PictureHôm qua (8.3), tại Hà Nội, các chuyên gia của Chương trình Định cư con người của Liên Hợp Quốc (UN-HABITAT) đã góp ý cho bản dự thảo chiến lược phát triển nhà ở tại Việt Nam đến 2020, tầm nhìn đến 2030.Còn thiếu khoảng 20 triệu căn hộCác phân tích về thị trường nhà đất trong Hồ sơ về nhà ở đô thị Việt Nam của UN-HABITAT cho thấy, người Việt Nam phải bỏ ra đến 80% thu nhập để lo chỗ ở, trong khi mức trung bình của thế giới chỉ ở mức 33%.
Hiện có đến 70% hộ gia đình Việt Nam chưa có phương tiện sinh hoạt phù hợp và cả nước đang thiếu khoảng 20 triệu căn hộ.
Các nỗ lực phát triển nhà ở xã hội cho người nghèo ở đô thị trong thời gian gần đây vẫn đang bị đánh giá là nguồn cung ít, khó tiếp cận và dễ sai đối tượng. Hạ tầng kết nối trong đô thị, công nghệ xây dựng và đặc biệt là vật liệu xây dựng phụ thuộc nhiều vào nước ngoài, nhất là Trung Quốc, đã ảnh hưởng nhiều đến giá thành và chất lượng chỗ ở của người dân.
Các cơ chế, chính sách, đặc biệt là cơ chế giao đất là một trong những điểm được phân tích nhiều trong bản hồ sơ này. UN – HABITAT đánh giá: Cơ chế giao đất còn tạo điều kiện cho độc quyền, găm giữ và đầu cơ đất đai, lãng phí đất đai cho các dự án phát triển nhà ở do đất bị bỏ hoang, bị treo do chưa có quy hoạch hay bị sử dụng sai mục đích”.
Hồ sơ này dẫn chứng: Tại các đô thị, có những dự án hàng chục hécta nằm trên các trục đất vàng bị để không. Số liệu năm 2009 cho thấy, hơn 3.7 triệu m2 đất bỏ hoang hoặc chưa sử dụng trong tổng số 6.3 triệu m2 đất do các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đang trực tiếp quản lý trên địa bàn TP.HCM.
Các doanh nghiệp nhà nước được “thuê” đất với giá bao cấp, giá thuê thấp so với giá thị trường đã cho thuê lại để hưởng chênh lệch giá.
Đề nghị lập bộ riêng để quản lý nhà
Các chuyên gia đề nghị Nhà nước cần hoàn thiện hơn nữa các chính sách quản lý, điều tiết về nhà ở, đất đai. Thậm chí bà Nguyễn Thị Hiền, chuyên gia của UN – HABITAT còn đề nghị thành lập mới Bộ Phát triển Đô thị và Nhà ở để quản lý và phát triển nhà ở như nhiều nước trên thế giới.
Nhiều chuyên gia cũng đề nghị Nhà nước cần cởi mở hơn trong việc quản lý nhà ở. Với thị trường bất động sản thay vì can thiệp (phân bổ đất đai, quản lý vốn vay ngân hàng) thì hãy chuyển sang tạo điều kiện cho thị trường này phát triển.
Cũng theo khuynh hướng “xã hội hóa” đó, bà Lowie Rosales thuộc Văn phòng khu vực châu Á – Thái Bình Dương của UN-HABITAT cho rằng, khi triển khai các chương trình giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn, các chương trình tái định cư, Nhà nước phải để người dân, chủ sở hữu ngôi nhà tham gia từ khâu đầu đến khâu cuối, hạn chế xây dựng theo phương án “chìa khóa trao tay”.
Ông Nguyễn Ninh Thực - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Các đô thị Việt Nam cũng bày tỏ sự đồng tình với phương án này. Ông Thực đưa ra trường hợp mà Hiệp hội đã làm khi cải tạo một cụm dân cư 29 hộ cũ nát ở thành phố Vinh (Nghệ An).
Khi những người nghèo cũng thống nhất với nhau, họ xây những ngôi nhà chung móng, chung tường, cùng đi mua vật liệu số lượng lớn với giá rẻ, giúp đỡ nhau về ngày công… sẽ giảm bớt rất nhiều khó khăn để có được một chỗ ở tốt.
Theo Dân Việt