* Từng vay đến 40 ngàn SGD để sang Singapore du học ngành Điện - Điện tử tại Đại học Kỹ thuật Nanyang (NTU), vậy động lực nào khiến cô "nhảy" vào ngành bảo hiểm và đã xóa hết nợ chỉ sau 6 tháng cũng như kiếm được hơn 1 triệu SGD chỉ sau 4 năm tốt nghiệp đại học? - Trước khi sang Singapore du học, tôi chưa nghĩ nhiều đến chuyện mình sẽ làm gì và trở thành người như thế nào trong tương lai vì thấy mình còn quá trẻ để bắt đầu suy nghĩ đến điều đó. Nhưng trong thời gian làm sinh viên, tôi nhận ra bố mẹ đã bước qua tuổi 50, phải lao động vất vả để nuôi con cái ăn học và phải tiết kiệm tiền để chuẩn bị về hưu - điều đó làm tôi suy nghĩ nhiều. Nếu một ngày tôi thành công thì thành công đó phải đến trước tuổi 30, chứ không phải 40 hay 50. Vì lúc đó cha mẹ vẫn còn đủ sức khỏe để tận hưởng những thành quả mà tôi gặt hái được từ chính công sức của mình - đó là được ăn ngon mặc đẹp, được thoải mái du lịch đây đó... Tôi muốn mình phải thành công khi còn trẻ không chỉ vì bản thân mà còn vì cha mẹ. Và điều đó đã khiến tôi lao vào cuộc. * Nhưng tại sao lại là lĩnh vực bảo hiểm mà không phải là lĩnh vực nào khác? Lúc đó cô làm thế nào để thuyết phục khách hàng mua bảo hiểm khi cô không hề biết tiếng Hoa, trong lúc đa số người dân ở Singapore quen dùng ngôn ngữ này?
Tôi đã suy nghĩ rất nhiều và cuối cùng quyết định theo đuổi nghề bán bảo hiểm. Với nghề này, tôi không cần vốn liếng, quá nhiều kỹ năng đặc biệt hay các mối quan hệ mà có thể tự bồi đắp kỹ năng qua các khóa đào tạo của công ty và tự mình tiếp cận bất kỳ người nào trên đường. Tôi không ngại bắt chuyện, hỏi thăm những người xa lạ ở các trạm xe buýt, trung tâm mua sắm... từ sáng đến tối để có được thông tin hữu ích và bán được các hợp đồng. Một trong những bí quyết giúp tôi thành công trong nghề này cũng như bất cứ lĩnh vực nào khác là kiên trì và làm việc tận lực, chăm chỉ. Hãy làm việc chăm chỉ trước rồi hãy nghĩ đến chuyện làm việc khôn khéo vì tôi luôn nghĩ thành công khó đến nếu bạn "đi tắt". Cứ làm cật lực thì nhất định bạn sẽ có được thành quả xứng đáng. Và hãy bắt đầu ngay từ bây giờ khi còn trẻ, vì bạn có thêm thời gian đáng kể để có thể phạm sai lầm và học từ những sai lầm đó. * Tại sao cô lại chọn tên A gift from a friend (Món quà từ một người bạn) cho quyển sách viết về thành công của mình vào năm 2006? Liệu nội dung quyển sách này có gì khác hơn so với một loạt các sách dạy làm giàu, thành công cùng xuất hiện lúc đó? - Có lẽ điểm khác biệt lớn nhất ở đây là những gì trình bày trong quyển sách không phải là của một người trí thức đạo mạo biết phải nên làm thế này thế kia nhưng chưa bao giờ tự mình làm thử mà là những kinh nghiệm, bài học thực tế do chính bản thân tôi đúc kết được trong quá trình phấn đấu để kiếm được 1 triệu SGD đầu tiên. Trong đó không hẳn chỉ có mỗi thành công mà còn có cả những thất bại, những vấp váp chua xót mà tôi đã nếm trải trên con đường phấn đấu để có được ngày hôm nay. Tôi đã tìm ra được con đường làm giàu chính đáng cho mình - từ cuối đường hầm tuyệt vọng đến con dốc cao của thành công, và tôi muốn chia sẻ điều đó với những người trẻ khác để họ biết được tôi đã đi con đường đó ra sao và họ cũng có thể đi được như thế. Đó cũng là lý do tôi chọn tên sách như một món quà dành tặng cho độc giả. Thật ra, qua quyển sách này, độc giả sẽ cảm thấy những tình huống, câu chuyện khá gần gũi với cuộc sống của mình. Chẳng qua tôi chỉ muốn giúp họ tìm ra những công cụ và nhìn thấy con đường đi đến thành công dễ dàng hơn, và vấn đề là họ phải biết cách sử dụng hiệu quả để tự mình khám phá con đường đó. * Vậy lần này sang Việt Nam diễn thuyết, cô muốn chia sẻ những điều gì với giới trẻ Việt? - Tôi rất vui khi được mời sang Việt Nam diễn thuyết và chia sẻ kinh nghiệm làm giàu với những bạn trẻ Việt Nam. Có lẽ tôi sẽ nói về hành trình kinh doanh của mình từ lúc đi học đến sau khi tốt nghiệp. Từ đó, tôi muốn chia sẻ cách suy nghĩ, tư duy chiến lược, những thói quen của các doanh nhân tỉ phú, công thức về tự do tài chính, nhận dạng và thắng những giới hạn hay thói quen đang cản trở bạn trên bước đường làm giàu... Tôi nghĩ nếu biết nắm bắt được cơ hội, trang bị đủ kỹ năng, được "lĩnh hội" "kim chỉ nam" đúng đắn thì cơ hội làm giàu cho giới trẻ Việt cũng rất cao không thua kém bất cứ bạn bè các nước trong khu vực.
V.Anh (thực hiện) |