Từ một chàng sinh viên nghèo trở thành chủ doanh nghiệp ở tuổi còn rất trẻ. Giờ đây, doanh nhân Đỗ Văn Hiếu đảm nhiệm nhiều công việc ở những ngành nghề hoàn toàn khác nhau với nhiều chức danh quan trọng.
Doanh nhân Đỗ Văn Hiếu.
PV: Ông được nhiều người biết đến với cái nickname: "Trưởng phòng không lương". Và giờ đây, lương của ông là bao nhiêu? Đâu là động lực để ông quyết định phát triển và đầu tư vào ngành giáo dục và phát triển con người?
DN Đỗ Văn Hiếu: Ngày xưa, tôi là “trưởng phòng không lương”. Bây giờ, tôi vẫn vậy, không lương nhưng giờ tôi đã được gọi bằng nhiều cái tên khác nữa như: CTHĐQT không lương hay TGĐ không lương. Với tôi lương chỉ là sự tượng trưng, giá trị thật sự của con người nằm ở đam mê và sáng tạo. Với tinh thần ấy, thì lương là một thứ vô giá mà mỗi người tự biết giá trị của mình đang nằm ở đâu. Tôi bây giờ thì hoàn toàn không có lương nhé. Vì lương của tôi đã thuộc về hơn 10.000 con người đang lao động ở đây.
Riêng về lĩnh vực phát triển con người, tôi đang tập trung phát triển về giáo dục và đào tạo, rèn luyện các kỹ năng mềm về nghề như: truyền thông, báo chí, xuất bản… Với triết lý: “Biết làm, biết sống và biết có.” Biết làm, phải tự mình làm điều mình thích, việc mình muốn, đam mê mà mình theo đuổi; Biết sống nghĩa là, biết cách ứng xử với người, với mình, với cuộc đời. Khi đó, biết có là sự cộng gộm giữa biết làm (đam mê) + biết sống (nhân cách) thì tất yếu sẽ thành công.
PV: Ông đang có định hướng và chiến lược phát triển về con người như thế nào trong thời gian sắp tới?
DN Đỗ Văn Hiếu: Tôi nghĩ một con người, muốn tồn tại và phát triển được thì phải đảm bảo ít nhất 2 yếu tố sau đây: Động lực xã hội, động lực tự thân. Về động lực xã hội, nhu cầu giáo dục về con người ngày một cao. Con người muốn hoàn thiện mình thì phải qua giáo dục, châm ngôn ngày xưa có câu: “Nhân bất học bất tri lý”.
Ông được ưu ái gọi với nickname "Trưởng phfong không lương".
Tuy nhiên, với thời đại khoa học và công nghệ phát triển như vũ bão hiện giờ thì người ta tự do lựa chọn con đường học vấn của mình như: học đại học, học nghề, học các kỹ năng nghề, du học… Vì thế động lực xã hội là một điều kiện cần để phát triển. Động lực tự thân, nghĩa là cái khát vọng, đam mê được làm việc, được lao động của bạn rồi sau đó dẫn tới các hoạch định, chiến lược và thực thi.
Tôi nhớ một câu nói, được trích lại trong “Đắc Nhân Tâm” của Dale Carnegie là: Phát biểu cái bản ngã là điều cần thiết nhất đối với ta. Vậy bản ngã của tôi là gì, những ngày còn nhỏ, tôi là người đam mê với sách, ham mê đọc sách. Tôi đọc rất nhiều loại sách từ kinh doanh làm giàu, triết học, chính trị… nên tôi muốn mình là bệ phóng cho nhiều bạn trẻ có cùng nhiệt huyết, dám nghĩ, dám làm. Sau khi trưởng thành, tôi đi làm rất nhiều ngành nghề khác nhau, tích góp không ít kinh nghiệm. Vì vậy, chiến lược phát triển con người của tôi chính là chia sẻ những hiểu biết, kinh nghiệm của mình với thế hệ tiếp bước tương lai.
PV: Ông đang hoạt động rất nhiều ngành nghề, có thể nói đa ngành nghề. Từ BĐS tới kinh doanh về công nghệ rồi sang truyền thông, báo chí, xuất bản, giáo dục, cố vấn chiến lược…Vậy đâu mới là đam mê thật sự của ông?
DN Đỗ Văn Hiếu: Đầu tiên, nếu bạn để ý sẽ thấy tất cả những ngành nghề này đều có mối liên hệ với nhau đó thôi. Tất đều nhằm một mục đích phát triển con người và phát triển kinh tế của đất nước. Thứ 2, tất cả những ngành nghề này muốn làm được, làm tốt phải cần đam mê và có chiến lược. Thứ 3, bạn phải cần có yếu tố may mắn.
Doanh nhân Đỗ Văn Hiếu (ngoài cùng bên phải) trong một hội thảo.
Tôi còn nhớ một câu trong kinh thánh: Có một vị thần đang trói buộc lấy ta, mà ta không tài nào thoát ra được. Có lẽ, định mệnh đã bắt tôi phải như thế, phải hoạt động nhiều lĩnh vực, ngành nghề để thỏa chí sáng tạo nhằm giải tỏa cái khát vọng làm giàu được dồn nén từ những năm tháng khi còn là một cậu sinh viên nghèo. Vậy đâu là đam mê thật sự, thú thiệt tôi cũng đang tự hỏi mình về điều đó - vì trong bất kỳ một lĩnh vực, ngành nghề nào tôi cũng tìm thấy niềm đam mê, hứng thú cũng như động lực.
Tôi luôn lao động bằng 200% sức lực của chính bản thân mình. Ở kinh doanh, người ta cần rất nhiều sự nhạy bén, ở giáo dục người ta cần điềm tĩnh, ở công nghệ người ta cần yếu tố tỉ mỉ, ở tư vấn người ta cần nhiệt huyết. Tôi nghĩ mình là tổng hòa của yếu tố trên. Vì “con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội mà phải không!”
PV: Xin hỏi ông, trong tương lai ông có định phát triển thêm những ngành nghề nào để đầu tư vào “công nghệ” phát triển con người hay không?
DN Đỗ Văn Hiếu: Xin trả lời luôn cho bạn, đã là con người thì không có yếu tố công nghệ ở trong đó. Phát triển con người là một chiến lược. Vì người tài vốn là nguyên khí của quốc gia. Có thể, phát triển thêm về lĩnh vực ngoại ngữ chăng; nhưng chỉ là giả thiết thôi nhé. Với một khối lượng công việc đồ sộ như hiện nay, tôi đã giải quyết không xuể rồi.
Tôi ước mình có thêm khả năng phân thân để có thể làm nhiều hơn, phát triển rộng hơn nữa về lĩnh vực đầu tư con người một cách đúng nghĩa nhất. Vì giáo dục cần một tinh thần khai minh để ngọn lửa đam mê luôn trở nên bất diệt.
Xin cảm ơn ông về buổi nói chuyện đầy thú vị. Chúc ông và gia đình nhiều sức khỏe, với những hoạch định lớn hơn nữa trong một tương lai gần.
Theo Duy Kỳ - Nhã An
http://www.doanhnhan.vn/doanh-nhan-do-van-hieu-cho-di-la-nhan-lai-d3909.html