Môi giới bất động sản - Ngành nghề hấp dẫn các bạn trẻ.
Phúc lợi như mơ
Ai cũng bảo, muốn mau làm giàu mà không cần vốn, hãy đi làm môi giới bất động sản. Nghề này cái hay ở chỗ nhân viên môi giới… không cần lương hoặc chỉ nhận một mức lương tượng trưng từ 3-5 triệu đồng chẳng hạn, còn lại thu nhập chính từ hàng chục đến hàng trăm triệu đến từ hoa hồng của những hợp đồng mua nhà. Tùy vào công ty mà chính sách hoa hồng cho nhân viên môi giới dao động khoảng từ 2 đến 5% trên giá trị bất động sản. Chỉ cần làm phép tính nho nhỏ, mỗi tháng, nhân viên bất động sản môi giới thành công bán căn nhà 1 tỷ, vậy là họ đã có thu nhập từ 30-50 triệu đồng. Con số đầy mơ ước của những bạn trẻ mới ra trường. Chưa kể nhân viên môi giới bất động sản thường không chôn chân ở môi trường công sở ngột ngạt 8g/ngày, địa điểm làm việc rất linh động: từ quán café, nhà hàng đến nhà của khách hàng. Ăn mặc đẹp, phúc lợi cao khiến môi giới bất động sản trở thành nghề nghiệp đầy mơ ước của các bạn trẻ.
Đối mặt khó khăn
Bên cạnh phúc lợi cao, nghề này cũng đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Thông thường trong nghề, rất ít khi khách hàng tìm đến chuyên viên môi giới mà ngược lại, họ phải tỏa đi tìm khắp nơi, dùng đủ mọi phương pháp để tiếp cận những khách hàng mục tiêu. Chuyện một chuyên viên môi giới tốt nghiệp đại học ngành ra trường phải đi phát tờ rơi hay thực hiện cả trăm cuộc gọi mỗi ngày mà xác suất bị từ chối lên đến 90% là điều hết sức bình thường. Với bạn trẻ mới ra trường chưa có nhiều kinh nghiệm và bản lĩnh thì những điều này trở nên rất khó khăn. Thậm chí khi tìm được khách hàng, có những thỏa thuận mua bán gần như đã thành công nhưng lại bị hủy vào phút chót. Theo một số nhân viên bất động sản cho biết, tâm lý phải bỏ ra khoản tiền không nhỏ để chi cho việc môi giới bất động sản khiến người đi mua nhà “hành” nhân viên đủ thứ cũng không phải là chuyện hiếm. Nếu không kiên định, rất dễ xảy ra tâm lý chán nản, mất lòng tin. Năm 2012, khi ngành bất động sản gặp khó khăn, có đến 40% nhà môi giới bỏ nghề, chuyển sang làm công việc khác. Nguyên tắc làm việc của dân trong ngành là phải đoàn kết, động viên nhau, lớp trước bảo ban, chia sẻ kinh nghiệm cho lớp sau và nhất là không được “giành giật dự án của nhau”. Những nhân viên môi giới bất động sản thường bảo rằng, dù tốt nghiệp đại học ra trường hay tay ngang rẽ lối, ai cũng nên bái sư, tìm thầy trong nghề để xin tư vấn khi gặp phải những “ca khó”.
Nhân viên môi giới phải dùng nhiều cách khác nhau để tiếp cận được khách hàng.
Chuyên gia thuyết phục
Phải nói nhân viên môi giới bất động sản là những chuyên gia thuyết phục đầy kiên nhẫn. Khi “chăm sóc” một khách hàng, họ sẽ gắn bó với khách hàng rất sát sao trong thời gian diễn ra giao dịch. Đó phải là những người am hiểu sâu sắc về thị trường bất động sản, tình hình của những năm qua và xu hướng sắp tới để đưa ra những nhận định, lời khuyên, đánh giá cho khách hàng. Không những thế, họ còn phải hiểu biết cơ bản về kiến trúc trang trí nội thất, về nguyên tắc xây dựng để nói sâu hơn về căn nhà, công trình, dự án mình đang chào bán. Và để thuyết phục được khách hàng thì cần có sự kiên nhẫn, nhiệt tình không nề hà đường xa hay phải đi lại nhiều lần. Niềm vui của những người làm môi giới bất động sản chân chính không chỉ là có được phần lợi tức từ việc bán hàng mà nhìn thấy những gia đình tìm được căn nhà mơ ước của mình. An, một bạn nam trong ngành nói: “Mình làm nghề này chứng kiến biết bao người dân tỉnh như mình lên làm việc rồi dành dụm mua nhà. Mình thấy rất vui và mừng cho họ. Bản thân mình cũng chưa đủ tiền để sở hữu một căn nhà cho riêng mình nên mình rất hiểu nỗi khát khao của những người muốn an cư, lập nghiệp”.
Môi giới bất động sản là những người thắp lên giấc mơ an cư – lạc nghiệp cho người khác.
Những cạm bẫy có thật
Khái niệm nhân viên môi giới bất động sản và “cò nhà đất” rất gần nhau. Sự khác biệt là trong khi nhân viên môi giới bất động sản thuộc những công ty địa ốc có quy chế rõ ràng thì “cò nhà đất” lại hoạt động trôi nổi theo quy luật “thế giới ngầm” trong ngành bất động sản. Không phải tất cả “cò nhà đất” đều xấu nhưng cũng không ít người có hành vi lừa gạt khách hàng. Chính vì vậy, đôi khi nhân viên môi giới lại rơi vào tình huống oái oăm bị nhầm với những cò nhà đất bất hảo và bị những ánh nhìn nghi ngờ. Như Hà, một bạn nữ có 2 năm trong nghề kể lại: “Khi về quê, mình nói làm nghề môi giới bất động sản, bác hàng xóm hỏi gọn lỏn: “Bay làm cò nhà đất hả? Nghe nói ở thành phố cò nhà đất lừa đảo nhiều lắm. Bay cẩn thận đó nghe!”. Nghe mà buồn quá chừng. Nghề này cũng không dễ giàu đâu nghen. hai năm nay tình hình bất động sản khó khăn, mình chỉ môi giới thành công có 3 căn nhà. Do đó, mình phải tích cực làm thêm việc khác nữa mới đủ sống”.
Không kể đến những người mua bất động sản để kinh doanh, đa phần những người đi mua nhà đều mong muốn sở hữu mái ấm để an cư, lạc nghiệp. Họ phải tích cóp và vay vốn rất lâu và dành tất cả những gì mình có cho căn nhà. Vì thế, những người môi giới bất động sản không khác gì là “thiên sứ” mang đến tổ ấm an cư cho các gia đình. Với vai trò đó, đôi khi yếu tố đạo đức nghề nghiệp cũng cần được cân nhắc. Hiện trạng căn nhà ra sao, khu vực xung quanh thế nào, tiến độ hoàn thành dự án, những ưu đãi nào nên và không nên tư vấn với người mua nhà hơn ai hết, nhân viên môi giới là người biết rõ nhất. Nói dối để bán được nhà hay thành thật chia sẻ để người mua nhận định được hết tình hình và có quyết định đầu tư cho tổ ấm của mình hay không trở thành vấn đề đạo đức nghề nghiệp. Quyết định thế nào là tùy thuộc bản lĩnh của nhân viên môi giới.
Bức tranh ngành nghề môi giới bất động sản hết sức thú vị, nhiều khó khăn nhưng cũng có thể thành công nếu biết phấn đấu và kiên trì theo đuổi. Nếu yêu thích nghề nghiệp này, bạn có thể học chuyên ngành Bất động sản tại trường ĐH Kinh tế TP.HCM hay các khóa đào tạo nghiệp vụ. Trên kênh truyền hình Star World của Mỹ hiện có một chương trình truyền hình thực tế mang tên Million Dollar Listing nói về nghề này. Nếu yêu thích, bạn có thể đón xem để biết các nhà môi giới nước ngoài làm việc này thú vị và tỏa sáng như thế nào.
HÙNG THUẬN
Ảnh: Internet