước mặt nhân vật, …v..v…làm cho độ căng trên ảnh hấp dẫn mắt nhìn củ bạn đọc.
            Ảnh báo chí đạt tới kịch tính khi thể hiện tình trạng mâu thuẫn, hợp nhất trong ảnh. Tác phẩm TỪ THẦN SẤM XUỐNG XE TRÂU (Văn Bảo) nêu lên một màn kịch gây cấn : giặc lái Mỹ trong sắc phục phi công lỡ dở bị thương, (rời bỏ chiếc máy bay hiện đại có tên Thần sấm đâu đó trên trời cao) để ngồi bẹp xuống chiếc xe quyệt miền núi Bắc Giang trâu kéo và do người nông dân áo vải, chân đất dắt đi. Một cảnh khác: giữa cảnh khói lửa chiến tranh, người chiến sĩ quân đội nhân dân nâng tù binh băng bó đầu máu, uống ngụm nước từ chiếc bi đông đặt nghiêng. Giữa cảnh sông nước lầy lội, ngổn ngang thuyền bè đang dựng nên một công trường làm cầu. Những hình ảnh đối chọi nhau trong ảnh hàm chứa ý nghĩa lớn.
            f. Thời cơ bấm máy quan trọng đối với phóng viên trong thành ngữ GIÂY PHÚT QUYẾT ĐỊNH. Đúng là ứng vào mỗi hoạt động có một cái nháy mắt đáng giá nhất mà phóng viên không chớp đúng lúc thì sẽ trở thành một tấm ảnh vô hồn. Tuy nhiên, có một sự suy ngẫm sâu sắc: nếu một việc đã tới đỉnh điểm, đã được phơi bầy đầy đủ nhất, hà cớ gì bạn đọc phải suy nghĩ nữa cho mệt! Nên chăng, trước khi đối tượng đến đỉnh điểm, một phần nhỏ của cái nháy mắt, được thể hiện, để bắt buộc bạn đọc phải tự mình kết luận điều gì đã qua. Máy ảnh loại chuyên nghiệp bấm một mạch 5-7 kiểu giúp phóng viên đạt được sự diễn tả đó.
            Liên quan đến việc chụp (và đăng tải) ảnh trước khi tới đỉnh điểm của sự việc đơn lẻ nói riêng hoặc chuỗi các sự kiện, người ta ứng dụng hiệu ứng Zeigarnik (do nhà nữ tâm lý học Nga Zeigarnik chỉ ra): hành động chưa kết thúc thì dễ gây ấn tượng, còn khi nhiệm vụ đã hoàn thành thì bạn đọc báo không còn quan tâm tới nữa. Đây là thái độ tích cực muốn giải quyết công việc hoặc nhiệm vụ còn dở dang của người xem ảnh.
            Ảnh báo chí, trong trường hợp này, giúp bạn đọc vẽ nốt “bức tranh bỏ dở, suy nghĩ tiếp và kết luận lấy”.
            g. Phóng viên là người nắm bắt nhanh, cập nhật phương tiện kỹ thuật nhiếp ảnh mới xuất hiện. Họ dùng máy ảnh ống kính Zoom, tiêu cự cực dài.
            Thêm một phương thức nhiếp ảnh báo chí nữa. Nguyên tắc ảnh báo chí là không can thiệp, không dàn dựng, chỉ có thể thực hiện với người thật, việc thật. Đó là nguyên tắc bất di bất dịch của ảnh báo chí. Và, người phóng viên ảnh làm việc với tư cách nhà báo. Phương thức này chiếm lĩnh phần lớn thời giờ và công việc của người phóng viên. Tuy nhiên, bên cạnh phương thức “nguyên tắc ảnh báo chí” này, phóng viên cũng thực hiện những đề tài cho phép dàn dựng. Nói chung đó là phương thức sáng tác, phương thức phòng chụp –chân dung các nhân vật nổi tiếng, ảnh tĩnh vật, ảnh thương mại (quảng cáo) các mặt hàng và ảnh sáng tác. Những loại ảnh này cũng buộc phóng viên tiếp xúc nhiều phương tiện kỹ thuật nhiếp ảnh khác nhau.


THỂ TÀI ẢNH BÁO CHÍ

Ảnh trên trang báo thường xuất hiện dưới dạng đơn lẻ hoặc một nhóm. Trong mỗi dạng ảnh, tuỳ giá trị thông tin hoặc ý định chụp và sử dụng trên báo mà nhà báo có những phương pháp làm việc khác nhau.
Các thể tài thuộc dạng ảnh đơn lẻ
- Ảnh tin
- Ảnh phóng sự
- Ảnh thể thao
- Ảnh tài liệu
- Ảnh bình luận
Ảnh tin được coi là “cơm bữa” của báo chí, bởi nó nuôi dưỡng sự sống của tờ báo. Từ cuối thế kỷ 19, thuyết “đưa tin có ảnh kèm” đã ăn sâu vào lòng bạn đọc. Tất cả một lượng thông tin nhà báo muốn truyền đạt đến bạn đọc có thể được gói gọn trong một ảnh. Ưu thế của ảnh một tấm là đủ một nội dung, chiếm một vị trí khiêm tốn – mà độc tôn trên trang nhất - ấn loát bớt tốn kém, lại truyền đi nhanh và do đó dễ được phổ biến rộng. Nếu nội dung ảnh đáng được quan tâm, lập tức các hãng thông tấn, các cơ quan truyền thông truyền tiếp tấm ảnh đi xa. Ảnh tin một tấm buộc phóng viên (và biên tập viên, toà soạn) khi chọn ảnh để phổ biến phải kiếm tìm tấm ảnh đặc sắc nhất trong số các ảnh sự kiện, các nhà báo quen gọi là “ảnh chốt”.
Phóng viên trước một sự kiện, cố gắng chăm sóc vào thời điểm tiêu biểu chụp lấy một (hoặc một số ảnh để rồi chọn lấy một) ảnh chốt. Nếu là thời sự cấp bách, thường tổ chức phát ngay về trung tâm, rồi sau đó tiếp tục chụp tiếp theo hướng thời sự và hướng tài liệu. Không có gì hạn chế việc chụp ảnh của phóng viên về những điều mà anh ta quan tâm, thích thú. Rất nhiều ảnh trong số anh ta chụp được, tiếp tục có mặt trên báo ngày (báo nhà và báo bạn), báo tuần, báo tháng, để triển lãm, để  trao đổi văn hoá với nước ngoài….
Tuỳ vào nội dung truyền tải mà có ảnh tin chính trị, ngoại giao, kinh tế, quốc phòng, văn hoá, giáo dục… Mỗi loại tin có lối viết khác nhau và ảnh cũng có lối chụp khác nhau. Có điều, trong bất cứ trường hợp nào, phóng viên ảnh cũng cần quan sát, phân tích chọn lọc nhằm hướng ống kính của mình vào chính con người, chủ nhân của tác phẩm. Con người trong công việc. Con người lớn hơn cả máy móc, lớn hơn cả hoàn cảnh vì tác giả cần tái hiện được nét mặt, sắc thái, cử chỉ, đến cả nội tâm nhân vật cũng có thể bộc lộ ra. Trên trang báo, bạn đọc đặt mắt nhìn đầu tiên là tấm ảnh lớn, rồi mới đọc đến các tít lớn. Những cuộc điều tra về bạn đọc, ở nhiều nước, nhiều nơi, với máy móc tinh xảo và giấu kín, cho nhận xét như vậy và kết luận: Đặt mắt nhìn vào ảnh, người ta chú ý ngay vào mặt nhân vật rồi từ đó mới theo các ý đồ bố cục của tác giả mà nhìn ra xung quanh, quan sát tổng thể; tiếp theo, đọc chú thích để lĩnh hội hết ý nghĩa của tấm ảnh.
Ảnh tin về nhân vật liên quan hai hình thức của thể loại chân dung: chân dung chính khách và những người nổi tiếng (nghệ sĩ, trí thức, doanh nghiệp ) được chụp như chân dung của phòng chụp, có dàn đèn chiếu sáng. Và, chân dung những người chưa được biết đến, thường có khuôn mặt với động tác tay và một phần công việc
Ảnh phóng sự, thực chất là một dạng ảnh tin, thường “cắt” lấy một cảnh trong chuỗi vận động, có trạng thái động, làm như bất chợt nhìn thấy, gây nên cảm xúc ngạc nhiên.
Ảnh thể thao, bằng vào kiến thức và kinh nghiệm chuyên ngành thể thao (mỗi môn thể thao có những thể thức riêng) và máy ảnh có ống kính zoom tiêu cự cực dài, phóng viên săn ảnh trong các cuộc thi tài. Tất cả hoạt động đều diễn ra rất nhanh, cơ hội không bao giờ lặp lại, kỷ lục được lập và tiếp tục bị phá, hoàn cảnh chụp thay đổi luôn luôn. Phóng viên ảnh không chỉ có niềm đam mê của người đi xem, mà còn phải bám sát, theo dõi sít sao từng diễn biến, máy ảnh đã được phục kích ở vị trí được cân nhắc cho thích hợp, rà theo hoạt động của đối tượng, căn chỉnh nét theo, điều chỉnh độ trập trong chỉ số bắt sáng, cắt hình trong khung ngắm. Năng động của phóng viên cũng năng động như diễn biến thể thao.
Trong các môn thi đấu, phóng viên quan tâm đến tất cả các vận động viên, những tình huống thách thức mà con người gặp phải và vượt qua, tinh thần thượng võ và tình hữu nghị, những gương mặt nhìn gần của niềm vui chiến thắng và nỗi thất vọng. Ảnh có thể phát hiện  những kỷ lục mới được lập. Phóng viên cần tiếp xúc trước với các “siêu sao”, những thành tựu đã có và mục tiêu trước mắt, kiên nhẫn phục kích, đợi chờ, săn đón, nhanh tay nhanh mắt và chồm người lên chộp bắt thời cơ. 
Ảnh tài liệu chụp sự vật một cách chỉnh thể, trọn vẹn như trong tự nhiên giúp bạn đọc nhìn nhận một cách đầy đủ, ảnh chính thức của các nhà nghiên cứu, lưu trữ quốc gia và đưa vào sách giáo khoa. Cầu Mỹ Thuận bắc qua sông Tiền là một cây cầu được chụp nguyên hình với các số liệu độ dài, độ cao tĩnh không, đường dẫn hai đầu, vốn đầu tư, thời gian làm cầu (ngày khởi công và ngày làm lễ hoàn thành). Hình ảnh con Sao La mới phát hiện ở rừng Quảng Bình, con cá mập sa lưới ở Gò Công, con rùa cổ nổi lên một sáng tháng năm ở Hồ Gươm, con tàu đổ bộ xuống Sao Hoả, kho vũ khí bí mật của quân đội KLA do KFOR phát hiện được ở Kosovo, là tính tài liệu nổi trội hơn tính thời sự. Nhà nhiếp ảnh “tỉnh” Bùi Bé Tư, nhà nhiếp ảnh tài tử - bác sĩ Đoàn Hồng, phóng viên ảnh TTXVN Minh Lộc trong số hàng chục nhà nhiếp ảnh trong nước và quốc tế tìm mọi điều kiện để đến cánh đồng Tràm Chim Đồng Tháp Mười đón chờ đàn Sếu đầu đỏ di cư (mùa khô hàng năm) để chụp sinh hoạt của họ hàng nhà Sếu này, với những máy ảnh chuyên dùng, với lều lá dựng làm việc từ trước lúc rạng sáng, để trước hết đạt được những ảnh tài liệu.
Một nhóm làm việc khác là các nhà khảo cứu Việt Nam và quốc tế. Họ muốn xác minh rừng Cát Tiên có còn thú rừng Tê giác hay không, nếu còn thì Tê giác Cát Tiên thuộc giống loài gì. Vì thế họ đã phải lập bẫy điện tử tự động chụp các con vật đi qua. Trải qua nhiều tháng ròng rã, máy chụp ảnh tự động mới cho những ảnh tài liệu về con Tê giác Cát Tiên công bố báo chí và đưa vào Sách đỏ thế giới.
Ảnh tư liệu, là khi tất cả những ảnh nói trên, sau khi sử dụng cho báo chí rồi, được xếp vào kho tư liệu lưu trữ. Sự vật thuộc quá khứ… càng xa xưa càng quý. “Ôn cố tri ân”, ấy là khi nhân ngày lễ, đem ảnh cũ ra nhắc lại truyền thống. Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh kỷ niệm 300 năm ra đời. Thành phố Hà Nội kỷ niệm 990 năm thành lập. Mặc dù nhiếp ảnh mới du nhập hơn 100 năm nhưng đã có  kho tư liệu im lặng hàng nghìn ảnh của quá khứ về sinh hoạt “nhìn thấy được” của thế hệ ông cha. Những gánh hàng rong, bộ quần áo và đầu tóc quấn.. gợi cho những nhà xã hội học nghiên cứu, tư liệu cho những nhà điện ảnh dựng cảnh xưa và những nhà ẩm thực khôi phục hình thức những gánh gồng bầy món ăn cổ truyền cho các tua du lịch. 
Ảnh tư liệu góp phần vào các chứng cứ pháp lý: những người Pháp đã chụp được ảnh sinh hoạt và phong cảnh ở Hoàng Sa, Trường Sa từ những thập kỷ 60, 70 của thế kỷ trước, để đến nay khẳng định chủ quyền Việt Nam ở những nơi ấy. Ảnh cuộc sống mới của đồng bào các dân tộc miền núi và cảnh tín đồ các đạo giáo thực hành tự do tín ngưỡng… làm câm miệng những kẻ xuyên tạc chế độ ta về nhân quyền, về đàn áp tôn giáo.
Ảnh bình luận từ sự kiện thời sự để xét đoán phải, trái, đưa ra những số liệu đấu tranh chống tệ nạn xã hội và những biện pháp kiên quyết bài trừ. Ảnh thời sự của công trình xây đê, lấn biển của  Rạch Giá (Kiên Giang),… bình luận hướng tới của một đô thị mới. Coi trọng hình ảnh – giá trị của bằng chứng thị giác – nhà báo đưa ra từng cặp ảnh cũ/mới (chiều dọc thời gian), nơi này/ nơi kia (chiều ngang không gian) và ta/địch (đối kháng).
Ví dụ về xưa/nay: TTXVN đưa ra hai ảnh cùng một chứng tích cột cây số “Thái Bình, 3Km”, ảnh chụp của Võ An Ninh (bên cạnh cột cây số đó) là hai em nhỏ ốm yếu trong  nạn đói Ất Dậu năm 1945 và ảnh cũng bên cạnh cột cây số đó là những em đội viên thiếu niên khăn quàng đỏ xách cặp đi học bên một dãy phố lầu, được chụp sau ảnh kia mười mấy năm. Và như thế tự người đọc cũng bình luận được.
Báo chí Pháp đưa ra cặp ảnh: viên tướng Pháp chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ làm tù binh của Quân đội nhân dân Việt Nam cặp đôi với ảnh người vợ của ông ta tại nhà ở Paris, khi nghe tin Điện Biên Phủ thất thủ. Báo chí Mỹ đưa ra cặp ảnh: cảnh lính Mỹ khốn đốn trên đồi Thịt Băm (Khe Sanh 1968) với ảnh lính Mỹ ở Washington dùi cui – matrắc chống chọi với đồng bào đang chống chiến tranh. Báo chí Việt Nam đưa ra cặp ảnh đôi: cảnh hoang tàn của bệnh viện Bạch Mai do B52 Mỹ đánh sập với ảnh bộ đội phòng không – không quân Việt Nam tiêu diệt B52 trên bầu trời Hà Nội.
Từ những cặp ảnh đối chứng làm phong phú công luận bình luận của bạn đọc và phóng viên ảnh bất cứ nơi nào, ở đâu cũng có thể chụp được những tấm ảnh gợi ra bình luận của bạn đọc và những người chụp ảnh kế tiếp.


QUY TRÌNH 5 BƯỚC CÔNG TÁC CỦA PHÓNG VIÊN ẢNH

Quy trình này của phóng viên ảnh thực hiện cho mỗi chuyến đi lấy ảnh.
Bước thứ nhất: Đề cương biên tập, đặt ra ý đồ lấy ảnh
            Không thể có chuyện phóng viên xách máy ảnh đi công tác mà không có ý định trong đầu hoặc ý định đó lơ mơ.
Đề cương biên tập bao hàm: đề tài và chủ đề lấy ảnh; nơi chốn xảy ra, việc làm, nhân vật chủ thể và những vấn đề quan tâm; thời điểm chụp; thời gian hoàn tất; và đôi khi nhấn mạnh giá trị của ảnh phải chụp được trong công luận. Bởi lẽ, nhà báo luôn vì mục đích chính trị xã hội của vấn đề phản ánh.
Đề cương biên tập do toà soạn, do biên tập viên trực tiếp của phóng viên đưa ra. Phóng viên tự do (ngoài biên chế của báo chí) có thể nhận được những gợi ý có trước của những người vừa nói tới hoặc tự mình tìm, rao hàng trước khi chụp và chào hàng sau khi đi chụp về với toà soạn. Như vậy, đối với bất kỳ phóng viên tự do nào, đề cương biên tập hoặc được gọi một cách đơn giản hơn: ý đồ có trước cho chuyến đi chụp - đều rất cần thiết.
Bước thứ hai: Đề cương thể hiện tại chỗ làm việc
Đề cương thể hiện là kế hoạch thực hiện tại chỗ, cụ thể hoá ý đồ lấy ảnh của đề cương biên tập. Hoặc cũng có thể gọi là kế hoạch khả thi lấy ảnh tại chỗ. Bởi lẽ, tình hình tại chỗ mới là xác thực, nó khẳng định ý đồ hiểu biết trước đó đúng đến đâu và thực tế, nó đã vận động, phát triển theo hướng tới (thậm chí khác hẳn với ban đầu).
Đề cương thể hiện được chi tiết tới từng buổi làm việc, chia lịch buổi trước sau, chụp tại chỗ nào, với ai và đặc điểm từng cảnh, bố cục khác nhau… có người dùng thuật ngữ, trong trường hợp này: “đề cương phân cảnh”
Trong giai đoạn chuẩn bị cho việc thể hiện này, những tài liệu (diễn biến công việc của cơ sở, số liệu, thời gian, tên họ và chức vụ nhân vật) mà phóng viên thu thập được, cần ghi chép vào sổ tay, càng đầy đủ càng tốt cho việc chú thích ảnh hoặc bài vở sau này.
Bước thứ ba: Thực hiện thu hình theo đề cương thể hiện
Mặc dầu, đề cương thể hiện đã định trước, người và cảnh đã sẵn, phương tiện kỹ thuật đầy đủ, nhưng mỗi lần bấm máy là một giải pháp kết hợp tuyệt vời giữa khách quan và chủ quan. Khách thể chuyển động, dáng điệu, nét mặt vào một lúc nào đó mới tiêu biểu, lại còn phù hợp với bối cảnh cũng đang chuyển động, lại còn với cả yếu tố… trên trời và hướng sáng (làm bóng đổ) và nền mây! Chủ thể người cầm máy vận dụng cả trí tuệ, mỹ cảm và thể lực chân tay bước tới bước lùi, quỳ thấp rướn cao, leo trèo, nhanh mắt quan sát, nhanh tay điều chỉnh ống kính,…
Có những pha thời sự gấp gáp, nơi nghiêm túc quan trọng, thao tác trước trăm cặp mắt nhìn với bảo vệ che chắn, giữa những đồng nghiệp đông đúc tranh giành lợi thế ống kính góc rộng hơn và góc chụp tốt hơn. Và phóng viên tự nhủ: chụp vội lấy một hai kiểu làm vốn rồi hãy chọn lựa những lần bấm máy sau chu đáo hơn, tốt hơn. Nếu thời lượng của cái sập xuống của cửa điều sáng trong một phần trăm giây đồng hồ, thì cái quyết đoán của phóng viên cũng diễn ra nhanh như vậy để đạt được một chiều sâu ảnh trường, một khoảnh khắc bắt kịp không thể có lần thứ hai của cái bắt tay giữa hai nguyên thủ quốc gia.
Khi thực hiện đề cương thể hiện như vậy, mỗi kiểu phim được bấm máy theo kịch bản đã là sáng tạo. Quá trình chụp cũng loé sáng nhiều cảnh mới nằm ngoài ý định, phóng viên chụp để rồi hoặc bổ sung cho chủ đề đang thực hiện hoặc ở một chủ đề khác, một thứ ảnh sáng tác chẳng hạn. “Kinh doanh nhiều mặt hàng” khác nhau, cho những bài báo khác nhau, cho các mục đích triển lãm, làm giàu kho tư liệu tích luỹ từ mỗi chuyến đi cũng là việc làm có chủ định của người phóng viên có kinh nghiệm.
Trong khi chụp như vậy, người chụp vẫn không thể bỏ qua sổ tay ghi chép, đánh dấu cảnh và tên người theo thứ tự chụp để khỏi lầm lẫn về sau này khi làm chú thích ảnh.
Bước thứ tư: Dựng tập ảnh mẫu sau chuyến đi chụp
Người thực hiện ảnh chụp là người có thuận lợi để dựng tập ảnh mẫu (thuật ngữ: maquette, makét). Mỗi ma két theo một chủ đề, một thể tài. Mỗi sự kiện có một đầu đề. Dưới đầu đề, tuỳ quy ước của mỗi tổ chức có thể có chapeau (lời mào đầu): giới thiệu những điều mà phóng viên ảnh đã quan tâm và người sử dụng cần biết. Tuỳ hình thức thể tài mà phóng viên trình bày thứ tự những ảnh chụp của mình; mỗi ảnh có một chú thích.
Những thể tài ảnh sử dụng đơn lẻ, cần được hoàn thành trước – càng sớm càng tốt – giao cho bên tập biên, toà soạn xử lý. Những thể tài ảnh nhóm, nếu phải viết bài kèm, đòi hỏi thời gian và công phu hơn; sắp xếp “đường dây” của tường thuật, ký sự, phóng sự; đường dây này cũng như đầu đề của chúng là một nghệ thuật của người làm báo, mà chúng ta đã nói tới.
Khi makét đã dựng xong, được giao cho biên tập viên, toà soạn, còn một việc nữa mới hoàn tất chuyến đi chụp.
Bước thứ năm: Rút kinh nghiệm chuyến đi
Với đề cương biên tập (ban đầu) và với makét ảnh phóng viên thực hiện được, biên tập viên/toà soạn và phóng viên ngồi lại với nhau để:
- Xem xét từ ý đồ đến phân công, đến nơi thể hiện ảnh đã trúng vấn đề chưa? (đường lối, quan điểm, thực tiễn, trúng người, việc). Rút kinh nghiệm gì?
- Ảnh phóng viên chụp được có đạt được “vấn đề” không? Những ảnh nào đạt, xuất sắc, những ảnh nào không đạt? Cùng với makét, những vấn đề gì về nghiệp vụ cần rút kinh nghiệm: chọn chủ đề, chọn người và việc thể hiện? Về thể tài và trình bày? Kinh nghiệm tổ chức chuyến đi.
- Từ thực tiễn chuyến đi chụp ở cơ sở, có thể mở ra những vấn đề gì về tuyên truyền, về tiếp nối, về mở rộng chủ đề hoặc điển hình tiên tiến? Có thể hẹn ngày trở lại cơ sở, địa phương vừa chụp để nuôi dưỡng vấn đề trên báo không? Nhìn khái quát, việc rút kinh nghiệm chuyến đi chụp của phóng viên chẳng những bình công, chấm điểm thành đạt mà còn giá trị bồi bổ tri thức thực tiễn xã hội cho biên tập viên/toà soạn, làm sắc bén và xanh tươi những vấn đề của báo chí.
Công việc tiếp theo là thuộc về biên tập viên/toà soạn: biên tập hoàn chỉnh chú thích ảnh hoặc bài kèm ảnh, tổ chức đưa ảnh đã chụp được lên mặt báo, lên mạng thông tin đại chúng và sau đó, chuyển vào kho tư liệu

 PHÓNG VIÊN ẢNH VÀ TOÀ SOẠN

Trong xã hội phóng viên ảnh tự do (không thuộc biên chế của một tờ báo nào, nhưng làm công tác viên cho một hoặc nhiều tờ báo), có phóng viên ảnh chuyên (một vài người có trong một tờ báo), có cơ quan chuyên ảnh (của hãng thông tấn), quản lý nhiều phóng viên. Hằng ngày họ đi chụp, cung cấp ảnh chọn cho các đối tượng trong, ngoài nước hoặc cho tờ báo chuyên của mình.
Ngoài các tờ báo, các cơ quan văn hoá, thông tin trong nước, tới cấp tỉnh huyện đều có ít nhiều phóng viên ảnh, làm nhiệm vụ tổ chức mạng lưới tuyên truyền bằng ảnh ở địa phương. Họ trực tiếp chụp cho các cuộc triển lãm ở cấp mình, chụp ảnh tài liệu lưu trữ và làm công tác viên cho các tờ báo. Nhiều doanh nghiệp sản xuất lớn, nhiều viện khoa học, trường đại học, nhà bảo tàng, phòng truyền thống có phóng viên ảnh của mình, chụp ảnh phục vụ tuyên truyền và khoa học
Nhiều nghệ sĩ ảnh muốn sử dụng tác phẩm trên mặt báo chí. Cũng có rất nhiều nghệ nhân, tài tử, nhà nhiếp ảnh nghiệp dư cung cấp ảnh cho báo chí. Số người này nằm ở nhiều ngành nghề, nhiều vùng trong nước, hiểu nhiều biết rộng, ảnh của họ có cái nhìn tươi trẻ, một chút ngộ nghĩnh, chút lệch pha (bởi không phụ thuộc vào luật lệ tạo hình chuyên nghiệp), làm cho báo chí càng gần với bạn đọc…
Tất cả các cộng tác viên ảnh báo chí, các nhà nhiếp ảnh muốn góp mặt vào mạng thông tin,báo chí, đều tuân thủ mối quan hệ với các toà soạn, hiểu biết tôn chỉ của tờ báo mà mình cộng tác cũng như các tiêu chí của ảnh báo chí.

ẢNH BÁO CHÍ VÀ ẢNH NGHỆ THUẬT

Dưới đây là bảng đối chiếu sự hình thành tác phẩm ảnh báo chí và ảnh sáng tác.

Ảnh báo chí
Ảnh sáng tác nghệ thuật
                          I. Nguyên tắc chuyên ngành
- Khai thác từ đề tài: khía cạnh mọi người chưa biết đến, khía cạnh thông tin có định hướng.
- Chân thật về nội dung, hình thức và chú thích.
- Có hai thuộc tính : tính tài liệu, tính khoa học.
- Khai thác từ đề tài: Mọi biểu hiện tạo nên cảm xúc chân thiện mỹ.
- Nội dung được khái quát hóa và cụ thể hóa.
- Có thuộc tính: tính thẩm mỹ.

                             II. Thành phần của ảnh
- Chỉ có một chủ đề trong ảnh.
- Hình tượng được chụp trực diện, rõ ràng, dễ hiểu.
- Chú thích ảnh có đầy đủ các yếu tố tin tức.
- Chỉ có một chủ đề trong ảnh.
-Hình tượng có thể lạ, ấn tượng, tạo ra liên tưởng.
- Có hoặc không có tên tác phẩm.
Tên tác phẩm gợi lên cảm xúc.

                            III. Phương thức thực hiện
- Không can thiệp vào đối tượng.
- Chụp chân phương.
- Giây phút bấm máy quyết định, vào lúc cao trào.
- Ảnh chụp, phát hành kịp thời.
- Ảnh mang tính khách quan để bạn đọc suy nghĩ tiếp.
- Có thể dàn dựng, sắp xếp đối tượng.
- Được sử dụng mọi kỹ xảo.
- Giây phút bấm máy giàu sức biểu hiện.
- Không câu nệ, thời gian cũng như khi sử dụng.
- Bộc lộ ý đồ chủ quan của tác giả.



           
Trong thực tế, luôn có sự thâm nhập, tác động qua lại, ảnh hưởng đến nhau của hai loại ảnh. Trong mỗi phóng viên hoặc nghệ sĩ ảnh có thẩ vận dụng song song hoặc đồng thời từ một đề tài với những phương pháp khác nhau. Tùy tạng của mỗi người mà tạo ra một lối làm việc, một phong cách của mình. Nhưng nguyên tắc là phải giữ vững: sai phạm nguyên tắc ảnh báo chí, làm mất đi tác dụng của ảnh trên báo, thậm chí là sự vi phạm đạo đức phóng viên.

(Theo tài liệu của phóng viên ảnh Nguyễn Đức Chính)