Tin thời sự và phóng sự
Có hai loại tin cơ bản: tin thời sự, đôi khi còn gọi là tin sốt dẻo, tin đang diễn biến, và phóng sự, đôi khi còn gọi là tin nhẹ.
Tin thời sự là về các sự kiện vừa xảy ra và cần thông báo ngay cho các độc giả. Có thể đây là một đám cháy lớn, một lời loan báo của chính phủ, một quyết định của tòa án, một người nổi tiếng vừa qua đời vì bệnh AIDS.
Phóng sự không nhất thiết là nói về các diễn biến vừa xảy ra. Phóng sự không những nhằm mục đích thông tin cho độc giả biết, mà còn gợi cho độc giả phải suy nghĩ nhiều về một tình huống hay một vấn đề nào đó. Hoặc phóng sự chỉ để giải trí mà thôi.
Tin thời sự tường thuật các biến chuyển, sự kiện, còn phóng sự giải thích rõ thêm. Hầu hết các phóng sự là về những điều gợi sự chú ý tự nhiên của con người. Có thể đó là về một trào lưu xã hội, chẳng hạn như sự lây lan của bệnh AIDS tại Hà Nội, hoặc thân thế một người nào đó, chẳng hạn một bác sĩ dẫn đầu công cuộc phòng chống bệnh AIDS tại Hà Nội. Cũng có thể những điều này là về tâm tính của một người nào đó, hay cảm nghĩ về một nơi chốn.
Phóng sự đi sâu vào chi tiết hơn là các tin thời sự. Để viết một bài phóng sự, phóng viên có thể cần phải phỏng vấn và nghiên cứu trong nhiều ngày.
Mở đề và thân bài
Tất cả mọi bài viết đều có hai phần chính. Phần đầu là để giới thiệu, đôi khi gọi là mở đề. Phần còn lại gọi là thân bài. Hầu hết các bài viết là về một chủ đề chính. Cả phần mở đề lẫn thân bài đều nên theo sát chủ đề đó.
Trong một bản tin thời sự, đoạn mở đề thông thường chỉ có một câu. Câu này cho chúng ta biết tin đó là về những gì, và chứa đựng những điểm quan trọng nhất. Mở đề hay cần hấp dẫn ngay được sự chú ý của độc giả và kích thích họ đọc tiếp phần còn lại.
Thân bài chứa đựng các yếu tố giải thích cho phần mở đề. Gồm có các chi tiết, trích dẫn và bối cảnh đưa đến diễn biến được tường thuật. Tin tức quan trọng nhất đi đầu, tiếp đến là các tin kém quan trọng hơn.
Sau đây là thí dụ về một bản tin thời sự hay. Hãy ghi nhận ngôn ngữ trong sáng, giản dị và cách sắp xếp hợp lý của các dữ kiện.
Công nhân may mặc Campuchia đang khốn khổ
PHNOM PENH, Cambodia (AP)- Tình trạng suy thoái kinh tế tại Hoa Kỳ làm cho ít nhất 12 xưởng may tại Campuchia phải tạm đóng cửa trong năm nay, Bộ trưởng Thương Mại Cham Prasidh thông báo như vậy vào ngày hôm qua.
Có tới 3000 công nhân bị tạm nghỉ việc và có thể sẽ có thêm, nhiều người bị mất việc nếu tình hình không được cải thiện, ông nói.
Thêm vào đó, hàng ngàn người khác phải giảm giờ làm, vì nhiều trong tổng số 200 xưởng may phải cắt bớt giờ làm thêm và chuyển giờ làm từ hai ca xuống còn một ca, đó là lời ông bộ trưởng này.
“Các vấn đề kinh tế tại Hoa Kỳ khiến cho chúng tôi rất lo ngại về hoạt động của các xưởng may và việc làm của công nhân”, ông nói. Công nghiệp may mặc tại Campuchia sử dụng 200.000 công nhân, với lương trung bình là 40 USD/tháng. Trên 80% sản phẩm được xuất sang Hoa Kỳ để bán lẻ.
Ông bộ trưởng nói: “Nay đã quá nửa năm mà Campuchia mới giao được không đầy 40% quota hàng may xuất khẩu của năm nay sang Hoa Kỳ, trong khi đó năm ngoái, toàn bộ quota hàng may xuất khẩu sang Hoa Kỳ đã được giao xong xuôi vào cuối tháng Sáu”.
Phóng sự có tính cách uyển chuyển hơn. Có nhiều cách viết. Phóng sự thường là những bài không cần gấp, vì vậy độc giả không cần phải biết ngay tin quan trọng nhất của bài viết. Mở đề có thể mô tả về một người hay một địa điểm nào đó, hoặc về các tin tức khác nhằm gợi sự tò mò của độc giả. Nhưng đến khoảng đoạn thứ 6 của bài thì bạn phải cho độc giả biết điểm chính của câu chuyện là gì.
Sau đây là một thí dụ về một bài phóng sự hay. Hãy để ý rằng đầu bài, đoạn giữa và kết cục của câu chuyện đã được định trước và kết hợp lại với nhau. Đồng thời, bạn hãy để ý về cách dùng lời trích dẫn và cách mô tả.
Tết đến cậu bé đánh giầy Việt Nam chẳng hề vui
HANOI, Vietnam (AP)- Đinh Văn Tuấn, năm nay 16 tuổi, chưa hề nghe nói đến ngày Tết bao giờ. Những tiếng pháo nổ râm ran khắp Hà Nội chỉ làm cho em sợ hãi mà thôi vì thêm một ngày buồn tủi nữa sắp tới với mối bận tâm chính là làm sao kiếm đủ tiền mua cơm.
Mới sáng sớm em đã đứng trước văn phòng của Associated Press, hai tay nắm chặt những song sắt cửa, chiếc đầu nhỏ bé của em cố lách vào giữa hai song sắt, để lộ khưôn mặt in hằn những nét van lơn đau khổ mà đáng lẽ không một đứa trẻ nào trên thế giới phải gánh chịu. Em mặc một bộ quần áo bẩn thỉu – bộ đồ duy nhất của em mua tại sạp bán đồ cũ – em chỉ muốn xin được đánh giầy.
Thấp bé, gầy gò, Tuấn trông chỉ bằng đứa trẻ lên 9 hay 10, chỉ khác ở chỗ miệng em phì phèo điếu thuốc lá. Có ai hỏi gì, em trả lời bằng cách nhăn mặt nhìn xuống đất rồi hỏi lại xem người đó có muốn đánh giầy không. Hai chân em nhức nhối vì ngày ngày em phải lang thang khắp phố phường Hà Nội suốt 11 tiếng đồng hồ trong tiết trời mùa đông giá lạnh để tìm khách hàng.
Trong ngày Tết này, em vừa được ăn có một chiếc bánh chưng của một phóng viên và chút nước mà những người bán hàng rong đã thương tình rót cho.
“Hôm nay em có cái ăn, nhưng ngày mai có thể chẳng có gì”, em nói. “Em hy vọng một ngày nào đó sẽ kiếm được nhiều tiền cho ba mẹ, mua một chiếc xe hơi, một căn nhà và vui hưởng cuộc đời cho đến ngày em chết”.
Tuấn là một trong đám các em tuổi vị thành niên tay xách chiếc hộp gỗ thô đựng đồ nghề đánh giầy luẩn quẩn quanh các nhà hàng, quán rượu, văn phòng công ty và các đại sứ quán nước ngoài.
Các em tìm những người thuộc tầng lớp thương gia mới xuất hiện trong công cuộc cải cách kinh tế của Việt Nam, những người nay đã trút bỏ những đôi dép nhựa cố hữu để xỏ chân vào những đôi giày da mới. “Shoeshine, shoeshine”, đó là tất cả vốn liếng Anh ngữ của các em.
Tuấn là một trong nhiều em nhỏ đã rời bỏ gia đình ở những vùng thôn quê để lên Hà Nội kiếm sống. Các em sống suốt ngày ngoài đường, không có người lớn chăm sóc, chỉ bảo hay ngay cả mừng tuổi các em trong ngày Tết.
Tuấn cùng với một cậu bạn, năm nay 15 tuổi, lên Hà Nội cách đây hai năm. Hai đứa cùng nhau lang thang trên đường phố. Trước tiên em bán mía, sau đó mua được chiếc hộp đánh giầy với giá khoảng 30 xu Mỹ.
Tuấn nói em rất gần gũi với cha mẹ và cha mẹ em muốn em trở về nhà nhưng em không thể trở về vì gia đình em quá nghèo. Em không thể đánh giầy ở Hải Hưng được vì ở đấy “chẳng ai đi giầy”.
Em được đi học có hai năm, em không biết đọc, biết viết. Em không cả biết vui chơi là gì, ngoại trừ thỉnh thoảng đá một quả bóng đơn sơ làm bằng rơm cuộn, vài miếng độn cao su và giây thun. Mỗi ngày Tuấn trả khoảng 5 xu Mỹ cho một chỗ ngủ cùng với 20 người khác ở một căn nhà trọ hai phòng, phần đông những người này cũng bán hàng rong. Nhà trọ không có nhà xí. Mỗi ngày Tuấn đi bộ mất một tiếng đồng hồ đến đường Trần Hưng Đạo và một tiếng để trở về mỗi tối. Ngày ngày cứ 6 giờ sáng em đã có mặt ngoài đường.
Mỗi người khách trả cho em khoảng 11 xu Mỹ. Ngày nào may mắn em có được hai, ba người khách.
Đời sống ngày một khó khăn hơn cho Tuấn vì có thêm nhiều trẻ đánh giầy trên đường phố. Đêm giao thừa, Tuấn chỉ có mỗi một khách là anh chàng phóng viên muốn phỏng vấn em.
Gợi cho Tuấn nói chuyện là điều khó, em cảm thấy chẳng có gì đáng để nói. Em ngồi vắt vẻo trên quai chiếc hòm đồ nghề, hai má lấm vết bẩn, chân đi đôi dép nhựa rẻ tiền, hai bàn chân cáu bẩn bụi đường. Thỉnh thoảng, em ngẩng đầu nhìn quanh quất với vẻ hoang mang, mỗi khi có tràng pháo đâu đó nổ vang phố.
Năm chữ W và một chữ H
Tất cả mọi bài viết đều phải trình bày đầy đủ về các điểm then chốt. Những điểm này thường được gọi trong tiếng Anh là năm chữ W và một chữ H:
Who (ai) – Trong tin này có những ai?
What (chuyện gì): – Sự kiện quan trọng hay đáng lưu ý gì đã xảy ra?
Where (ở đâu) – Tin này xảy ra ở đâu?
When (khi nào) – Chuyện xảy ra vào lúc nào?
Why (tại sao) – Tại sao lại xảy ra sự kiện đó?
How (như thế nào) – Chuyện xảy ra như thế nào?
Đây là các câu hỏi tất cả mọi người đều muốn hỏi khi họ muốn biết rõ thêm về một sự kiện nào đó vừa xảy ra. Một bài không thể được coi là đầy đủ nếu không ít nhất trả lời được năm chữ W và một chữ H. Ngay cả các phóng viên giàu kinh nghiệm cũng kiểm lại xem họ đã dùng đủ những chữ này hay chưa trước khi nộp bài.
Trong các tin thời sự, các câu trả lời cho năm chữ W và một chữ H thường được đặt lên đầu.
Hãy xem bài viết sau đây trên tờ báo tiếng Anh Bangkok Post:
Đại hội thể thao người khuyết tật:
Hàng trăm người tham gia thế vận hội tại Khu thể thao Hua Mark
Đại hội thể thao người khuyết tật toàn quốc lần thứ 22 khai mạc hôm qua tại khu thể thao Hua Mark với hàng trăm vận động viên tham gia trong 17 bộ môn. Công chúa Siriwanvaree Mahidol, thay mặt cho cha là Hoàng Thái tử Maha Vajiralongkorn, đã chính thức khai mạc cuộc tranh tài.
Trung tướng Pisal Wattanawongkiri, Chủ tịch Hiệp hội Thể thao Những Người Khuyết tật tại Thái Lan, tuyên bố: tài năng mà các vận động viên thể hiện tại đây sẽ có tính quyết định trong việc chọn vận động viên cho các đội tuyển quốc gia tham dự Thế vận hội những người khuyết tật trong hiệp hội ASEAN tại Malaysia và cuộc tranh tài FESPIC tại Hàn Quốc năm nay.
Đoạn tin này cho thấy ai (các vận động viên khuyết tật, Công chúa Siriwanvaree Mahidol, Trung tướng Pisal Wattanawongkiri), sự kiện gì (khai mạc đại hội thể thao toàn quốc lần thứ 22 của các vận động viên khuyết tật), ở đâu (Khu thể thao Hua Mark tại Bangkok), khi nào (hôm qua). Tại sao và như thế nào không có ý nghĩa trong câu truyện.
Sau đây là một tin nữa trên tờ Bangkok Post:
Trat bị mất điện
TRAT – Các trận mưa lớn đã làm mất điện trên khắp tỉnh vào đêm Chủ Nhật. Vụ mất điện xẩy ra từ 10 giờ tối Chủ nhật đến 5 giờ sáng hôm qua, do một vài bụi tre bị nước mưa chảy xối xả làm trốc gốc đổ trúng các đường dây điện cao thế tại Ban Thung Roi Roo, Quận Khao Saming.
Vụ mất điện không gây ảnh hưởng mấy cho các doanh nghiệp trong tỉnh, ngoại trừ các trại nuôi tôm và những nơi dùng các hệ thống đông lạnh, ông Sunthorn Chansong, Quản lý của Cơ quan Điện lực tỉnh Trat, cho biết.
Tin này đã giải đáp chữ sự kiện gì (mất điện), ở đâu (trên khắp tỉnh và Ban Thung Roi Roo), khi nào (đêm chủ nhật), tại sao (vì mưa lớn), như thế nào (các bụi tre đổ trúng đường dây điện cao áp), ai (gồm có những người sinh sống và chủ các doanh nghiệp trong tỉnh và viên quản lý cơ quan điện lực).
Bây giờ hãy xem xét đến đoạn đầu của một bản tin trên tờ báo tiếng Campuchia ở Phnom Penh:
Bộ Công vụ và Vận tải nằm trên đại lộ Norodom ở Sangkat Srah Chak, Khan Daun Penh, gần Wat Phnom, đã bị đổ sập, làm cho 7 người bị thương trong đó có ba người bị thương nặng.
Theo lời ông Uk Chan, Quốc Vụ Khanh của Bộ Công vụ và Vận tải, tòa nhà này là nơi họp của Bộ Trưởng Khy Taing Lim và đã bị sập vào lúc 8:30 sáng hôm thứ sáu, 23 tháng 3, 2001.
Tin này tiếp tục khoảng mấy trăm chữ nữa, nhưng không hề cho thấy ai đã bị thương. Công nhân viên? Người qua đường? Đàn ông? Đàn bà? Trẻ em? Tất cả những gì chúng ta biết nằm trong câu mở đề.
Người viết tin đã dành nhiều thì giờ để mô tả tòa nhà dùng vào việc gì, xây đã bao lâu, và tự hỏi là nếu tòa nhà bị đổ sập trong khi đang có một cuộc họp diễn ra bên trong thì sẽ ra sao. Anh đã quên mất 7 nạn nhân và có vẻ chú ý hơn đến đến việc là đã không có viên chức quan trọng nào bị thương tích.
Bây giờ hãy xem đến tin sau trên một tờ báo tiếng Anh của Việt Nam:
Hai tay đua xe đạp đoạt áo vàng trong vòng đua Thái Lan
Hai tay đua xe đạp, Hoàng Thị Thanh Tâm và Nguyễn Nam Cực, đã đoạt áo vàng trong vòng đua xe đạp Thái Lan. Hoàng Thị Thanh Tâm đoạt chiếc áo vàng đầu tiên trong giải thiếu niên. Trong khi đó, Nguyễn Nam Cực đoạt áo vàng trong giải quốc tế nam.
Cùng tham gia trong vòng đua Thái Lan có 145 tay đua từ Thái Lan, Uzbekistan, Philíppin, Hong Kông, Malaysia, Việt Nam và Hàn Quốc. Các tay đua tham dự các giải thiếu niên nam, nữ và các cuộc đua quốc tế nam.
Tên của vòng đua là gì? Đây có phải là một cuộc đua lớn hay không? Áo vàng là gì? Cuộc đua kéo dài bao nhiêu cây số? Tổ chức khi nào, tại đâu ở Thái Lan, có giải thưởng không? Nếu bạn viết cho một tờ báo Việt Nam, liệu bạn có nên cho độc giả biết chút ít về hai tay đua người Việt không? Thân thế và tuổi tác của họ? Họ xuất thân từ vùng nào ở Việt Nam? Sau đó thì sao?
Cũng quan trọng không kém năm chữ W và một chữ H là ‘Vì sao?’ Bạn cho độc giả biết tin tức, nhưng họ cũng muốn biết: tại sao họ lại phải để ý đến tin này? Tại sao họ lại phải đọc tin đó? Công việc của bạn không những là cho độc giả biết tin, mà còn là giải thích cho họ tầm quan trọng của tin đó nữa. Nhiều khi các phóng viên tường thuật về diễn biến mới nhất của một vấn đề chính trị phức tạp nhưng không giải thích về tầm quan trọng của sự kiện đó. Hoặc họ viết các thông tin chứa đầy những lời buộc tội lẫn nhau của các phe phái nhưng không giải thích tại sao cuộc tranh cãi đó quan trọng.
Trong mọi tin, hãy tự hỏi:
– Cái gì quan trọng ở đây, ngoài những lời lẽ và hành động?
– Diễn biến này ảnh hưởng ra sao đến đời sống của người đọc?
Nếu bạn không tìm ra câu trả lời về điểm tại sao các độc giả lại nên lưu ý đến tin này thì có lẽ tin đó không đáng tường thuật.
Trong bản tin chúng ta đọc trước đây về việc các xưởng may ở Campuchia đóng cửa, đoạn thứ nhì đã trả lời câu hỏi “Vì sao?”: Có tới 3.000 công nhân đã bị tạm nghỉ việc và có thể một số nữa cũng bị mất việc nếu tình hình không được cải thiện.
Toàn cảnh và bối cảnh
Đừng quên rằng độc giả của bạn thường quan tâm đến các dữ kiện khác nữa để hiểu về biến chuyển sự kiện mới mà bạn tường thuật. Trong bài viết, bạn nên tóm lược toàn cảnh và bối cảnh của câu chuyện. Toàn cảnh có nghĩa là tình hình chung hiện tại có liên quan đến diễn biến sự kiện mới này.
Bối cảnh có nghĩa là những gì xảy ra trong quá khứ có liên quan đến diễn biến sự kiện này. Lấy thí dụ, nếu bạn viết về chính sách kinh tế mới của chính phủ, bạn nên bao gồm cả một đoạn giải thích rằng chính phủ đang tìm cách đưa mức tăng trưởng kinh tế trong nước ngang hàng với các nước khác tại Đông Nam Á (đó là toàn cảnh) và một đoạn nữa giải thích về chính sách kinh tế cũ của chính phủ (bối cảnh). Một bản tin trên tờ báo tiếng Anh Vietnam Investment Review của Việt Nam bàn về việc những người Việt từng sinh sống tại Đông Âu hồi hương có thể làm cho giá nhà đất tăng lên tại Hà Nội. Người viết bao gồm bối cảnh sau đây:
Vào đầu thập niên 1990, một làn sóng công nhân người Việt từ Đông Đức cũ tràn về đã mua nhà đất tại Hà Nội và làm cho giá nhà tăng gấp đôi.
Tuy nhiên, đến cuối thập niên 1990, do muốn nhanh chóng kiếm lời từ nhu cầu nhà cửa mới tăng của Hà nội, một loạt nhà mới được xây tràn lan cho người Việt hồi hương, người nước ngoài và người Hà Nội mới giàu lên làm cho cung vượt quá cầu.
Hãy xem xét đến cách viết các đoạn đầu của bài viết sau đây, thuộc hãng tin AP, kết hợp một cách thiện nghệ điểm “thì sao?” (Đoạn 1-2), bối cảnh (đoạn 1), toàn cảnh (đoạn 3-4). Trao đổi tiền tệ có nghĩa là một thỏa thuận vay ngoại tệ để chống đỡ cho đồng tiền trong nước.
HONOLULU (AP) – Nhật Bản đã ký thoả thuận với Thái Lan, Hàn Quốc và Malaysia để cho các nước này nhanh chóng vay hàng tỷ USD nhằm chống đỡ cho đồng tiền của nước họ trong trường hợp các nước này gặp những sự cố như trong cuộc khủng hoảng tài chính tại châu Á năm 1997-1998.
Các thoả thuận này sẽ cho Thái Lan vay tổng cộng 3 tỷ USD, Hàn Quốc hai tỷ, và Malaysia 1 tỷ với lãi xuất thấp, để chống đỡ cho đồng tiền của họ nếu các đồng tiền này bất ngờ bị sụt gíá trên các thị trường quốc tế.
Các thỏa thuận trao đổi tiền tệ này là dấu hiệu đầu tiên cho thấy một mạng lưới bảo vệ an toàn tiền tệ trên khắp Châu Á bắt đầu được thành lập. Mạng lưới này được đề xuất lần đầu tiên cách đây hơn một năm.
Các thỏa huận được thông báo hôm thứ tư giữa lúc nhiều thị trường chứng khoán và tiền tệ trên khắp vùng đang bị sụt gíá nghiêm trọng, một phần vì tình trạng kinh tế trì trệ chung trên toàn cầu, nhất là tại Nhật Bản và Hoa Kỳ.
“Cẩm nang viết tin” – Peter Eng và Jeff Hodson