Diễn thuyết không chỉ là nói cho người khác nghe mà còn là nghe người khác nói. Vì thế lắng nghe cũng là một phần quan trọng trong bất cứ bài diễn thuyết nào.
Chủ tịch Cuba Fidel Castro là một trong những nhà diễn thuyết
xuất sắc trong lịch sử.
Lắng nghe với thái độ tích cực
Một người diễn thuyết tốt không chỉ đem thông tin đến cho công chúng mà còn phải lắng nghe họ. Khi nghe công chúng nói, bạn sẽ biết họ có hiểu những thông tin bạn cung cấp không, và quan trọng hơn, những thông tin đó có cần cho họ không. Lắng nghe với thái độ tích cực khác với nghe thông thường, nó bao gồm cả mong muốn tiếp nhận thêm thông tin, để biết cảm xúc của công chúng, và để hiểu họ.
Một người biết lắng nghe là người:
- Dành nhiều thời gian để nghe hơn nói (nhưng đương nhiên, với tư cách là một người diễn thuyết, công việc chính của bạn vẫn là nói).
- Không nói nốt câu của người khác.
- Không trả lời câu hỏi bằng một câu hỏi khác.
- Thận trọng với những thành kiến. Mọi người đều có thành kiến, chúng ta cần kiểm soát chúng.
- Không bao giờ mơ màng hay lơ đãng khi người khác nói.
- Khuyến khích nhiều người cùng nói chứ không cố gắng thống trị cuộc đối thoại.
- Chuẩn bị câu trả lời sau khi người kia đã nói xong, chứ không phải trong lúc người kia đang nói. Điều cần tập trung là điều mà người khác nói chứ không phải điều mình sẽ trả lời.
- Phản hồi đúng lúc, nhưng không ngắt lời người khác nhiều lần.
- Phân tích điều người khác nói bằng cách xem xét mọi khía cạnh liên quan và khi cần thì hỏi những câu hỏi mở.
- Duy trì cuộc đối thoại theo những gì người khác nói, chứ không phải theo những gì mình thích.
Một phần quan trọng trong việc lắng nghe là tiếp nhận phản hồi bằng cách thay đổi hay sửa chữa thông điệp sao cho trong quá trình đối thoại, ý tứ của những người tham gia giao tiếp đều được hiểu đúng. Hãy làm việc này bằng cách diễn giải ngôn từ của người nói, nhắc lại cảm xúc hay ý tưởng của họ bằng ngôn từ của chính mình chứ không phải lặp lại ngôn từ của họ. Bạn nên nói thế này "Tôi hiểu những điều bạn nói như thế này, liệu tôi có hiểu đúng không?"
Bên cạnh giao tiếp bằng ngôn từ, hãy tận dụng cả những yêu tố phi ngôn ngữ. Gật đầu hay siết tay là thể hiện sự đồng tình, nhíu mày cho thấy bạn chưa thật hiểu ý của người nói, còn hít một hơi dài và thở ra thật mạnh thể hiện bạn không hài lòng với tình hình.
Carl Roger - một trong những người sáng lập trường phái tâm lý học nhân văn - đã liệt kê 5 loại phản hồi, được sắp xếp theo mức độ thường xuyên xuất hiện trong đối thoại (nên lưu ý rằng chúng ta thường có xu hướng phê phán hơn là cố gắng thấu hiểu):
1. Mang tính đánh giá: nhận xét về giá trị, điểm tốt hay điểm phù hợp trong điều người khác nói.
2. Mang tính diễn giải: cố gắng giải thích điều người khác nói có ý nghĩa gì.
3. Mang tính khuyến khích: cố gắng ủng hộ hay bênh vực người nói.
4. Mang tính thăm dò: cố gắng tìm hiểu thêm thông tin, tiếp tục tranh luận hay làm sáng rõ một điểm nào đó.
5. Mang tính thấu hiểu: cố gắng khám phá một cách hoàn chỉnh điều người khác muốn nói.
Kiểm soát sự căng thẳng
Sự căng thẳng chính là kẻ thù lớn nhất của người diễn thuyết. Nó làm hỏng giọng nói, tư thế và sự thoải mái. Giọng nói thì cao vút lên vì cổ họng căng ra. Vai thì so lại và bạn trở nên thiếu linh hoạt khi hai chân bắt đầu run rẩy khiến bạn không đứng vững được. Bài diễn thuyết thì "bị đóng hộp" khi người nói tự buộc mình vào những tờ ghi chú và dần dần chỉ còn đứng đọc từ những tờ giấy đó ra.
Đừng chiến đấu với sự căng thẳng, mà hãy đón nhận chúng! Khi đó bạn sẽ tập trung vào bài diễn thuyết thay vì lo nghĩ về sự căng thẳng. Khi bạn chấp nhận sự căng thẳng, bài diễn thuyết sẽ là một thử thách để bạn ngày càng tiến bộ. Nhưng nếu bạn để sự căng thẳng chiến thắng mình, bạn sẽ tự đầu hàng trước công chúng. Hãy đón nhận sự căng thẳng, nhận ra chúng và để chúng giúp bạn nhận ra ranh giới đó!
Mỗi khi căng thẳng hay lo lắng, hãy nhớ rằng ai cũng có những lúc như vậy, nhưng người thắng cuộc là người biết tận dụng những mặt tốt của nó, còn người thua cuộc chính là người để nó chi phối.
Để giảm bớt sự căng thẳng, hãy thử làm một vài bài tập nhỏ như:
- Trước khi diễn thuyết: Nằm ngửa trên sàn nhà, co đầu gối lại và thư giãn. Nhắm mắt để cảm nhận toàn bộ trọng lượng cơ thể trải đều lên lưng và cổ được duỗi ra. Hãy để cơ thể thư giãn đến từng ngón tay, bàn chân, cánh tay... Sau đó từ từ đứng dậy và cố gắng duy trì trạng thái thư giãn kể cả khi đã đứng lên.
- Nếu bạn không thể nằm xuống, hãy tập một bài thể dục đơn giản: đứng thẳng, hai chân choãi ra, thả lỏng cánh tay và các ngón tay. Khẽ lắc người, bàn tay, rồi cánh tay, vai, thân người và chân. Sau đó từ từ xoay vai sang hai bên. Khẽ xoay cổ theo chiều kim đồng hồ rồi ngược lại.
- Tự hình dung: Trước khi diễn thuyết, hãy mường tượng về căn phòng, về người nghe và về chính bạn đang diễn thuyết. Hãy mường tượng tất cả những gì bạn phải làm từ lúc bắt đầu cho đến khi kết thúc bài diễn thuyết.
- Trong khi diễn thuyết: Hãy dành cho mình vài giây thư giãn bằng cách uống nước, thở sâu, thả lỏng phần cơ thể mà bạn cảm thấy căng thẳng nhất, sau đó quay lại với bài diễn thuyết và tự nhủ "Mình sẽ làm được!"
- Bạn KHÔNG cần loại bỏ sự căng thẳng hay lo lắng! Hãy biến nó thành năng lượng để tập trung và diễn cảm.
- Hãy biết rằng công chúng không dễ dàng nhận ra sự căng thẳng hay lo lắng ở bạn như chính bản thân bạn.
- Hãy biết rằng ngay cả những nhà diễn thuyết xuất sắc nhất cũng có lúc mắc lỗi. Bí quyết là cứ bỏ qua và tiếp tục nói. Nếu bạn làm vậy thì công chúng cũng làm theo như vậy. Người thắng cuộc luôn tiến lên phía trước! Kẻ thua cuộc tự dừng lại trước khi đến đích!
- Đừng bao giờ nhờ rượu để giảm căng thẳng! Nó không những ảnh hưởng đến sự thể hiện, mà còn ảnh hưởng đến cả ý thức thể hiện của bạn. Bạn có thể không nhận ra, nhưng công chúng thì sẽ nhìn thấy đấy!