Từ khi báo điện tử ra đời, rồi tiếp đó là các mạng xã hội phát triển, mô hình kinh doanh đã tồn tại suốt hơn 5 thế kỷ bỗng vỡ vụn.
LTS: Các tòa soạn báo đang đứng trước những thách thức không nhỏ trong thời đại kỹ thuật số, vừa vật lộn để tồn tại, vừa để khẳng định mình và loay hoay tìm hướng phát triển. Tạp chí Khám phá xin giới thiệu đến quý bạn đọc góc nhìn từ một người trong cuộc - Nhà báo Nguyễn Huy Hoàng (Nguyễn Nhím) qua bài viết dưới đây:
Bài 1 - AI TRẢ TIỀN CHO NHÀ BÁO: NÀO, TA CÙNG TÌM NHÉ
Với báo in, bạn đọc là khách hàng - họ trả tiền để mua tin tức của nhà báo thông qua việc mua các ấn phẩm. Nhưng với báo điện tử - bạn đọc “bỗng dưng” không chịu trả tiền cho nhà báo nữa!
Khi học trong trường báo chí, tôi đã được nghe một công thức về kinh tế báo chí vô cùng dễ hiểu: “Phát hành được 1,5 vạn bản là sống khỏe”.
Điều đó hoàn toàn đúng với thời kỳ báo in còn thịnh vượng - cách đây khoảng 5-10 năm. Có thể nói, đó là cách nói đơn giản về “điểm có lãi” cho một mô hình kinh doanh tin tức đã tồn tại hơn 5 thế kỷ (công nghệ báo in chính thức ra đời từ thế kỷ 16 - khi phát minh ra máy in).
Báo điện tử trở nên phổ biến trong thời đại công nghệ thông tin. Ảnh: minh họa.
Mô hình đó là: Các tòa soạn thuê phóng viên để thu thập tin tức, bỏ chi phí thiết kế, in ấn, phân phối đến khách hàng - bạn đọc. Một mô hình kinh doanh kiểu B2C. Ở mô hình này, các tòa soạn rất dễ xác định khách hàng của mình - xác định người sẽ trả tiền cho mình - đó chính là bạn đọc.
Qua 5 thế kỷ phát triển, mô hình kinh doanh đó dần được hoàn thiện nên kể cả với những nền báo chí ít tính kinh tế nhất như ở Việt Nam, những người làm báo cũng dễ để vận hành nó: “Cứ 1,5 vạn là sống khỏe”.
Nhưng từ khi báo điện tử ra đời, rồi tiếp đó là các mạng xã hội phát triển, mô hình kinh doanh đã tồn tại suốt hơn 5 thế kỷ bỗng vỡ vụn. Thị trường báo giấy bắt đầu tụt dốc không phanh. Các tòa soạn bắt đầu tính đến phương án dự phòng.
“Báo điện tử! Báo điện tử” - những tiếng thì thầm bắt đầu từ khu vực làm maketting - cứ lớn dần và trở thành một hướng đi được các tòa soạn lựa chọn. Tiếng thì thầm từ các nước có nền báo chí thị trường phát triển vọng vào Việt Nam.
Lúc đầu, các tòa soạn chỉ đầu tư cho báo điện tử một cách nhỏ giọt: Đưa bài từ báo giấy lên bản điện tử; thành lập một ban trong tòa soạn. Có một số tòa soạn cấp tiến hơn đã thiết lập “tòa soạn hội tụ” - xem báo giấy và báo điện tử ngang nhau.
Nhưng rồi khi thị trường báo in đã giảm đến mức “tất cả mọi người chơi đều lỗ” thì các tòa soạn đều buộc phải chuyển sang báo điện tử.
Nhưng một sự thật phũ phàng xuất hiện: Bạn đọc không làm cái điều mà họ vẫn làm suốt 5 thế kỷ qua. Họ không trả tiền để mua tin tức nữa. Không những đọc miễn phí, bạn đọc còn “chảnh chọe” vì có quá nhiều… tin tức miễn phí trên internet.
Các hệ thống quảng cáo tự động trực tuyến ra đời đã tạo ra một mô hình kinh doanh mới “càng nhiều viu càng nhiều tiền”. Nhưng rồi các tòa soạn nhanh chóng vỡ mộng vì tiền thu về không đủ chi phí.
“Hết nạc thì vạc đến xương” - khi tin tức không còn người mua, các tòa soạn tập trung để làm quảng cáo (trước đây, xét trên mô hình kinh doanh thì quảng cáo chỉ là phần lợi tức đi kèm của báo chí).
Nhưng rồi các tòa soạn nhanh chóng nhận thấy số tiền thu được từ quảng cáo banner, link, bài pr không đủ bù đắp chi phí để theo đuổi tiêu chí đơn giản nhất mà báo điện tử phải có: “Tin tức cập nhật liên tục”. Để đạt được tiêu chí đó, các tòa soạn báo điện tử phải chi phí nhiều hơn chi phí cho một tờ nhật báo giấy.
Đang trong tình cảnh “gần chết mà không biết làm sao” thì các hệ thống quảng cáo tự động xuất hiện như một ân nhân của báo điện tử. Tiêu biểu nhất là Google.
Anh “Gu” nói: “Hãy làm thuê cho chúng tôi, các bạn cứ sản xuất tin tức chúng tôi sẽ bán chúng, càng nhiều viu càng nhiều tiền”. Và lời mời của Google rất thuyết phục vì họ có một mô hình kiếm tiền quảng cáo cực kỳ tối ưu (điều này ai cũng biết chắc không cần nói lại).
Nhưng Google là một kẻ kinh doanh chính hiệu, "lạnh lùng" đến mức tàn nhẫn vì lợi nhuận. Thực tế, Google là một cái máy, nó gọi mọi đối tác xuất bản tin tức của nó bằng một cái tên: Nhà xuất bản. Nó không quan tâm “tôn chỉ mục đích” của các báo, cũng không phân biệt đó là "đuôi vi en" hay "chấm com" "chấm o rờ gờ"...
Càng đông người chơi, Google càng kiếm được nhiều tiền.
* Còn tiếp...
Nhà báo Nguyễn Huy Hoàng