Pages

Thứ Ba, 8 tháng 12, 2015

Môi giới bất động sản: 5 Điều “tối kỵ” của người hành nghề

Như chúng ta đã biết: Nghề môi giới bất động sản là mấu chốt phát triển của thị trường BĐS lành mạnh, là cầu nối trung gian quan trọng giữa người bán và người mua. Để sản phẩm của thị trường được “lưu thông” nhằm đáp ứng nhu cầu của các bên. Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra qua hoạt động của nghề môi giới BĐS như hiện nay thì chưa đáp ứng được câu chuyện cung, cầu của thị trường.
Điều đáng nói là trong giai đoạn thị trường BĐS đang khó khăn như hiện nay, thì việc lấy lại lòng tin là điều rất cần thiết. Nhưng còn đó, một “bộ phận” không nhỏ những nhà môi giới BĐS do kiến thức chuyên môn kém, muốn kiếm tiền nhanh đang đi ngược lại xu hướng phát triển chuyên nghiệp của nghề môi giới BĐS.
Lòng tin của khách hàng vẫn đang bị thử thách. Còn đó rất nhiều những “hạt sạn” vẫn đang tiếp tục làm ăn kiểu thiếu nghiêm túc với nghề. Chúng ta dễ dàng nhận ra những người hành nghề theo kiểu “ăn xổi” vẫn đang gây ảnh hưởng rất lớn cho việc khôi phục lòng tin của khách hàng. Qua bài viết này, chúng tôi muốn chia sẻ xu hướng làm việc “5 không” và cũng là 5 điều tối kỵ mà phần lớn những người hành nghề hiện nay đang vướng phải.
SGNL-52-770x386
1/ Không có sản phẩm
Mấu chốt thành công của nghề MG-BĐS chính từ sản phẩm. Hầu hết, các Brokers hoạt động trong lĩnh vực môi giới tại nước ngoài thì thời gian đi tìm sản phẩm chiếm hết 2/3 thời gian trong tháng. Nói nôm na là một tháng có 30 ngày thì họ dành 20 ngày cho việc đi tìm sản phẩm và phải là những sản phẩm cókhả năng bán được trên thị trường, giá phải rẻ hơn thị trường từ 10- 15 %. Để có được một sản phẩm như mong muốn, đòi hỏi người làm môi giới phải có rất nhiều kỹ năng để thẩm định, đàm phán, thuyết phục, phân tích thị trường với người bán nhà. Là cả một quá trình “khổ học” mới mong có được hợp đồng môi giới với chủ nhà. Uy tín cá nhân là một phần không thể thiếu của một người hành nghề chuyên nghiệp. Nghề môi giới BĐS khi có sản phẩm “hot” và nhiều “hàng” thì cầm chắc 60 % sự thành công trong hoạt động kinh doanh.
Hầu hết, những người làm môi giới BĐS tại VN hiện nay rất thụ động trong việc truy tìm sản phẩm bán lẻ tiềm năng. Họ chỉ tích cực khi có khách hàng người mua hay người thuê yêu cầu. Chúng ta thử hình dung: Tiệm tạp hóa mà chỉ lèo tèo có vài sản phẩm thì tiệm tạp hóa đó sẽ ra sao?
Để thu thập nguồn data base khách hàng tiềm năng họ sẵn sàng đăng quảng cáo những sản phẩm hấp dẫn, giá rẻ, vị trí tuyệt vời. Nhưng thật sự là những sản phẩm “ảo” không có thật. Đây là những “chiêu” thường thấy hiện nay.
2/ Không bán đúng giá:
Điều tối kỵ của người hành nghề là “kê giá ăn chênh lệch”. Bản chất của nghề môi giới là nghề “phục vụ” và được hưởng thù lao từ chính tiền hoa hồng trong hợp đồng môi giới theo luật định với người bán. Chính vì vậy, việc kê giá ăn chênh lệch, chúng ta phải hiểu rằng; chúng ta đang tự lấy dây “thắt cổ” mình. Tệ hại hơn nữa, việc kê giá, sản phẩm bị đẩy giá lên cao sẽ gây ảnh hưởng chung đến giá trị thật của thị trường BĐS. Nên nhớ, sự hiểu biết của khách hàng hiện nay khác xa so với sự hiểu biết của khách hàng 15 năm về trước. Họ đủ tỉnh táo để nhận diện ra ngay những nhà môi giới “trời ơi” kiểu này.
Hiện nay, quyền lực đang nằm trong tay của người mua nhà và tương lai cũng vậy. Việc kê giá ăn chênh lệch chỉ làm cho khách hàng mất niềm tin vào người hành nghề môi giới, từ đó mất luôn khách hàng. Khi người mua hoặc thuê phát hiện ra giá trị thật của sản phẩm đã bị nhà môi giới “phù phép”.
Khi thị trường nổi “bong bóng” như năm 2007- 2008 thì quyền lực nằm trong tay của người bán. Nhưng khi thị trường đang “chìm sâu” vào khủng hoảng như hiện nay, thì việc kê giá ăn chênh lệch không còn phù hợp, sẽ gây khó khăn hơn cho việc bán hàng của nhà môi giới. Và điều quan trọng hơn, là lòng tin của khách hàng lại càng giảm sút hơn nữa. Việc nâng giá là hành động không phù hợp của môi trường kinh doanh BĐS minh bạch và chuyên nghiệp. Đừng tự làm khó mình khi mà thị trường BĐS vẫn đang khó khăn như hiện nay.
3/ Không kiến thức chuyên môn
Chính tâm lý chụp giựt do sự phát triển “nóng” của thị trường BĐS trong những năm BĐS nổi sóng đã hình thành lên tâm lý: Môi giới BĐS thì có gì đâu mà phải học và không cần học vẫn kiếm khối tiền ?! Đến khi thị trường rơi vào bế tắc, những người môi giới mới nhận ra “tại sao tôi phải bỏ nghề?”.
Mấu chốt của sự thành công của nghề môi giới là kiến thức chuyên ngành và các kỹ năng chuyên môn vững vàng. Vốn sống và kinh nghiệm là điều kiện không thể thiếu của người hành nghề môi giới BĐS. Vừa qua, dự thảo của Luật kinh doanh BĐS do Bộ Xây dựng soạn thảo có nêu vấn đề: những người hành nghề môi giới phải tốt nghiệp đại học và phải có thẻ hành nghề mới được hành nghề môi giới BĐS. Như vậy, chúng ta cũng đã rõ; người hành nghề môi giới trong giai đoạn hiện nay và tương lai. Ngoài trình độ học vấn, còn phải được đào tạo ở những môi trường chuyên nghiệp, bài bản để có được kiến thức chuyên môn lành nghề mới hy vọng trụ được với nghề. Quy luật đào thải của thị trường chưa bao giờ rõ nét như hiện nay dành cho những người hành nghề MG-BĐS.
4/ Không nắm bắt nhu cầu khách hàng
Một vài câu hỏi ngắn qua điện thoại với người mua hay người muốn thuê. Không gặp gỡ khách hàng trực tiếp trước khi thực hiện quy trình trước, trong và sau khi xem nhà là lý do mà người hành nghề MG đang làm mất thời gian, tiền bạc và sức khỏe của mình cũng như của khách hàng. Và đây cũng là lý do chính ngày càng có nhiều người hành nghề môi giới bỏ nghề vì không giao dịch được.
Những Brokers ở các nước khi nhận được yêu cầu của người mua hay người muốn thuê họ đều có những kỹ năng riêng để sắp sếp cuộc gặp mặt trực tiếp cho bằng được. Họ đến với khách hàng như một người BẠN thật sự. Họ quan tâm, chia sẻ, tư vấn như một người thân với rất nhiều những câu hỏi kỹ thuật trong giao tiếp chuyên ngành. Mục đích cuối cùng vẫn là; Khách hàng thật sự muốn gì ? Từ đó, họ mới đáp ứng được nhu cầu của khách hàng một cách tốt nhất.
Hầu hết, những người hành nghề môi giới BĐS hiện nay thường xem nhẹ yếu tố nắm bắt nhu cầu khách hàng trước khi xem nhà. Có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính vẫn là thiếu sản phẩm và thiếu các kỹ năng chuyên môn để tiếp cận được với khách hàng… Và kết quả là giao dịch không thành công.
Thử so sánh, các Brokers nước ngoài dẫn xem 2 hoặc 3 căn nhà là có thể giao dịch được 1. Còn các nhà môi giới hiện nay dẫn cho khách hàng xem rất nhiều nhà nhưng vẫn nhận được cái lắc đầu ngao ngán của người mua hoặc thuê nhà.
Nói một cách dễ hiểu; nắm bắt nhu cầu khách hàng là yếu tố cực kỳ quan trọng để nâng cao uy tín cho nhà môi giới. Mà qua đó, còn thể hiện sự chuyên nghiệp, tạo mối quan hệ lâu dài trong tương lai với khách hàng.
5/ Không PR thương hiệu cá nhân
Thử hỏi, có bao nhiêu khách hàng còn nhớ đến bạn sau khi tiếp xúc? Bạn đã để lại ấn tượng gì? Hay chỉ là những buổi gặp gỡ xã giao khi khách hàng có nhu cầu? Tệ hơn nữa là khách hàng không muốn gặp mặt bạn khi vừa bị bạn “giở chiêu” sau một cú giao dịch? Thật ra, để trả lời được những câu hỏi nêu trên, chính là nền tảng của một nhà môi giới BĐS thành công.
PR thương hiệu đến từ hoạt động cố định của địa phương mà nhà môi giới đang hoạt động thông qua hình ảnh, bài viết, tiếp xúc với khách hàng. Muốn thay đổi cách nhìn thiếu thiện cảm của khách hàng hiện nay đòi hỏi phải có thời gian. Nghề môi giới BĐS là nghề nhận được kết quả từ quá trình làm việc lâu dài. Để một thị trường phát triển bền vững và lành mạnh thì chính sự chuyên nghiệp và tử tế của những nhà môi giới mới mong “khôi phục” được lòng tin của khách hàng và mang lại thu nhập cao cho người hành nghề môi giới BĐS