Pages

Thứ Sáu, 6 tháng 7, 2012

Bàn về diễn thuyết - Phần cuối


Phạm Quỳnh
Phạm Quỳnh - Luận giải văn học và triết học - NXB Văn hóa Thông tin - TT Văn hóa-Ngôn ngữ Đông Tây
V (Tiếp theo & Hết)
Ấy phương pháp về nghề biện thuyết và các lối diễn thuyết ở các nước Thái Tây đại lược như thế. Coi đó thời biết các nước văn minh lấy nghề này làm trọng là dường nào. Người ta nói diễn thuyết là một lợi khí của văn minh, thật quả như thế. Văn minh truyền bá được mau, nhờ học đường, nhờ báo quán, cũng có nhờ diễn thuyết một phần to, và có lẽ trong ba cái lợi khí đó, diễn thuyết lại là tiện dụng hơn cả. ở một nước mới bắt đầu khai thông như nước ta, ba cái lợi khí đó càng phải cần dùng lắm, để giúp cho việc cải lương trong nước, sự giáo dục quốc dân.

Hiện nay báo quán, học đường ta đã có, nghề diễn thuyết ta cũng phải tập mới nên. Đã hay rằng khoa ngôn ngữ là tài riêng của mỗi người, nhưng dẫu người có tài cũng phải tập thời đem ra ứng dụng mới có hiệu lực. Nước ta thiếu gì những người có tài ngôn ngữ giỏi, nhưng ít tập, vả cũng ít có dịp nói, nên không lộ được tài ra. Nay ở các tỉnh lớn đâu đâu cũng có những hội nọ hội kia, tức là những chỗ để cho người mình tập lấy nghề diễn thuyết. Dẫu không có hội sở nào, mà trong đám anh em dăm mươi người ngồi với nhau, cũng có thể mở ra một cuộc diễn thuyết nhỏ được.
Không phải là đã tập đâu được những lối diễn thuyết hùng hồn như ở các nước Âu Tây, nhưng trước hẵng tập lấy cái thói quen bất cứ nói việc gì cũng nới được có đầu có đuôi có liên tiếp, cho vỡ vạc, cho phân minh, tưởng nghề diễn thuyết, không kể cái tài riêng của mỗi người tô điểm thêm vào, rút lại chỉ có thế thôi, và như thế thời người nào dụng tâm cũng có thể học tập được, dẫu không thành một tay hùng biện, cũng đủ tư cách nói được ở chỗ công chúng để đối phó với những cơ hội thông thường ở đời.
Danh sĩ nước Pháp Pascal có nói rằng: “Có người nói giỏi mà viết không hay. Là bởi vào chỗ đám đông, trông thấy nhiều người, như hăng hái người lên, tinh thần thành ra minh mẫn hơn lúc bình thường”.
Người nào như thế thời tập nghề diễn thuyết dễ và mau lắm. Tưởng chỉ phải châm chước mà theo những điều đại cương như trên kia đã nói về sự sáng ý, sự bố cục sự lập từ, v.v… là đủ không cần phải kì khu cho lắm, vì diễn thuyết cũng như làm văn, càng có vẻ tự nhiên càng hay. Đã có tư cách nói được, thời chỉ cốt tập lấy cho có ý kiến chính đáng, tư tưởng dồi dào mà thôi. Nhà diễn thuyết cũng như nhà làm văn, trước khi viết, trước khi nói, phải có tư tưởng, đã tư tưởng chín rồi thời không sợ nói không hoạt, viết không thông. Song, không phải là ai ai cũng có cái khiếu ngôn ngữ tự nhiên như thế. Nhiều người lại trái lại câu của Pascal, làm văn được mà nói không hay, hoặc vì tiếng nhỏ giọng yếu, hoặc vì nói lắp nói ngọng, phần nhiều là vì có tính thẹn cả, ra đến chỗ đông người thời hay bối rối, không có thần trí vững vàng mà nói cho hay được. Những người nào như thế thời có luyện tập cũng có bổ cứu được ít nhiều.
Hiện nay ở nước Pháp, có nhiều nhà bác học chuyên trị về khoa nhân thanh học (laryngologie), tìm được những phép chữa sửa tiếng nói người ta. Nghe đâu những phép ấy ứng dụng ra hiệu nghiệm lắm, nhưng muốn diễn giải cho tường phải là tay chuyên môn mới được, vậy kí giả không thuật lại đây làm gì, vì cũng không thuộc vào phạm vi bài này. Vả những người tiếng nói có tật như ngọng, lắp, chẳng qua là một số ít, còn những người thanh điệu bình thường, chỉ vì không quen nói nên nói không thạo thời là số nhiều. Nay những người ấy thời phải dùng phương pháp gì để luyện tập cho thành nghề diễn thuyết? Thiết tưởng không quen nói thời phải nên nói cho quen. Dù khi nói chuyện tầm thường cũng nên sửa sang lời nói, định kể một việc gì, diễn một ý gì, phải lựa dùng những tiếng cho thích đáng, đừng tưởng rằng câu chuyện thường mà không chú ý, vì cái thói quen nó nhiễm tự việc nhỏ mà đi. Người nói chuyện hoạt là người diễn thuyết giỏi. Vậy muốn tập diễn thuyết phải tập nói chuyện trước.
Hiện nay trong phái Tây học ở nước ta có một thói quen rất phương hại cho tiếng nói nước nhà: là trừ những câu nhật dụng thường đàm, động nói đến sự gì cao kiến một chút, thời dùng tiếng Tây; cũng có khi đương nói chuyện tiếng ta, đem pha ít nhiều câu tiếng Tây vào, thành ra một thứ tiếng bác tạp, rất là khó nghe. Như vậy thời tiếng Việt Nam ta bao giờ cho thành văn được, bao giờ dùng để diễn thuyết được? Thiết tưởng trừ khi giao thiệp với người Tây, còn người mình nói với nhau, chỉ nên dùng tiếng nước mình, không những dùng để nói những câu chuyện thường, phải dùng để nói những chuyện cao xa nữa, dẫu lúc đầu có không đủ tiếng dùng, hơi khó một chút, mà tập mãi thành quen, rồi có ngày thành dung dị. Tạo vật sinh ra mỗi giọng có một thứ tiếng riêng, mình nói một tiếng nước mình dầu vụng dại cũng còn hơn là nói tiếng nước ngoài. Nói thế không phải là khuyên người nước ta không nên dùng tiếng Pháp đâu. Nên ước ao rằng trong nước có nhiều những tay Pháp học cao thâm, để mà đem những tư tưởng học thuật của Pháp ban bố trong quốc dân, chẳng là giúp cho văn minh tiến hóa được nhiều dư? Nhưng muốn truyền bá văn minh học thuật của Pháp không thể dùng tiếng Tây mà truyền bá được, tất phải dùng đến tiếng ta, như vậy mà tiếng ta không chịu luyện tập thời dùng sao cho được việc? Động nói đến vấn đề tiếng Việt Nam là các nhà Tây học ta phàn nàn rằng tiếng Việt Nam nghèo lắm, không đủ dùng, dường như tư tưởng học thức của các bậc ấy cao xa siêu việt quá, nói ra tiếng mình không được? Nhưng giả thiết tiếng Việt Nam nghèo thật, thời lỗi ấy tại ai? Họ chẳng phải tại phái tân học ta đã túy tâm về tiếng Tây quá, đến nỗi nhãng bỏ hẳn tiếng nước mình, không biết bắt chước như người Nhật người Tàu ra công dịch thuật những tân thư ra quốc âm, để giúp cho tiếng nước nhà mỗi ngày một phong phú thêm lên.
Người Nhật Bản hồi mới duy tân cũng phải cái khổ thiếu tiếng như mình; nhưng phái tân học Nhật Bản là những người có chí, trong hại ba mươi năm trời gắng công cùng sức dịch hết những tân danh từ của Thái Tây ra tiếng mình, lúc đầu mới dùng cũng hơi lạ tai khó nghe một chút, không khỏi các nhà cựu học bĩu miệng chê bai, không khỏi những kẻ không biết làm thinh không thiết, nhưng dùng mãi thành quen, dần dần thành một thứ tiếng mới thông dụng suốt trong nước; không những thông dụng trong một nước Nhật Bản, mà vì lẽ đồng văn người Tàu đến sau cũng bắt chước để dịch thuật các sách mới. Vả lại cuộc đời mỗi ngày một thay đổi, thời tiếng nói cũng phải mỗi ngày một mới ra, mới đủ sự cần dùng. Ngay ở các nước Âu Tây, không ngày nào là không đặt ra những danh từ mới để chỉ những tư tưởng mới, sự vật mới. Huống nước ta về đường văn minh học thuật mới chửa có gì cả, nhất thiết như còn phải tân tạo hết, trách chi riêng ta còn chửa được hoàn toàn.
Nhưng phận sự bọn tân học chính là phải giúp công mà gây dựng cho tiếng nước nhà được hoàn thiện, để dùng làm cái lợi khí mà truyền bá những văn minh học thuật mới trong quốc dân. Hoặc giúp bằng văn chương, hoặc giúp bằng lời nói; giúp bằng lời nói tức là lối diễn thuyết. Diễn thuyết có cái sức mạnh thế nào, trên kia đã nói tường. Nay kết luận bài này, chỉ xin nguyện các anh em đồng chí ta nên lưu tâm chú ý mà tập dùng lấy cái lợi khí văn minh đó. Đương buổi bây giờ, phàm cái gì giúp được cho sự khai hóa trong nước, không nên bỏ phí. Tạo vật đã sinh cho người giống mình một thứ tiếng nói riêng, tiếng ấy tuy chưa được tốt đẹp cho lắm, nhưng đã kinh bao nhiêu đời đoàn luyện, cũng đủ dùng cho sự truyền bá tư tưởng trong một nước với nhau, ta họ lại nên khinh thường nhãng hộ mà không biết lợi dụng dư?
(1921)