Pages

Thứ Năm, 25 tháng 5, 2017

Bảy thói quen của người thành đạt - cách rèn luyện giúp bạn Chinh phục số phận Thay đổi thói quen


Tóm tắt


Cuốn sách Bảy thói quen của người thành đạt giới thiệu tới người đọc những thói quen tạo nên sự khác biệt của những người có khả năng xử lý các vấn đề quanh mình một cách đặc biệt hiệu quả. Tác giả tin rằng những người có được cuộc sống thành đạt và trọn vẹn không coi vị thế độc lập cá nhân là mục tiêu theo đuổi cuối cùng, mà họ luôn hướng tới khả năng điều chỉnh bản thân mình từ bên trong với những nguyên tắc phổ quát, ví như lòng trung thực và tính chính trực.

Ai nên đọc cuốn sách này?

Những ai quan tâm đến vấn đề phát triển cá nhân và tự quản lý bản thânNhững ai đã nghe nói về “Bảy thói quen” và muốn tìm hiểu thêm về điều này.

Về tác giả

Stephen Covey (1932-2012) là một tác giả người Mỹ, một chuyên gia cố vấn, đồng thời là giảng viên đại học. Bên cạnh các cuốn sách thuộc chủ đề về kỹ năng tự khích lệ và tu thân, Covey cũng viết nhiều bài về chủ đề tôn giáo. Bảy thói quen của người thành đạt là tác phẩm nổi tiếng nhất của ông.

Để thay đổi, điều bạn phải nhắm tới là tính cách, chứ không phải hành vi của mình.

Nói chung, có hai con đường để trau dồi bản thân và thay đổi cuộc đời của mình. Có một cách là nhắm tới các kỹ năng cần thiết cho một hành vi mong kỳ vọng nào đó; ví như học các kỹ năng giao tiếp hay các phương pháp quản lý thời gian.

Một cách khác, bạn có thể chọn một con đường vòng, xa xôi hơn, bằng việc đào sâu thêm một chút và nỗ lực trau dồi chính tính cách của mình: đó là những thói quen nền tảng và các hệ niềm tin giúp xây dựng nên thế giới quan của bạn.

Cách tiếp cận đầu tiên là một nỗ lực hiệu quả nhằm đi tắt đến thành công: trở nên giàu có mà không lao động, hay đạt được những thăng tiến cá nhân mà không cần trải qua những bước phát triển thực sự.

Thực ra thì sự phát triển cá nhân không thể đạt được bằng đường tắt. Trên con đường dẫn tới nấc thang thành đạt thực sự, bạn sẽ chẳng thể nhảy cóc chút nào, dù là một bước nhỏ.

Điều này quả thật đúng đắn với những môn thể hiện tài năng như tennis hay chơi đàn piano, và cũng hết sức đúng đắn với tiến trình phát triển xúc cảm của con người, cũng như phát triển tính cách của họ.

Nếu bạn thực sự muốn thay đổi, bạn cần phải thực hiện “thay đổi từ bên trong”. Chỉ khi bạn đã thay đổi chính mình một cách mạnh mẽ, bạn mới có thể bắt đầu thay đổi thế giới quanh mình. Giả như bạn muốn có một cuộc hôn nhân hạnh phúc, trước hết chính bạn phải trở thành một người tích cực hơn đã.

Nếu bạn muốn được nhìn nhận là một người đáng tin cậy, sẽ chẳng tốt đẹp gì khi bạn chỉ cố gắng nâng cao kỹ năng giao tiếp – thay vào đó, điều bạn cần phải làm là nỗ lực để bản thân mình thực sự trở thành một người đáng tin cậy.

Để thay đổi, điều bạn phải nhắm tới là tính cách, chứ không phải hành vi của mình.

Nỗ lực phát triển tính cách đòi hỏi việc điều chỉnh mô thức cá nhân theo những nguyên tắc phổ quát.

Các mô thức là những khối lắp ghép cho tính cách của ta. Chúng là những nguyên tắc nền tảng – là lăng kính mà qua đó ta nhìn ra thế giới.

Nhận thức của chúng ta không phải là một thực tại khách quan, mà là cách diễn giải chủ quan có nhuốm màu sắc của lăng kính mô thức ta đang mang.

Những thói quen tạo nên phần lớn các hành động của chúng ta chính là kết quả trực tiếp của các mô thức này.

Bởi đó là cốt lõi tính cách của chúng ta, các mô thức là chìa khóa dẫn tới bất kỳ thay đổi nào. Nếu bạn muốn thay đổi bản thân mình, trước hết bạn phải thay đổi các nguyên tắc nền tảng. Chỉ bằng cách này ta mới có thể thay đổi thực tại chủ quan của ta, và nhờ đó thay đổi hành vi.

Bạn cũng cần nhận thức rõ các mô thức của chính mình. Nếu bạn muốn vượt qua những thói quen thâm căn cố đế, như tính chần chừ, tính tự coi mình là trung tâm, hay tính thiếu kiên nhẫn, trước hết bạn phải nhận ra nguyên tắc nền tảng tạo nên thói quen đó.

Nếu bạn muốn vươn tới sự thành đạt thực sự, sẽ rất hữu ích khi bạn điều chỉnh các mô thức cá nhân với những nguyên tắc phổ quát có tính bao trùm hơn – chính là những giá trị như công bằng, trung thực và chính trực.

Bởi đa số mọi người đều đồng ý với những nguyên tắc trên, ta có thể xem chúng như quy luật tự nhiên mang tính trường tồn vĩnh cửu, gần như là thước đo chuẩn mực mà ta có thể dùng để đo lường các giá trị của mình.

Có thể đánh giá hành vi con người dựa vào các nguyên tắc phổ quát này. Khi khả năng điều chỉnh hành vi bản thân theo những nguyên tắc đó càng tốt, chúng ta càng có thể hòa nhập vào thế giới quanh mình một cách hiệu quả hơn.

Và bởi hành vi của chúng ta được tạo nên trực tiếp bởi các nguyên tắc nền tảng cá nhân của mình, ta có thể nói:

Nỗ lực phát triển tính cách đòi hỏi việc điều chỉnh mô thức cá nhân theo những nguyên tắc phổ quát.

“Hãy mài sắc lưỡi cưa” nếu bạn còn muốn cưa tiếp.

Nếu bạn bỏ ra cả ngày chỉ để ngồi miệt mài kéo cưa mà chưa bao giờ tìm được một khoảng thời gian cho việc mài lưỡi cưa đó thì có lẽ về căn bản bạn đang làm việc gì đó sai phương cách.

Quan tâm chăm sóc các nguồn lực thiết yếu là điều không thể bỏ qua nếu bạn muốn giữ hiệu quả lâu bền: có thể coi những nguồn lực đó chính là lực lượng nhân viên của bạn.

Xét về khía cạnh này, tính chủ động là thiết yếu và được áp dụng trong mọi lĩnh vực của cuộc sống.

Nói đơn giản thế này. Để có một hình thể cân đối, bạn phải thường xuyên tập thể dục, ăn uống lành mạnh và tránh căng thẳng quá mức. Và để có một đời sống tinh thần khỏe mạnh, bạn nên cố gắng hết sức để đọc nhiều cuốn sách bổ ích, sắp xếp thời gian để viết lách một chút – như viết thư hay nhật ký – và chủ động lên kế hoạch cho tương lai của mình theo những mục tiêu dài hạn.

Có một việc nữa cũng hết sức quan trọng đối với bạn, đó là biết chăm sóc cho đời sống xã hội/ xúc cảm của mình bằng cách thiết lập các mối quan hệ tích cực nhiều nhất có thể và đừng bao giờ lơ là nhu cầu giao thiệp xã hội của mình.

Đời sống tinh thần cũng góp phần đáng kể vào sự thành công lâu bền: có thể là cầu nguyện hay thiền định, nhưng cũng có thể là việc thường xuyên đối chiếu với các quy tắc và giá trị của chính mình và chủ động hành động theo các quy tắc và giá trị này.

Điều quan trọng nhất là bạn nên để tâm dành thời gian để lấy lại sức và nạp lại năng lượng. Hầu hết mọi người đều kêu ca rằng họ chẳng lấy đâu ra thời gian cho việc đó. Tuy nhiên, về lâu dài, khoảng thời gian bạn dành ra cho nó sẽ đem lại vô số lợi ích về hiệu suất làm việc cũng như tâm thái sảng khoái.

Lối tư duy này được áp dụng trong mọi lĩnh vực của cuộc sống nơi cần đến vai trò của tính hiệu quả: các doanh nghiệp không phải chỉ cần quan tâm đến sản phẩm mà mình muốn sản xuất, mà còn phải nghĩ tới lợi ích của những người thực hiện sản xuất (trong trường hợp này, chính là đội ngũ nhân viên).

“Hãy mài sắc lưỡi cưa” nếu bạn còn muốn cưa tiếp.

“Luôn chủ động” và hãy làm chủ số phận của mình.

Trong mỗi chúng ta đều tồn tại một nhu cầu cơ bản của con người, đó là mong muốn có sức ảnh hưởng đến thế giới xung quanh, hay nói cách khác, là có tính chủ động.

Điểm này phân biệt con người với những loài động vật khác: loài vật chỉ đơn thuần phản ứng theo cách chúng đã được lập trình sẵn. Mỗi tác nhân kích thích bên ngoài sẽ dẫn tới một phản ứng nhất định nào đó. Ngược lại, con người chúng ta lại có khả năng “tự lập trình”. Chúng ta có năng lực suy nghĩ sau khi tiếp nhận tác nhân kích thích và trước khi phản ứng. Khả năng tự thoát khỏi chính mình, đưa ý thức lên để tự soi rọi bản thân và quan sát các hành động của mình giúp ta chủ động quyết định cách thức ta phản ứng lại với những tác động bên ngoài. Một ví dụ nổi bật về khả năng chủ động đích thực là Viktor Frankl, người có khả năng duy trì sự tự chủ cảm xúc của bản thân trong suốt thời gian ông bị nhốt trong các trại tập trung của Hitler, trong đó có trại tử thần Auschwitz. Nói một cách đơn giản, ông quyết không cho phép những kẻ tra tấn có cơ hội kiểm soát những cảm xúc sâu thẳm trong nội tâm của ông. Ngược lại, rất nhiều người không hề chủ động trong cuộc sống, mà sống theo lối phản ứng phản xạ. Họ chỉ biết phản ứng tức thì với ngoại cảnh và những hành vi hay cảm xúc của họ đều phụ thuộc vào những điều đang diễn ra quanh họ. Vì lẽ ấy, tâm trạng họ có thể đặc biệt hứng khởi chỉ đơn giản vì thời tiết thật đẹp.

Trong khi đó, những người chủ động sẽ tự quyết định “tình hình thời tiết” cho tâm trạng của chính mình. Họ được thúc đẩy bởi những giá trị bên trong và dám đảm đương trách nhiệm cho cuộc sống của chính mình. Chính những quyết định cá nhân chi phối hành vi của họ, và họ không chấp nhận bị ảnh hưởng bởi ngoại cảnh. Điều này được thể hiện rõ ràng nhất qua ngôn từ: những người sống theo lối phản ứng phản xạ đổ toàn bộ trách nhiệm cho số phận của mình vào ngoại cảnh. Họ hay nói những câu kiểu “Chẳng phải lỗi của tôi,” hay “Tôi chẳng thể kiểm soát đươc vấn đề đó.”

Ngược lại, những người chủ động biết làm chủ số phận của mình: những gì họ quyết định trong quá khứ đã tạo nên chính con người họ ngày hôm nay. Họ thường nói những điều như “Tôi đã quyết định sẽ…” hay “Hãy cùng thử xem và tìm ra cách giải quyết vấn đề này.”

“Luôn chủ động” và hãy làm chủ số phận của mình.

“Hãy bắt đầu từ một mục tiêu đã được xác định” – nếu muốn đạt được điều gì đó, bạn cần lập những mục tiêu dài hạn và một bản tuyên ngôn sứ mệnh.

Có nhiều người theo đuổi những mục tiêu vô nghĩa, bởi họ quan tâm đến đạt hiệu suất cao nhiều hơn làm việc hiệu quả.

Có hiệu suất cao là đạt được lượng công việc hoàn thành tối đa trong một khoản thời gian tối thiểu, và điều đó thật vô nghĩa nếu bạn không biết vì sao mình làm công việc đó. Việc không nhận thức được điều gì là thực sự cốt yếu quan trọng với mình cũng chẳng khác gì việc cặm cụi leo lên chiếc thang bị bắc lên nhầm bức tường.

Hãy tưởng tượng một nhóm thợ dùng dao rựa để phát quang đường rừng. Họ chỉ là những người thợ, chỉ biết việc rèn luyện sức khỏe và kỹ năng để chặt nhiều cây nhất trong một thời gian ngắn nhất, họ là những người có hiệu suất cao. Vậy ai là người làm việc hiệu quả? Đó có lẽ là một anh chàng leo lên một ngọn cây cao nhất, quan sát toàn bộ và thét lên: “Anh em ơi, chặt nhầm cánh rừng mất rồi!”

Để tránh tình trạng này, trước hết cần suy nghĩ sáng tỏ về những mục tiêu dài hạn của bạn. Nhằm làm được việc đó, có thể tự hỏi mình những câu hỏi cho “lễ tang tưởng tượng” như:

Tôi muốn mọi người nói về tôi như thế nào trong lễ tang của tôi?Tôi muốn được nhớ đến như một người thế nào?Tôi muốn được mọi người nhớ đến vì điều gì?

Một người hiểu rõ về các mục tiêu lớn và dài hạn của chính mình sẽ có khả năng kiên định hướng tới chúng trong mỗi việc họ làm.

Do vậy tự mình thảo ra một bản tuyên ngôn sứ mệnh cá nhân là một cách thức vô cùng hiệu quả. Trong bản tuyên ngôn này, bạn sẽ viết ra những quan điểm sống của chính mình: các giá trị cốt lõi và những nguyên tắc mà bạn tin tưởng, và những mục tiêu lớn lao hơn nữa mà bạn muốn đạt được trong cuộc sống.

Bản tuyên ngôn sứ mệnh có thể được hiểu như “hiến pháp” cá nhân, một hệ tiêu chuẩn được thiết lập nhằm đo lường và đánh giá mọi việc. Có được một chiếc la bàn như vậy, bạn sẽ cảm nhận định hướng rõ ràng và cũng cảm thấy vững tin hơn.

“Hãy bắt đầu từ một mục tiêu” – nếu muốn đạt được điều gì đó, bạn cần lập những mục tiêu dài hạn và một bản tuyên ngôn sứ mệnh.

Để đạt được mục tiêu, ngay trước khi làm điều gì, bạn cần hình dung ra kết quả của mỗi hành động một cách rõ ràng nhất.

Trên thực tế mọi hành động đều được thực hiện hai lần: lần đầu là khi ta hình dung ra hành động đó trong như một kịch bản trong tâm thức, và lần thứ hai là khi ta thật sự thực hiện nó.

Kịch bản trong tâm thức càng sáng rõ và sống động bao nhiêu thì kết quả thực hiện càng thuận lợi bấy nhiêu.

Bởi vậy hãy luôn nhớ hai điều đặc biệt quan trọng sau:

Trước hết, bạn phải luôn nhận thức được rõ những mục tiêu dài hạn của mình cũng như những giá trị và tiêu chuẩn, nhờ đó bạn có thể bám sát vào những điều đó trong mọi hành động của mình. Bạn luôn phải biết chính xác mình đang hướng tới mục đích gì.

Bởi nếu bạn không biết được mình đang nhắm tới điều gì, bạn sẽ dễ dàng trở thành con tốt đen thụ động trong ván cờ của người khác.

Thứ hai, bạn cần xây dựng một kịch bản hết sức sống động trong tâm thức của mình về điều bạn sắp làm: một kịch bản đặt ra chính xác điều bạn muốn đạt được. Khi đã giương cung lên, cần hình dung ra xem mình sắp làm thế nào để có thể bắn trúng hồng tâm.

Phương pháp hình dung này thực sự hiệu quả trong mọi tình huống. Có thể lấy ví dụ về các vận động viên hàng đầu, họ luôn được rèn luyện kỹ càng về việc hình dung cách mình rời điểm xuất phát, hoàn thành xuất sắc thành tích thi đấu và giành vị trí vô địch.

Nguyên tắc này cũng được áp dụng tại công sở. Trước hết bạn cần một kịch bản trong tâm trí, một kịch bản có thể sẽ được chuyển tải thành hành động cụ thể. Như một câu ngạn ngữ có nói: “Thà rằng phải hỏi hai lần còn hơn một lần lạc lối.” Sẽ hiệu quả hơn rất nhiều nếu bạn đầu tư thời gian cho việc tiên liệu trước hành động và hình dung ra kết quả mong muốn, thay vì chỉ cắm đầu cắm cổ làm mà không suy nghĩ.

Để đạt được mục tiêu, ngay trước khi làm điều gì, bạn cần hình dung ra kết quả của mỗi hành động một cách rõ ràng nhất.

Nếu bạn muốn thực sự là người thành đạt, hãyluôn “Ưu tiên cho điều quan trọng nhất”

Nếu bạn muốn giữ thế chủ động nhằm kiểm soát mọi tình hình ngoại cảnh mà bạn phải

đối mặt trong cuộc sống, bạn cần phải giữ một mục tiêu rõ ràng, bạn cũng cần những thói quen tốt để  giúp bạn đưa mục tiêu thành hành động. Một sứ mệnh hay viễn cảnh chỉ có thể biến thành hiện thực khi bạn thực sự sống cùng nó ngày qua ngày.

Điều này yêu cầu một khả năng quản lý thời gian. Hầu hết các kỹ năng quản lý thời gian đều chỉ hữu dụng trong việc nâng cao hiệu suất làm việc, nhưng không cải thiện tính hiệu quả. Ngoài ra, các kỹ năng này thường xuyên tạo ra tình trạng căng thẳng cho các mối quan hệ, và về lâu dài lại mang tính cản trở.

Trong hầu hết các tình huống, chỉ cần ghi nhớ câu châm ngôn nho nhỏ này là đủ: “Ưu tiên cho điều quan trọng nhất.”  

Ưu tiên cho điều quan trọng nhất nghĩa là biết sắp đặt việc nào là việc cần được giải quyết trước tiên và gạt những việc ít quan trọng hơn sang một bên để giải quyết sau.

Làm sao để ta biết điều gì là quan trọng? Những điều quan trọng là những điều đưa ta tiến gần hơn đến những mục tiêu cuối cùng của mình, và là những điều nhất quán với bản tuyên ngôn sứ mệnh của mình – thể hiện những giá trị và nguyên tắc của bản thân.

Theo đó điều quan trọng này sẽ không bao gồm vô số những vấn đề vụn vặt cấp bách mà hàng ngày ta phải đối mặt. Mà ngược lại, những điều quan trọng là những kế hoạch và nhiệm vụ có vẻ không mang tính cấp bách, nhưng lại tạo nên viễn kiến lớn lao hơn cũng như đem lại những ảnh hưởng đáng kể về lâu dài.

Để có thể dành thời gian và tâm trí cho những nhiệm vụ quan trọng cốt yếu, bạn phải học cách chấp nhận hay từ chối đúng lúc. Khi có ai đó đề nghị ta làm một việc, ngay cả khi trong lòng ta có một ngọn lửa thôi thúc ta chấp nhận, vẫn nên giữ cho mình khả năng từ chối nếu việc đó không đóng góp gì vào việc đạt được những mục tiêu lâu dài của bản thân.

Nếu bạn muốn thực sự hiệu quả, hãy luôn “Ưu tiên cho điều quan trọng nhất.”

“Tư duy cùng thắng” để đồng thời vừa có được miếng bánh của mình vừa xây dựng được các mối quan hệ lâu bền.

Từ bản năng tự nhiên, hầu hết mọi người đều hình thành trong mình mô hình“thắng – thua”. Họ cho rằng mọi tình huống đều là một trận đấu, và những người khác đều là địch thủ trong trận chiến giành miếng bánh lớn nhất. Tuy nhiên, đa số các tình huống trong cuộc sống không nhất thiết phải là một trận đấu. Thường thì ai cũng có thể có miếng bánh cho mình, và mọi sự thậm chí còn tốt đẹp hơn cho tất cả nếu mọi người cùng đi theo giải pháp “cùng thắng”.

Điều tệ nhất của tâm lý “thắng – thua” là khi hai con người cùng có tâm lý này phải đối mặt với nhau, nguy cơ cao là sự việc sẽ đi đến kết cục “cùng thua”. Đôi bên đều thua cả, trong khi đó thì chú chó lại được xơi cả chiếc bánh bị rơi toẹt xuống sàn trong cuộc cãi vã. Hơn nữa, rõ ràng việc xây dựng một mối quan hệ tích cực giữa hai con người luôn đối chọi với nhau quả thực là bất khả thi. Ngược lại, lối tư duy “cùng thắng” đem lại vô số lợi ích, một trong số đó là khả năng xây dựng được vô vàn những mối quan hệ tích cực với nhiều người khác. Bởi khả năng xây dựng các quan hệ tốt đẹp với mọi người quả là một món tài sản quý giá và là nền tảng cho sự thành đạt thực sự.

Tâm lý cùng thắng là cách tư duy luôn cố gắng tìm ra một giải pháp mà mọi người đều mong muốn. Nó đòi hỏi sự thay đổi tư duy từ chỗ “Tôi muốn chắc chắn rằng tôi sẽ có phần bánh của mình” sang “Rồi sẽ có đủ bánh cho tất cả mọi người cả thôi”.

Điều này có nghĩa rằng cần phải tiếp tục giao tiếp và thương lượng cho đến khi tìm ra một giải pháp mà mọi người đều mong đợi. Thực sự đây không phải một nhiệm vụ dễ dàng, đòi hỏi cần có cả sự tinh tế lẫn tính nhẫn nại.

Tuy nhiên, kết quả đem lại sẽ là một mối quan hệ tích cực lâu bên và tạo nên sự tin tưởng lẫn nhau, mang đến lợi ích cho tất cả mọi người.

“Tư duy cùng thắng” để đồng thời vừa có được miếng bánh của mình vừa xây dựng được các mối quan hệ lâu bền.

Tạo lập các mối quan hệ ổn định với người khác chính là đầu tư vào các tài khoản tình cảm.

Có thể coi mỗi mối quan hệ giống như một tài khoản ngân hàng – đó là tài khoản tình cảm, cho phép ghi nhận lại chính xác mỗi một người nào đó đã đầu tư vào bao nhiêu.

Số dư tài khoản càng lớn, độ tin tưởng giữa các bên càng cao.

Xét trên cách tiếp cận này, bạn nên cố gắng có khoản gửi vào thường xuyên và hạn chế hết sức việc rút ra từ tài khoản.

Có thể lấy ví dụ về một khoản gửi như việc tìm ra phương án cùng thắng, việc giữ lời hứa, hoặc thực sự lắng nghe ai đó bằng sự đồng cảm.

Ngược lại, một khoản rút ra có thể là một phương án thắng – thua, không giữ lời hứa, hay việc “lắng nghe qua quít”.

Một khi bạn đã đạt được số dư tối đa trong tài khoản tình cảm của mình, bạn cần cố gắng thấu hiểu những nhu cầu cũng như bản tuyên ngôn sứ mệnh của người khác, để đầu tư vào đó.

Điều đó lý giải vì sao, trong cuộc sống hàng ngày, việc giữ lời hứa là cực kỳ quan trọng, cũng như sự nhã nhặn và tinh tế thậm chí với những vấn đề nhỏ nhặt nhất, và trên tất cả, hãy luôn là một người trung thành.

Nếu bạn có lỡ rút một khoản từ tài khoản tình cảm, bạn cần xin lỗi một cách chân thành. Ai trong chúng ta cũng đều lấy làm hạnh phúc khi có thể tha thứ cho một người mắc lỗi biết ăn năn. Bởi vậy, việc đánh thức lòng can đảm để thừa nhận rằng mình đã sai sẽ luôn là việc đáng làm.

Tạo lập các mối quan hệ ổn định với người khác chính là đầu tư vào các tài khoản tình cảm.

Nếu bạn muốn có thể ảnh hưởng đến người khác, “Hãy cố gắng thấu hiểu người khác trước khi mong người khác hiểu mình”

Nếu bạn gặp một ông bác sỹ nhanh nhẩu đưa ra chẩn đoán trước khi thực sự lắng nghe bệnh nhân trình bày, liệu bạn tin tưởng được ông này bao nhiêu phần trăm?

Chuyện gì xảy ra nếu một bác sỹ nhãn khoa thản nhiên đưa kính của mình cho bạn và bảo: “Kính đó ngon lành lắm, có nó tôi nhìn cái gì cũng rõ cả.” Liệu bạn có nhìn được rõ như ông bác sỹ không?

Dù cho hầu hết chúng ta đều phê phán kiểu hành vi này, nhưng thực ra trong cuộc sống thường nhật, chính chúng ta thường mắc những hành vi tương tự, cụ thể hơn là trong đối thoại với người khác. Chúng ta thường không lắng nghe, và thay vào đó lại bật ra phản ứng một cách tức thì. Chúng ta có xu hướng áp đặt cái nhìn của mình cho người khác và tìm kiếm những phương án mà chúng ta có thể “kê toa”.

Nhìn chung, những lời khuyên kiểu này hiếm khi được tiếp thu, bởi con người ta thường chỉ tin tưởng vào đánh giá của người khác nếu ta cảm thấy họ thực sự thấu hiểu hoàn cảnh của ta.

Nếu bạn muốn điều tốt cho mọi người, và muốn được tôn trọng với như một người biết lắng nghe và một quân sư, bạn cần phải phát triển cho mình kỹ năng lắng nghe một cách đồng cảm.

Tự bản thân mô thức đòi hỏi một sự thay đổi: không còn là “Tôi lắng nghe để tôi có thể đưa ra lời khuyên” nữa, mà phải là “Tôi lắng nghe để tôi có thể thực sự thấu hiểu người đang ngồi cạnh tôi.”

Lắng nghe một cách đồng cảm có nghĩa là lắng nghe chủ động: lặp lại với người kia những điều họ vừa nói bằng chính ngôn từ của bạn, lặp lại những cảm xúc của họ và giúp họ sắp xếp các cung bậc suy nghĩ của chính mình.

Ban đầu bạn sẽ mất nhiều thời gian và công sức để đạt được kỹ năng này, nhưng rồi bạn sẽ nhận lại được những phần thưởng vô cùng quý báu. Nếu bạn học cách lắng nghe một cách đồng cảm thực sự, bạn sẽ nhận ra rằng rất nhiều người đã rất sẵn sàng để mở lòng và tiếp thu ý kiến cũng như lời khuyên của bạn. Đơn thuần là họ chỉ đang chờ đợi một người biết lắng nghe thực sự để có thể mở cánh của lòng mình.

Nếu bạn muốn có thể ảnh hưởng đến người khác, “Hãy cố gắng thấu hiểu người khác trước khi mong người khác hiểu mình.”

“Hãy đồng tâm hiệp lực” bằng cách đối xử với người khác với sự cởi mở và tôn trọng.

Chúng ta có thể thấy khắp nơi trong tự nhiên những ví dụ về sự đồng tâm hiệp lực. Kết quả mà sự đồng tâm hiệp lực mang lại vượt xa rất nhiều so với tổng kết quả của những cá nhân đơn lẻ.

Người thực sự thành đạt sẽ biết cách vận dụng nguyên tắc này trong cuộc sống cũng như trong công việc. Đồng tâm hiệp lực với người khác nghĩa là tôn trọng sự khác biệt và sống cởi mở với mọi người. Mỗi người trong chúng ta đều có lăng kính cá nhân của riêng  mình. Mỗi người trong chúng ta đều có những thế mạnh nào đó. Và bằng cách sử dụng những nguồn lực được chia sẻ, chúng ta có thể bù đắp được những điểm yếu cá nhân.

Đạt được điều này có nghĩa là vượt qua nhu cầu của bạn về một trật tự cố định và tính an toàn, và cũng có nghĩa là bắt đầu nhìn nhận những quan hệ tương hỗ của bạn với người khác như một cuộc phiêu lưu thú vị. Bạn nên coi kết quả của cuộc phiêu lưu này là hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của mình, và đón nhận nó bằng sự cởi mở trọn vẹn. Điều này đòi hỏi mỗi cá nhân phải có sự tự tin đáng kể ở bản thân, cũng như niềm tin sắt đá rằng sức mạnh kết hợp đem lại từ sự đồng tâm hiệp lực của các bên sẽ đem lại những điều gì đó lớn lao, tốt đẹp hơn nhiều lần so với việc một cá nhân tạo ra. Khi con người ta thực sự đồng tâm hiệp lực, họ sẽ biết lắng nghe lẫn nhau, biết đặt mình vào vị trí của người khác và biết tận dụng những đóng góp của người khác như một đòn bẩy để tạo nên điều vĩ đại.

Để có được bầu không khí cộng tác và tin tưởng này, các cá nhân trong một nhóm phải thực sự chín chắn, sẵn lòng đối xử với nhau đầy tôn trọng và đầu tư vào các mối quan hệ công việc của mình.

Thực ra kết quả gần như không thể đoán trước, làm việc đồng tâm hiệp lực cũng có thể dễ dẫn đến rối loạn. Nhưng bạn không được để điều này làm chùn bước. Ngược lại, bạn phải tập trung vào thực tế rằng, cuối cùng bạn sẽ đạt được một thành quả mà một cá nhân sẽ không thể nào đạt được.

“Hãy đồng tâm hiệp lực” bằng cách đối xử với người khác với sự cởi mở và tôn trọng.

Tóm tắt cuối

Thông điệp chính của cuốn sách này:

Thực sự thành đạt có nghĩa là hiểu rõ về điều mình muốn đạt được, và chủ động đưa các mục tiêu vào hành động. Điều này sẽ đạt được hiệu quả nhất bằng cách cố gắng đồng tâm hiệp lực với người khác, đầu tư vào các mối quan hệ lâu dài và duy trì lối sống cân bằng.

Cuốn sách này đem lại câu trả lời cho các câu hỏi sau:

Bằng cách nào bạn có thể tạo nên những thay đổi lâu dài đối với bản thân và duy trì hiệu quả cao trong dài hạn?

Để thay đổi, bạn phải hướng tới tính cách của mình, chứ không phải hành vi.Phát triển tính cách bao gồm việc điều chỉnh các mô thức cá nhân phù hợp với các nguyên tắc phổ quát.“Hãy mài sắc lưỡi cưa” nếu bạn còn muốn cưa tiếp.

Bằng cách nào bạn có thể đạt được những điều vĩ đại và xây dựng thế giới quanh mình một cách hiệu quả?

“Hãy chủ động” và làm chủ số phận của mình.“Hãy bắt đầu từ mục tiêu xác định” – nếu bạn muốn đạt được điều gì đó, bạn cần những mục tiêu dài hạn và một bản tuyên ngôn sứ mệnh cá nhân.Để đạt được các mục tiêu, bạn cần phải hình dung hệ quả của mỗi hành động một cách hết sức sống động trước khi thực hiện hành động đó.Nếu bạn muốn thực sự thành đạt, hãy luôn ghi nhớ “Ưu tiên cho những điều quan trọng nhất.”

Bằng cách nào bạn có thể kết hợp và đồng tâm hiệp lực thành công với người khác?

“Tư duy cùng thắng” giúp bạn đồng thời vừa có được miếng bánh cho mình, vừa có thể xây dựng những mối quan hệ lâu dài.Tạo lập các mối quan hệ ổn định với người khác cũng như đầu tư vào các tài khoản tình cảm.Nếu bạn muốn có thể ảnh hưởng đến người khác, “Hãy cố gắng thấu hiểu người khác trước khi mong người khác hiểu mình”.“Hãy đồng tâm hiệp lực” bằng cách đối xử với người khác với sự cởi mở và tôn trọng.