Đưa tin về cuộc họp
Nếu chính phủ hoặc cơ quan hoạch định chính sách tổ chức cuộc họp thì phóng viên cần tập trung xem trong cuộc họp có hành động gì và tác động của nó với độc giả thế nào. Có bầu bán gì không? Có phải ủy ban gợi ý tăng lương cho giáo viên không? Hay tăng thuế đối với các cửa hàng? Hay là thông qua ngân sách mới? Nếu không có hành động gì thì phải tìm hiểu lý do tại sao hoặc tập trung vào tranh luận đã diễn ra tại cuộc họp đó.
Theo cuối “Cẩm nang viết tin” của Peter Eng và Jeff Hodson, do Quỹ Tưởng niệm Báo chí Đông Dương phát hành, bài viết về cuộc họp nên có các yếu tố như sau:
- Ai chủ trì cuộc họp?
- Mục đích của cuộc họp?
- Có hành động gì?
- Vì sao có hành động?
- Bình luận của những người tham gia/quan sát?
- Ai sẽ bị ảnh hưởng bởi hành động đó, và bình luận của họ?
- Nếu chưa có hành động gì thì hãy xem có sự nhất trí rằng cần phải có hành động hay không?
- Nếu không có hành động thì có ai nói điều gì quan trọng hay đáng chú ý không?
- Hoàn cảnh của vấn đề mà họ thảo luận?
Phần mào đầu dưới đây lấy từ một tờ báo tiếng Lào, cho chúng ta biết ai ở hội nghị và chủ đề chung mà họ thảo luận là gì. Nhưng lại không nói họ thảo luận như thế nào về chủ đề đó. Đây là một lỗi thường gặp ở các nhà báo Đông Nam Á.
Đại tá Buuasieng Champaphanh, chủ nhiệm tiểu ban của Lào và thư ký tiểu ban của Thái Lan, thiếu tướng Serirath Thinrath cùng nới với báo chí Lào và Thái Lan về tình hình ở Vang Tao, xảy ra hôm 3/7 trong một Hội nghị của Ủy ban Gìn giữ An ninh Biên giới Lào-Thái Lan.
Sau đó trong tin, chúng ta biết thêm về tình hình: “Bọn thảo khấu có vũ trang đã tấn công một đồn biên phòng và bắt các quan chức hải quan làm con tin.” Vị đại tá Lào cho biết quân đội hai nước đang hợp tác để gìn giữ hòa bình ở biên giới. Nhưng thông tin đó lẽ ra phải đưa lên mào đầu mới phải.
Dưới đây là toàn văn một tin khác, lấy từ một tờ báo tiếng Anh của Lào:
Các em gái hút thuốc nhiều hơn
Tại cuộc họp một ngày để hoạch định chính sách quốc gia về kiểm soát thuốc lá ở Lào, diễn ra tại Khách sạn Lào Plaza hôm 24/7, Tiến sĩ Somchai Pholsena, giám đốc Trung tâm Giáo dục Thông tin Sức khỏe, cho biết số thanh niên mới lớn hút thuốc – đặc biệt là các em gái, đã tăng lên.
Cuộc họp được Cơ quan Cứu trợ Phát triển Adventist tài trợ và có sự tham gia của 40 đại biểu từ Bộ Y tế và ngành liên quan. Một số đại diện của các cơ quan quốc tế cũng có mặt và cuộc họp do Thứ trưởng Y tế chủ trì.
Chương trình nghị sự gồm có thảo luận và báo cáo về tình hình và việc kiểm soát hút thuốc lá trên thế giới nói chung và ở Lào nói riêng, tác động xấu của thuốc lá tới sức khỏe, thông tin về nhập khẩu và thuế thuốc lá, các chiến lược tương lai và chính sách kiểm soát thuốc lá.
Ở vùng đô thị, 25% đàn ông và 1,5% phụ nữ Lào hút thuốc. Ở vùng nông thôn, 60% đàn ông và 30% phụ nữ hút thuốc. 70-90% những người hút thuốc ở Lào là người dân tộc thiểu số.
Lào có hai nhà máy thuốc lá sản xuất ra sản phẩm mang nhãn hiệu Adeng và Dokmeydeng. Hai đơn vị này nhập khẩu thuốc lá nhãn hiệu 555 và Marlboro./.
Phần mào đầu nói rằng mục đích của cuộc họp là lập ra chính sách kiểm soát việc hút thuốc lá. Nhưng đọc từ đầu đến cuối tin chẳng có chỗ nào chỉ ra được là cuộc họp đã đạt được cái gì. Cuộc họp có đưa ra chính sách nào không? Bất kỳ chính sách mới nào cũng tác động tới nhiều người. Nếu cuộc họp không đưa ra được một chính sách nào thì vì sao nó thất bại?
Phần mào đầu có một số ý tốt: Đã kể ra được một câu nói hay tại cuộc họp. Nhưng thông tin đó không hề được giải thích trong phần còn lại của tin. Vì sao lại có nhiều trẻ em gái hút thuốc hơn? Số trẻ em gái hút thuốc tăng bao nhiêu? Có biện pháp kiểm soát nào được bàn luận tại cuộc họp không?
Tin này nói cho độc giả biết chương trình nghị sự của cuộc họp nhưng không nói những ý kiến chính thức được đưa ra là gì. Các thành viên của cuộc họp có đồng ý với các ý kiến đưa ra hay không?
Tin này cũng cho chúng ta biết một vài thực tế về tỷ lệ người hút thuốc và nhãn hiệu thuốc. Nhưng hoàn cảnh chính lại thiếu: Chính sách kiểm soát thuốc lá hiện nay là gì? Bối cảnh là gì? Vì sao chính phủ lại quan tâm giải quyết vấn đề này?
Hãy theo dõi một bài viết (sẽ cập nhật) về một cuộc họp ngoại giao lớn, xem cái nào khó đưa tin hơn và khó viết hơn.
Đưa tin về hội nghị
Hội nghị khó đưa tin. Hội nghị thường được các học giả, các tổ chức phi chính phủ, các nhóm chuyên viên và chính phủ tổ chức nhằm trao đổi ý kiến và thường có ít hoặc không có hành động nào được đưa ra.
Nếu hội nghị có một người phát biểu chính thì lời bình của người đó có thể lấy làm chủ đề tập trung cho bài viết. Nếu nhiều đại biểu đưa ra các giải pháp cho một vấn đề thì những giải pháp đó là chủ đề của bài viết. Phóng viên cần tìm cách nói chuyện với các đại biểu trong giờ giải lao, đề nghị họ nói rõ ý kiến của mình đối với một vấn đề nào đó.
Hội nghị không phải lúc nào cũng cho ra được những tin, bài hay, nhưng đó là nơi phù hợp để gặp các chuyên gia và nói chuyện về ý tưởng viết tin, bài.
Cũng giống như khi đưa tin về cuộc họp, cần tránh kiểu chỉ liệt kê trong phần mào đầu về ai, ở đâu và khi nào. Kiểu như tin dưới đây lấy từ một tờ báo tiếng Việt:
Hội nghị kiểm điểm hai năm (1999-2000) chiến dịch chống ma túy và các tệ nạn của các công đoàn viên do Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức, đã kết thúc vào ngày 20/3 ở Quảng Trị.
Sau đó, tin này trích dẫn một quan chức hàng đầu nói rằng mà túy và “tệ nạn xã hội” không giảm vì các công đoàn viên không cảm thấy bức xúc về nó. Ông đề nghị cần phải có các biện pháp chỉnh đốn. Những ý kiến này lẽ ra phải đưa lên phần mào đầu mới phải./.
Nguồn: Baochivietnam.com.vn