Pages

Thứ Bảy, 3 tháng 2, 2018

Mở đầu và kết bài ra sao cho người biên tập trong báo chí

Không ít bài nêu lên một chủ đề gây chú ý nhưng phần mở đầu quá tầm thường, đồng nghĩa với khả năng mất một số bạn đọc hoặc khiến họ có ấn tượng không hay. Trong khi đó, có nhiều trường hợp phóng viên viết được phần mở đầu rất tốt, cách dẫn giải câu chuyện cũng rất logic nhưng đến phần kết lại hụt hẫng, thậm chí cụt.

Nhiều người cho rằng ai viết văn hay thì làm báo giỏi. Điều này chưa chắc nếu phong cách viết văn được “bê” nguyên xi vào trong báo. Nhiều nhà văn quen với kiểu tả tình, tả cảnh, trong khi báo chí đòi hỏi đề cập trực tiếp vào vấn đề. Nhưng nếu nhà báo chỉ thuần túy phát hiện thông tin giỏi mà không biết đặt vấn đề, không biết dẫn dắt người đọc đi đến hết câu chuyện thì cũng không đạt được mục đích của mình.

Mở đầu hay không phải chuyện đơn giản nhưng ít ra nó còn được chú ý nhiều, chứ phần kết thì nhiều khi bị coi nhẹ. Thực ra, mở đầu và kết bài đều có ý nghĩa lớn. Mở bài tốt giúp cho người đọc thấy quan tâm hơn đến bài vào và tiếp tục tìm hiểu nó, một câu kết hay sẽ khiến độc giả có cảm tưởng về một bài viết “hoàn thiện”.

Giảng viên Fabienne Gérault thuộc Đại học Báo chí Lille của Pháp đưa ra một số gợi ý sau:

Mở đầu

Đây không phải là một đoạn mở đầu dài dòng giới thiệu sự việc, nhân vật, hay vấn đề, mà là ngược lại. “Catch phrase”: nó phải tóm được độc giả! Đây là một trong những đoạn khó viết nhất trong một bài báo. Những không phải bao giờ phóng viên cũng có cảm hứng khi đặt bút viết. Chính vì thế phải đặt ra câu hỏi: làm thế nào thu hút được người đọc? Làm thế nào để đưa ra “cú đấm quyết định” cho bài báo của mình?

Đanh thép, cô đọng, nhịp nhàng, đó nhất thiết phải là một câu ngắn. Các từ ngữ đi thẳng vào vấn đề, sao cho độc giả hiểu ngay chủ đề của bài báo. Mở đầu phải độc lập với các tít, sapô và viết một cách tự do. Đây là một mẹo viết thu hút sự quan tâm chú ý của độc giả. Đây là sản phẩm của trí tưởng tượng sáng tạo của mỗi người.

Sau đây là một số cách viết phổ biến:

– một bức ảnh: định vị sự việc bằng một miêu tả. Độc giả cần được “nhìn thấy”.

– một trích dẫn: thích hợp khi một hoặc nhiều người được phỏng vấn.

– một câu chuyện: một giai thoại, miễn là có ý nghĩa. Độc giả rất thích.

– một công thức quen thuộc: có liên quan đến chủ đề.

– đổi hướng công thức: thay đổi một từ và dùng một câu nổi tiếng.

– một hình ảnh: hình ảnh này sẽ là biểu tượng của bài.

– một châm ngôn: có thể tự nghĩ ra hoặc lấy trong dân gian.

– một nghịch lý: đề cập tới chủ đề bằng cách không ai ngờ tới.

– một điều kỳ cục: gợi sự tò mò bằng một hình ảnh, một sự việc bất bình thường hoặc lạ.

– một khẳng định: phải có ý nghĩa hoặc bất ngờ.

– một câu hỏi: không nên lạm dụng và đưa ngay ra câu trả lời.

– một sự tương tự: liên tưởng tới một hình ảnh hoặc kỷ niệm của độc giả.

– một sự mỉa mai, một câu khác thường, một câu chơi chữ…

Trong một tờ báo cần có những mở đầu khác nhau. Nhà báo cần đổi mới. Với loại bài tin tức dạng hàng ngày thì chỉ cần đưa ra sự việc và thông điệp chủ yếu có tính thời sự.

Kết bài

Làm thế nào để độc giả có ấn tượng tốt về bài báo? Phần kết của bài không phải là:

– nơi chúng ta vội vã lướt qua những gì chưa nói trong bài.

– một bài học đạo đức (không nên thêm mắm muối vào bài báo).

– một kết luận của bài văn nghị luận có tính tóm tắt hay tổng hợp.

– một lời chào: đừng viết “phần tiếp theo ở số báo sau…”. Một bài báo là một tác phẩm hoàn chỉnh.

Không nhất thiết phải có kết luận đối với các bài mang tính thông tin thuần túy, các phỏng vấn (trừ phi chọn được câu hỏi cuối cùng thật hay). Ngược lại, tường thuật và bình luận bắt buộc phải có kết.

Yêu cầu cũng giống như với phần mở đầu. Mạnh mẽ, dứt khoát, kết luận phải dùng câu ngắn, hình tượng, độc đáo. Nó đem lại cảm tưởng cuối cùng. Thông thường, trước phần kết có hai hoặc ba câu, cũng ngắn, chuẩn bị cho “kết luận của kết luận”. Đôi khi chỉ cần một hay hai chữ là đủ.

Kết bài giúp cho người biên tập:

– mở ra góc độ mà anh ta đã đóng lại tối đa ở ngay đầu bài báo. Vì vậy nó gợi sự quan tâm, tò mò, đặt câu hỏi và mở ra triển vọng.

– đóng góc độ lại, bằng cách quay lại với thông điệp cốt lõi (khóa cái khóa lại).

Một mẹo hay: câu cuối cùng dùng lại các từ của tít hoặc ít nhất là một số từ.

Nguồn: baochivietnam.com.vn