Pages

Thứ Bảy, 3 tháng 2, 2018

Viết bài chân dung, Các công cụ để viết bài chân dung, Viết chân dung như thế nào?

Hầu hết các bài chân dung là theo kiểu ngợi ca người tốt việc tốt, nhân vật điển hình, và không ít bài khiến người đọc có cảm giác rằng phóng viên chỉ ngồi nghe “chính chủ” chính kể chuyện rồi biên tập lại, phóng tác thêm và lồng cảm xúc của bản thân. Không biết những bài tả chân dung khác thì thực đến mức nào, nhưng tôi mới đọc bài tả chân dung một người bạn rất thân của tôi. Và tôi thấy không hề giống! Nếu phóng viên tả đúng thì có nghĩa là tôi… chẳng hiểu rõ về bạn mình. Chưa kể còn có cả loại tả chân dung theo kiểu “chúng ta nói về chúng ta” nữa – phóng viên một tờ báo nói về người đứng đầu tờ báo của mình, rồi lại đăng trên chính tờ báo đó. Ôi chao, không biết bình luận gì thêm!

Về cấu trúc các bài chân dung cũng có nhiều điều cần phải bàn. Tệ nhất là kiểu kể lể từ khi lọt lòng đến lúc đạt tới đỉnh cao (và có thể tạ thế). Nếu mấy báo liền tình cờ cùng khai thác một nhân vật đang gây chú ý thì đúng là sáng ra mà buồn… “như con chuồn chuồn”. Nhiều nhà báo viết báo nhưng “méo mó” văn học thì phải, tả tình tả cảnh xung quanh nhân vật xen lẫn cảm xúc của bản thân mình đến tận…. giữa bài là chuyện thường. Chỉ mỗi cái chuyện làm thế nào để tiếp cận được nhân vật mà bắt độc giả mất thời giờ đọc hết nửa trang báo to, vừa thoáng thấy sơ sơ cái mặt nhân vật thì đã tới phần tả cái cổ, đến ngực, và… hết chân dung.

Thực tế, viết bài chân dung thu hút được độc giả là một kỹ năng khó đòi hỏi rất nhiều công sức và sự chú ý tới từng chi tiết nhỏ. Nếu thời gian có hạn thì khó có thể viết được các bài chân dung xuất sắc. Khi có nhiều thời gian, phóng viên có thể thu thập được nhiều thông tin từ các nguồn khác nhau và dựng nên một bức tranh về tính cách và cuộc sống của nhân vật hay hơn rất nhiều so với một bài phải viết dưới sức ép về thời gian.

Tôi đã từng năn nỉ một đồng nghiệp bám sát đối tượng trong vòng ít nhất 3 ngày ở 3 hoàn cảnh khác nhau trước khi tiến hành thu thập tài liệu từ các nguồn khác để viết bài chân dung nhưng đồng nghiệp này trả lời gọn lỏn: “Không có thời gian.” Ô hay, không có thời gian thì tả chân dung sao cho đúng được.

Dưới đây, xin giới thiệu những công cụ để viết bài chân dung cũng như cách thức để có một bài chân dung công bằng.

Các công cụ để viết bài chân dung

– Phải quyết định một cách kỹ lưỡng xem bài chân dung về nhân vật là viết cho báo ngày, báo tuần hay cho tạp chí. Viết chân dung một nhân vật không đơn thuần chỉ vì họ nổi tiếng. Họ phải từng làm gì đó đáng ghi nhớ hoặc đạt được đỉnh cao trong sự nghiệp của mình.

– Nghiên cứu

– Xem tất cả các bài tư liệu mà báo của bạn đã viết về nhân vật, đọc càng nhiều các bài này càng tốt và ghi chép kỹ lưỡng. Có thể tờ báo của bạn đã có hồ sơ lưu trữ về nhân vật bạn định viết.

– Đọc các ấn phẩm khác viết về nhân vật này.

– Theo phép ngoại giao thông thường, bạn phải thông báo cho nhân vật bạn định viết rằng bạn sẽ viết về họ, để họ khỏi ngạc nhiêu nếu họ nghe thông tin này từ một người khác.

– Đừng nhảy vào phỏng vấn ngay lập tức. Hãy cho họ thời gian suy ngẫm và khi đã được mời, bạn hãy thu xếp để gặp mặt và phỏng vấn họ.

– Mang theo danh sách các câu hỏi bạn đã chuẩn bị khi nghiên cứu tài liệu.

– Nếu bạn và nhân vật có thời gian, hãy nói chuyện với họ và/hoặc quan sát họ 3 hoặc 4 lần trong các khung cảnh chính thức và không chính thức.

– Kiểm tra và kiểm tra lại tính chính xác về tất cả các thông tin về tiểu sử cá nhân của đối tượng, công ty, tổ chức hoặc gia đình của họ.

– Hỏi tất cả những người có liên quan để biết thêm về nhân vật, về sự đánh giá, nhận xét về họ và dẫn lời những người này trong bài chân dung để làm bài viết sinh động và có những quan điểm đa dạng về nhân vật chính và công việc của họ.

Viết chân dung như thế nào?

– Đưa ra lý do chính tại sao chúng ta quan tâm tới nhân vật này vào mào đầu một cách sống động nhất.

– Khi bắt đầu viết, có thể bạn cảm thấy bị cuốn hút vào câu chuyện và nhân vật. Nhưng hãy luôn tỉnh táo để nhận biết rằng các chi tiết nhỏ mà bạn quan tâm chưa chắc độc giả đã quan tâm.

– Tìm chủ đề viết. Thành công, khó khăn, thất bại, tình yêu, và sự hài hước là một số ví dụ.

– Tránh biến bài chân dung thành sự liệt kê một chuỗi các sự kiện trong đời của nhân vật theo trình tự thời gian vì điều này sẽ làm độc giả mau chán. Việc này đặc biệt khó khi thời gian của bạn có hạn, nhưng nếu bạn có một hoặc hai câu chuyện nhỏ, một hoặc hai câu trích dẫn và một vài quan sát, bạn có thể viết được một bài chân dung chứ không không đơn thuần chỉ là liệt kê ngày tháng và sự kiện.

– Hãy công bằng. Các yếu tố báo chí như tính chính xác, cân bằng và đạo đức nghề nghiệp rất quan trọng khi viết chân dung.

– Tỏ ra tôn trọng nhân vật nhưng nhớ rằng là con người, ai cũng từng mắc lỗi hoặc không phải lúc nào cũng tốt trong suốt cuộc đời. Những điều này cũng phải được đưa vào bài chân dung nếu bạn phát hiện ra chúng. Tuy nhiên phải nêu rõ ai đã cho bạn biết những thông tin này, trừ phi họ từ chối không muốn được dẫn lời.

– Luôn tự đặt cho mình những câu hỏi “Mình đã từng gặp ai là con người hoàn hảo chưa?” và “Mỗi con người đều có mặt tốt và xấu phải không?”

– Đối với bài chân dung về người đã mất, thì cũng áp dụng những nguyên tắc cơ bản của bài chân dung. Điểm khác biệt chính là bài về người đã mất thường tập trung vào các mặt tích cực của người đã khuất và tránh những phê phán thiếu tôn trọng họ. Điều này là phổ biến đối với cả văn hóa phương Đông và phương Tây. Tuy nhiên cũng có những ngoại lệ. Tờ báo của bạn cũng có thể lưu những thông tin về những người nổi tiếng và khi họ mất đột ngột, phóng viên có thể có đủ thông tin để viết một bài chân dung hay trong một thời gian ngắn./.

Nguồn: baochivietnam.com.vn