CHUYỆN CẦN PHẢI KỂ
Hoàng Lê
Một lần, bên ly cà- phê sáng, đang tản mạn chuyện đời, anh bạn tôi bỗng quay lại chuyện nghề. Với một giọng nói rất nhỏ- như chỉ muốn cho người ngồi đối diện vừa đủ nghe, anh bắt đầu kể….
“Lâu rồi, cũng đã ba bốn năm, cũng một buổi sáng cà-phê như thế nầy, đang ngồi với mấy anh em trong khoa ở một quán cóc trước cổng trường, bỗng có một người đàn ông bán vé số vào mời mua vé. Sau một lời mời bật ra từ thói quen, người đàn ông ấy đứng nép vào một góc và lắng nghe câu chuyện nghề nghiệp của chúng tôi như một người hóng chuyện. Ông đứng đấy khá lâu nhưng chúng tôi cũng không hề để ý bởi đang say chuyện và cũng vì sự có mặt của những người như ông ở chốn đông người đã là hình ảnh không lạ trong cái cảnh mưu sinh nhọc nhằn của những người thiếu may mắn ở thành phố nầy. Tôi ngạc nhiên khi nghe một lời đề nghị từ người đàn ông luống tuổi ấy, ông vừa nói vừa đút xấp vé số vào túi xách như muốn chứng minh những điều mình sắp nói ra không liên quan gì đến chuyện mua bán cả
- Biết các thầy dạy học ở trường nầy, tôi xin hỏi một câu liệu có được không ạ?
- Mấy câu cũng được bác ơi, chúng tôi đang rất rảnh đây- anh bạn tôi xởi lởi
Tôi liền cảnh giác, kinh nghiệm nghề nghiệp mách bảo tôi rằng đây không phải chuyện tầm phào, dẹp chuyện mua bán lại để nói chuyện với các thầy chắc không phải là chuyện phiếm. Kéo chiếc ghế mời bác ấy ngồi, tôi tỏ ý muốn và đã sẵn sàng lắng nghe. Bên tai tôi không phải là giọng nói rụt rè của người phận thấp, cũng không có vẻ gì là câu hỏi của người muốn biết, cái giọng hỏi khiêm tốn nhưng dường như muốn tranh luận
- Theo thầy, điều gì là khó nhất trong nghề dạy học?
Thú thật, tôi không thể giấu một thoáng bối rối bởi những câu hỏi lâu nay mình thường nghe không phải vậy. Học trò tôi vẫn thường hỏi những câu khuôn mẫu đại loại như: đâu là ý nghĩa cao đẹp của nghề dạy học, đâu là hạnh phúc của người thầy giáo?... và đáp án đúng thì luôn có sẵn . Tôi liền huy động chữ nghĩa vốn không nghèo của một nhà khoa học, huy động cả những kinh nghiệm nghề nghiệp mấy mươi năm dạy học để đáp lời bác ấy. Tôi càng nói càng say- không phải là sách vở nữa mà rất thật lòng: khó nhất của người thầy là phải luôn mẫu mực, phải luôn là tấm gương, lời thầy, việc làm của thầy là khuôn vàng thước ngọc- mặc dầu thầy cũng là một con người bình thường, cũng cần có một cuộc đời khi rời bục giảng, thầy cũng muốn có những ham muốn rất đời sau những giờ hết cầm phấn trắng và những trang sách- người ta thường ví người thầy là kỹ sư tâm hồn mà việc thiết kế những tâm hồn không cho phép thầy sai; cái khó nữa của người dạy học là phải luôn thương yêu học trò của mình.
Chỉ đợi có vậy, bác ấy liền cắt ngang lời tôi:
- Nhưng thầy thương nhất học trò nào?
- Đương nhiên là tất cả, không phân biệt giàu nghèo !
- Mà hạng học trò nào cần thương nhất vậy thầy?
- Các em con nhà nghèo khó.
Nói xong câu nầy, tôi chờ đợi một nụ cười mãn nguyện và biết ơn về sự đồng cảm trên khuôn mặt người bố của những đứa học trò nghèo – bởi tôi cũng từng là học sinh nghèo học giỏi. Nhưng điều tôi chờ đợi đã không đến, trên gương mặt người đàn ông bán vé số dạo thoáng một nỗi thất vọng. Tôi đã nói điều gì sai chăng? Hay có điều gì khi nói mình chưa tế nhị làm bác ấy chạnh lòng? Để giải tỏa băn khoăn,đến lượt mình, tôi hỏi lại bác:
- Vậy theo bác, cái khó nhất của nghề dạy học, khó nhất với người thầy là gì vậy?
- Là biết thương, thương được học trò dốt.
Tôi thật sự bất ngờ trước một đáp án lạ, hình như mình chưa đọc được ở các giáo trình sư phạm, cũng chưa một lần nghĩ tới; đáp án có hai vế nối nhau bằng chữ “thương” : biết thương và thương được- một cặp gắn kết giữa hiểu biết và năng lực, giữa nhận thức và tình cảm, nói cho có chữ nghĩa đó là một cặp phạm trù thống nhất trong nhân cách người thầy giáo , những người thuyết phục học trò bằng sự thấu hiểu và cảm hóa họ bằng tình thương. Tôi sính lý luận nên không nhận ra những điều giản dị nhất. Con người nghèo khó với những suy nghĩ giản dị ấy kể chuyện mà như đang thầm thì trút cả nỗi niềm bên tai tôi:
- Thầy ạ! Đứa con tôi không được thông minh, cũng không được giỏi giang như một số bạn trong lớp. Cha nó thất học từ nhỏ nên không truyền cho nó được chữ nghĩa phải không thầy? ăn uống kham khổ, sách vở thiếu thốn nên chậm hiểu , học dốt. Chiều qua , khi đi học về , nó buồn ra mặt , gặng hỏi cháu mới nói: “chiều nay con được điểm 6 tưởng được cô khen- môn nầy cháu chưa bao giờ đượ điểm 5- cô chỉ khen các bạn điểm cao thôi” . Khó quá phải không thầy? cô giáo đâu có sai phải không thầy? Nhưng tôi thì thương con quá cả đêm không ngủ được.
Lời người cha là cả một nỗi niềm tha thiết muốn được cảm thông và chia sẻ. Như đã nói được những điều đã suy tư cả một đêm qua, người bán vé số vội chào chúng tôi và bước nhanh ra đường.
Tôi lặng nhìn theo chiếc bóng đổ dài trong nắng mai như một dấu chấm than cứ lay động trên hè phố của người cha tảo tần có đứa con học dốt…”
Anh bạn tôi- một tiến sĩ khoa học, một giảng viên chính mấy mươi năm ở một trường đại học lớn- kết thúc câu chuyện bằng một nụ cười đã héo hơn một nửa trên môi mà không một lời bình luận nào.
Sau cái đêm không ngủ của người cha bán vé số chắc hẳn là đêm ngủ không ngon giấc của anh bạn tôi. Và đêm hôm ấy đến lượt tôi khó ngủ, tôi nhớ lại những con số thống kê về chất lượng giáo dục mà mình đọc được trong năm học qua. Nói nôm na là học trò dốt, còn gọi theo cách của ngành giáo dục là học sinh yếu kém. Con số ấy không phải quá lớn và không gợi được niềm vui vì thế đôi lúc trở nên mờ nhạt trong sự vô tình, nhưng nỗi buồn của đứa học trò cảm thấy mình như chiếc bóng mờ trong lớp và cái đêm không ngủ của người cha thương con thì lại là hình ảnh đậm nét trong câu chuyện kể của bạn tôi. Có phải trong những tổng kết, báo cáo, trong những câu chuyện nghề nghiệp chúng ta nói nhiều, nói say sưa về những học sinh giỏi, về những số liệu ở cực trên trong bảng xếp loại và lướt nhanh những con số không vui ở cực dưới. Điều ấy không có gì sai nhưng quả thực có cái gì đó chưa ổn. Hơn bất cứ đối tượng nào, những học trò dốt- những học sinh yếu kém- cần nhất sự săn sóc, nâng đỡ và tình thương. Học sinh giỏi, thông minh rất dễ thương, đúng là niềm vui, niềm tự hào của các nhà trường, của thầy cô. Thiện cảm dễ gợi từ những gương mặt sáng sủa và những ứng xử thông minh . Chúng ta tin rằng các em ấy nếu không được động viên, khen ngợi và tạo điều kiện vẫn có đủ khả năng và tự tin để vững bước vào đời, vẫn thành đạt trong cuộc sống. Chỉ giả định thế thôi, chứ trong thực tế các em ấy nhận được rất nhiều : tình thương, phần thưởng, sự vinh danh từ gia đình đến nhà trường và xã hội. Những bông hoa trí tuệ ấy rất cần được chăm sóc, không phải để trang trí cho lộng lẫy mà để cho nó được đậu quả, chí ít cũng để cho ong đến hút nhuỵ làm nên mật ngọt cho đời. Còn học sinh yếu kém do nhiều nguyên nhân đang cần điều gì ở chúng ta? Với đứa học trò trong câu chuyện của bạn tôi chỉ là một lời khen vì đã cố gắng, giản dị vậy thôi!
Đúng là những buồn vui, chuyện dễ chuyện khó của nghề dạy học làm sao mà nói hết, nghĩ hết được trong một lúc. Nhưng có những câu hỏi được đặt ra từ cuộc sống không thể không có câu trả lời.
Tuy Hòa, tháng 11 năm 2008